Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẦY CHỦ NHIỆM CỦA LỚP TÔI

• Huệ Triệu
Thứ sáu ngày 18 tháng 11 năm 2011 9:37 PM
 
       Tôi muốn dùng nhóm từ giản dị này để viết về thầy, thầy chủ nhiệm yêu quý của lớp chúng tôi, GS. NGƯT Nguyễn Khắc Phi. Thấm thoát đã 23 năm trôi qua, kể từ ngày chúng tôi xa "mái nhà ấm” (cách dùng từ của TS. Chu Văn Sơn) khoa Văn đại học sư phạm I Hà Nội. Dòng chảy thời gian làm nhòa mờ, cuốn theo nhiều thứ, nhưng cũng có những giá trị lại đậm màu hơn, thiêng liêng hơn. Cái điều thiêng liêng đáng tự hào ấy là sự yêu kính mà lớp chúng tôi mãi mãi dành cho thầy chủ nhiệm của mình.
      Có thể chắn chắc một điều rằng không một lớp sinh viên nào của khoa Văn đại học sư phạm thời ấy (và cả bây giờ) lại không ghen tị với lớp chúng tôi, vì những chăm sóc, ưu ái mà thầy Nguyễn Khắc Phi dành cho mọi thành viên trong lớp. Lớp tôi là một trong những lớp SV hệ 5 năm đặc biệt của khoa Văn đại học sư phạm I. Hồi đó, khoa văn thực hiện đề tài thí điểm hệ 5 năm đặc biệt (sau 5 năm, SV học hệ đặc biệt sẽ cùng nhận bằng tốt nghiệp Đại học và Sau đại học). GS. NGND Nguyễn Đình Chú – chủ nhiệm đề tài cùng các thầy cô trong khoa lúc đó đã cùng kỳ vọng và dành cho 3 lớp SV hệ đặc biệt này nhiều thuận lợi, quan tâm (sau này khoa Văn có tuyển thêm một lớp đặc biệt nữa). Chúng tôi vinh dự được học với những GS đầu ngành, những người thầy ưu tú, xuất sắc nhất. Đó là các GS. Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Khắc Phi, Phan Trọng Luận, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Nguyễn Hoành Khung, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào … Và chẳng cứ gì các lớp 5 năm, tất cả SV khoa Văn chúng tôi đều được hưởng tất cả những gì thân thương ấm áp nhất từ các thầy. Để bây giờ, dù đi bất cứ nơi nào, nếu có gặp nhau, lại òa vỡ vui mừng và hãnh diện "khoa Văn mình …”.
     Thành thật mà nói, thì bên cạnh niềm tự hào, kiêu hãnh vì được là SV hệ đặc biệt, lớp chúng tôi cũng có chút "ấm ức”, ghen tỵ với hai lớp văn 5 đi trước, vì hầu hết các anh chị ấy đều được giữ lại trường, được ưu ái hơn lớp "con út” chúng tôi. Tốt nghiệp, chúng tôi hầu hết ai ở tỉnh nào thì về … tỉnh ấy, và tất nhiên, mang cả những "ấm ức” ấy đi cùng! Những năm mới ra trường, 10 thành viên của lớp, không ít thì nhiều, cũng đều nếm trải những long đong, vất vả. Một số ít ở lại Hà Nội, còn lại đứa dạy ở Nam Định, người về Phú Thọ, Bắc Giang, và trôi dạt vào tuốt phương Nam nắng gió, là tôi ! Bây giờ nghĩ lại, bỗng thấy rưng rưng, cay xè khóe mắt, bởi trong những vất vả, long đong ấy của từng đứa, luôn có bên cạnh thầy chủ nhiệm của chúng tôi. Thời ấy, gian khổ khó khăn, thầy đạp xe mấy chục cây số về Bắc Giang dự đám cưới học trò của mình – anh lớp trưởng Nguyễn Duy Kha, rồi tất tả đạp xe cũng mấy chục cây số về động viên, thăm hỏi một đứa học trò khác – Nguyễn Thị Nương ở Hà Tây … Những năm đầu vào sống tại TP. HCM, tôi ít có dịp được gặp thầy, thầm ghen tỵ với lũ bạn ở ngoài Bắc và thực ra vẫn còn giữ một chút hờn dỗi trẻ con vì thời SV, tôi vốn không phải là đứa được thầy dành cho nhiều chú ý. Sau này, biết thầy thỉnh thoảng đi công tác ở Sài Gòn, tôi thường cố liên lạc, mong gặp thầy. Có lần, tôi mời được thầy đến nhà chơi và đã nhờ anh Vũ Trọng Thanh (cũng học lớp văn 5 hệ đặc biệt, trên tôi một khóa, hiện là phó tổng biên tập tạp chí Thế giới mới) đi đón thầy, phần vì sợ thầy vất vả, phần vì lo thầy không tìm được nhà mình giữa "mê hồn trận” những con hẻm ngoằn nghoèo, sâu hun hút của quận 4. Anh Vũ Trọng Thanh chưa kịp đón thầy, còn tôi và người bạn cùng lớp (TS. Nguyễn Thị Hồng Vân – mới từ Hà Nội vào công tác) vừa dừng xe, đã thấy thầy đứng trước cửa nhà mình. Hóa ra, thầy đi xe ôm đến, và rất nhanh chóng tìm đến đúng nhà tôi. Thầy chủ nhiệm của chúng tôi đấy, vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, giản dị như thế, sau chừng ấy năm !
