Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THỨC TỈNH TRƯỚC BIỂN ĐỘNG LÀNG

Duy Hoà
Thứ năm ngày 18 tháng 8 năm 2011 9:22 PM
                 
Vài cảm nhận sau khi xem vở kịch”Hàng rào giữa hai nhà” của nhà văn Nguyễn Hiếu và đạo diễn Lê Hùng.
               Vài năm trở lại đây nhà văn Nguyễn Hiếu tỏ ra có duyên đối với nhà hát Kịch Việt nam khi đơn vị kịch hàng đầu quốc gia liên tiếp dựng hai kịch bản của ông. Năm 2008 là “linh hồn đông lạnh “ một vở kịch có thể coi là khá đặc biệt. Sự đặc biệt này bắt đầu từ thể loại khi dưới đầu đề  “Linh hồn đông lạnh “ Nguyễn Hiếu ghi là kịch tuỳ hứng. Và nếu căn cứ vào sự định danh thể loại này thì trong gia tài ông nhà văn viết kịch này có không ít tác phẩm được ông xếp vào thể loại có thể nói là riêng biệt của mình. Trước “linh hồn đông lạnh “có “ con người mi là ai”,” trò đùa của dân “ và sau “linh hồn đông lạnh” là liên tíếp “ hàng rào giữa hai nhà”, ”tiếng hú của sói con”, và “ám ảnh xanh” (đang ở dạng phác thảo). Điều đặc biệt thứ hai của  “linh hồn đông lạnh “ vì nó có thể coi là kịch bản duy nhất trong làng sân khấu nứơc ta viết về đề tài viễn tưởng, phản ánh thực tế xã hội trong tương lai cách thời chúng ta sống gần một thế kỉ nữa. Còn trong những ngày đầu thu 2011 này “hàng rào giữa hai nhà” của Nguyễn Hiếu lại được ra mắt người xem dưới bàn tay đạo diễn tài năng của NSND Lê Hùng.
                   Theo tôi được biết thì kịch bản đầu tiên mang một tên khá hình sự đó là “vụ án mạng xẩy ra lúc chập tối”. Kịch bản này được Nguyễn Hiếu sửa chữa và nâng cao trong trại sáng tác tháng 9/2011 tại Đại Lải với tên gọi “khi giàn mùng tơi gẫy rập” đã đoạt giải B năm 2010 của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt nam ( giải A thuộc về kịch  bản “tôi và nhân vật của mình” của nhà văn Hà Đình Cẩn).
          Kịch bản “khi giàn mùng tơi gẫy rập” có thể nói vẫn là một sự kế tục của dòng chảy hiện thực trong mảng đề tài quen thuộc mà Nguyễn Hiếu phản ảnh trong các tác phẩm ở nhiều thể loại của ông- mảng nông thôn – mà nói như đạo diễn Đỗ Kỉ là “Nguyễn Hiếu luôn tỏ ra đau đáu với truyền thống và văn hoá làng, và ở mảng đề tài này ông cũng thực sự đáo để”. Trong hơn hai mươi cuốn tiểu thuyết và gần 200 truyện ngắn đã in thì có tới quá nửa trong đó viết về làng quê( cụ thể là làng Chiện). Hai kịch bản được nhà hát Kịch Việt nam dàn dựng cũng đều nói về căn làng này. Nếu “linh hồn đông lạnh” khắc hoạ lung linh của những kí ức làng quê, quá khứ bên dòng sông Cái trước sự xô đẩy, thăng trầm của thời đại để nó chuyển tải một thông điệp lớn “con người dù hiện đại đến đâu kể cả khi đã mã hoá tất cả mọi thứ của con ngưòi, của cuộc đời thì nhân nghĩa, trật tự, tình cảm con ngưòi vẫn là trung tâm xã hội cần đựơc bảo vệ và tôn trọng còn ở “khi giàn mùng tơi gẫy rập” là một thực tế thô sần mang tính thời sự về một nông thôn hiền lành đang bị xâm hại bởi cơ chế thị trường, của đô thị hoá. Chất thời sự nóng bỏng này lại càng bộc lộ dữ dội hơn khi nó được lồng trong một câu chuyện mang tính bi kịch giữa hai gia đình láng giềng sắp trở thành thông gia của nhau khi hai trẻ của hai gia đình đã có mối tình sâu nặng. Nhưng trớ trêu thay luồng gió của thị trường cùng những dự án đã làm thay đổi, băng hoại tất cả. Tình làng nghĩa xóm”bán anh em xa mua láng giềng gần” giờ đây ngày một xụp đổ vì sức nặng của đồng tiền, của lòng ghen ghét, tị hiềm của chất buôn bán. Tình yêu đôi trẻ đứng trước thứ thách nặng nề, trật tự, sự yên lành của làng quê bị khuấy động, xáo trộn … Một kịch bản nặng chất bi đó của nhà văn đã được bàn tay tài hoa và sự hóm hỉnh của đạo diễn tạo nên một vở diễn hấp dẫn chẳng những tải được ý đồ của tác giả kịch bản mà còn khiến người xem bất ngờ vì sự cuốn hút tự thân của tác phẩm. Từ”giàn mùng tơi gẫy rập” đến ‘hàng rào giữa hai nhà” có thể xem như ví dụ về sự hoà hợp của hai thành phần trung tâm của vở diễn khi đạo diễn tìm ra chìa khoá nằm trong chiều sâu kịch bản từ đó tìm ra những miếng diễn phù hợp với chủ đề mà tác giả đưa ra .       
