Trên trang web trannhuong.com ngày 18-11 có đăng bài “ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÔNG THỂ PHÁT BIỂU VI HIẾN” của Luật gia Trần Đình Thu. Theo bài viết này: Đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước đã làm nóng dư luận khi nêu vấn đề liên quan đến 2 dự luật Luật biểu tình và Luật lập hội tại diễn đàn quốc hội. Bằng một số lập luận ngắn, ông kết luận cần phải loại bỏ 2 luật này ra khỏi chương trình nghị sự quốc hội trong suốt khóa XIII và còn ám chỉ cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống chính trị của xã hội Việt Nam.
Luật gia Trần Đình Thu cũng lập luận: Quyền tự do lập hội, tự do biểu tình là 2 trong 5 quyền cơ bản của công dân được ghi rõ trong các văn bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (5 quyền là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do biểu tình) thế mà ông Phước gọi là “cái gọi là”, một cách gọi hết sức miệt thị. Cách gọi này của ông Phước chẳng những vô nguyên tắc mà thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường hiến pháp, coi thường quốc hội các khóa trước….
Về Luật biểu tình, nhân đây tôi gửi đến trang web trannhuong.com để cùng mở rộng đường dư luận, trao đổi những ý kiến cá nhân như sau:
Vừa qua, báo chí chính thống trong nước và truyền thông ngoài nước đều có phản ánh việc một số người họp nhóm, tuần hành trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM vào ngày 5-6 và ngày 12-6 để thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, bày tỏ thái độ phản đối việc tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 và tàu Viking 2 khi các tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo thông tin, những người này tụ tập một cách trật tự, một số có khẩu hiệu phản đối hành động của phía Trung Quốc bằng giấy A4 với thái độ bình tĩnh, ôn hòa. Nhưng khi tường thuật lại sự việc, báo chí và truyền thông trong và ngoài nước có cách “gọi tên” khác nhau: người nói là “tụ tập đông người”, kẻ gọi “biểu tình phản đối Trung Quốc”.
Thực ra, bản chất vấn đề chỉ là một: là sự bày tỏ thái độ, quan điểm thông qua hình thức bất bạo động. Song, trong cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả báo Công an Nhân dân Online nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6 (nguồn: Vietnamnet ngày 17-6-2011), có ý kiến thắc mắc về vấn đề này, một vị Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW cho rằng: “Đó là hành động người Việt Nam biểu thị lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phản đối nước ngoài đối với quyền chủ quyền của mình” ... “Việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi”. Người viết bài này cũng không có ý định “lạm bàn” về vấn đề trên, nhưng bỗng nhớ lại cách nói rất hay, vừa thiện chí, vừa thẳng thắn và cương quyết của Bộ trưởng Quốc phòng nước ta, Đại tướng Phùng Quang Thanh trong cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt bên lề đối thoại Shangri-La 10 tại Singapore: “Bài phát biểu của tôi sẽ đề cập đến sự việc tàu Bình Minh 02 một cách khách quan để khu vực và thế giới hiểu đúng. Dù tôi không đề cập thì thế giới cũng biết rõ vì trên tàu Bình Minh 02 có thuyền trưởng là người Nga và có thủy thủ đoàn mang nhiều quốc tịch khác nhau” (Báo Tuổi Trẻ ngày 04-6-11). Dù không nói thì thế giới cũng biết, nhưng phải nói để tỏ thái độ, bởi vì nếu chọn lựa cách không nói thì thực ra cũng đã “nói lên” thái độ “thụ động” trước một sự việc cần thiết phải “chủ động”. Người đứng đầu quân đội nước ta và là đại diện cao nhất của Việt Nam tại Shangri-La 10 đã chọn lựa cách ứng xử đúng mực. Cũng với suy nghĩa tương tự, người ta thấy Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đã “phê bình” thái độ của chính quyền Obama: «Khi Hoa Kỳ tuyên bố không lấy lập trường trong vấn đề tranh chấp chủ quyền có nghĩa là đã có lập trường».
Báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng, từ khi ra đời đã mang tính chiến đấu, chiến đấu để xây dựng. Nhiều tác phẩm báo chí đã thúc giục lớp lớp người xông ra mặt trận, không tiếc máu xương giành lấy độc lập, tự do và giải phóng dân tộc, báo chí đã góp phần động viên bao thế hệ già, trẻ, gái, trai hăng sai lao động, học tập; báo chí đã góp phần dẹp bỏ những phần tử sâu mọt hai nước, hại dân … bằng thái độ không khoan nhượng, bằng sự thật khách quan thuyết phục, bằng ngôn ngữ báo chí rất đặc thù – Báo chí cách mạng Việt Nam. Vì vậy, sự thật thế nào, báo chí luôn gọi đúng tên thế ấy.
Trở lại sự việc đã nêu, nên gọi là “biểu tình” hay “tụ tập đông người”? Biểu tình (theo Từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia), là hình thức biểu thị bằng hành động bất bạo động của một nhóm người, thường tụ họp vào một nơi hay diễu hành trên đường phố để bày tỏ một cách công khai quan điểm ủng hộ hay phản đối một vấn đề, thường nhằm mục đích gây sức ép cho một thay đổi nhất định. Biểu tình là một hình thức hoạt động tích cực. Người ta nghi nhận, khái niệm này được phát triển bởi Mahatma Gandhi trong Phong trào độc lập Ấn Độ và bởi Martin Luther King trong Phong trào Dân quyền Mỹ.
Hiện nay, nhiều người còn ngại dùng từ biểu tình. Nhưng xin thưa, biểu tình là quyền của công dân Việt Nam được luật pháp bảo vệ. Nó được trang trọng ghi nhận tại Điều 69, Hiến pháp 1992 của nước ta: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”. Vấn đề là cần phải được tiến hành trong trật tự và “theo qui định của pháp luật”. Hiện nay, ta chưa có Luật biểu tình, cần sớm xây dựng, ban hành đạo luật quan trọng này để cụ thể hóa Điều 69 Hiến pháp; nhưng “quyền biểu tình” không vì vậy mà không thể được thực thi cũng như hành động “biểu tình”, cả cả biểu tình theo đúng qui định pháp luật (Hiến pháp) không vì vậy mà trở thành việc khó gọi tên.
T.H.H