Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẦN XEM XÉT BÃI NHIỆM TƯ CÁCH ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CỦA ÔNG HOÀNG HỮU PHƯỚC

Luật gia Trần Đình Thu
Thứ sáu ngày 25 tháng 11 năm 2011 8:13 PM
Trong thời gian qua, hoạt động tại kỳ họp quốc hội của ĐBQH Hoàng Hữu Phước đã gây bức xúc lớn trong xã hội qua việc phát biểu bác bỏ 2 dự luật Luật biểu tình và Luật lập hội. Trên các diễn đàn mạng, hàng trăm nghìn cử tri trên cả nước bày tỏ sự thất vọng lớn đối với vị đại biểu này. Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 23/11/2011 trong bài “Có cần Luật biểu tình?” đã viết:
“Trong phiên họp ngày 17-11-2011, khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XIII, đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị “Quốc hội loại bỏ Luật Lập hội và Luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII” với lý do: “Biểu tình là hành động để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ của nước mình” và bản chất của biểu tình là “dễ bị lợi dụng để gây biến loạn” đã lập tức gây phản ứng trong dư luận.
Dư luận phản ứng trước hết bởi phát biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước thể hiện nhận thức ấu trĩ, lệch lạc về biểu tình. Trong thời đại ngày nay, biểu tình được hiểu là những hành vi hợp pháp, dân chủ, văn minh nhằm biểu thị thái độ, tình cảm, quan điểm ủng hộ những điều đúng đắn, tốt đẹp và có lợi cho nhân dân, cho đất nước, đồng thời phản đối những hành vi phạm pháp, có hại. Biểu tình là thước đo tâm tư, nguyện vọng của người dân, mức độ đúng, sai của các chính sách để qua đó, Đảng và Nhà nước có chỉnh sửa phù hợp, thúc đẩy xã hội phát triển.”.
Như vậy, ĐBQH Hoàng Hữu Phước không làm tròn trách nhiệm đối với cử tri theo quy định tại Điều 43 Luật tổ chức Quốc Hội số 30/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội ngày 25 tháng 12 năm 2011 “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội”.
Theo quy định tại Điều 51, thì  “Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan”. Nhưng ông Hoàng Hữu Phước trong khi chưa tiến hành tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri, chưa có kết quả khảo sát định lượng, đã vội nhân danh cử tri để đưa ra nhận định “tôi tin rằng nếu được hỏi ý kiến ắt đa số người dân sẽ không ủng hộ luật này” với mục đích đưa ra những ý kiến chủ quan của mình. Việc làm này thể hiện sự đi ngược với quy định của pháp luật và quyền lợi của cử tri cả nước.
Qua phản ứng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, có thể nói ông Hoàng Hữu Phước không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân cả nước. Điều 56 Luật tổ chức Quốc hội quy định: “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”. Sai lầm của ông Hoàng Hữu Phước rất nghiêm trọng, vừa thể hiện sự coi thường Chính phủ là nơi đề xuất xây dựng dự luật Luật biểu tình, vừa coi thường cử tri cả nước, vì thế xứng đáng bị bãi nhiệm.
Khoản 2 Điều 56 quy định: “Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó”. Đề nghị các cơ quan hữu quan tiến hành xem xét tư cách đại biểu quốc hội của ông Hoàng Hữu Phước theo đúng quy định của pháp luật.
          T.Đ.T