       Đã từ lâu tôi không được xem kịch, nay được xem vở “ Hàng rào giữa hai nhà” kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu, đạo diễn NSND Lê Hùng, do nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn. Vở kịch đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc, thú vị.
      Bằng những thủ pháp hài hước, tung hứng mang tính u mua trong kịch dân gian( tôi múôn nói ở đây là sự kế thừa chất hài trong chèo của đạo diễn Lê Hùng ) tạo ra cái cười của vở diễn đã làm nhẹ đi bộc lộ, phản ảnh  những mâu thuẫn cơ bản của nông thôn hiện nay. Chuyện dự án xây dựng, chuyện mở mang đường xá đã làm cho việc sử dụng đất đai nông thôn thay đổi, sự giầu nghèo cũng nhanh chóng phân hóa theo…Gia đình nhà ông Ấm và nhà ông Tiền vốn lâu nay là láng giềng “tắt lửa tối đèn có nhau”…Nhưng rồi bỗng dưng nhà ông Tiền có dự án chạy qua, tiền đền bù làm ông giầu lên. Ngôi nhà mới khang trang của nhà ông bà Tiền mọc lên lù lù làm “tức mắt” ông bà Ấm, thế là mâu thuẫn nảy sinh. Lúc đầu chỉ là lời qua tiếng lại, cạnh khóe, sau thì cãi nhau, rồi một hôm rượu vào, xô sát vô tình sinh ra án mạng…  “Cái giậu mồng tơi xanh rờn”  đã từng quấn quýt đôi trẻ giữa hai nhà nay trở thành hàng rào oan nghiệt..  Tất cả những hệ lụy đó đang phá vỡ nếp sống yên ả của làng quê Việt Nam từ ngàn đời nay.
      Trong cuộc chuyển mình nghiệt ngã đó, chúng ta rất cần một bộ máy lãnh đạo quản lý nông thôn đủ mạnh để cầm cân nảy mực, giữ yên làng xóm…Thì ở đây chúng ta lại bắt gặp một cán bộ quản lý làng xã, đại diện bộ máy hành pháp, giữ gìn pháp luật lý như Bạc( em trai ông Tiền) đầy mánh khóe thủ đoạn, làm tiền, trục lợi với cả người thân. Một con người tham lam như thế lại chỉ huy một đội ngũ giữ gìn trật tự an ninh gồm cả những người bị thần kinh, bị thiểu năng trí tuệ, bảo sao nông dân họ chả bức xúc, chả kéo nhau đi kiện…
       Những chuyện “con cà con kê” vốn diễn ra thường ngày dưới lũy tre làng  đã được tác giả dầy công chọn lọc từng chi tiết, sử lý nắn nót từng tình huống để đẩy tiết tấu kịch đến gấp gáp, gay cấn, tránh được sự tẻ nhạt nhàm chán.
      Đạo diễn sử lý rất khéo trong việc miêu tả tính cách của hai gia đình bằng hai đĩa nhạc Tây (Bô nây) và Ta (Cải lương). Mượn tích cải lương Lan và Điệp để diễn tả mối tình ngang trái giữa Vàng và Chén. Ở những lớp kịch này nhân vật không cần nói gì mà hiệu quả rất cao.
     Ngoài những điều tâm đắc trên, vẫn còn đôi chỗ làm tôi băn khoăn. Không biết có phải tác giả quá mải mê khai thác yếu tố gây cười mà đôi lúc làm nhòe đi chủ đề?  Vẫn biết “nhân loại vĩnh biệt quá khứ bằng nụ cười” nhưng ở đây, xem xong vở “Hàng rào giữa hai nhà” người ta chỉ nhớ đến những tình tiết “cười nghiêng ngả” mà quên mất “phải vĩnh biệt” cái gì. Hay có thể đây là sự thành công của vở diễn khi bằng sự hài hứơc đã chuyển tải  một cách nhẹ nhàng của một bi kịch nặng nề đến người xem. Chi tiết dân quân “vồ” nhầm ông Tiền có cần thiết không hay đây là sự “thăng hoa quá mức “của một thủ pháp gây cười.  
          Nhưng dù sao cũng phải công nhận lâu lắm rồi tôi mới được xem một vở diễn hấp dẫn và lôi cuốn như “hàng rào giữa hai nhà”. Hi vọng sân khấu sẽ có nhiều vở diễn như vậy để đủ sức lôi kéo khán giả trở lại niềm say mê nơi thánh đường nghệ thuật biểu diễn 
                                       
Đêm Mỹ Đình 6 – 8 – 2011
Duy Hoà