Tôi dùng từ hoạt kê là từ Vũ Ngọc Phan dùng khi xếp loại nhà văn trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, ông xếp Đỗ Phồn vào mục tiểu thuyết hoạt kê với nội hàm gần như hài hước, trào phúng của từ này.
Đây không phải lần đầu tiên Lê Tự viết văn hoạt kê Tiểu thuyết Ba Khía và cộng sự là một ví dụ. Và ngay trong tập truyện ngắn đầu tay Đời quân tử trước đó, cũng có những yếu tố hoạt kê. Nhưng nếu Ba Khía và cộng sự là một tiểu thuyết hoạt kê nghiêng về trinh thám (với hình tượng trung tâm là thám tử nhân dân) thì Bố tôi làm mặt trận là tiểu thuyết hoạt kê 100% từ nhân vật đến tình tiết, ngôn ngữ... không có trang nào nếu không nói không có dòng nào không phải cười. Vấn đề là cái cười đó có ý nghĩa gì? đằng sau cái cười đó là cái gì?
Xưa nay người ta thường chia cái cười ra làm hai loại: cái cười có ý nghĩa xã hội và cái cười đơn thuần có tính chất giải trí.Bố tôi làm mặt trận có cả hai loại đó song nó đứng được trước hết vì nó là một tiểu thuyết hoạt kê có ý nghĩa xã hội. Xưa có nhà văn , tôi không nhớ rõ là ai, có ví tác phẩm của ông như cái hạt có vỏ cứng, đập cái vỏ cứng ấy ra thì lấy được nhân bùi. Tôi cũng nghĩ như thế, cái cười trong tiểu thuyết hoạt kê cũng có cái vỏ, cái vỏ không cứng nhưng hơi dầy, bóc cái vỏ dày đó ra thì lấy được nhân. Và bây giờ tôi đang làm việc ấy.
Ở ta cái gì có chữ nhân dân thường có ý nghĩa vừa phổ quát vừa thiêng liêng ví dụ Quân đội nhân dân,Tòa án nhân dân.... nhưng có những từ có chữ nhân dân lại không liêng liêng lắm nhưng rất thân thương, đáng mến như Hiệu sách nhân dân, Thanh tra nhân dân, nhất là ở đây lại là Thanh tra nhân dân Phường. Đúng vậy Thanh tra nhân dân Phường chỉ có chức năng phát hiện những vụ việc vi phạm rồi kiến nghị với Chủ tịch Phường thôi chứ không có thẩm quyền xử lý kể cả việc lập biên bản nhưng dù sao đây cũng là một chức vụ ở Phường ngang với các chức Hội trưởng Hội người cao tuổi Phường, Hội trưởng Hội phụ nữ Phường nên với những người cả đời là phó thường dân thì lãnh chức đó cũng là một dịp đáng mừng. Vì thế nhân vật bố tôi mời cả nhà ra quán uống bia, ông nói: xin thông báo với bà nó và các con, bố vừa được bầu làm Trưởng ban thanh tra nhân dân Phường. Cả nhà cụng ly!. Bà mẹ đại diện cho lương tri của người bình dân nói: Này ông ơi, Thanh tra nhân dân là làm việc gì thế, lương có cao không. Khi anh con thứ hai nhà báo nói: Thanh tra nhân dân không có lương đâu mẹ ạ, chỉ có phụ cấp thôi, chẳng đáng là mấy, làm việc là vì dân,bà mẹ càng phấn khởi, bảo:Làm việc gì cho dân là được rồi, bố được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban là oách lắm đấy các con ạ. Ông con giai cả là luật sư vốn tính bỗ bã lại hay rượu, rút ra một tập tiền nói: Con biếu bố nhân dịp sự kiện vui của gia đình. Hay lắm, thanh tra nhân dân là cái chức khốn nạn nhất trong xã hội loài người, quyền rơm vạ đá, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nhà mình đang không có ai làm quan chức, bố phấn đấu được thế này cũng là mừng rồi.
