Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUYỀN NGƯỜI THẦY ĐỐI VỚI HỌC SINH

Bùi Văn Bồng
Thứ năm ngày 17 tháng 11 năm 2011 9:03 PM

             Người thầy (thầy giáo, cô giáo) có quyền gì đối với học sinh? Câu hỏi ấy cho đến nay vẫn chưa có trả lời đầy đủ và xác đáng. Nhiều trường hợp thầy giáo đánh “khè tay” hoặc phạt học sinh, bị phụ huynh chửu mắng rồi thưa kiện. Tôi thừa nhận là có nhiều thầy giáo đã đánh học trò. Và cũng có rất nhiều học trò bị thầy đánh. Nhưng không phải thời nay, mà thời xưa, gần đây nhất thì cũng vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước.
                           
                             * NHỚ ƠN NGƯỜI THẦY NĂM XƯA
         
    Tôi cũng có vài lần bị thầy đánh. Lúc ấy tức, buồn tủi. Nhưng bây giờ lại nhớ ơn thầy da diết, nhờ thầy nghiêm khắc mà mình mới nên người. Tác dụng của đòn roi trong giáo dục (kể cả cha mẹ đánh con cái, anh chị đánh để dạy em) nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Có người nói, đánh là không nhân đạo, là phạm pháp, xâm phạm thân thể, vi phạm quyền con người. Nói như vậy suy trong góc độ gọi là nhân quyền thì không sai. Pháp luật thời văn minh quy định vậy. Nhưng là thời văn minh, thời hiện đại, mà như ở nước ta đã đến trình độ thời văn minh chưa? Cho dù thời nào cũng vậy, dạy làm người vẫn là chuyện khó nhất, càn kiên trì bằng nhiều  biện pháp.
            Đó là một vấn đề rất cần được nhìn nhận từ các góc độ nhân đức, nhận nghĩa, nhân đạo, nhân quyền  và nhân sinh một cách khách quan và thiết thực. Riêng tôi, tôi vẫn thấy dạy trẻ phải dùng đòn roi đe nẹt là cần thiết. Phải phân biệt đánh đe, dọa dẫm để dạy, khác với lối đánh cho chừa, đánh trả thù, đánh vào chỗ hiểm, gây thương tích nội tạng hoặc ngoại bì.
          Định nghĩa về “đánh” nằm ở góc độ khác, tôi không muốn đi sâu thêm. Ở đây, tôi chỉ nói về góc độ thầy đánh trò. Tôi còn nhớ cái thời tôi còn ngây thơ cắp sách đến trường. Những kỷ niệm năm xưa tôi học lớp vỡ lòng ở trường làng (như mẫu giáo - lớp LÁ bây giờ) vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Thầy (một ông thầy đò NHo đã cao niên, tôi gọi bằng ông chú họ) dạy học trò phải viết nắn nót, cẩn thận. Thầy nói:
- Các con có biết tại sao có câu “Nét chữ nết người” không?
            Cả lớp im lặng. Thầy giải thích:
- Đi học là sự bước chân đầu tiên để vào đời. Học cũng như lao động, phải chịu khó, thận trọng, chú tâm, chăm chỉ thì học mới giỏi. Đi học là chặng đầu tiên người ta tiếp xúc với xã hội. Học cái gì? Dĩ nhiên là học chữ. Nhưng cần hơn học chữ và để học chữ cho giỏi, cho hay cần phải học làm người. Con người thì phải sống cho đẹp, sống cho tốt, biết tự tu dường, yêu lao động và phải rât cẩn thận trong mọi lời nói, chữ viết và việc làm. Khi các con viết từng chữ, có nghĩa là đang tự tay mình làm việc với ngòi bút và trang giấy. Chữ có đẹp, thì sống mới đẹp. Các con viết cẩu thả, tùy tiện, không thận trọng từng nét chữ, chữ xấu cũng mặc kệ thì thành quen tay, sau này làm việc gì cũng cảu thả, luộm thuộm, thế là hỏng mọi việc.
