Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHỆ AN: AI ĐÃ THAO TÚNG GIẢI THƯỞNG HỒ XUÂN HƯƠNG?

Phạm Việt Thắng
Chủ nhật ngày 20 tháng 11 năm 2011 9:52 PM

Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Hồ Xuân Hương tỉnh Nghệ An lần thứ IV lẽ ra đã được trao từ lâu, nhưng vì đơn từ “bao vây” giải thưởng gần nửa năm nay. Một trong những điểm “được” dư luận thắc mắc chính là thành phần Ban giám khảo cũng đồng thời là thí sinh dự giải, có nghĩa là, vừa đá bóng, vừa thổi còi. Rồi thắc mắc vì trước đây, UBND tỉnh đã quy định:“Các thành viên của các Ban sơ khảo, Hội đồng chung khảo không vừa là những người có tác phẩm tham dự giải”, sau đó bỗng dưng…bãi bỏ?
          Giải thưởng danh giá…        
Để chuẩn bị cho giải thưởng danh giá mang tên bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, Hội VHNT đã trải qua rất nhiều phiên họp, tranh luận hết sức thẳng thắn. Cố Chủ tịch Hội - nhạc sỹ Mai Cường đã dành rất nhiều tâm huyết cho giải thưởng danh giá này. Nhiều nghệ sỹ trao đổi với tôi về thái độ của ông là hết sức cố gắng cho một mùa giải nghiêm túc, chất lượng: “Anh ấy vui lắm khi mà ý kiến của anh ấy và cũng là ý kiến của hầu hết hội viên được tỉnh ghi nhận bằng quyết định 3908/QĐ.UBND ngày 22/11/2010, trong đó quy định, các thành viên Ban giám khảo sẽ không tham dự giải. Anh cũng đã đề nghị tỉnh tặng cho các giám khảo một phần thưởng đồng hạng để động viên anh em công tâm làm việc” - nghệ sỹ Bùi Xuân Lương, nhớ lại như vậy. Ông Đinh Thanh Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hội VHNT thì tỉ mỉ hơn: “Trước lúc tham mưu UBND tỉnh ra quyết định về thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV, nhạc sỹ Mai Cường đã triệu tập họp Thường vụ Hội. Nội dung quan trọng và gay cấn nhất trong cuộc họp là thành viên Ban giám khảo có nên tham dự giải hay không? 4/5 ý kiến của Ban Thường vụ nhất trí không nên để thành viên ban giám khảo tham dự giải. Chỉ duy nhất ý kiến bà Nguyễn Thị Phước, Phó chủ tịch Hội, Tổng biên tập tạp chí Sông Lam cho rằng, thành viên Ban giám khảo cũng được phép tham dự giải. Tiếp sau đó, vấn đề này đã được đưa ra cuộc họp Ban chấp hành, và cơ bản thống nhất như ý kiến của Ban Thường vụ”.
Từ kết quả của các cuộc họp như đã nói, ông Mai Cường đã ký các tờ trình, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 3908/QĐ.UBND.VX ngày 22/11/2010 về việc thành lập BCĐ, Hội đồng sơ khảo, chung khảo giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ IV, giai đoạn 2006 – 2010. Theo đó, BCĐ giải thưởng có nhiệm vụ: “Chỉ đạo việc xét chọn giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ IV, giai đoạn 2006 – 2010 đạt kết quả tốt”. Hội VHNT Nghệ An được giao: “Là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm xây dựng Điều lệ, cơ cấu và mức giải thưởng…”. Tại tiết 3, điều 2 quyết định còn ghi rõ: “Để đảm bảo tính khách quan, các thành viên của các Ban sơ khảo, Hội đồng chung khảo không vừa là những người có tác phẩm dự giải”.
Hầu hết mọi người hân hoan đón nhận quyết định của UBND tỉnh với một niềm tin, sẽ có một mùa giải, chất lượng, công bằng, danh giá. Thế nhưng, quyết định này chỉ tồn tại đầy đủ được 38 ngày để ra đời một quyết định khác đã cắt bỏ đi phần quy định thành viên Ban giám khảo không được tham dự giải. Và, kể từ đây giải thưởng Hồ Xuân Hương ì xèo tai tiếng rồi “ngập” trong đơn từ…
…Đã bị thao túng?
Gần như trọn vẹn với vai trò tham mưu trong những ngày đầu khởi động giải thưởng, nhạc sỹ Mai Cường đã lâm trọng bệnh. Nhiều người còn nhắc, trước khi lên xe ra Hà Hội chữa bệnh ông rất vui vì biết đề xuất của mình, của Hội đã được chấp thuận. Và để thuận lợi cho hoạt động của Hội, ông Mai Cường đã viết giấy ủy  quyền cho Phó Chủ tịch Đinh Thanh Quang thay mình điều hành từ ngày 1/12/2010. Thế nhưng, khi nhạc sỹ được biết mình mắc căn bệnh ung thư thì cũng là lúc, đề xuất của nhạc sỹ, của Hội bị thay đổi. Ngày 30/12/2010, UBND tỉnh Nghệ An banh hành Quyết định số 6410/QĐ.UBND.VX đã hủy bỏ  tiết 3, điều 2 của Quyết định số 3980/QĐ.UBND.VX. Có nghĩa là, các thành viên Ban giám khảo tiếp tục được dự giải, cảnh vừa đá bóng vừa thổi còi lại được tái diễn.