Mà quyền rơm vạ đá thật, chỉ ít hôm sau, ông bố đã được ăn củ đậu bay. Số là một hôm anh Khoa béo xây nhà lấn chiếm đất công, ông xông ra lập biên bản thì bị anh ta nhặt một hòn gạch ném vào đầu, chảy bao nhiêu máu, đến chiều thì đầu sưng lên một cục to bằng quả trứng gà công nghiệp. Đã thế ông con giai cả còn nói láo về cái vết thương của bố chung quanh đỏ ở giữa đùng đục trắng, như thế này Hình như chất bã đậu trong óc phòi ra ngoài, có thể phải đưa bố đi viện, làm cho ông bố tự ái, nén đau, quát Mẹ mày chứ, đầu tao mà có bã đậu bên trong được à? Chúng mày toàn đứa thông minh là do ảnh hưởng gen của tao chứ, hồi học bình dân học vụ trong phong trào diệt dốt, tao giỏi nhất lớp đấy!. Thủ pháp: trên quan trọng hóa dưới tầm thường hóa, hoặc trên: nghiêm trang dưới thì đùa cợt vốn là thủ đoạn gây cười sở trường của Lê Tự. Nhưng lại thêm yếu tố bất ngờ, trong cái rủi lại có cái may, Khoa Béo, người ném gạch vào đầu bố lại là bạn học hồi cấp III với anh cả, thế là anh ta đến nhà xin lỗi, còn biếu một quả dưa hấu nặng 5kg và 2 triệu đồng.
Đã có chức là có quyền, có quyền là có lợi, dù chỉ là quyền phát hiện, góp ý. Ông bố được một người xây nhà lấn chiếm 20cm đất của trường Mầm non biếu 5 triệu để ông lờ đi cho. Ông thanh tra nhân dân định không nhận nhưng gã cứ để phong bì lại rồi đi nhanh ra. Ông bị lương tâm giày vò lại bị giằng xẻ giữa dư luận xã hội và những ý kiến trong gia đình. Một bà trong Hội người cao tuổi nói: Ông thanh tra nhân dân ơi, ông ra mà xem lão Cảnh xây nhà lấn chiếm đất trường Mầm non kia kìa. Ông ra lập biên bản phạt ngay đi. Một tốp dân đến xỉa xói vào mặt ông Này ông thanh tra nhân dân kia, chúng tôi đã có đơn tố cáo lão Phong Víp xây nhà lấn chiếm trường Mầm non, tại sao ông không ra bắt nó phá đi, bây giờ nó đã đổ trần tầng 1 rồi thì làm gì nó à?Hay là nó đã đấm mồm ông cái gì rồi hả?. Bà mẹ sợ hãi nói Này con ơi, thế là bố mày ăn của đút lót à? Chết chết, nhỡ nó khai ra thì đi tù, mày lựa lời bảo bố đem trả nó đi, mẹ sợ lắm. Bố mà đi tù thì mẹ không mang cơm được đâu. Anh con thứ hai cũng nói Bố đem trả cho hắn đi, nhỡ lộ ra thì xấu mặt, mấy triệu bọ ăn tiêu rồi cũng hết. Nhưng anh con cả lại bảo Bố cứ tiêu đi, cho cả nhà ra quán nhậu một bữa lên bờ xuống ruộng là xong.Đời phải thế, quan to ăn to, quan bé ăn bé, không có phong bì thì làm quan cái gì cho mệt...Để con bảo nó chạy cả mấy thằng bên trật tự xây dựng nữa là xong.Ông bố cất tạm cái phong bì vào ngăn kéo, người cứ đơ đơ thế nào ấy. Thế là mang cái lo, cái khổ vào người, cả nhà từ đó cũng mất vui. Thật đúng là cái bi hài của người lương thiện khi mới bước vào guồng máy quan chức dù ở cấp thấp nhất.