             Hôm sau, trong khi tập viết, một đứa bạn của tôi  viết chữ quá xấu, mực lại bị đổ, bôi ra cả trang giấy. Thầy gọi lên bục giảng, đưa hai tay úp lên bàn, “véo” – cái roi tre vót nhẵn của thầy quất mạnh vào mười đầu ngón tay. Thằng bạn đau, khóc tút thít. Rồi thầy dạy cả lớp:
- Hôm qua thầy mới dạy, nay con lại quên. Nên nhớ: “Nét chữ nết người”, chữ viết xấu mà không tự rèn cho đẹp, tính nết thiếu cẩn thận, sau này làm việc gì cũng hỏng. Làm việc hỏng, làm sai thì đứng ở đời thế nào được?
       Tôi cũng bị cái roi tre dẻo quạnh của thầy quất vào mười đầu ngón tay, vì khi viết tôi bị ngòi bút gai, không trơn, gãy nét chữ. Tôi cũng phải “chấp hành” đặt sấp hai bàn tay lên bàn, và chịu cái tiếng "véo, vút", mười ngón tay đau buốt. Thầy nói:
- Con viết chữ không xầu, nhưng thiếu chuẩn bị khi đi học, thầy đánh là để dạy con tính cẩn thận, chu đáo trước khi đi học và trước khi làm việc.
       Rồi thầy nói với cả lớp:
- Các con đi học phải chuẩn bị kỹ tập vở, cây viết, lọ mực, thước kẻ, cặp sách. Sáng mai đến lớp thì trước khi đi ngủ phải kiểm tra mọi thứ xem tốt và đầy đủ  chưa. Ngòi viết thấy không trơn, các con phải nhờ cha mẹ sửa giùm hoặc mua ngòi viết mới. Nông dân đi cày mà cẩu thả, gãy cày, bỏ ruộng về tay không. Công nhân đi xưởng, gãy búa, ngồi chơi à? Anh chiến sĩ xung trận, súng không bảo quản tốt để súng bị hỏng, đạn bị ẩm, bắn không nổ, chắc chắn sẽ bị địch bắn chết. Ông cán bộ xã không mang sổ ghi chép, dân nói bỏ ngoài tai à? …
          Một thôi một hồi, riêng cái chữ viết xấu mà thầy dạy cho chúng tôi đủ điều. Sự phân tích, giảng giải của thầy sâu sắc, thiết thực và dễ hiểu thật quý biết bao? Bị thầy đánh, bị rầy la khi tuổi còn thơ để sống đúng, sống đẹp, sống có mục đích cao cả thật là quý biết bao?  Bố tôi cũng dạy đàn con bằng sự kết hợp lời lẽ với đòn roi. Bố tôi có một chiếc roi mây giắt trên kèo nhà, đã mang tội nặng dứt khoát bị nằm chịu đánh đòn. Sau mỗi roi là một lời răn dạy đi kèm.
           Vì thế, tôi kể chuyện xưa về kỷ niệm thầy đánh trò để giãi bày một nỗi riêng tư sâu lắng. Sau này lớn lên, khi làm một việc gì chưa chu tất, tôi lại nhớ những lời thầy dạy : “Nét chữ nết người”, “Uốn lưỡi bảy lần trước khi noí”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Biết mình không cẩn thân, tốt nhất đừng nên làm gì”…Cái ý thức “tự phê bình”, tự biết rèn giũa mình cũng hình thành từ đó.
