Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BA NĂM SÔNG CHẢY

Vũ Xuân Tửu
Thứ sáu ngày 18 tháng 11 năm 2011 6:30 AM

Nhìn lại, ba năm
 Thấm thoắt, thế mà Chi hội nhà văn Sông Chảy đã ra đời được 3 năm. Cơm lần gạo lượt, mỗi năm, tổ chức họp mặt tại một tỉnh: năm đầu thành lập, tại Yên Bái, năm sau, lên Sa Pa (Lao Cai), rồi đến Tuyên Quang, và bây giờ, lại sơ kết 3 năm, từ 15-17/11/2011, tại Yên Bái.
Nhà văn Hà Lâm Kỳ, Chi hội trưởng, báo cáo sơ kết 3 năm. Ba năm, vẫn với số lượng 11 nhà văn, sinh hoạt tại 3 tỉnh, nhưng đã ra được 25 tập sách, gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, kịch bản phim… Các nhà văn trăn trở về công tác phát triển hội viên, phải chú trọng những cây bút trẻ, kế cận và mong muốn mở rộng địa bàn hoạt động lên Hà Giang, đầu nguồn sông Chảy. Năm tới, chi hội sẽ tổ chức hội thảo tác giả, tác phẩm và phối hợp mở trại sáng tác văn học, chung 3 tỉnh.

Qua Chiến khu Vần
Đoàn nhà văn Sông Chảy, đi thực tế, về đề tài Nông thôn, nông nghiệp, nông thôn  miền núi, băng qua Chiến khu Vần. Đó là chiến khu thời kháng chiến chống Pháp. Nơi đây, có trận chiến đấu nổi tiếng ở đèo Din. Nhà văn Hà Lâm Kỳ, lấy tư liệu viết cuốn Kỷ vật để lại. Cuốn sách có tiếng vang, khiến trung ương và địa phương cùng quan tâm. Sau đó, nhà nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho xã Đại Lịch và thiếu niên liệt sỹ Hoàng Văn Thọ, 16 tuổi. Đoàn đã thắp hương tại đài liệt sỹ xã Đại Lịch, bia khắc tên 96 liệt sỹ và thăm nhà tưởng niệm Hoàng Văn Thọ.
Ven tuyến đường qua chiến khu, thời chống Mỹ, là nơi giam giữ tù binh Việt Nam cộng hòa, bị bắt trong trận Đường Chín Nam Lào. Hang Dơi, là nơi từng giam giữ đại tá Nguyễn Văn Thọ. Họ đã mở đường và khai khẩn nông trường chè Vân Hội, về sau giao lại cho công nhân, đổi tên thành nông trường Âu Lâu. Nhắc đến Âu Lâu, chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Lê Đạt: “Chiều Âu Lâu bóng chữ đọng chân cầu”.

Suối Giàng, cần có 10 nhà thơ Mông
Đoàn lên thăm Suối Giàng, độ cao 1000 mét, so với mực nước biển. Nơi đây, có những cây chè cổ thụ,  có cây đã 300 tnăm tuổi. Mỗi năm, xã thu được từ 300 tấn đến 500 tấn chè búp tươi. Mỗi cân chè tươi, có giá 25 000 đồng. Đó là khoản thu nhập đáng kể của người Mông.
Tôi hỏi, từ Suối Giàng, nghĩa là gì? Thì được trả lời, tên gốc là Khi Giàng, nghĩa là Bầu trời ngửa ra phía sau! Cạnh trụ sở ủy ban xã, có nhà văn hóa thôn Pang Cáng, (nghĩa là Ao Ếch). Dân ở đây, 98% là người Mông Xi (Mông Xanh), cư trú tại 8 thôn. Tôi hỏi anh Giàng A Đằng, bí thư đảng ủy, xã có mấy người làm thơ? Anh trả lời, chưa có. Tôi bảo, mỗi thôn bản nên có 1 nhà thơ, cả xã cần có 10 nhà thơ, đặt lời mới cho các bài dân ca Mông, phục vụ du lịch và phát triển văn hóa. Xã cũng nên đề nghị huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, hỗ trợ sớm đăng ký thương hiệu Chè Suối Giàng, kẻo bị nước ngoài cướp mất đấy. Xã cũng nên tổ chức, hướng dẫn các nhà dân sắp xếp chỗ nghỉ trọ, cho du khách, tăng nguồn thu.
Tại Suối Giàng, Bí thư huyện ủy Văn Chấn, thuyết trình về sự đổi mới tư duy lãnh đạo, khắc phục tình trạng tư duy nhiệm kỳ. Mỗi nhiệm kỳ cố công làm một công trình gì đó, lấy thành tích, nhưng thường bị đời sau phá đi, vì lạc hậu, gây tốn kém tiền của. Cái quan trọng nhất là quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đó mới là vốn quý cho mai sau.

Hoa ban đâu?
Ngược lên Nghĩa Lộ, hai bên đường, dân phơi đầy những tờ gỗ mỏng, bóc từ cây keo, để xuất sang Trung Quốc làm ván ép. Nhiều nhà bày bán đá cảnh. Loại đá núi, khi được mài dũa thì nổi vân và lên da xanh, nom rất lạ kỳ. Có tảng đá lớn, gia công thành cái sập, nghe nói, giá 1 tỷ đồng.
Sương mù tan, đồi núi hiện ra hùng vỹ, nhưng chẳng thấy hoa ban đâu cả. Hoa ban đâu rồi, Tây Bắc ơi?
Chuyến này, thiếu trang mạng trannhuong.com của bác Trần Nhương và vanvn.net của Hội Nhà văn, vẫn thường gắn bó với chi hội nhà văn Sông Chảy trong những kỳ cuộc, nên thông tin không cập nhật và kém phần sinh động
Tạm biệt Tây Bắc, mấy nhà văn lại đi Lạng Sơn, dự hội nghị của Hội Văn học- Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; sau đó, sẽ đi thực tế vùng than Quảng Ninh.

Tuyên Quang, 17/11/2011
V.X.T