Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀI HỌC CHO LÃNH ĐẠO TỈNH VÀ CHUYÊN VIÊN THAM MƯU...

Phạm Xuân Cần
Chủ nhật ngày 27 tháng 11 năm 2011 11:49 AM
 
Cách đây nhiều tháng nghe những bàn tán, dị nghị xung quanh giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, nhưng tôi không mấy để ý, vì nghĩ rằng mấy giải trước cũng đã nghe những chuyện tương tự. Cho đến khi đọc một loạt bài về giải thưởng này trên trang điện tử Văn hóa Nghệ An (tôi vốn có nhiều mến mộ với Tạp chí Văn hóa Nghệ An và trang điện tử Văn hóa Nghệ An), thì tôi bắt đầu để ý. Tôi biết ở Nghệ An Tạp chí Văn hóa Nghệ An là cơ quan ngôn luận đầu tiên viết về những lình xình của Giải Hồ Xuân Hương lần thứ tư.
Tin những gì mà Văn hóa Nghệ An đã viết, cùng với những thông tin khác, tôi cũng nghĩ rằng: lại một vài văn nghệ sỹ háo danh nào đó, vì danh vì lợi mà kiện tụng lung tung, làm cho giải phức tạp. Nghĩ vậy, tôi đã viết bài “Mùa kiện”, trong mục Công Nông Đối thoại, Báo Lao Động Nghệ An số 721 ra ngày 15/9/2011. Sau khi bài báo ra, một số văn nghệ sỹ mà tôi quen biết cả thơ, văn, nhiếp ảnh, mỹ thuật… tỏ ra băn khoăn. Họ không phản đối bài báo, chỉ nói thêm rằng: một số văn nghệ sỹ có lỗi, nhưng không thể không xem xét lại khâu tổ chức giải đã đảm bảo khách quan, chính xác hay chưa? Tôi rất ngạc nhiên, vì giải thưởng Hồ Xuân Hương đã qua ba mùa, tức là 15 năm, chả lẽ khâu tổ chức lại có chuyện không ổn? Nghĩ vậy, nên tôi bắt tay vào tìm hiểu, bắt đầu từ các văn bản pháp lý, tức là khung khổ pháp lý của giải. Và, khi tiếp cận với các văn bản pháp lý của giải tôi hết sức kinh ngạc. Là một người học và hành nghề luật, tôi không thể tin nổi rằng một giải thưởng Văn học nghệ thuật lâu năm, danh giá như thế mà lại có một khung khổ pháp lý sơ sài và nhiều sai sót như vậy. Đây là một nguyên nhân, thậm chí rất quan trọng, tạo nên những sơ hở làm cho giải phát sinh phức tạp. Nếu giải mới tổ chức lần đầu thì có thể châm chước, nhưng đã tới mùa giải thứ tư, đã qua mười lăm năm thì không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, với chuyên môn và điều kiện của mình, tôi không thể viết tất cả, tôi chỉ có thể tập trung khảo sát các văn bản pháp lý, chỉ ra những sai sót và bất cập. Bài báo “Giải thưởng Hồ Xuân Hương, không ổn ngay từ khung khổ pháp lý” đã viết với dụng ý đó. Tôi không tốn nhiều công sức lắm cho việc hoàn thành bài báo. Điều làm tôi băn khoăn, trăn trở nhiều nhất là nên hay không nên công bố bài báo, vì tôi cũng tiên liệu được một số hệ lụy có thể xẩy ra bên cạnh những tác động tích cực mà bài báo mang lại. Với tất cả sự thận trọng của mình, tôi đã gửi trước bản thảo cho ông Phan Đình Trạc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là hai người ký các văn bản pháp lý của giải thưởng, coi như đó là một kiến nghị của mình với mong muốn được chấp nhận, bài này không phải đăng báo là hay nhất. Nghĩ vậy, tôi  đã gửi bản thảo bài báo kèm theo mấy dòng thư đề nghị hai ông xem xét.
Chỉ hai hôm sau tôi đã nhận được phản hồi của ông Phan Đình Trạc (qua e.mail), nội dung: “Bài viết tốt. Đó là bài học cho sự cẩu thả của lãnh đạo tỉnh và sự yếu kém, thiếu chuyên nghiệp của chuyên viên tham mưu. Nếu đăng báo thì chỉ cần bỏ tên riêng của lãnh đạo là được. Cám ơn anh”.