Còn vài chuyện bi hài nữa là khi thấy một cặp vợ chồng cãi nhau như hát hay, mọi người kéo đến xem, ông hăng hái xông vào can bị anh chồng chém cho một nhát vào tay.Nhưng trong cái rủi lại có cái may, ông bị thương được lãnh đạo và nhân dân đến thăm cho quà rất đông...
Lại nữa, trong Phường có một cô gái bán dâm không chịu cải tạo, ông đưa cô ra kiểm điểm vì cô bị bắt quả tăng đang bán dâm cho một ông già 74 tuổi với tang vật là 2 chiếc bao cao su vừa sử dụng, cô đã cãi cho việc làm của mình là có tính nhân văn, đến khi một cụ cao tuổi, người đã bắt được quả tang cảnh trai trên gái dưới thì cô mắng cụ là nói điêu vì cô ở trên chứ không ở dưới.
Bóc cái vỏ hài hước được ngôn ngữ tô đậm đi, thì ta thấy ông thanh tra nhân dân vừa đáng thương, vừa đáng mến. Truyện của Lê Tự có tính nhân dân cả về nội dung lẫn nghệ thuật là như vậy.
Cao trào của truyện được đẩy lên ở phần sau khi ông thanh tra nhân dân được bầu là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường , gay cấn nhất , phức tạp nhất là viêc ông phải tham gia giải quyết vụ nhân dân kiện chính quyền phường thu hồi đất đai của dân trái pháp luật cho công ty dự án. Ông Bí thư Đảng ủy phường đến chuyển cho ông số tiền 10 triệu đồng hoa hồng của công ty và còn hứa hẹn thêm, đề nghị ông đứng về phía công ty và chính quyền kết luận đất của dân là đất lấn chiếm không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ thôi. Nể quá, ông đã cầm 10 triệu. Nhưng trong vụ này, nhân dân lại là thân chủ của luật sư con trai cả của ông. Con trai cả yêu cầu ông làm đúng chức năng của Mặt trận, đứng về phía nhân dân. Nhưng ông đã trót nhận tiền, thêm vào đó ông cũng sợ mất chức, sợ chống lại lãnh đạo. Lại có người dúi vào nhà 10 triệu.
Ông đang phân vân, đấu tranh tư tưởng thì cô con dâu cả bầy kế cho ông cáo ốm để khỏi phải ra dự cuộc đối thoại với dân. Thế là ông đi viện, từ ốm vờ thành ốm thật. Lãnh đạo phường đến thăm, lại cho túi nho, 2 hộp sữa to tướng và chiếc phong bì dày, mở ra có 5 triệu đồng. Anh hai nhà báo bảo đem trả. Cô dâu cả gắt: Thời này là thời nào mà cứ diễn vai Lưu Dung lưng gù thì chó nó ưa, có tiền thì làm, đừng làm cho nó ăn mà ngu. Bọn chúng nó lấy đất của dân rẻ như bèo, đổ thành nền bán mấy chục triệu 1 mét vuông, thế mà có đạo đức à, phải bắt chúng nó nôn ra cho mình một ít chứ. Đó là lời nói của phe tiêu cực. Dù lời nói của phe tích cực hay tiêu cực cũng đều là những mũi tên bắn vào tham nhũng.
