Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHI CẦM BÚT TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN PHẢI ĐẶT Ở MỨC CAO NHẤT

Phùng Văn Khai:
Thứ bẩy ngày 20 tháng 8 năm 2011 2:25 PM

Khi cầm bút, trách nhiệm công dân phải đặt ở mức cao nhất
Khi cầm bút viết, tôi nghĩ đó là lúc trách nhiệm của con người đối với con người, trong đó có trách nhiệm công dân của một làng, xã, huyện, tỉnh, quốc gia, vùng lãnh thổ, châu lục, hành tinh… phải được đặt ở mức độ cao nhất. Xưa nay, các nhà văn thành danh đều đặt bản thân mình, kể cả sinh mạng và danh dự xuống dưới chất lượng tác phẩm. Là nhà văn chân chính, có thể thiệt thòi, oan khiên, thậm chí có thể thiệt mạng nhưng cái còn phải là tác phẩm của anh.
• Hơn 10 năm đau đáu với văn chương, anh nghĩ gì về trách nhiệm của người cầm bút trước các vấn đề nóng bỏng của xã hội, và cao hơn là vận mệnh tổ quốc, vận mệnh dân tộc?
• Tôi nghĩ là các vấn đề lớn của xã hội thì đúng hơn. Có những hiện tượng bề mặt nóng bỏng nhưng thực chất chỉ là những chuyện vụn vặt được thổi phồng, phèng la, nên nhiều người ngộ nhận. Nhận chân các vấn đề lớn của xã hội hôm nay cũng không dễ dàng gì. Xã hội đang rất sôi động và phức tạp, vỡ ra nhiều thứ mà người cầm bút được chứng kiến. Làm nhà văn hôm nay cũng không dễ dàng, cũng dễ bị những hiện tượng bề mặt đánh lạc hướng. Hôm trước, tôi có ngồi với nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Hồng Thanh Quang và nhạc sĩ Phú Quang. Câu chuyện có đôi chỗ bàn về văn chương, nghệ thuật. Mỗi người một tâm tư nhưng tựu trung đều cho rằng văn chương nghệ thuật đích thực luôn bao hàm và dung chứa nhiều điều, trong đó có trách nhiệm của người cầm bút trước các vấn đề trong xã hội. Các văn nghệ sĩ cứ sáng tác thật hay là được, là cống hiến, là tôn vinh con người và thể hiện ý thức công dân của mình. Vấn đề vận mệnh tổ quốc, vận mệnh dân tộc có những nhà văn đã trả lời rất hay, như Hoàng Quốc Hải chẳng hạn, tôi nghĩ mình không cần phải bổ sung gì thêm.
• Theo dõi đời sống văn học thời gian qua, anh thấy lực lượng viết văn trẻ hiện nay có gì đáng chú ý? Những tác phẩm văn học xuất bản hiện nay đã thực sự bám sát đời sống xã hội hay chưa?
• Tôi cho rằng, đang có một lực lượng viết văn trẻ, không ít người khoác áo lính đã và đang là lực lượng sáng tác chủ yếu của văn học Việt Nam hôm nay. Họ cũng đã trưởng thành. Các tác phẩm của họ đang ở độ chín. Ai đó cho rằng những người viết văn trẻ hiện nay chưa khẳng định được mình là hồ đồ. Tôi biết chắc có nhiều cuốn tiểu thuyết hay của các tác giả trẻ đã được hoàn thiện nhưng chưa in. Cũng chẳng phải do cấm kị gì. Lý do nhiều khi không nhất thiết phải trưng ra ở bề mặt. Đó chính là sự điềm tĩnh, chín chắn của các nhà văn trẻ. Tôi luôn tin tưởng họ. Các tác phẩm văn học bám sát đời sống xã hội chứ. Đó là chức năng của văn học, độ lớn và sức vang của tác phẩm cũng nằm ở đây. Nhưng tôi cũng cho rằng, các nhà văn vẫn như còn dụt dè, thận trọng thái quá điều gì đó.