Ba bốn hôm sau, ông Nguyễn Xuân Đường cử cán bộ đến gặp tôi hai lần, đồng thời gọi điện thoại cho tôi. Ông Đường không phản đối nội dung bài báo, cho rằng về cơ bản đã phân tích đúng. Tuy nhiên, ông muốn trao đổi với tôi thêm một số thông tin để có sự thông cảm. Ông đề nghị tôi chưa đăng bài báo cho đến khi ông họp Ban chỉ đạo giải để thống nhất quyết định. Tôi nhận thấy ông Đường hết sức quan tâm và lo lắng cho giải thưởng. Sự chân tình của ông Đường đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Và, tôi đã chờ, cho đến khi biết chính xác thông tin Ban chỉ đạo đã họp và quyết định vẫn tiếp tục giải thì mới gửi bài báo đi. Tôi nghĩ mình đã ứng xử không tồi.
Sự ra đời của bài báo là như vậy. Vậy thì ai đánh ai ở đây?
Trước một đề xuất mới cho giải tôi biết chắc chắn sẽ nhận được những phản hồi khác nhau. Từ góc độ pháp lý mà xét, khi khung khổ pháp lý, hay nền tảng pháp lý đã không ổn, thì không có cách gì khác hơn là phải sửa cái khung khổ đó, hay nói trắng ra là phải hủy kết quả để làm lại từ khung khổ pháp lý, vì chính quyền chỉ có thể làm những gì mà pháp luật cho phép. Chịu trách nhiệm chính về những sai sót này là UBND tỉnh và cũng chính UBND tỉnh là cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền để sửa chữa những sai sót đó. Thế nhưng, trong lúc UBND tỉnh chưa có phát ngôn chính thức nào sau khi Báo LĐNA đăng, thì một số người đã lên tiếng. Điều đáng tiếc là tuyệt nhiên không một ai bàn bạc, tranh luận về các luận điểm của tôi là đúng hay sai. Họ chỉ làm mỗi việc là chụp cho tác giả và những người đồng tình hủy kết quả giải những cái “mũ”, với những động cơ rất nguy hiểm. Thậm chí họ còn cho đây là chuyện “đánh nhau” giữa các thế lực nào đó vì quyền lực chính trị. Tôi sẽ không viết thêm những dòng này, nếu chỉ nghe những điều đó trong lúc trà dư tửu hậu, hay đọc nó trong các thư nặc danh, comment mạo danh trên blog cá nhân. Chính vì đọc thấy những điều này trên trang Văn hóa Nghệ An, một tờ tạp chí tôi vốn mến mộ và là cơ quan ngôn luận đầu tiên đăng bài về những lình xình của giải Hồ Xuân Hương, cũng như đọc bài của bà Nguyễn Thị Phước trên Báo Lao Động Nghệ An, nên tôi mới lên tiếng nói thêm những điều này. Điều kỳ lạ là trang Văn hóa Nghệ An đăng những phản ứng về kiến nghị hủy giải trước cả khi bài báo của tôi công bố! (Xin nói thêm tôi đã gửi và yêu cầu trang điện tử Văn hóa Nghệ An đăng bài của tôi để rộng đường ngôn luận, nhưng không được chấp nhận).
Trước một vấn đề phức tạp không chỉ về pháp lý, có ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau là chuyện bình thường. Hãy tranh luận một cách sòng phẳng và minh bạch. Báo LĐNA đã đồng thời đăng những ý kiến có quan điểm khác nhau như vậy. Không nên vì lý do này hay lý do khác mà suy diễn, quy kết cho người có quan điểm khác mình là có động cơ “không trong sáng”, là “phá hoại”, là “không có tâm, không có tầm”… Đặc biệt càng không thể cho rằng đây là cuộc “đánh nhau” của ai đó mà văn nghệ sỹ bị đặt vào tình thế “tọa sơn quan hổ đấu”, như trang Văn hóa Nghệ An đã viết. Tại sao cứ mỗi khi có một bê bối nào đó bị phanh phui, thì lập tức lại có người cho rằng: lại ông này đánh ông kia? Chả lẽ họ thích “đánh nhau” đến thế kia ư?
_______
                                                      
* Trích lời Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Phan Đình Trạc