Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện…không nhỏ như con thỏ (33): NÓI VỚI NGÀY MAI, 20 THÁNG 11

Tô Hoàng
Thứ bẩy ngày 19 tháng 11 năm 2011 8:19 PM
 
Hôm qua, thứ Sáu, ngày 17 tháng 11, tôi được dự một cuộc họp mặt khá thú vị và bổ ích bên Quận 8 (Tp Hồ Chí Minh ). Đó là lần gặp gỡ giữa các đại diện đảng, chính quyền, các ban ngành trong quận với 15 nhân vật được gọi với cái tên là “ những người hồi gia”. Anh chị em là ai đây ? Là những người đã ngồi “ bóc lịch “ tại các nhà tù nay đã thực hiện xong việc thi hành án. Là những nam nữ thanh niên chót dại dột sẩy chân xuống vũng sâu xì ke, ma tuý; sau 4, 5 năm sống qua các trại cai nghiện tập trung nay trở về với người thân, với gia đình. Cuộc trò chuyện nhắm giải đáp câu hỏi: “ Làm thế nào để tái hòa nhập cộng đồng? “. Gần 3 tiếng đồng hồ trôi qua. Những anh chị em hồi gia thành thật tâm sự về những ước mong “ đổi đời”; về những khó khăn, trở ngại khi từ các trại giam, các trường cai nghiện trở về cuộc sống đời thường: Khó tìm được công ăn việc làm, vì mấy chữ “ có tiền án tiền sự “ ghi trong lý lịch. Không có vốn để chạy một xe nước giải khát, mở một điểm bơm vá xe. Bà con lối xóm vẫn nhìn bằng ánh mắt kỳ thị, xem thường. Đổ bệnh, không có tiền khám, tiền mua thuốc…Đến lượt chính quyền, ban ngành lên tiếng, hóa ra người muốn giơ tay cứu giúp cũng gặp muôn vàn trở ngại: Suy thoái kinh tế thế giới, những khó khăn đất nước đang gặp phải khiến ngay sinh viên “ bằng đỏ” ra trường cũng không tìm được việc làm. Cho người hồi gia vay vốn, liệu có “ ăn nên làm ra “ để hoàn vốn đúng thời hạn không ? Sức khỏe của anh chị em mới mãn hạn tù hoặc vừa ra khỏi trường cai nghiện thường không tốt; không có ngành nghề chuyên môn; học vấn thấp…
Ngồi với nhau để cùng đồng cảm, còn tháo gỡ còn là chuyện dài dài…
Gần cuối buổi gặp gỡ, trong lời phát biểu của bà Đồng Thị Kim Vui, Bí thư Quận Ủy Quận 8 bỗng có những số liệu, những đúc rút rất đáng lưu tâm.
Quận 8, nằm bên kia cầu chữ Y là một quận nghèo nhất, nhì Tp Hồ Chí Minh. Kẹp giữa mạng kênh rạch chằng chịt là những con hẻm chen chúc nhà mái lá, mái tôn của dân lao động nghèo cùng dân tứ xứ lưu lạc tới đây, không đủ tiền mua một mảnh đất, một căn nhà trong nội đô.. Mùa nắng, những con hẻm hầm hập hơi nóng từ các mái tôn ập xuống, mùi nồng nặc của sình lầy từ kênh rạch bốc lên. Ngày mưa, triều cường dâng cao, nước tràn vào tận chân giường nằm.Nghèo..như tự nhiên ư, sinh ra gian dối, mánh mung, lừa lọc, tội lỗi và hút chích.
Bà Vui cho biết, riêng trong đợt ân xá dịp Quốc khánh vừa qua quận 8 đã nhận về 120 tù nhân mãn hạn tù. Còn với năm 2011 sắp kết thúc Quận 8 cũng đã nhận về hơn 600 nam nữ hút chích trải qua các trại cai nghiện tập trung! Bà Vui cũng cho hay, mỗi năm UBND quận dành một khoản tiền tới 6 tỷ đồng để trợ giúp anh chị em hoàn lương ổn định cuộc sống, tìm lại được sự hòa nhập với cộng đồng. 6 tỷ nhiều hay ít ? Như đọc được thắc mắc trong ánh mắt cử tọa, rất tự nhiên bà Vui nói ngay: Phần lớn số tiền chi ra ấy chúng tôi dành cho việc làm sao để bảo đảm cho các cháu nhỏ con cái của các gia đình quá nghèo khó; của các anh chị em vừa hồi gia, phải được tiếp tục cắp sách tới trường. Bởi lẽ, không có học vấn, không có kiến thức tất yếu sẽ không thoát được nghèo đói. Mà từ nghèo đói rất dễ sinh ra lầm lỗi và sa đọa”.
Ôi, té ra câu trả lời “ Làm thế nào để tái hòa nhập cộng đồng ?” viết nét to, tô đậm, kẻ viền sừng sững treo trước mắt kia xét về sâu sa, về căn cơ lại liên đới cả tới lĩnh vực giáo dục.
Lãnh đạo của một quận nghèo ở một thành phố lớn biết tháo gỡ đúng cái gút cần tháo gỡ -thật là một điều đáng hoan nghênh.
Tôi đưa mắt nhìn sang hàng ghế những con người đã từng lầm lạc một thời đang ngồi trước mặt tôi và nhận ra trong ánh những ánh mắt kia như muốn nói: “ Chúng tôi kiếm được cho lũ trẻ ngày hai bữa no đã là điều hụt hơi rồi. Còn chuyện trường lớp, xin phó thác, trông cậy ở các ông, các bà !” 
Những con người tội nghiệp kia đâu biết rằng trong lĩnh vực giáo dục đang xẩy ra biết bao chuyện lình xình, rối rắm, mờ mịt; đang là một trong những điều làm đau đầu nhức óc các bậc làm cha làm mẹ, làm ông nội bà ngoại; đang trở thành một vấn nạn đáng rung chuông huýt còi nhất, đang uy hiếp cả hiện tại và tương lai của xã hội, của cộng đồng chúng ta.
Mong câu chuyện này đến tai Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân!