Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XÓA NGỌNG CHO ..QUAN

Bùi Hoàng Tám
Thứ năm ngày 17 tháng 11 năm 2011 9:57 PM

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có chủ trương xóa ngọng cho học sinh tiểu học, bao gồm cả một số giáo viên. Một quyết định thật sáng suốt và cần thiết. Nhưng có lẽ cũng cần không kém, là một cuộc xóa ngọng cho… quan chức cả nước.
Trong Từ điển Tiếng Việt không thấy có định nghĩa cho “nói ngọng” nên mình không biết dưới con mắt khoa học, các nhà ngôn ngữ hiểu thế nào. Mình thì hiểu nôm na nói ngọng là nói sai một số từ.
Nhiều người dân vùng Ba Vì không nói được dấu huyền (-) “Nha minh có con bo vang”. Không ít người thuộc các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh không nói được dấu ngã (~). Ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình… nhiều người rất khó phát âm rành mạch các từ có chữ đầu là chữ cái “N” và chữ “L”, họ thường hay nẫn nộn.

Người dân làng mình trước đây không phân biệt được các từ có chữ cái đầu “T” và “TR”. Các làng bên cạnh thường trêu dân làng mình: “Con tâu (trâu) tắng (trắng) buộc gốc te tụi (tre trụi) – Ăn no béo tòn (tròn) như quả tứng teo (trứng treo)”. Trong cuộc họp thanh niên, thấy nhiều người ồn ào, mất trật tự, anh bí thư đoàn xã mình nói lớn: “Các đồng chí thanh niên bên tên (trên) này tật (trật) tự, tật tự”.
Thủa nhỏ tên mình là Trám, Bùi Văn Trám. Cái tên này do cô ruột mình đặt cho. Có lẽ vì cô đi bộ đội kháng chiến, đóng quân vùng Việt Bắc, ăn nhiều quả trám nên nhớ núi rừng mà đặt tên như vậy. Thế nhưng người làng mình không phân biệt được “T” và “TR” nên đọc mình thành Tám, lâu dần thành quen. Sau này nhiều người tưởng mình là con thứ 8 nhưng thật ra, mình là con thứ chín trong gia đình. Từ khi viết báo, làm thơ, mình thay tên đệm “Văn” thành “Hoàng” – Bùi Hoàng Tám.
Thực ra do đặc điểm ngôn ngữ từng vùng, việc nói ngọng không hiếm. Nó cũng không thành vấn đề gì lớn khi giao tiếp bình thường trong đời sống sinh hoạt. Thế nhưng khi là “người của công chúng”, đặc biệt là người của hệ thống công quyền thì chuyện đó không được coi là bình thường. Một bình luận viên của đài phát thanh hay truyền hình không được nói ngọng. Một thầy giáo, cô giáo không được phép nói ngọng trên giảng đường. Một đại biểu Quốc hội không được nói ngọng khi phát biểu ở nghị trường. Một chánh án tòa án không được phép nói ngọng trong phiên tòa. Nếu phát âm chuẩn chưa chuẩn thì phải học. Các cụ xưa đã dạy: “Học ăn, học nói…”.
Viết đến đây, mình chợt nhớ một bác ở Quốc hội ngọng “níu ngọng no” nên có giai thoại rằng trong khi Quốc hội bàn cấm cá nóc (một loài cá ở biển, rất độc) thì bác bàn cấm cá… lóc (người miền Bắc gọi là cá quả). Lại một bác Chánh tòa cũng “ngọng no ngọng níu”. Chẳng biết khi tuyên án, bác có “Nhân danh lước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Lam” không nhỉ? Có lần nghe bác phát biểu, anh trai mình buông một câu ai oán đến “lản nòng”: “Chánh án mà không phân biệt được lờ “L” với nờ “N” thì làm sao phân biệt được trắng – đen, phải – trái?”. Nghe mình nói chuyện này, một người bạn kể khi phát biểu trước dân, một ông lãnh đạo cỡ bự phát biểu rất.. vô chính trị: Đảng no (lo) dân đói! 
Nghe nói ngọng đã chán nhưng đọc phải những văn bản viết ngọng thì chối hơn nhiều. Nhớ có lần sếp mình đưa cho mình thư mời cử người đi học chương trình nâng cao của một trường đại học. Mình mở ra, thấy chữ “chọn” trong câu “đào tạo chọn gói” được sếp gạch chéo 2 cái kèm một lời nhận xét; “Trọn ≠ chọn. Thế mà cũng đòi đào tạo sau đại học”.   
Khi gặp phải những trường hợp như đã kể trên, mình rất bức xúc nên mình hoàn toàn ủng hộ chủ trương chữa ngọng của Sở GD&ĐT TP. Hà Nội. Thậm chí, mình còn muốn cả nước học tập Hà Nội, phát động chương trình xóa ngọng cho quan chức cả nước.
Nếu mình được là… đại biểu Quốc hội, mình sẽ học tập bác Nguyễn Minh Hồng – người đề nghị xây dựng Luật Nhà văn – đề nghị xây dựng Luật… ngôn từ!