Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TƯỞNG NHỚ LỄ NGHI HỌC SĨ NGUYỄN THỊ LỘ

Trần Vân Hạc
Thứ năm ngày 17 tháng 11 năm 2011 9:17 PM
 
Vào đầu năm học mới 2011. 2012, tại khu di tích lịch sử văn hóa Lệ Chi Viên (Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh, nơi cách đây 559 năm, công thần Nguyễn Trãi cùng vợ thứ là Nguyễn Thị Lộ và ba họ bị tru di), “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ” cùng các cấp lãnh đạo xã Đại Lai đã long trọng khánh thành tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ - nữ nhà giáo đầu tiên của Việt Nam, một nhà giáo dục xuất sắc.
Sử sách ghi: Nguyễn Thị Lộ quê làng Hải Triều (còn gọi là Hải Hồ) tục gọi làng Hới, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Nguyễn Thị Lộ sinh vào đời Hồ (1400) và mất vào thời Lê Thái Tổ (1442). Bà sinh trong một gia đình khá giả, cha là Nguyễn Mỗ, biết chữ, có nghề xem mạch bốc thuốc. Từ nhỏ bà đã thuộc lòng các sách Tứ thư, Ngũ kinh, Nam sử, Nam y, Nam dược, có tài xuất khẩu thành thơ, nổi tiếng là người đẹp nhất vùng. Sau khi cha qua đời, bà phải cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em, phải đem chiếu đi bán và trong một lần lên kinh thành bán chiếu bà đã gặp Nguyễn Trãi, rồi trở thành người bạn đời của ông. Đây là cuộc gặp gỡ của giai nhân tài tử. Nguyễn Thị Lộ cùng Nguyễn Trãi vào Lam Sơn tụ nghĩa, bà là trợ thủ đắc lực cho ông trong mọi công việc và làm thày dạy con em thủ lĩnh và nghĩa quân. Khi vua Lê Thái Tông lên ngôi, biết Nguyễn Thị Lộ là người tài đức nên tuyển vào cung, phong làm Lễ nghi học sĩ, thay mặt vua và hoàng hậu quản lý mọi việc trong cung, lập lại kỷ cương trong cung, dạy cung nữ và giảng sách cho vua. Nguyễn Thị Lộ là người phụ nữ đầu tiên ở chức vụ này. Đây là sự kiện chưa từng có ở chế độ phong kiến Việt Nam do tư tưởng trọng nam khinh nữ, điều đó khẳng định Nguyễn Thị Lộ là người phụ nữ thông tuệ, giỏi giang, trí đức hơn người. Đánh giá về vai trò của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, sử thần Vũ Quỳnh (1452 - 1516) khen: “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước. Cậu bé bất trị nay đổi thành một “Minh Quân” khác hẳn trước”.
Theo Ðại Việt sử ký toàn thư: tháng 8, ngày mồng 4 (năm Nhâm Tuất, tức 1442) vua Lê Thái Tông đi tuần miền đông, về đến vườn Lệ Chi, xã Ðại Lai bên sông Thiên Ðức, huyện Gia Ðịnh (nay là huyện Gia Bình, Bắc Ninh), bỗng bị ác bệnh rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang và gán cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua, Nguyễn Trãi là đồng chủ mưu. Ngày 16, Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ bị giết.
Sau này, năm 1464 vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi, người ta hiểu được nguyên nhân sâu sa của vụ án là những mưu đồ chính trị, hãm hại trung thần, tranh đoạt ngôi báu, mà thủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông, vốn rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ - hai người đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ Lê Thánh Tông sau này thoát khỏi âm mưu sát hại của bà ta. Sâu xa hơn, đó là sự ghen ghét, đố kỵ của một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng lỗi lạc và tính tình ngay thẳng, cương trực của Nguyễn Trãi – điều luôn cản trở những việc làm mờ ám của chúng. Sau đó nhân dân ta đã lập đền thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại thôn Khuyến Lương - (Trần Phú, Hoàng Mai, Hà Nội) gần đền thờ Nguyễn Trãi. Tuy vậy sử sách phong kiến vẫn có những đánh giá nặng nề về Nguyễn Thị Lộ.
Hơn 500 năm sau, nhân dân đã minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Nhờ có sự vận động tích cực của “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ” do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc là hội chủ, một cuộc hội thảo khoa học lớn về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã được tổ chức ở Khuyến Lương ngày 19-12-2002, Những tham luận quan trọng trong hội thảo được tập hợp trong cuốn kỷ yếu nhan đề: “Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên”, do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc tổ chức và chủ biên (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2004). Trong đó có nhiều bài tham luận rất quan trọng, có giá trị và có sức thuyết phục cao của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam như: Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Tiến sỹ Đinh Công Vĩ, Giáo sư TSKH Phan Đăng Nhật, Phó giáo sư Chu Quang Trứ... Trong cuộc hội thảo quan trọng này, các nhà khoa học, bằng những cứ liệu chắc chắn mới phát hiện có tính khách quan đã đánh giá đúng tài năng, đức độ cùng những cống hiến to lớn của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ: “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã dâng trọn cuộc đời cho sự bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Đại Việt… bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa” - giáo sư Vũ Khiêu. “Bà đã soạn thảo và cho chấn chỉnh nhiều phong tục từ trong cung cho đến ngoài triều… xin chỉ dụ của Vua để mở mang học vấn dân tộc, khuyến khích phụ nữ học chữ thánh hiền” - nữ sỹ Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền. “Ý kiến của Nguyễn Thị Lộ không đóng khung nơi cung cấm mà lại thành một chủ trương chỉnh đốn phong tục cả nước. Sử sách chép rõ điều này… Có thể không quá lời khi nói rằng Nguyễn Thị Lộ chưa có bạn đồng hành nào đi trên con đường cải tạo phong tục Việt Nam từ xưa đến nay” - Phó giáo sư Vũ Ngọc Khánh - (Lễ Nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên - Nhà xuất bản văn hóa Thông tin, năm 2004)…
