Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN HIẾU-DÒNG VĂN NHƯ LŨ SÔNG HỒNG

Nguyễn Đức Huệ
Thứ sáu ngày 19 tháng 8 năm 2011 6:01 AM
 
Hồi nhà văn Ma Văn Kháng đương chức Tổng biên tập NXB Lao Động, khi chứng kiến những đầu tiểu thuyết in ràn rạt của Nguyễn Hiếu tại nhà xuất bản này, đã buột mồm khen: “Chú đúng là lực sĩ của tiểu thuyết Việt nam”. Chả biết trong nghề đánh giá ra sao, chỉ biết một thực tế là: trong làng văn Việt nam đương đại có một Nguyễn Hiếu hùng hục viết văn lấy tiền nuôi con. Vào những năm tiếp giáp thập kỉ 80 đến thập kỉ 90 của thế kỉ 20, những năm tháng mà bất kì cán bộ công chức nào cũng gặp phải sự khó khăn trong đồng tiền bát gạo, đúng là do một nhu cầu chả gắn gì đến văn chương đã khiến anh chàng viết văn làng Chèm này quyết tâm kiếm sống bằng ngòi bút. Trong vòng 5 năm lão cho in đến 13 đầu sách, trong đó có 11 tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn, chưa kể vài tập in chung, có cái in tận Matxcơva. Rồi cứ thế lão liên tục viết. Tính đến năm 2010, sau gần ba chục năm cầm bút, Nguyễn Hiếu đã xuất bản trên 30 tác phẩm, bao gồm 7 tập truyện ngắn, 20 tiểu thuyết, từ ba trăm trang đến bảy, tám trăm trang, toàn cỡ xe tăng trọng pháo chứ không thường. Đó là chưa kể hơn 50 kịch bản dài, vài chục kịch bản ngắn trong đó một số vở đã được dàn dựng tại Nhà hát kịch Việt Nam, vài vở được tặng thưởng bằng cả cái xe đạp Viha vào năm đói nhất, lão bán đi lấy tiền nuôi con ăn học, chưa kể ngót 500 kịch ngắn cho Đài, cái gọi là câu chuyện truyền thanh, chưa kể hơn 200 bài thơ, khoảng 100 tản văn, bút kí, ghi chép in rải đều trên các báo cùng hàng ngàn bài báo phát thanh vốn là nghề chính để kiếm cơm của lão, phát lên giời như băn pháo hoa trong ngót 40 năm phụng sự nhà Đài.
Làm biên tập viên Đài TNVN, lẽ ra phải chuẩn mực chỉn chu mới đúng. Nhưng có lẽ anh chàng người Chèm này mang tố chất dòng sông Cái quê anh nên hễ cầm bút là văn chương lúc nào cũng tuôn ra ào ạt, cuồn cuộn chảy như sông Hồng mùa lũ với một lưu lượng chữ khổng lồ cùng lúc ập vào các Nhà xuất bản đến nỗi họ phải chạy vống lên như chạy lụt. Số lượng nhiều, thể loại, đề tài đa dạng, in liên tiếp hết cuốn này cuốn khác khiến cách văn sĩ Hà thành phát hoảng. Lão còn xông cả vào lĩnh vực phê bình, hăm hở và quyết liệt với vốn liếng khá là giàu có của một cựu sinh viên khoa văn trường Tổng hợp, đôi khi làm các nhà các nhà phê bình chính ngạch nổi đóa lên vì dám chê bai họ.
Có thể đến một lúc nào đó, người ta sẽ có một công trình nghiên cứu kĩ lưỡng về những sáng tác của nhà văn Nguyễn Hiếu, song trước mắt bạn đọc có thể thấy rằng mỗi tiểu thuyết của anh là một kết cấu riêng, với nhiều thủ pháp thể hiện. Khi thì kì ảo, giả tưởng như chuyện tình người điên, khi thì nghiêm túc kiểu hiện thực chủ nghĩa thời Banzac như Vừng trăng hững hờ (tên nguyên gốc là Xử bắn nhưng nhà văn Ma Văn Kháng đề nghị đổi tên), khi thì hiện thực chen huyền thoại như Con ngố, khi như một biên bản mở rộng của một vụ án như chân trời vỡ đôi, khi lại lấy hài hước là âm điệu chủ đạo như Những mảnh trần gian hay Tây tây ta ta... Nhân tiện xin nói thêm rằng có lẽ trong số các nhà văn đương đại ở ta, Nguyễn Hiếu là tác giả có nhiều tác phẩm hài hước nhất kể cả trong tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch, trong đó đáng kể là vở cu Tũn thích làm người lớn. Có người đọc truyện hài của lão xong bảo lão này hóm hơn cả AzicNexin vì lão “cù” theo kiểu dân dã nghe rất sướng.
