Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LUẬT BIỂU TÌNH: SAO LẠI KHÔNG ?

Dương Đức Quảng
Thứ sáu ngày 25 tháng 11 năm 2011 9:28 AM

Có thể nói cả tuần nay báo viết, nhất là báo mạng, “tràn ngập” các bài viết xung quanh phát biểu của hai ông nghị Dương Trung Quốc và Hoàng Hữu Phước tại kỳ họp của Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội về Dự án Luật biểu tình trong Dự thảo Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội. Ý kiến của ông nghị Dương Trung Quốc, đại biểu tỉnh Đồng Nai, là ủng hộ, còn ý kiến của ông nghị Hoàng Hữu Phước, đại biểu TP. Hồ Chí Minh, là phản đối việc đưa Dự án Luật biểu tình vào Dự thảo Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh này.

Nghe rồi đọc lại phát biểu của hai ông nghị và những bài viết trên báo, trên mạng, nhất là các comment sau mỗi bài viết, tôi nhớ lại câu chuyện về Luật biểu tình đã từng được nêu lên từ gần 20 năm trước chứ chẳng có gì là mới mẻ. Có điều khi đó ít người biết để đến bây giờ khi nó được nêu ra trên diễn đàn Quốc hội thì ngay lập tức trở thành một sự kiện được cả nước quan tâm và bàn luận. Trước khi nói về chuyện này tôi phải cảm ơn quyết định rất đúng đắn của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ các khóa Quốc hội trước là cho truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận và chất vấn Chính phủ tại hội trường trong các kỳ họp Quốc hội để dân biết được công việc của Quốc hội, Chính phủ; từ đó có thể kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan này và của đại biểu Quốc hội do dân bầu ra..Chính nhờ có quyết định công khai các phiên họp Quốc hội này mà bây giờ mọi người mới biết, mới bình luận rôm rả về Luật biểu tình như vậy.
Cách đây gần 20 năm, trong nhiệm kỳ Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu (1992-1997), người viết vài này biết ít nhất có hai việc Thủ tướng rất quan tâm và đã nêu ra nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đó là việc cần có Luật hoặc Pháp lệnh về biểu tình và cần có Nghị định của Chính phủ về Quyền được cung cấp thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tôi nhớ lúc đó Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ngoài lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… còn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao phụ trách một lĩnh vực rất quan trọng và nhậy cảm của Chính phủ là giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn rất bức xúc trước cảnh người dân, nhất là bà con nông dân ở các tỉnh về Hà Nội khiếu nại, tố cáo xung quanh chuyện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nạn tham ô, ức hiếp quần chúng xảy ra tại các địa phương. Bà con không những ăn dầm ở dề ở vườn hoa trước Trụ sở tiếp công dân của Thanh tra Nhà nước ở phố Mai Xuân Thưởng mà mỗi khi có cuộc họp nào quan trọng ở Hội trường Ba Đình thì đều tụ tập thành từng nhóm đứng ở các góc đường trên đường Trần Phú và đường Hoàng Văn Thụ, gần Hội trường, mang theo những tấm vải, tấm bảng bằng bìa cac-tông hoặc bằng giấy dán trên đó, viết đủ các kiểu chữ để kêu oan, Nhiều người còn kéo đến trước cửa nhà các vị lãnh đạo để kêu cứu. Có bà cụ từng chặn xe ô tô của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn để đưa đơn kêu cứu…Trước những cảnh tượng đó, không chỉ có Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn mà còn có không ít vị trong Chính phủ, nhất là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều thấy cần có Luật biểu tình hoặc Pháp lệnh biểu tình để không những thể chế hóa quyền dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp quy định mà còn điều chỉnh được hành vi tham gia biểu tình của công dân; biểu tình có nơi, có chốn, tránh tình trạng lộn xộn như trên xảy ra, nơi đâu cũng có thể tụ tập đông người để biểu tình. Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng phát biểu điều này trong cuộc họp Chính phủ và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều động thái để làm sao sớm có Luật biểu tình hoặc Pháp lệnh biểu tình. Song từ đó đến nay điều đó chưa trở thành hiện thực bởi còn có nhiều ý kiến không đồng tình. Cũng như Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quyền được cung cấp thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng từng được ghi vào Chương trình làm việc của Chính phủ trong nhiệm kỳ đó đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Vì thế, tôi không lấy làm lạ rằng, phát biểu của ông nghị Hoàng Hữu Phước không phải chỉ là phát biểu của một cá nhân đại biểu Quốc hội mà nó phản ánh quan điểm và cả một khuynh hướng còn không ít người ủng hộ hiện nay trước vấn đề thời sự này. Nhưng tôi tin, giống như nhiều điều “húy kỵ” khác, sẽ đến lúc Quốc hội xem xét và thông qua Luật biểu tình. Tôi còn nhớ những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, trước Đại hôi VI – Đại hội Đổi mới của Đảng, khái niệm “kinh tế thị trường” bị lên án mạnh mẽ, không được chấp nhận ở Việt Nam. Năm 1987, khi đang làm nghiên cứu sinh tại Trường Chính trị cao cấp của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc tôi biết các bài viết của các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ ta gửi sang Tiệp Khắc để đăng trên Tạp chí  Những vấn đề hòa bình và Chủ nghĩa xã hội (Tạp chí của các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước, có trụ sở ở Praha, Tiệp Khắc) thì khái niệm “kinh tế thị trường” vẫn chưa được chấp nhận mà vẫn chỉ dùng khái niệm “cơ chế thị trường” khi đề cập tới nền kinh tế Việt Nam. Còn bây giờ không ai còn để ý đến việc này, mà mặc nhiên công nhận nó, bởi vì dù có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn là kinh tế thị trường! Khi Việt Nam nộp đơn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì Bộ Thương mại và nhiều cơ quan khác còn phải đi thuyết phục các nước công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường, nếu không khó có thể trở thành thành viên của tổ chức quốc tế này!
Đến bây giờ tôi vẫn chưa quên rằng, có những việc tưởng dễ mà lại thật khó làm được ngay, có khi phải kéo dài thời gian chờ đợi hàng chục năm. Phải trải qua không ít thời gian mới đi đến quyết định cho truyền hình tại chỗ các buổi thảo luận tại Hội trường và các phiên chất vấn của Quốc hội, bởi vì lúc đầu việc này được xem là không có tiền lệ và sợ lộ bí mật nhà nước! Tương tự như thế, có một việc liên quan đến tôi mà tôi còn nhớ. Năm 1997 tôi được giao làm Đề án về Trang thông tin điện tử của Chính phủ, sau đó được cử làm Tổng biên tập đầu tiên của Trang thông tin này (nay là Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ) mà phải trật vật mất 10 năm, đến năm 2007 mới khai trương hoạt động của Trang tin điện tử này…Mười năm, một quãng thời gian không hề ngắn, chỉ vì còn có ý kiến khác nhau làm cho công việc bị chậm trễ. Chỉ đến khi những việc tôi kể trên trở thành hiện thực thì mọi người mới thấy thật ra việc truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận tại Hội trường và các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đối với Chính phủ và với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao hay có một trang Thông tin điện tử của Chính phủ để đưa thông tin về hoạt động của Chính phủ đến với nhân dân là những việc rất bình thường, chẳng có gì là quan trọng và ghê gớm cả!
Cũng như Luật biểu tình bây giờ đang được mọi người quan tâm thảo luận tôi nghĩ sẽ đến lúc được Quốc hội thông qua và khi đó nó cũng sẽ trở thành một đạo luật bình thường như bao đạo luật khác  đã đi vào cuộc sống hiện nay. Chỉ có điều sự chờ đợi đối với đạo luật này…hơi bị lâu. Nếu kể từ Hiến pháp 1946 đến nay thì đã 66 năm, còn kể từ nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nay thì đã gần 20 năm. 20 năm là khoảng thời gian dài gấp đôi của thời kỳ “trường kỳ kháng chiến chống Pháp” và gần bằng thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ để đưa non sông, đất nước về một mối (1954-1975)!
Vì thế, dù có chờ đợi thêm một vài năm nữa tôi vẫn tin sẽ có Luật biểu tình như những gì đến nó phải đến. Sao lại không?
Nguồn: Blog quang194-Đầu gối-yahoo!360plus