• Có ý kiến từ phía các nhà văn lớn tuổi cho rằng sự chuyên tâm của các tác giả trẻ hiện nay chưa nhiều, nên tác phẩm của họ cũng chưa thể đạt đến một tầng bậc như thế hệ trước mong chờ và kì vọng. Anh nghĩ sao về điều này?
• Các nhà văn lớn tuổi nói đúng đấy. Thế hệ nhà văn đàn anh, cha chú của chúng ta cơ cực hơn chúng ta nhiều. Dù họ rất tài năng. Thế hệ văn nghệ sĩ chống Pháp chẳng hạn. Những Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Quang Dũng… trong thơ chẳng hạn; Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái… trong hội họa chẳng hạn; Văn Cao, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân… trong âm nhạc chẳng hạn… Tôi đã từng làm phim về Nguyễn Minh Châu, người thành danh ở Văn nghệ Quân đội, người sẽ còn vang danh bởi các tác phẩm của mình tôi luôn bàng hoàng mỗi khi nghĩ về ông. Lứa các ông tài hơn lớp trẻ bây giờ. Khi ngồi trong căn nhà gỗ đã được dựng cách đây trên hai trăm năm, nơi cậu bé Châu đi học ở cửa sông làng Thơi, tôi không lý giải nổi điều này. Nhưng bây giờ tôi nghĩ, những người viết trẻ hôm nay, trong đó có tôi, nhất định phải viết hay hơn thế hệ trước. Đó còn hơn cả sự chuyên tâm. Đó là sự đau đớn. Văn chương nó khó thế đấy. Khổ thế đấy. Cho nên các nhà văn lớn tuổi nói thế cũng là trân trọng, kỳ vọng và đớn đau với thế hệ sau, với văn chương lắm đấy.
• Anh đánh giá thế nào về xu hướng văn học thương mại ngày một phát triển?
• Văn học thương mại phát triển là một tất yếu. Đó cũng là dấu hiệu lành mạnh của các nền văn học, các giai đoạn văn học. Tôi không ưa thích văn học thương mại nhưng cũng không kỳ  thị. Các chị bán hàng ở chợ Đồng Xuân chẳng hạn, sách đọc của họ phải khác chứ. Phục vụ nhu cầu bạn đọc là nhiệm vụ của nhà văn. Ai đó viết dăm cuốn sách phục vụ thị hiếu bình dân của người đọc rồi viết một cuốn cho ra trò thì quý biết mấy. Đương nhiên suốt đời viết sách thương mại cũng đáng quý. Một thời ở ta từng thích treo ảnh các cô gái Tàu, đua nhau uống bia cỏ… cũng là chuyện bình thường. Sở thích và thị hiếu của đám đông trong xã hội thường là thế.
• Những vấn đề hậu chiến được đặt ra trong tiểu thuyết “Hồ đồ” vừa ra mắt của anh đã góp thêm một tiếng nói ý nghĩa trong bộn bề những dòng chảy của văn học đương đại. Vì sao anh có ý tưởng viết về đề tài này?
• Tôi đã từng trả lời không phân chia đề tài khi triển khai các cuốn sách. Hồ đồ cũng vậy. Vấn đề hậu chiến trong cuốn sách thực chất là vấn đề con người đang sống và con người trong tương lai. Trong từng quãng phát triển của loài người, có không ít đoạn con người đã tự giật lùi, tự phá bỏ nhiều giá trị mà phải mất hàng trăm, thâm chí hàng nghìn năm để xây dựng. Vấn đề đặt ra tại sao lại có những đoạn đáng tiếc như thế. Một chủ trương có hệ thống hay chỉ là những sai phạm dông dài của một nhóm người ở đỉnh cao quyền lực đã thoái hóa, phản bội lại các giá trị đạo đức, văn minh của loài người. Đây là một vấn đề lớn mà các nhà văn cần quan tâm. Tôi rất quan tâm vấn đề này và chắc chắn suốt đời viết về nó, bất luận là truyện ngắn, thơ, kịch hay tiểu thuyết.
• Thực tế còn khốc liệt hơn những gì cuốn sách đã trình bày. Anh có nghĩ rằng mình vẫn còn “mắc nợ” đề tài này?