Đáng tiếc là những truyện vui, kịch vui của lão tôi chưa được thưởng thức lần nào, cũng như những gì Nguyễn Hiếu viết trước đây tôi đều chưa được đọc. Đơn giản vì khi ấy tôi còn ở tỉnh xa mà sách của anh thì chỉ mới ra từ Chèm đến Nhổn đã bán hết veo rồi. Bạn bè còn nhắc lại việc vào năm 1988 khi NXB Phụ nữ phát hành Người đàn bà quỉ ám của Nguyễn Hiếu thì một ngày hiệu sách phố Bà Triệu trước cổng Đài TNVN bán được gần một trăm cuốn. Hỏi truyện viết thế nào thì họ bảo cần gì phải đọc, cứ ngồi uống bia mà nghe lão kể cũng tha hồ sướng.
Quả nhiên như vậy. Một hôm ngồi uống bia với Nguyễn Hiếu và Phạm Thành, tác giả tiểu thuyết Hậu Chí Phèo. Hai vị “già làng trưởng bản” của nhà Đài, vốn là họ hàng gần gũi với tôi vì vốn dĩ tôi cũng gốc nhà Đài, thuộc chi Quảng Ninh, còn hai lão thuộc chi Hà Nội. Phạm Thành là nhà biên tập lâu năm, thuở làm thư kí tòa soạn báo của Đài (Đài cũng có báo riêng, buồn cười thế!), gã từng nhiều phen biên tập tác phẩm của Nguyễn Hiếu nên hơi mắc bệnh nghề nghiệp. Sau khi thách đố bất kì một người nào có thể đọc hết chỉ riêng lượng tác phẩm của Nguyễn Hiếu đã in trên giấy trắng mực đen, gã bắt đầu thao thao nói về chính tả và văn phạm, nhất là những cái lỗi không thể tha thứ được trong văn Nguyễn Hiếu. Nguyễn Hiếu nghe chẳng phản ứng gì, thỉnh thoảng lại cười phe phé: “Tôi không biết văn phạm nó quan trọng thế nào nhưng hễ là nhà văn thì viết sao cho đúng cái mình nghĩ là được. Đại khái thế!”.
Nhưng vui nhất là chuyện Nguyễn Hiếu kể về Xuân Diệu.
- Năm 1968, tức năm thứ ba tớ phải làm khóa luận về Nguyễn Trãi. Biết đàn anh Xuân Diệu rất am hiểu cụ này. Mình liều đến tham khảo. Trong lúc chờ Xuân Diệu mình nghĩ sao tạo dáng ra vẻ nghệ sĩ cho hợp cách, nên đứng chéo chân ở gốc cây hoàng lan hay cây gì ấy ở trước cửa nhà cụ. Ai dè lúc Xuân Diệu vừa nhìn thấy đã nói luôn một câu khiến mình phát hoảng: “Trong tình yêu và trong văn chương, không bao giờ chấp nhận tư thế đứng chéo chân như vậy. Tất cả đều phải thật nghiêm túc”. Mình vội đứng thật nghiêm. Ông lại bảo: “Việc gì phải nghiêm quá thế? Anh không hiểu nghệ sĩ thế nào sao?”.Mình vừa sợ vừa buồn cười. Bố này nói kiểu gì cũng được. Ít năm sau, trong một cuộc thi thơ do Hội Nhà văn tổ chức, mình được giải khuyến khích do chính tay Xuân Diệu trao ở nhà hàng Bô-đê-ga Tràng Tiền. Vừa nhìn thấy tớ, Xuân Diệu nhận ra ngay, liền bảo: “Ra lời tôi dặn cậu không nhớ à? Thể lệ là ba bài, mà cậu lại gửi một bài. Rất thiếu nghiêm túc. May bài của cậu hay và lạ nên giám khảo, trong đó có tôi, mới nhân nhượng mà cho giải. Lần sau còn thế thì cho rớt!”