           Kỷ niệm “thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường” với những câu chuyện về sự nghiêm khắc của người thầy còn nhiều lắm. Riêng chuyện thầy đánh trò ngồi nhớ lại mà kể cả ngày chưa chắc đã hết. Nhưng, tôi nghĩ mà thấm thía câu ca: “Thương cho roi vọt, ghét cho ngọt ngào” thật chí lý. Đúng thế, “nhỏ không uốn, lớn gãy cành”. Nhỏ mà không rèn dạy chu tất, được chiều chuộng, thả lỏng qua, lớn lên hầu như chẳng làm nên trò trống gì. Đánh đe, đánh dạy, đánh cho biết sợ người trên, biết phân biệt trên dưới, đúng sai, phải trái, từ sợ đến kính nể biết vâng lời là phương pháp gây ấn tượng khi dạy dỗ. Trong trường hợp tương tự như cảm nghĩ trên đây, cái câu : “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” vẫn rất đúng. Tất nhiên, thường thì thầy giáo đánh học trò để có ấn tượng mà nhớ, đánh để làm biện pháp hỗ trợ cho lời răn dạy, mấy khi đánh đau đến mức gây hậu họa. Tôi vẫn quan niệm, đánh như thầy đánh trò nhằm dạy bảo, nói theo phép phản ứng hóa học,  như một “chất xúc tác” tạo phản ứng để đổi chất. Sau này, đi bộ đội, có đồng đội vi phạm một khuyết điểm đến ba lần, trung đội trưởng phạt phải một mình gánh chuyển hết đống đá, chưa xong thì chưa cho ăn cơm trưa, không cho nghỉ trưa. Lại có đồng đội phạm quy định khá nặng, bị phạt đứng nghiêm 3 tiếng đồng hồ dưới cột cờ, trong nắng trưa hè chói chang. Nghĩ đó là biện pháp mạnh cần thiết trong giáo dục, rèn luyện chiến sĩ, không nên cho là “ác” hay đầy đọa, tôi lại nhớ thơ Bác Hồ: “Gạo đem vào giã bao đau đớn / Gạo giã xong rồi trắng tựa bông…”
                    
  * QUYỀN NGƯỜI THẦY ĐẾN ĐÂU?
          
Tôi không phủ nhận phương pháp mới mang tính nhân đạo, văn minh theo quan điểm đổi mới, cải cách giáo dục là cấm thầy giáo, cô giáo không được đánh học trò, đánh là vi phạm quy định, vi phạm cả pháp luật. Trước hết, giáo viên với nghề cao quý mà xã hội trọng vọng rất cần thể hiện xứng với vị trí, niềm tin yêu đó. Để dạy trò ngoan, trước hết thầy phải làm gương. Người thầy cũng phải thường xuyên tự hoàn chỉnh, tu nhân tích đức. Gương của người thầy phải làm cho học sinh luôn luôn tâm phục khẩu phục. Lời nói của người thầy phải là khuôn vàng thước ngọc. Thế mới nói: "Thầy ra thầy, trò ra trò"!
        Ở đây cần phân biệt bạo lực, bạo hành, thói hiểm ác hoặc do quá nóng nảy với việc sử dụng biện pháp mạnh gây ấn tượng trong giáo dục con học sinh. Trong các trường hợp thầy giáo bạo hành, đánh học sinh gây thương tích, không đơn thuần dạy dỗ mà đánh để xả tức hả giận thì cần phê phán và truy cứu trách nhiệm. Hành hạ trẻ mẫu giáo như mấy con mụ ác độc mà mọi người đã thấy trên mành hình nhỏ, đọc trên báo chí phải bị trừng trị thích đáng. Nhưng thầy giáo, cô giáo nghiêm khắc dạy trò khi trò mắc khuyết điểm thì không nên đánh "đổ đồng" với những hành vi phạm pháp như vậy.
         Tôi được biết nay có học trò về mách cha mẹ là bị thầy giáo đánh, có bậc phụ huynh dạy thêm: “Con có hư thầy mới đánh, nay thầy dạy gì phải nhớ, nghe chưa!”. Nhưng trái ngược lại, có phụ huynh phẫn nộ chửi mắng là thầy làm sai, thầy thế này thế nọ  ngay trước mặt con. Có người còn xưng xưng dắt con đi làm chứng để chửi thầy rồi kiện cáo. Hoặc là bênh con chửi thầy: “Con tôi ở nhà chưa bao giờ tôi đánh, ông có quyền gì mà đánh nó?” Vậy là sau đó, học trò có cớ để “nhìn thầy bằng nửa con mắt”.