Ông Chủ tịch Mặt trận đi họp về, thấy dân kéo đến nhà ông thì ông giải thích các ông các bà có đi kiện cáo thế này thì còn ra thể thống gì nữa. Chính quyền chẳng làm gì sai đâu, đất lấn chiếm lại cứ đòi tiền đền bù đất ở thì tiền ở đâu ra. Ông đã bị một bà nông dân chỉ tay vào mặt, mắng té tát Này ông, tôi biết ông đang làm Chủ tịch Mặt trận phường mà ông ăn nói với dân thế hả. Như dân chúng tôi có đơn từ thì mặt trận phải giám sát xem ai đúng ai sai chứ, chưa chi ông đã bảo chính quyền làm đúng thì còn vai trò giám sát nào nữa không?. Chúng tôi đến đây vì anh luật sư chứ không vì ông, làm Mặt trận mà cứ theo đuôi chính quyền thì xin ông nghỉ đi, ông ạ. Ông còn nhận được thư nặc danh , nội dung gần như trên. Thế là ông lại sinh ra ốm, cuộc đối thoại với dân phải hoãn chờ ông bình phục. Ông lại nhận phong bì 5 triệu của chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới. Và ông lại ốm, ông định xin từ chức Chủ tịch Mặt trận.Hai con trai ông bảo ông cứ ra đối thoại với dân, đứng về phía dân vì Mặt trận là tổ chức đại diện cho tiếng nói của nhân dân, là cầu nối giữa dân với Đảng...kể cả mất chức cũng không sao, cái phong bì họ biếu thì sẽ trả lại, chúng con sẽ cho bố tiến,không đi tù đâu mà sợ. Ông Chủ tịch quyết định ra viện và quyết tâm đứng về phía dân, mặc dù ông Bí thư có hứa hẹn cho ông một suất đất liền kề.. nhưng trên đường ông hăm hở ra nơi đối thoại thì ông bị một gã thanh niên xô ngã rồi chạy mất, không tìm ra tung tích. Ông được đưa đi bệnh viện. Cuộc đối thoại vẫn tiếp tục, một cán bộ địa chính nói thay ông, đã đứng về phía chính quyền. Mặc dù luật sư cãi rất hay nhưng chính quyền vẫn không chấp nhận , dân bị xử thua. Ông Chủ tịch Mặt trận viết đơn xin nghỉ việc. Đơn của ông được chuẩn y ngay và ông được bằng khen, được tặng hoa, cả gia đình ông Chủ tịch Mặt trận liên hoan mừng bình an vô sự. Giữa lúc đó, ông lại nhận được điện mời lên Quận nhận bằng khen. Truyện hết.
Đến đây sự hài hước đã đi vào bản chất, không cần đến một thủ pháp nào nữa nhưng dù sao vẫn phải xen vào đó những yếu tố hài hước nếu không thì tác phẩm thành chính kịch mất. Lê Tự đã dùng nhiều biện pháp để nuôi chuỗi cười:
Giữa hai tình tiết lớn có tính chính kịch là những tình tiết nhỏ có tính hài. Đó là tình tiết ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường phát động phong trào diệt chuột và cuộc vận động không thả rông chó.
Ở tình tiết 1, tác giả đã sử dụng văn phong hành chính nghiêm trang trong lời hiệu triệu diệt chuột.... thủ pháp này làm ta nhớ đến cái tờ trát của quan huyện sức cho làng phải bắt cho đủ 100 người đi xem đá bóng trong Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan. Lại nữa: mỗi đuôi chuột được thưởng 5.000đ, ai nộp 1000 đuôi thì được một chuyến đi du lịch Thái Lan. Thế là các con ông chủ tịch gọi điện về quê bảo gửi lên mấy trăm cái đuôi chuột. Đuôi nào dài, các anh cắt đôi rồi đập dập một đầu cho to ra giả là cuống đuôi. Và thế là đủ 1000 cái đuôi, nhưng bà mẹ vẫn không được đi Thái Lan vì nhà tài trợ chạy làng.
Còn tình tiết thứ 2 thì người ta cãi nhau: cấm chó thả rông ảnh hưởng đến sự phát triển của loài chó vì ở Việt Nam ta thịt chó là loại đặc sản khoái khẩu số một, không thể thiếu. Ông chủ tịch liền nghĩ ra một cách giải quyết là chó có rọ mõm thì tha hồ được thả rông. Lê Tự còn sử dụng yếu tố tục để gây cười , ví dụ như trong một những lý do phải cấm chó là khi cho đực và chó cái lẹo nhau trên đường phố thì dân ra xem đông quá mất trật tự, cản trở giao thông,...hoặc là khi ông bố được bầu làm thanh tra giao thông thì thêm một cái khổ là hay phải đi ăn mà ông thì vốn bị đại tràng mạn tính do thời gian ở Trường Sơn ăn uống quá kham khổ, hay ông còn bị mời đi hát karaôkê làm cho bà vợ nổi cơn vì sợ ông hát karaôkê có tay vịn...