Làm thơ được giải từ dạo ấy, quen biết Xuân Diệu từ dạo ấy, như người khác có lẽ nắm ngay lấy “cơ hội vàng” đó mà lên và chắc hẳn sẽ lên vùn vụt như diều gặp gió. Nhưng Nguyễn Hiếu đã không làm như vậy. Lão chỉ viết những gì mình thích, viết một cách vô tư, viết như một nhu cầu tự thân, như một phương tiện kiếm sống và có lẽ một nguyên nhân sâu xa là viết vì tình yêu của mình với đất và người Hà Nội, nơi lão được sinh thành nuôi dưỡng với biết bao kỉ niệm vui buồn. Hãy nghe lão hát về kỉ niệm mùa hè ở cái làng Chèm ven đô ấy:
Chéo ngang môi chạm lúm đồng tiền
Ngốc nghếch  loang toàng gíó chiều hạ
Diều vu vơ cũng đẩy thốc lên
Có tiếng chim gù buông đâu đây
Nụ vối tím nâu rơi bờ ao vắng
Con thằn lằn nghếch đầu chờ lặng
Trăng non vô duyên cố nhướn ngang mày
Mẹ dỗ con đứt chùng sợi võng
Thuyền mềm chao chát nhà dại nắng
Tay gầy vỗ lả mây bay...
Nguyễn Hiếu người Hà Nội gốc, nhà nội ở Phùng Khoang nhưng từ bé sống với mẹ ở Chèm, trong tác phẩm của mình ông thường gọi chệch đi là làng Chiện, nơi hội tụ đủ thứ thượng vàng hạ cám. Người kẻ chợ Hà thành, dân đò ngang đầu gấu, thợ thuyền phu phen tạp dịch, anh hùng sĩ tử, ông cai thầu, chị giả bụng chửa buôn rượu lậu, anh cán bộ Việt Mình đánh từ vùng tự do sang vùng tề rồi ở luôn tại đó, anh cán bộ cải cách ruộng đất đến nằm vùng rồi nằm luôn với vợ người ta… nghĩa là mọi thứ trong xã hội Việt Nam thời đó đều có cả. Có lẽ vì thế trong con người Nguyễn Hiếu, cũng như đường văn ông không chỉ theo một lối mà pha trộn đủ thứ, rẽ ngang rẽ dọc linh tinh, nói như nhà văn Văn Chinh là văn Nguyễn Hiếu với sức mạnh ồ ạt của mình có đủ cả củi rều, phù xa màu mỡ và cả rác rưởi, cỏ rả trên sông, nghĩa là cũng xô bồ mạnh mẽ và bạt mạng như chính con người lão. Tuổi niên thiếu nổi tiếng là cậu học trò nghịch như quỉ sứ nhưng lại bất ngờ trở thành thành viên của đội học sinh Hà nội đi dự thi học sinh giỏi văn miền Bắc. Học xong đại học ra trường làm phóng viên Đài TNVN, làm báo là chính nhưng viết báo bằng tay trái còn viết văn mới dùng tay phải.
Và nếu tôi không nhầm thì trong số các nhà văn từng sống và làm việc ở Thủ đô, Nguyễn Hiếu là tác giả viết về Hà Nội nhiều hơn cả, nhất là trong địa hạt văn xuôi, hầu hết các tác phẩm thuộc thể loại này, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, anh đều tập trung viết về Hà Nội. Hà Nội với năm cửa ô và ba mươi sáu phố phường đã đi vào văn chương từ những năm đầu thế kỉ qua những trang viết của Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Nhất Linh và sau này là Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Hà Minh Tuân và... Nguyễn Hiếu. Tuy là lớp hậu sinh nhưng lại có độ lùi khá xa để mà chiêm nghiệm và bởi thế anh đã phản ánh về Hà Nội một cách sâu sắc với tất cả độ dày và chiều sâu, bề mặt và góc khuất của nó cùng với một thế giới nhân vật vô cùng đa dạng, những số phận chìm nổi đa đoan trong những cơn lốc xoáy của thời cuộc. Nói theo nhà thơ kiêm họa sĩ, NSND Lê Huy Quang thì chỉ riêng tiểu thuyết Tình nhân của Nguyễn Hiếu xuất bản năm 2009 đã là một cuộc triển lãm trưng bày chân dung phong phú của Hà Nội trên nửa thế kỉ, mô tả chất Hà Nội đậm đặc, từ lời ăn tiếng nói của các nhân vật một thời, từ lối sống, cách nghĩ riêng của người Trường An, của Hà Nội xưa với cách trưng diện quần áo, cách dùng mùi xoa, nước hoa rất cầu kì. Rồi những gã cai thầu, những gánh hát rong, những bà buôn thúng bán mẹt, những gã bắt lươn bắt rắn ở các làng ven đô thuở trước được đồng hiện bên cạnh những ả cave đương đại, những tên lưu manh nghiện hút, những kẻ chuyên làm hàng giả thời nay...Cả một rừng người hỗn độn nhốn nháo xênh xang mũ áo nhăn nhở mếu máo xin cơm xin cháo trên đường phố bên cạnh những cửa hàng cửa hiệu quảng cáo lòe loẹt với tiếng nhạc xập xình như vừa được ào ra từ những trang văn cũng ào ạt bừa phứa nhung nhăng của Nguyễn Hiếu, để rồi một phút giây nào đó bất chợt lặng im. Lặng im đến mức nghe được tiếng lá rơi xào xạc bên hè, ngửi thấy mùi phở ngào ngạt tỏa ra từ ngõ phố, mùi cà phê lãng đãng đâu đây, và thấp thoáng gần xa là bóng các cô gái tân thời tha thướt quanh hồ Gươm thơ mộng.