            Phải làm sao cho học trò nhận thức được là ở nhà có cha mẹ, đến lớp có thầy cô, dạy bảo phải nghe. Học trò phải quan niệm “Thầy, cô như cha mẹ”, thì sự răn dạy mới có hiệu quả. “Dạy con từ thuở còn thơ” là thế. Nhiều khi, trò làm sai, có khuyết điểm mà không bị đe nẹt, rèn dạy, chỉ bảo ngay sẽ sinh nhờn mặt, thậm chí sống không coi ai ra gì, thất lễ cào bằng trên-dưới. Tôi thầy cái lối cự cãi, phê phán thầy giáo, cô giáo khi con mình bị thầy, cô nghiêm khắc dạy cũng không hẳn là “đấu tranh cho sự văn minh và lành mạnh”, trái lại, xét cho cùng, rất phản giáo dục. Thầy giáo, cô giáo được quyền đánh học sinh hay không? Khi nào mới đánh, và đánh thế nào đủ răn đe, dạy dỗ? Điều đó dẫu có tổ chức hội thảo, diễn đàn cũng chưa ai đi đến kết luận một cách thỏa đáng và chuẩn xác. Nhưng theo tôi trong vấn đề này sự luận giải và tự trả lời nên có một cách chuẩn xác ở mỗi người.
            Trong giáo dục, rèn luyện cũng như trong thực thi pháp luật nhiều khi chúng ta rất cần những biện pháp mạnh, những cách thức gây ấn tượng cần thiết nhằm mang lại hiệu quả chuyển hóa. Ông bà ta đã đúc kết câu: “Nói không nghe, đe mới chịu”. Tuy thế, có người vẫn đưa cái gọi là "phương pháp sư phạm" để lập luận rằng, cần gì phải biện pháp mạnh, nói bằng lời cho phải nghe mới tài. Để trò hư là "phương pháp sư phạm" kém... Nhưng trong thực tế, có những trẻ hư, những học sinh được nghe nói hay, phân tích giỏi đến mấy cũng trơn lì như gỗ, như đá. Nếu không có sự kiên quyết cho nhớ thì đành bó tay thôi. Cần sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục con em chúng ta. Ở nhà, đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều, nhiều khi sai vẫn nhờn  mặt ngang bướng, cãi cha mẹ chí chát, đến trường cũng chỉ xuê xoa qua chuyện, ra xã hội thì vênh vang hơn cả "cậu ấm, con chiêu" ngày xưa, thế thì ai dạy được đây?  Vì “không được xúc phạm” đến học sinh, người thầy không có quyền gì ngoài việc lo dạy chữ, nên nhiều giáo viên muốn dạy trò về đạo đức lối sống, lễ nghĩa, cách sống, trách nhiệm, giao thiệp,…đều không muốn dạy. Một cô giáo từng lâu năm đứng lớp ở tỉnh BÌnh Phước nói với tôi rằng, có khá nhiều trường hợp học sinh trong trường bị đuổi học. Đó là những học sinh bị coi là cá biệt, khó dạy, người thầy bất lực vì hết cách, trong khi phụ huynh công khai bênh che những khuyết điểm của con. Học sinh hư, thậm chí biểu hiện thiểu hẳn nhân cách, gây tác động xấu đến bạn khác, nhưng người thầy không được phép "cứng tay" để dạy, không được quyền xử phạt, thì tốt nhất là đuổi học để giữ cho "môi trường học đường" lành mạnh, lại khỏi phiền phải "đấu lý" với phụ huynh, người thầy cũng tránh được sự phê bình của ban giám hiệu. Cái sảy nảy cái ung, học sinh ngổ ngáo không bị thầy phạt, tình bạn bè, quan hệ đồng môn, cộng đồng không được giáo dục, lại thêm game, phim bạo lực - dẫn tới bạo lực học đường. Dạy đi với rèn, nhưng thầy chỉ biết dạy chữ, không được quyền răn day, rèn luyện cho HS, hậu họa còn nhiều nữa. Có giáo viên nói buông xuôi: “Thôi kệ, con của người ta, đâu phải con mình, dây vào làm gì thêm phức tạp”. Từ quan niệm đó, dẫn đến sự kết hợp vận dung câu phương châm: “Tiên học lễ - Hậu học văn” ít được chú tâm trong quá trình giáo dục con em chúng ta./.