 Năm 2009 tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bằng đồng được dựng tại Tân Lễ (Hưng Hà, Thái Bình) quê hương của Đức Bà. Ngay sau đó “Câu lạc bộ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ” được thành lập ở đây với mục đích khuyến học khuyến tài và đi vào hoạt động rất hiệu quả, đã phát triển được nhiều chi hội ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm nay, vào đầu những ngày tháng 9 rộn rã khai trường và nhân dịp ngày giỗ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ (16.8 âm), tại Lệ Chi Viên, đã long trọng khánh thành tượng Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Tượng được tạc bằng đá trắng nguyên khối, trang trọng ngự bên trái ngôi đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, tay Lễ nghi học sĩ cầm bút như đang viết lên trời xanh tấm lòng trong trắng trung trinh cùng hoài bão lớn lao của những người anh hùng vì dân vì nước. Sau lưng là dãy núi Thiên Thai hình rồng chín khúc, nơi đã sinh ra vị danh nhân đất nước: Thái sư Lê Văn Thịnh (đỗ thủ khoa năm 1075 kỳ thi Minh kinh bác học thời Lý Nhân Tông - tức là thủ khoa về khoa cử đầu tiên của Việt Nam), bên trái là sông Thiên Đức, xưa là con đường giao thông huyết mạch toàn vùng đông bắc và tưới nước cho những cánh đồng phì nhiêu. Phía trước, xa xa là Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), quê ngoại của Nguyễn Trãi, nơi gắn bó máu thịt với cuộc đời và cũng là nơi góp phần hun đúc nên tinh thần, cốt cách của người anh hùng dân tộc. Đứng trước pho tượng tinh khôi, ai cũng xúc động trước khuôn mặt, ánh mắt của Lễ nghi học sĩ nhân từ, khoan dung gần gũi thân thương và cao quí như khuôn mặt của bà, của mẹ, của những người nông dân một nắng hai sương, tần tảo, hy sinh vì gia đình, vì quê hương đất nước, song vẫn toát lên thần thái của một bậc văn tài, tâm đức tỏa sáng như trăng thu vằng vặc, trong lòng chợt ấm áp lạ thường, như được tiếp thêm một luồng sinh khí.
Bên phải ngôi đền là tượng đài “Giọt lệ” bằng đã hoa cương đỏ được đặt trên một cuốn sách mở, tượng trưng cho tri thức. Đế là ba vòng tròn đồng tâm tạo thành tam cấp, tượng trưng cho bầu trời, cho sự giao hòa Thiên – Địa – Nhân sâu sắc, đồng thời cũng là sự ngầm ý ba họ bị tru di. Trụ vuông nâng cuốn sách như bầu trời trong quan niệm cổ. Tượng đài như một giọt lệ đang rơi trên cuốn sách - giọt lệ của nhân dân xót thương cho nỗi oan khiên dậy cả đất trời của những người con Trung - Hiếu - Tiết – Nghĩa. Tượng đài “giọt lệ” còn là biểu tượng trái tim nhân ái của người anh hùng dân tộc trường tồn với thời gian, như ngọn lửa từ trái tim nhân ái bao dung của những người con ưu tú của dân tộc. Tấm gương sáng ngời và hương linh các Cụ sẽ mãi đồng hành, tiếp sức cho chúng ta.
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, hội chủ “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ” - người gần 20 năm nay bền bỉ vận động tổ chức hội thảo minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và kêu gọi tài trợ xây dựng ba ngôi đền thờ Hai Cụ ở Tân Lễ - Thái Bình, Khuyễn Lương – Hà Nội và Lệ Chi Viên – Bắc Ninh rưng rưng nước mắt:
- Tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ được khánh thành vào dịp đầu năm học mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khẳng định tình cảm của nhân dân ta với những bậc anh hùng có công với nước, thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”, có tác dụng tiếp thêm động lực cho các thế hệ người Việt trong việc phấn đấu học tập và tu dưỡng. Trong thời gian tới Hội sẽ cùng các cấp Đảng và Chính quyền xã Đại Lai và các nhà hảo tâm chung tay xây dựng khu di tích Lệ Chi Viên trở thành “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”, để nơi đây không chỉ là một địa chỉ tâm linh, mà còn là một địa chỉ văn hóa. Mỗi chúng ta khi đến chiêm bái, thắp nén hương trầm, là lại như được soi mình vào tấm gương truyền thống hào hùng 4.000 năm của dân tộc, được tiếp thêm nghị lực và niềm tin, biết trân trọng nâng niu những tài sản vô giá về vật chất và tinh thần mà cha ông ta phải đổi bao công sức và máu xương mới có được, chung tay góp sức xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp

Lệ Chi Viên 13.9.2011