Phải rồi, đây là cả một phòng tranh phản ánh đầy đủ diện mạo Thủ đô Hà Nội với rất nhiều góc cạnh, những bức sơn dầu với những gam màu nóng chen lấn nhau một cách dữ dằn bên cạnh những bức tranh lụa với những nét vờn tinh tế đến huyền ảo. Và có lẽ do gắn với Hà Nội từ trong máu, chỉ bằng vài nét bâng quơ Nguyễn Hiếu đã vẽ ra Hà Nội trong suốt cả bốn mùa. Đọc Nguyễn Hiếu, đôi khi ta dừng lại giữa chừng mà bất giác thốt lên: Hà Nội thế này mà người ta định tìm nơi khác làm Thủ Đô thì lạ nhỉ?
Và thật mừng cho Nguyễn Hiếu là trong năm 2009, để chuẩn bị cho kỉ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, ông được chọn thực hiện dự án “tuyển tập Nguyễn Hiếu“ gồm 10 cuốn bao gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch với khoảng 6000 trang in. Đây là một sự khẳng định giá trị tác phẩm của Nguyễn Hiếu, cũng là đóng góp đáng kể của ông vào kho tàng văn học Việt Nam và nền văn hóa Thủ đô Hà Nội.
Trong nghề văn, ngẫm ra cũng thấy nhiều điều lạ. Có những người phát lộ tài năng từ rất sớm, nổi tiếng ngay từ khi còn nhỏ tuổi kiểu như hoa mười giờ, sau đó là nhắm mắt ngủ luôn, lại có những người xuất hiện khá muộn màng, hay nói đúng hơn cứ lặng lẽ phụng sự nghiệp văn hệt như cái cây cứ vươn dần lên để thành cổ thụ cho đến khi ngọn lá được mây phủ quanh như một vầng nguyệt quế. Nguyễn Hiếu là nhà văn thuộc trường hợp thứ hai. Có lần anh đã luận về nghiệp nhà văn như vậy:
“Lâu nay theo dõi sự nghiệp sáng tác trong làng văn của ta, tôi nhận ra nhà văn có tuổi sáng tác lâu dài và bền bỉ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là lão nhà văn Tô Hoài, nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Phục, Chu Lai...  và nếu gạt bỏ sự khiêm tốn giả vờ đi thì trong các nhà văn cao tuổi nay còn viết là tôi, Nguyễn Hiếu(!) Ở ta tôi thấy lượng các nhà văn thuộc dạng viết bằng kỷ niệm ấu thơ và kỷ niệm xung quanh mình để rồi chỉ dừng ở đó là tương đối đông. Với sự thành công ít nhiều của tác phẩm, đủ cho họ tiêu chuẩn ghi tên vào Hội Nhà văn là dường như dừng lại...”
Qua đây có thể thấy rằng Nguyễn Hiếu là một nhà văn rất tự tin và có trách nhiệm với ngòi bút của mình. Sự ồ ạt một cách vững vàng khiến ông được đồng nghiệp phong tặng danh hiệu “Lực sĩ làng văn thời hội nhập” đã nói lên điều đó. Và đó cũng là điều đáng để mọi người cùng suy ngẫm về những cuộc hành trình tìm mình của mỗi đời văn.