Song song với tuyến 1 tức là truyện ông chủ tịch Mặt trận và công tác của ông, là truyện gia đình với vợ ông, 3 con trai ông, trong đó anh cả có vợ, anh hai đến giữa truyện có vợ còn anh ba mới có người yêu. Cả nhà có một đặc tính chung là thích uống rượu mà cứ uống vào là lời ra nghĩa là, có dịp để một chuỗi cười xổ ra. Tác giả còn sáng tạo ra những mâu thuẫn nhỏ gây cười có khi cười chảy cả nước mắt. Ví dụ chồng gầy yếu, vợ quá to khỏe ( đuôi chuột ngoáy lọ mỡ), chồng sành ăn, nấu ăn giỏi lấy phải cô vợ vụng nấu ăn chém to kho mặn. Anh cả là luật sư đứng đắn lại phải cãi cho đứa hiếp dâm hoặc giao cấu với gái vị thành niên hoặc bắt được quả tang gái bán dâm ở gốc cây nhưng cô gái nói thương anh xe ôm xa nhà lâu lại nghèo nên chỉ lấy có 50.000đ, anh không những không mắng chửi mà còn phán một câu xanh rờn :bán dâm thế là có tâm còn hơn giáo viên dạy thêm lấy nhiều tiền của học sinh.
Anh hai là nhà báo luôn đấu tranh chống tiêu cực vì sự trong sáng của xã hội nhưng người yêu anh, một cô gái nhà lành lại thú nhận với anh là đã phải bán thân 2 năm nay để có tiền gửi về quê nuôi 5 em ăn học!. Và anh đã bị đe dọa, bị vứt cứt vào nhà... Anh thứ ba thì một hôm người yêu anh xin tự nguyện hiến mình cho anh, anh từ chối vì không có cảm hứng thì bị người yêu mắng là thời buổi này chuyện ấy là chuyện thường...
Qua những chuyện cười của Lê Tự, ta thấy hiện ra lồ lộ một bức tranh hiện thực đương thời với rất nhiều nhố nhăng, tiêu cực. Tác giả còn nhân những dịp cười đó để đá ngang, phê phán cả những thứ tiêu cực mà tác giả không có điều kiện trực tiếp phản ánh trong truyện. Nhưng chủ đề chính của tác phẩm là vấn đề vai trò của Mặt trận mà qua những bi hài cũng như những xung đột trong truyện (xung đột người người và xung đột nội tâm), tác giả muốn khẳng định vai trò phản biện xã hội của Mặt trận rất cần được đề cao, rất cần được coi trọng.
Thủ pháp gây cười của tác giả thật mạnh dạn, thật phong phú nhưng yếu tố tục hơi lạm phát trong tình tiết, trong ngôn ngữ về kết cấu, truyện ông chủ tịch cần tăng cường hơn và giữa 2 tuyến truyện: tuyến mặt trận và tuyến gia đình cần có quan hệ gắn bó hơn để tăng cường tính nhất quán và tính chặt chẽ của tác phẩm.
Dù sao, với hơn 200 trang mà người xem có thể đọc liền một hơi, không ngừng lúc nào, không bỏ đoạn nào và sau đó thấy cuộc sống và con người có nhiều nhược điểm nhưng vẫn đáng yêu, đáng sống vì lương tri vẫn thắng ít nhất là trong dư luận, trong thâm tâm con người, thì đó là một thành công của tác giả, làm ta nhớ đến câu nói của Các Mác cách đây hơn một thế kỷ rưỡi : Tiếng cười là để con người từ biệt quá khứ một cách vui vẻ.
19/8/2011
Đặng Hiển