Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÁO ĐỘNG “HỘI CHỨNG TDL”

Trần Hữu Hiệp
Thứ năm ngày 24 tháng 11 năm 2011 6:16 AM

 

 Trường hợp thứ nhất: Phát biểu khi thảo luận ở tổ, đại biểu Nguyễn Minh Hồng đề xuất nên “RA” luật Nhà văn. Nhưng liền ngay đó, ông cũng buột miệng phát ra câu rất “song đại” (đại vô lý, đại vô duyên), như tự vả vào mồm mình,  là “Tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn”. Ơ kìa, sao lạ vậy? Ông không hiểu tại sao cần có luật mà tại sao lại đi nêu đề xuất QH bàn thảo để ra luật Nhà van? Một trường hợp tự mâu thuẫn rất hy hữu.
Trường hợp thứ hai (chắc bị lan nhiễm từ ông Hồng), ông ĐB Hoàng Hữu Phước như từ trên mây mới nhảy xuống, nói bô bô:
- Không nên “RA” luật biểu tình, vì trình độ dân trí của ta còn thấp và kinh tế chưa ổn định, vì các nước thì có ai chống họ đâu, trong khi VN thì nhiều thế lực thù địch tập trung công kích” (?!)
          Ông Phước còn đưa ra “mấy cái vì” kèm theo vài ba lý do lý trấu vẩn vơ chẳng đâu vào đâu nữa (hì hì…). Thôi chết! Hai “ông nghị” này phát biểu như vậy thì nguy rồi. Báo động: ĐB của dân, do dân bầu ra đã mắc phải “hội chứng TDL” (tư duy loạn)!... Thế là coi như “loạn” quá rồi còn gì. Ở Nam bộ, khi đầu óc rối loạn thì coi như khùng, tâm thần phân rã lung tung. Ôi! sao tự nhiên lại bị rơi vào thực trạng xuất hiện thứ “dịch” có sự lây lan “hiểm nghèo” đến thế? 
Ý kiến trái chiều trong tranh luận trên Nghị trường là cần thiết để đi đến những quyết định đúng. Song, bên cạnh những lập luận chặt chẽ, phân tích sắc sảo, thể hiện sự am tường kiến thức chuyên môn và pháp luật, biết danh phận và ý thức trách nhiệm trước dân tộc và dân ta của nhiều đại biểu, thì ở Nghị trường lại có những biểu hiện phát bệnh TDL khá bất ngờ như hai trường hợp trên, làm cho tá hỏa dân binh cả nước (thế giới mà biết chuyện này thì toàn cầu thừa ô-xy, vì họ phải bịt mũi)…
Giật mình, bức xúc trước “hội chứng tư duy loạn” nêu trên, đại biểu Dương Trung Quốc buộc phải “ra toa” cấp cứu ngay. Ông Quốc mới viện dẫn Điều 25, Hiến pháp năm 1959: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”. Quyền cơ bản này tiếp tục được ghi nhận tại Điều 67, Hiến pháp 1980 và tại Điều 69, Hiến pháp 1992 hiện hành: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”. Nhưng mãi sau gần 52 năm, nền pháp lý của chúng ta vẫn chưa có “qui định pháp luật” nào khác để cụ thể hóa quyền biểu tình và cũng là cơ sở để có sự đảm bảo về “điều kiện vật chất cần thiết khác”. Vậy có cần Luật Biểu tình không? Ai cũng biết, Hiến pháp là đạo luật cơ bản mà bất kỳ công dân nào cũng phải tuân thủ, không riêng gì đại biểu Quốc hội. Tranh luận dân chủ, sôi nổi giữa các đại biểu Quốc hội cũng phải đặt mình trong khuôn khổ này. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng đề xuất xây dựng Luật Biểu tình.
Thuật ngữ “biểu tình” trong nhiều tự điển Tiếng Việt, kể cả Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia (http://vi.wikipedia.org) đều ghi nhận, tựu trung là hình thức biểu thị bằng hành động bất bạo động của một nhóm người, thường tụ họp vào một nơi (kể cả đứng hoặc ngồi) hay diễu hành trên đường phố để bày tỏ một cách công khai quan điểm phản đối hay ủng hộ một vấn đề, thường nhằm mục đích gây sức ép cho một thay đổi nhất định…Việc ban hành Luật Biểu tình cũng hoàn toàn không đồng nghĩa với khuyến khích biểu tình. Ban hành Luật Biểu tình là cần thiết và cần được chuẩn bị công phu, thận trọng, nhưng không vì thế mà để lâu hơn.
Chuyện đơn giản là đã có Hiến pháp (Bộ luật Mẹ). Mẹ thì phải sinh con chứ! Nay đã hơn nửa thế kỷ chứ ít ỏi gì đâu vẫn chưa thấy Con (như luật biểu tình…) thì phải đẻ ra thôi, có gì mà phải mất công tranh cãi theo kiểu trò chơi xập xì: “Có? Không có? /  Nên có? Không nên có”. Thế mà đáng tiếc thay, “hội chứng TDL” đã nhiễm khuẩn nặng vào một vài  ĐBQH. Loại “dịch” không mới này có trong xã hội đã nguy hại, nhưng không nên để nhiễm vào cán bộ lãnh đạo, nhất là ĐBQH, gây ra báo động bức xúc cả trên Nghị trường, công luận và dư luận cả nước. Thế nhưng, dân ta lại có thêm kinh nghiệm mới: Từ nay phải nhớ kiểm tra sức khỏe, thử vius, nếu thấy nhân vật nào có dấu hiệu nhiễm khuẩn “hội chứng TDL” phải cảnh giác ngay, đừng có dại mà đưa vào danh sách ứng viên, và nhât slà đừng có ai bỏ phiếu. Nguy đấy!