• Viết là nhu cầu tự thân, đào vào bản thể của mình. Tôi ít chịu sức ép hoặc nợ nần gì. Tôi luôn cảm thấy tự do trong sáng tác. Vấn đề là tài năng có hạn nên trình bày những gì khốc liệt từ cuộc sống có thể chưa tới tầm, còn vụng dại, khiên cưỡng… nhưng tuyệt nhiên của chính mình, từ chính mình. Những sáng tác phía trước của tôi cũng sẽ rất khó khăn. Nhưng là nhà văn, trong thời điểm này, chỉ còn một con đường duy nhất là viết.
• Trong một bài phỏng vấn gần đây anh tâm sự rằng : “Tôi viết theo hiểu biết và hứng thú của tôi chứ tuyệt nhiên không đặt ra các vấn đề đề tài, thị hiếu, thị trường”. Như vậy tức là với cá nhân anh viết văn không phải là một trách nhiệm công dân của một người cầm bút ?
• Câu hỏi này có thể hiểu theo hướng khác chăng, mở rộng biên độ hơn chăng? Khi cầm bút viết, tôi nghĩ đó là lúc trách nhiệm của con người đối với con người, trong đó có trách nhiệm công dân của một làng, xã, huyện, tỉnh, quốc gia, vùng lãnh thổ, châu lục, hành tinh… phải được đặt ở mức độ cao nhất. Xưa nay, các nhà văn thành danh đều đặt bản thân mình, kể cả sinh mạng và danh dự xuống dưới chất lượng tác phẩm. Là nhà văn chân chính, có thể thiệt thòi, oan khiên, thậm chí có thể thiệt mạng nhưng cái còn phải là tác phẩm của anh. Theo tôi, đó mới thực sự là trách nhiệm công dân.
• 17 nhân vật “xương sống” trong tiểu thuyết “Hồ đồ” của anh đã không hề có một cái tên cụ thể. Chỉ là những cái tên như: gã độc thân, người nhỏ bé, chị tóc dài, người gác rừng… Tại sao anh có sự lựa chọn này?
• Khi triển khai và hoàn thiện Hồ đồ, tôi đã từng có lúc mệt mỏi và căng thẳng, trong đó có vấn đề tên nhân vật. Tôi đem điều này tâm sự với các bạn viết và nhận được sự đồng thuận trong cách đặt tên nhân vật của tôi. Tính cách các nhân vật, sự phát triển tuyến chuyện đã có lúc mở ra hoặc móc ngược trở lại với hai cuốn Hư thực (đã xuất bản) và Thế giới khác (sẽ xuất bản). Chính vì vậy, tên nhân vật như thế là ổn thỏa, trước hết với những tính toán của tôi cho toàn bộ bộ sách. Kết cấu Hồ đồ, thoạt tiên rất kín. Khi ở trại viết Quy Nhơn, tôi đã viết thêm khoảng hai mươi nghìn chữ để kéo cuốn sách về với đời sống hiện thực. Với các cuốn sách đã in tôi vẫn không ngừng hoàn thiện và bổ sung. Tôi nghĩ văn xuôi rất cần thiết phải kĩ lưỡng.
• Anh từng tiết lộ rằng trong kế hoạch tiếp theo, cụ thể là tác phẩm “Thế giới khác” anh dự định viết về vấn đề di tản. Anh có nghĩ là mình đang liều lĩnh với một đề tài đầy thách thức như vậy?
• Khi ấy cần đến cái gọi là trách nhiệm công dân chăng? Nói thế chứ với tôi trách nhiệm ngòi bút mới là quan trọng. Một nhà văn thì tuyệt đối không được liều lĩnh. Tôi hiểu những gì ở đằng sau câu hỏi của bạn. Nhưng tôi lại cũng nghĩ rằng: mấy trăm nghìn người Việt di tản chôn vùi dưới lòng biển bạn có đau xót không? Nhà văn Việt Nam nghĩ gì về điều này? Đến bao giờ chúng ta mới dám nói lên nỗi đau của dòng giống mình, dân tộc mình để hoàn thiện và phát triển? Tôi luôn day dứt với những câu hỏi như thế.