TIN là một hành vi của loài người, một hành vi không đơn giản. Nó xuất phát từ tự nhiên (Sự tin sinh ra đồng thời với sự con người được sinh ra); nó xuất phát từ trí tuệ (Trí tuệ giúp xác lập sự tin, tìm ra lý lẽ của sự tin, đồng thời sự tin đến lượt nó, lại giúp mở mang trí tuệ). Và hơn thế nữa, nó còn xuất phát từ tình cảm, từ trái tim (Chính trái tim đã mách bảo cho trí tuệ xác lập nên sự tin).
Sự “tin” bắt đầu từ “niềm tin”, rồi phát triểm thành “lòng tin” và cao hơn nữa là “đức tin” – Một loại sản phẩm tinh thần quý giá nhất của con người. Một chính khách nổi tiếng đã nói: “Mất lòng tin là mất tất cả”.
Lòng tin là cái gốc của mọi thành công. Không có sự thành công nào của con người lại không xuất phát từ lòng tin vào chính công việc đã đem lại sự thành công đó. Hay nói ngược lại, làm một công việc mà luôn luôn thiếu niềm tin vào kết quả của công việc đó, thì nhất định công việc đó sẽ không bao giờ thành công.
Lòng tin là cái gốc của nghệ thuật trị nước của người phương Đông ta. Sách xưa dạy phải luôn luôn coi trọng ba điều: “Túc thực – dân no đủ, Túc binh – quân mạnh, Dân tín – Dân tin”. Nếu trong trường hợp khẩn cấp không thể thực hiện đầy đủ cả ba điều trên, buộc phải bỏ bớt, thì bỏ hai điều đầu tiên (Túc thực, Túc binh), chứ tuyệt đối không được để Dân mất lòng tin (Dân tín).
Nhưng lòng tin phải được đặt đúng chỗ. Không thể “gửi trứng cho ác”. Nhà Phật dạy: “Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và trải nghiệm. Chỉ khi nào quý vị thực sự nhận thấy lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng… lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo” (Trích ‘Kinh Tụng Hàng Ngày’ Thích Nhật Từ biên soạn).
Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà giành được độc lập. Nhưng biết bao khó khăn vẫn còn ở phía trước. Riêng về vấn đề kinh tế, nạn đói làm chết hơn hai triệu đồng bào chưa qua lâu, ngân quỹ Quốc gia thì cạn kiệt, chính phủ lâm thời gần như chỉ có hai bàn tay trắng… Vậy mà trên đường phố không mảy may còn bóng dáng những người hành khất. Nạn trộm cắp ngừng hẳn, ban đêm ở nông thôn các gia đình tuyệt không phải đóng cửa khi ngủ. Ngày 4/9/1945 Bác Hồ phát động “Tuần lễ vàng” kêu gọi mọi người ủng hộ ngân sách quốc gia, được sự hưởng ứng vô bờ bến của mọi tầng lớp, đặc biệt là giới công thương, đã quyên góp được hai mươi triệu đồng và ba trăm bẩy mươi ki lô gam vàng (trước đó, Quốc khố - kho bạc Nhà nước chỉ có một triệu hai trăm ngàn đồng). Rồi khi Pháp gây hấn, nhà cửa các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… đều được đục tường thông nhà nọ sang nhà kia. Để tạo điều kiện cho các Chiến sĩ đánh nhau với giặc có thể ẩn nấp an toàn. Nhân dân tự bảo nhau đục tường, không có bất cứ một mệnh lệnh nào hay một sự ép buộc nào. Cái gì đã làm nên những câu chuyện như trong Cổ tích vậy?
Chính LÒNG TIN, ĐỨC TIN của mọi tầng lớp Nhân dân Việt Nam ta thời ấy. Những người ăn mày đâu đã được no? Lực lượng cảnh sát Cách mạng mới đang hình thành, những kẻ chuyên sống bằng nghề trộm cắp cũng đâu đã được cải huấn? Những nhà có của đâu có không còn biết dùng tiền, vàng vào việc gì cho bản thân, gia đình cũng như họ tộc họ?
Lòng tin quyết định tất cả. Người chiến sĩ xả thân nơi chiến trận, người công nhân lao động quên mình trên công xưởng, người nông dân nô nức trong phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”… tất cả đều xuất phát từ lòng tin vào MỤC ĐÍCH CAO CẢ CỦA CÁCH MẠNG: Tổ quốc Độc lập, Nhân dân được Tự do, được làm Chủ chính quê hương làng xóm mình, được mưu cầu Hạnh phúc, được cơm ăn áo mặc, được Học hành, được làm việc theo năng lực, được cống hiến theo sở trường, được đi lại tự do trên khắp mọi miền Đất nước, được giao tiếp, hội họp, vui chơi…
Vâng! Lòng tin chứ không phải cái gì khác! Không có bất cứ một thứ gì khác có thể làm được những điều kỳ diệu như LÒNG TIN đã làm. Mệnh lệnh có thể khiến, buộc con người phải làm một số điều, nhưng không thể tạo nên cả một PHONG TRÀO TỰ NGUYỆN ĐẦY NHIỆT HUYẾT TRONG TÂM của mọi tầng lớp Nhân dân, như Cách mạng tháng Tám đã làm.
Ngược với lòng tin là sự nghi hoặc. Nghi hoặc cũng cần thiết chẳng kém gì lòng tin. Trước khi đặt lòng tin vào một việc, một người, một tập hợp người, chúng ta cần đặt dấu hỏi xem việc ấy, người ấy có bằng chứng gì đáng tin? Nhưng nghi hoặc lung tung, dẫn đến đa nghi như Tào Tháo, thì dễ hỏng việc lắm!