Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BIỂN VẮNG

Lê Lanh
Thứ bẩy ngày 20 tháng 8 năm 2011 10:28 PM

          BIỂN VẮNG

Rơi chiều vàng ngơ ngác sóng
Xin đừng dối chi chân trời
Anh ngồi im chìm chiếc bóng
Chén này biển với mình thôi !
Một cộng với một thành đôi
Anh cộng cô đơn thành biển
Nắng tắt mà người không đến
Anh ngồi rót biển vào chai.
  TrịnhThanh Sơn

LỜI BÌNH CỦA LÊ LANH : Đọc thơ mà thấy quen quen thì đó là loại thơ còn  “dẫm lên lốt chân” người khác. Thế thì ai muốn đọc làm gì. “Biển vắng” của Trịnh Thanh Sơn đọc một lần, thấy lạ, muốn đọc nữa…Mới đầu tôi cứ ngờ ngợ về từ “rơi”. Trộm  nghĩ hay là nhà xuất bản in lầm. Phải là từ “nơi” mới đúng. Nơi là nơi chốn, nơi có biển và sóng. Khoảng không gian có bóng chiều tà. Mãi sau tôi mới nhận ra. Nếu là từ “nơi” thì chẳng còn gì để bàn. Vâng, phải là từ “ rơi”- ánh chiều vàng từ trên trời rơi xuống. Không hẳn chỉ là cái mốc thời gian cuối ngày đang đổ xuống mặt biển  mênh mông, vô hạn,vô hồi. Từ “rơi” còn làm cho cảnh chiều vàng được cụ thể hóa, để bạn đọc như nhỡn tiền thấy sự trống trải cứ ào tới, vây bủa lấy chàng trai. Biển tình dậy sóng lại càng “ngơ ngác” trước khoảng không vô tận, con người trở nên quá nhỏ nhoi. Cảnh đã diễn ra mà chưa tin là có thật. Chàng trai vẫn hi vọng đến phút chót, dẫu phải lụy mình cầu xin để không phải đơn lẻ tới mức ghê rợn ở nơi góc bể chân trời. Ai “xin” ai và ai đừng “dối” ai ? Có thể là kẻ chờ đợi cầu xin người được đợi chờ. Cảnh thiên nhiên chiều tà trên bãi biển ào ạt tâm trạng nhân vật trữ tình khao khát tình yêu : “Rơi chiều vàng ngơ ngác sóng/ Xin đừng dối chi chân trời”. Đợi chờ, da diết mà vẫn trân trọng, kín đáo, sâu nặng. Cụm từ “ngơ ngác sóng” có thể hiểu là sóng tình ngơ ngác. Sự “ngơ ngác” của một tâm trạng bị mất mát ghê gớm và tiếp theo đó là sự hẫng hụt, cô đơn. Xuân Quỳnh cũng thể hiện tình yêu bằng hình tượng “sóng”, nhưng không “ngơ ngác” mà dào dạt, mặc dù gặp “ muôn trùng cách trở” : “ Ở ngoài kia đại dương/ Trăm nghìn con sóng vỗ/ Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn trùng cách trở…” (Sóng).
 Bài thơ có tám câu, có lẽ chỉ hai câu đầu là mang tâm trạng nhớ mong, chờ đợi rõ nhất. Sang câu thứ ba, tình trạng chờ đợi không còn nữa, thay vào đó là sự thất vọng. Có thể nói, sự thất vọng đã lên tới điểm đỉnh. Chàng trai nọ ngồi chết lặng trên cát : “ Anh ngồi im chìm chiếc bóng”. “Chiếc bóng” của anh khi còn ánh chiều tà thì còn in trên mặt biển, nhưng  đến lúc hoàng hôn đã tàn thì bóng cũng chìm xuống đáy đại dương. Còn “bóng” của người anh đợi, anh chờ thì cũng ẩn trong không gian mênh mông. Tư thế “ ngồi im”là tư thế “mạc niệm” sự hi vọng. Sang câu thứ tư, tình huống như có vẻ chùng lại. Người cô đơn tìm phương án giải tỏa : “ Chén này biển với mình thôi !” . Ở đây ta nhận ra cái tính kế thừa của thơ ca truyền thống. Phạm Thái xưa khi mất Quỳnh Như cũng dùng rượu rót vào cái khoảng trống vắng, với cái triết lý : “ Sống ở nhân gian đánh chén nhè…”. Đó cũng là một cách giải tỏa.
Ở câu một và hai của khổ thơ hai, nhà thơ sử dụng phép so sánh : “ Một cộng với một thành đôi/ Anh cộng cô đơn thành biển”. Sự so sánh theo phương pháp tư duy lô gíc kiểu toán học,  ý thơ được cụ thể hóa. Nhờ đó mà bạn đọc đã nhận ra sự cô đơn của chàng trai đến  mức độ nào. Sovới biển chăng ? Chưa hợp lý. Từ sự mơ hồ, nhân vật trữ tình trở về với thực tại. Nhưng thực tại bây giờ là “nắng” đã “tắt”, màn đêm bao trùm. Đến câu cuối cùng mới thực sự Thanh Sơn-  “Cô đơn thành biển”- “rót biển vào chai. Ta mới gặp trong thơ cổ những người quân tử rót rượu từ  chai ra  chén để tiêu sầu. Cái mới, cái độc đáo của nhà thơ là ở chỗ đó.Cách thể hiện này như có vẻ ngược với Xuân Diệu- Khi nghĩ đến người yêu, ông muốn trở thành biển, để : “Hôn mãi ngàn năm không thỏa…”. Biển tình của nhà thơ được trải ra mênh mông, nhưng với Thanh Sơn thì biển được thu nhỏ lại và cơ hồ sẽ bị triệt tiêu : “Nắng tắt mà người không đến/ Anh ngồi rót biển vào chai” . Nếu, biển kia là rượu thì dường như chàng trai uống hết biển chưa chắc đã giải tỏa hết được nỗi cô đơn.