Có lẽ chẳng đâu quản lí nhà nước như ở ta. Khi sự việc tòe loe, dư luận và báo chí kêu rầm trời thì chính quyền và các ngành chức năng mới lên tiếng và giải thích vòng vo hơn là nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết vấn đề. Phương hướng, nhiệm vụ hàng năm đọc thì thật hay nhưng thực thi thì dường như chẳng ai ngó đến. Công việc hàng ngày cứ làm theo kiểu đối phó, được chăng hay chớ, đến đâu hay đó.
Mấy năm trước rộ lên phong trào vặt râu ngô non, chặt chân trâu bò lấy móng… bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao ngất ngưởng. Rồi chuyện làm chè khô vàng, họ bao toàn bộ sản phẩm, đợi đến dịp khai mạc Đại hội Olympic 2008 mới đem ra đốt, mời các nhà báo trong, ngoài nước và còn có cả ông Chủ tịch UBND tỉnh H chứng kiến. Và tuyên bố rằng: Đây chính là chè khô “Made in Vietnam” gây ra bệnh x, y, z gì đó! Tưởng các nhà lãnh đạo như ông chủ tịch tỉnh nọ được mục sở thị âm mưu phá hoại kinh tế nước mình như thế thì sẽ có giải pháp đấu tranh chống lại. Nào ngờ, hình như ông cũng ngậm bồ hòn làm ngọt để mới đây thôi, dân thi nhau làm chè bẩn bán cho Trung Quốc với giá cao gấp mấy lần mà chính quyền không hề hay biết. Phải đợi khi sự thật được đưa lên mặt báo, lên truyền hình phát tán khắp năm châu bốn bể thì các vị mới ớ ra. Thế mà có ông phó chủ tịch tỉnh khi nói với phóng viên còn tỉnh queo: Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra theo phản ánh của báo chí nhưng cho đến nay chưa phát hiện ra người dân nào làm chè bẩn (!). Quan liêu đến thế là cùng ! Quả này thì thương hiệu chè Việt không chết cũng lê lết làm dưa. Thế giới còn ai dũng cảm uống chè Việt nữa ?
Gần đây, thương lái Trung Quốc còn sục xuống tận Nam bộ để thu gom khoai lang, đẩy giá lên trời làm cho người trồng khoai ngỡ cơ hội đổi đời đã đến. Họ thuê đất mở trang trại làm ăn lâu dài. Trước sự việc này, hàng loạt phương tiện truyền thông đã cảnh báo dư luận về nguy cơ dẫn đến tình trạng thao túng vùng nguyên liệu nông sản. Chính quyền hình như chưa có động thái gì. Còn vị Giáo sư nông nghiệp khả kính Võ Tòng Xuân- người từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của các tổ chức, dự án quốc tế và quốc gia về lĩnh vực nông sản lại đưa ra quan điểm trái ngược với dư luận hiện nay và khẳng định: Chúng ta nên cám ơn thương nhân Trung Quốc đã tiêu thụ nông sản cho nông dân ta ! Ôi, thương lái Trung Quốc tốt thật. Cũng như vụ chè bẩn phía Bắc, họ đang giúp ta bằng cả 16 chữ vàng suốt dọc dải đất hình chữ S. Chắc phải đợi đến khi người nông dân sạt nghiệp vì khoai rớt giá thê thảm, người ta mới tỉnh ngộ bởi cái sự giúp đỡ hào phóng đó và mới hiểu thế nào là một âm mưu thâm độc. Đợi đến khi đó thì còn gì nữa mà nói.
Lại nữa, trên báo chí mấy ngày qua, nhìn đâu cũng thấy chung một dòng tít: Tràn ngập lao động Trung Quốc. Hầu hết số lao động phổ thông mà họ đưa sang để thực hiện các gói thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay) đều không có phép.
Bạn thử nghĩ xem, mỗi khi nhà mình có khách nghỉ lại qua đêm gia chủ phải tức tốc đến trụ sở công an phường, hoặc chí ít thì cũng báo với ông tổ trưởng dân phố về việc đăng kí tạm trú thế mà có lúc còn gây khó dễ. Người dân có được vài phòng cho thuê trọ chẳng may chưa kịp đăng kí thì bị hành lên phạt xuống. Vậy mà hàng ngàn lao động Trung Quốc có mặt bất hợp pháp khắp mọi miền đất nước thì chẳng cấp chính quyền nào quan tâm, còn ngành chức năng thì như bà Nguyễn Thị Hải Vân - Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) hôm 12-8-2011 cho báo chí biết, Bộ LĐ-TB-XH vẫn đang chờ địa phương báo cáo tình hình cụ thể. Chờ đến bao giờ đây ? Đúng là “Hãy đợi đấy” !
Xem ra căn bệnh quan liêu, tắc trách đã trầm trọng lắm rồi !
Nguyễn Duy Xuân