     Hẳn nhiên là mỗi đứa chúng tôi đều lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ về thầy chủ nhiệm, về lớp văn 5 yêu quý của mình. Nhưng có những kỷ niệm đã trở thành thứ "tài sản” quý giá chung của lớp chúng tôi, để mỗi khi gặp lại nhau, chỉ cần vừa mới gọi tên, là bao nhiêu cái miệng cùng tranh nhau nói, tranh nhau kể … Trong suy nghĩ của chúng tôi, thì chẳng có ai gắn bó, gần gũi với học trò bằng thầy chủ nhiệm của mình. Chuyến đi Côn Sơn năm thứ hai ấy thật vui. Mê mải leo núi, lúc đói bụng mở cơm ra ăn, lại chẳng có đũa bát gì. Thế là thầy trò tôi cùng ăn cơm giữa lộng gió Côn Sơn với những đôi đũa bẻ từ nhánh cây rừng. Nhớ nhất là buổi học Kinh Thi với thầy, thầy trò say sưa đến nỗi lúc kết thúc bài học thì đã quá trưa, bếp ăn tập thể đã đóng cửa từ hồi nào. Gom góp cả lớp được mấy bò gạo nấu một nồi cơm muộn, thức ăn thì chỉ có một nồi canh rau cải, chút muối lạc … nhưng với chúng tôi, bữa cơm đạm bạc ấy ấm áp vô cùng vì có thầy chủ nhiệm. Bạn tôi, TS. Nguyễn Thị Hồng Vân hay nhắc lại hình ảnh đã trở thành quen thuộc : dáng thầy gầy gò đi xe đạp từ nhà ở khu tập thể trường Đại học Y Hà Nội đến thăm chúng tôi trong khu ký túc xá đại học sư phạm. Lúc ở nhà A7, lúc chuyển sang nhà A9, chúng tôi luôn có thầy đi theo chăm sóc, gần gũi, bảo ban. Có lần, mùa đông, thầy đau khớp lắm, nhưng vẫn cố gắng đến thăm chúng tôi. Không nói ra, nhưng cả 6 đứa con gái cùng thấy lòng se lại… Có thầy, lũ SV xa nhà chúng tôi như tìm thấy một điểm tựa vững vàng. Thầy có mặt chia vui trong những buổi liên hoan sinh nhật đầy ắp tiếng cười, thầy có mặt an ủi trong cả những nỗi buồn, đổ vỡ … của chúng tôi. Từ những năm tháng ấy, chúng tôi đã luôn coi thầy như một người bạn lớn thân thiết, không thể thiếu. Còn thầy, thầy hay nói "lớp tôi” …
      Bây giờ thì thầy chủ nhiệm – GS. Nguyễn Khắc Phi đã có thể tự hào về cái lớp "con út” ấy của thầy rồi. Thầy hãnh diện cũng là phải, lớp trưởng Nguyễn Duy Kha giờ là trưởng phòng Cục khảo thí - Bộ GD và ĐT, TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, TS. Trần Hiền Lương là cán bộ Viện Nghiên cứu giáo dục- Bộ GD và ĐT, TS. Nguyễn Thị Nương là giảng viên khoa Ngữ văn đại học Sư phạm Hà Nội, ThS. Trần Ngọc Hiển công tác ở Sở giáo dục Nam Định, ThS. Đỗ Thị Dung – giảng viên đại học Luật Hà Nội đang làm nghiên cứu sinh, ThS. Chu Thị Lý ở phòng giáo dục quận Đống Đa, ThS. Trần Túy ở trường Cao đẳng sư phạm Buôn Mê Thuột, và tôi, đang giảng dạy ở một ngôi trường nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc, thăm hỏi động viên nhau, tóm lại vẫn thân thiết gắn bó như ngày nào. Điều quan trọng nhất, là chúng tôi, sau chừng ấy thăng trầm, vẫn luôn có thầy chủ nhiệm !
      Cuối cùng thì trong lớp, chỉ còn lại duy nhất tôi là đang làm công việc giảng dạy trực tiếp ở trường phổ thông. Gần hai mươi năm đứng lớp, tôi vẫn thấy công việc dạy văn luôn là một thứ công vệc đầy hạnh phúc, nhưng thật lắm nhọc nhằn. Mỗi giờ dạy văn, là một lần gắng gỏi, nỗ lực vì không chỉ đơn giản là vấn đề truyền thụ kiến thức, mà còn làm sao thấy được ánh mắt học trò sáng lên niềm thích thú, say mê. Mỗi lần trăn trở, băn khoăn vì cảm thấy mình chưa mấy thành công, tôi hay nhớ về những bài giảng của GS Nguyễn Khắc Phi. Phải nói rằng, đến tận bây giờ lòng vẫn thầm kinh ngạc không chỉ bởi kiến thức uyên thâm, mà là sức mạnh của sự cuốn hút kì lạ trong bài giảng của thầy. Nghe một lần thầy giảng về Đỗ Phủ, Lí Bạch, Bạch Cư Dị … là thêm một lần ám ảnh, thêm một lần ngưỡng mộ, về tài, về niềm đam mê hiếm có, mà nói cho cùng là cái tâm đối với người, với nghề của thầy chủ nhiệm lớp chúng tôi.
      Những ngày đầu tháng 11 này, tiết trời thành phố Hồ Chí Minh trở lạnh, như có gió heo may, gợi nhắc bao nhiêu kỷ niệm của những đứa con xa xứ. Tôi bỗng nhớ một chiều heo may như thế, cả lớp văn 5 chúng tôi, đến chúc mừng thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với bó cúc đại đóa vàng rực trên tay, và thầy chủ nhiệm của chúng tôi – GS. Nguyễn Khắc Phi xuất hiện cùng nụ cười rạng rỡ và ấm áp… 
   
Thành phố HCM, một ngày đầu tháng 11/ 2010 
  H.T
   *Ghi chú : Bài viết đã đăng trên Tạp chí Thế Giới Mới số 911 ngày 22/11/2010