Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỤC BÁT KHÔNG MÙA

Nguyễn Thái Sơn
Thứ hai ngày 22 tháng 8 năm 2011 5:38 AM

(Thơ Quang Chuyền, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2011)
 
NVTPHCM- Các bài trong “Lục bát không mùa” khá đều tay, chỉ mới đọc hai lần, người khó tính có thể chưa tìm ra bài toàn bích câu “tuyệt cú”… nhưng cũng đã có thể gật gù nhận ra rằng: không có bài “sượng” không có bài “lép” không có bài “độn”.
 
Sau Nguyễn Du sau Tản Đà, nhà thơ thành công nhất với thể thơ lục bát là Nguyễn Bính, chỉ có thể là Nguyễn Bính, người được sinh ra bên “dậu mồng tơi xanh rờn”, dưới những gốc chanh đang mùa phát tiết “hoa chanh nở giữa vườn chanh”, phiêu dạt khắp trong Nam ngoài Bắc để rồi lại trở về bản quán trút hơi thở cuối cùng bên miệng giến thơi.
Những tác giả làm thơ lục bát được biết đến trong mấy chục năm qua ở nước ta thường được sinh ra ở nông thôn, và những bài những câu lục bát hay nhất của họ cũng thường liên quan đến phong cảnh, cuộc sống, tình người ở làng quê. Tôi e sợ mọi thể thơ, kiệt sức sau bao cuộc săn đuổi vẫn chỉ nắm được trong tay đôi chiếc lông đuôi lông cánh, vài sợi tóc rụng tóc rối của chim Hồng chim Hạc, của Tiên Thơ, Chúa Thơ, nhưng sợ nhất ngại nhất chính là thể thơ dưới tám trên sáu này, năm thì mười họa mới dám vừa run vừa viết dăm câu sáu tám đôi bài lục bát, viết xong đọc thấy nguội lạnh bèn xòe diêm “thêm lửa vào thơ” qúa nửa, non nửa còn lại lâu lâu “thôi xao”, “nhuận sắc”, chẳng lẽ lại “thêm thơ vào lửa” nốt, đọc đi đọc lại vẫn thấy chẳng ra sao. Bởi vậy, tôi thật lòng cảm phục, vì nể những người trung thành chung thủy với thơ lục bát như Lê Đình Cánh như Quang Chuyền và nhiều nhà thơ khác, không chỉ có lắm thơ lục bát in báo, lên mạng, mà còn xuất bản hẳn một tập vài tập toàn những bài thuộc loại “thơ khó” này.
“Lục bát không mùa” là tập sách thứ chín của nhà thơ Quang Chuyền. Nom tên nghe tên đọc thơ đã ngót nửa thế kỉ nhưng năm 2008 tôi mới gặp anh ở Sài Gòn. Nhìn dáng người, vẻ mặt, nghe giọng nói của anh, người ta thấy không cần thiết phải “cảnh giác” cho lắm. Mấy chục năm mặc áo lính, hết Hà Nội lại Sài Gòn, người và thơ Quang Chuyền vẫn khoan thai, nhẩn nha, đôn hậu, đầy “chất nông nghiệp”. Phê phán sự đổi thay “năm sau kém hơn cùng kỳ năm trước” của nhân tình thế thái, của môi trường thiên nhiên, của các mối quan hệ xã hội, Quang Chuyên vẫn nhỏ nhẹ thủ thỉ, mặc dù nỗi buồn trong lòng người làm thơ chắc hẳn  không “nhỏ nhẹ” chút nào: “Tình yêu giờ khác tình yêu/ Ai còn lấy nghĩa nàng Kiều cân đong”… “Bây giờ mưa khác cơn mưa/ Đến đi bất chợt, sáng trưa vội vàng”… Chỉ ra nguyên nhân của những cái “khác” ấy không khó, ai mà chẳng biết, vì thế, người đọc khá bất ngờ khi Quang Chuyền “dũng cảm” nhận một phần trách nhiệm: “Tôi giờ như thể khác tôi” (Bây giờ và ngày ấy). Nhà thơ viết vậy thôi, chứ nếu đã khác xưa, anh làm sao còn có thể chạnh lòng, buồn đến mất ngủ trước những “chuyện nhỏ” với nhiều người: “Ngoài kia thao thức sao trời/ Dường như có vạt sương rơi mé hè/ Ngoài kia cơn gió tái tê/ Đêm nay thổi rỗng lòng quê một người” (Đêm nay). Người làm thơ, nhất là những ai đã bước sang phía bên kia con dốc của cuộc đời, thường hay tự làm khổ mình bởi sự nhạy cảm: “Nhà ta nửa lệch nửa bằng/ Nắng chênh nửa sáng, sương giăng nửa chiều/ Cây nhang cháy nửa liêu xiêu/ Tóc em bạc nửa bởi nhều buồn lo” (Nửa trời trăng khuyết). Anh viết “nhà ta” vậy thôi, chứ “tư gia” của Quang Chuyền khá to rộng, không “lệch” chút nào. Chẳng qua là nhà thơ còn biết “nhìn xuống”, cám cảnh với hàng triệu ngôi nhà chẳng đáng gọi là nhà, cột nghiêng mái giột ở những vùng quê nghèo. Vậy mới quý.
Mỗi lần ra tập thơ tôi chỉ mong được người ta đọc cho một nửa mà cũng khó. “Lục bát không mùa”, tập thơ 45 bài toàn lục bát của Quang Chuyền, bài nào cũng thích câu nào cũng hay - có mà Thánh! Được bạn đọc giở hết giấy, có bài có trang đọc đi đọc lại, có câu được đánh dấu hoa thị hoa khế, có dòng được gạch dưới bằng mực đỏ mực xanh, thế là quý lắm rồi. Nhìn chung, các bài trong “Lục bát không mùa” khá đều tay, chỉ mới đọc hai lần, người khó tính có thể chưa tìm ra bài toàn bích câu “tuyệt cú” (bài “Ở nơi làng ấy” – trang 61, bài “Vầng trăng lẻ bóng” – trang 63, cũng có thể là “Nợ” ở trang73 chăng), nhưng cũng đã có thể gật gù nhận ra rằng: không có bài “sượng” không có bài “lép” không có bài “độn”.
Gập bìa “Lục bát không mùa” mấy lần lại giở ra đọc lại “Ở nơi…làng ấy…”. Ám ảnh chăng? Chạm vào lòng trắc ẩn chăng?
 
Ở NƠI… LÀNG ẤY
 
Ở nơi thiếu vắng đàn ông
Như nhà thiếu cột, như sông vắng thuyền
Ở nơi thừa thãi trinh nguyên
Là nơi gái hóa thành Tiên cõi người
 
Đũa đôi mà chả thành đôi
Mâm cơm kê lệch, chỗ ngồi để hoang
Chỉn chu cũng hóa hoang toàng
Là làng sao thiếu hồn làng…người ơi!...
 
Thương thay kiếp trẻ chào đời
Mồ côi từ ở bụng người mang thai
Làm cha bé ấy…là ai?...
Cái câu hỏi…cứ giằng dai nỗi niềm…
 
Đời người đau đáu triền miên
Chiến tranh mòn khuyết trăng liềm trời cao
Có trầu đời thiếu quả cau
Người tan phía ấy…kẻ đau nẻo này?…
 
Ở nơi âm khí giăng đầy
Dòng sông vỗ sóng hao gầy chảy qua
Ở nơi thiếu vắng người cha
Người ơi làng ấy có là làng không?...