Điều mà nhiều hội viên quan tâm là, tại sao có việc tiền hậu bất nhất như vậy? Ai đã thay mặt Hội VHNT Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định này? Trong lúc đó, phát biểu trên báo Lao động Nghệ An, bà Nguyễn Thị Phước, Phó Chủ tịch Hội VHNT, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam, khẳng định: “Theo ý kiến đề nghị của Chủ tịch Hội, UBND tỉnh đã ra quyết định 6410 (ngày 30/12/2010) hủy bỏ điều này” (tiết 3, điều 2 – PV).
Tôi không không tin nhạc sỹ Mai Cường làm điều bất nhất đó nên đã quyết định đi tìm sự thật, không thể để vong linh của nhạc sỹ bị phỉ báng như vậy. Tại quyết định 6410/QĐ.UBND.VX có ghi “Xét đề nghị của Hội liên hiệp văn học - nghệ thuật tỉnh Nghệ An tại Công văn số 04/CV.BCĐ, ngày 13 tháng 12 năm 2010”. Thật trớ trêu, Công văn số 04/CV.BCĐ mặc dù đóng dấu của Hội VHNT, nhưng danh nghĩa lại là công văn của Ban chỉ đạo giải thưởng. Và, không ai khác, công văn này do bà Nguyễn Thị Phước (Phó chủ tịch Hội VHNT, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam) nhân danh ủy viên Ban chỉ đạo giải thưởng Hồ Xuân Hương, thừa lệnh Trưởng Ban chỉ đạo ký.
Tại công văn này, bà Phước nói: “Thường trực BCĐ đề nghị…” Nhưng, tại quyết định 3908/QĐ.UBND.VX về việc thành lập BCĐ và Hội đồng giải thưởng thì không có cái gọi là thường trực Ban chỉ đạo. Mà, nếu có thì bà Phước, người đứng thứ bảy trong danh sách BCĐ cũng không có chức “thường trực” này. Nhưng điều quan trọng nhất, BCĐ giải thưởng Hồ Xuân Hương không phải là cơ quan thường trực giải thưởng, mà Hội VHNT mới là cơ quan thường trực, có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh. Theo trình tự ban hành quyết định thì cơ quan tham mưu, trong trường hợp này là Hội VHNT có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh để ban hành quyết định số 6410/QĐ.UBND.VX. Vậy, tại sao bà Phước không lấy tư cách Phó Chủ tịch Hội VHNT để ký công văn tham mưu cho UBND tỉnh?
Xin thưa, điều đó là không thể! Vì ngày 1/12/2010, nhạc sĩ Mai Cường đã viết giấy ủy quyền cho ông Đinh Thanh Quang, phó chủ tịch thường trực thay mình điều hành công tác Hội và cả công tác Đảng của cơ quan Hội. Trong tình huống này, chỉ khi ông Đinh Thanh Quang đi vắng hoặc không thể ký giấy tờ, thì mới đến lượt bà Phước. Vậy là, dù với tư cách gì, “thường trực Ban chỉ đạo”, hay thay mặt cơ quan thường trực giải Hồ Xuân Hương để ký đề xuất bà Phước cũng đã lạm quyền!
Đó là chưa kể, mọi đề xuất của Hội VHNT trước đó về thể lệ giải và thành phần BCĐ, thành phần Hội đồng giải thưởng đều được bàn bạc kỹ trong Ban thường vụ và thảo luận trong Ban chấp hành Hội. Thế nhưng, đề xuất về sự thay đổi có thể nói “động trời” trên đây lại không hề thông qua Ban thường vụ, Ban chấp hành mà chỉ một mình bà Phước “tự quyết”. Rõ ràng bà Phước đã lợi dụng bối cảnh lúc Chủ tịch Hội lâm trọng bệnh để tự tung tự tác, bất chấp luật lệ và quy chế. Tệ hại hơn, bà Phước lại lên báo đổ vấy cho người đã khuất: “Theo ý kiến đề nghị của Chủ tịch Hội, UBND tỉnh đã ra quyết định 6410 (ngày 30/12/2010) hủy bỏ điều này”. 
Một giải thưởng VHNT danh giá, thể hiện sự tôn vinh của Đảng, nhà nước và nhân dân tỉnh nhà đối với những sáng tạo của văn nghệ sỹ đã bị thao túng, dẫn đến những thay đổi, thậm chí đảo ngược về thể lệ một cách tùy tiện. Khung khổ pháp lý của giải vốn đã không vững, lại bị những toan tính, vụ lợi làm cho méo mó, thử hỏi có thể tin cậy ở sự khách quan chính xác của giải được không?