Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGẪM ĐIỀU CHI SAU THƠ HỒ PHONG TƯ ?

Trần Huyền Nhung
Thứ năm ngày 24 tháng 11 năm 2011 6:04 AM
 
Trên trang báo trannhuong.com có đăng chùm thơ Hồ Phong Tư ( Ngày 21/11/2011) gồm 3 bài thơ : Bão rớt, Tiếng gà , Vin ,  khiến người đọc suy ngẫm về thái độ trước cuộc đời của tác giả Hồ Phong Tư.
        Nếu như ở tập thơ “Lục bát làng” ta bắt gặp một Hồ Phong Tư nhẹ nhàng, lãng mạn với tình yêu làng xóm quê hương, tình yêu gia đình… mà dù sống ở nơi phồn hoa đô thị, Hồ Phong Tư vẫn vẹn tình. Hồn thơ của Hồ Phong Tư bước ra từ “chân quê”, nơi có lũy tre xanh, có những đồng cỏ và đàn cò bay thẳng cánh mà tôi đã tìm thấy ở trong “Lục bát làng” cái bóng râm của cuộc đời để mỗi khi đầu óc căng thẳng nhất tôi lại tìm về. Cuộc sống nơi Thành phố này ồn ào, náo động thật đấy, nhưng thiếu sự đồng vọng của tiếng nói trái tim, tiếng nói của vòng tay nghệ thuật chân thành. Đến với “Lục bát làng”, tôi thấy được an ủi hơn nhiều… Ấy là sự hoàn thiện trong khoảng trống tâm hồn của nhau. Đó là sự rung động của tôi với hồn thơ Hồ Phong Tư. Thì chùm thơ gồm ba bài mới đây của Hồ Phong Tư là tiếng lòng sâu sắc nhất mà tác giả kín đáo gửi gắm tâm tư của mình trước tình hình thời cuộc.
        Tôi nghĩ rằng, trên đời này, ngoài con người ra, còn có hai điều rất khó hiểu và khó hiểu đúng. Đó là tình yêu và thơ ca. Có ai dám nói rằng mình hiểu tình yêu và cũng có ai dám nói rằng mình hiểu chính xác về thơ ca. Vâng, thơ ca cũng như tình yêu vậy, có rất nhiều màu sắc, cung bậc. Bài thơ “Bão rớt” của Hồ Phong Tư, thoạt tiên tôi cứ ngỡ đây là bài thơ nói về cơn bão lòng luôn xảy ra trong tình yêu :
Bão rớt
Trận bão đi qua mặt đất thành hoang phế
Hàng cơm nguội trước nhà nghiêng ngả , xác xơ
Cơn bão đẩy Em, Anh về hai phía
Lại lặng im như chưa có bao giờ !
Ta có thể oằn mình tránh qua cơn bão
Những tả tơi rồi cũng sẽ vá lành
Nhưng từ thẳm sâu  đáy lòng ta biết
Cơn bão rớt âm thầm mãi quặn thắt...
 Em,
 Anh…
      Hà Nội mùa bão 8/2011
  Nếu cho đây là bài thơ về tình yêu cũng đúng thôi. Ta hiểu với văn chương, chất liệu đầu tiên để cấu thành tác phẩm là ngôn từ. Nhưng yếu tố cuối cùng quyết định sự sống còn của tác phẩm lại không phải ngôn từ. Đó chính là ý nghĩa sâu kín nhất của tác phẩm. Ở đây “Bão rớt” có thể chính là cơn bão lòng của Hồ Phong Tư trước thời cuộc. Là một luật sư, hơn ai hết Hồ Phong Tư thấu hiểu được từng ngóc ngách của cơn bão. Cơn bão đã càn quét , biến “mặt đất thành hoang phế”, cỏ cây, thiên nhiên cũng “nghiêng ngả, xác xơ”… Nhưng con người thì vẫn “lặng im như chưa từng có bao giờ”. Biết là “bão” đấy, nhưng vẫn phải coi như không có chuyện gì xảy ra. Đau đớn thay! Họ là những người dân “thấp cổ bé họng” biết kêu ai và biết nói gì? Sau cơn “bão” ấy, phải chăng có sự “bão hòa”? “Những tả tơi rồi cũng sẽ vá lành”, nhưng sự chắp vá đó chắc chắn sẽ còn dấu vết. “Bão rớt” là nỗi đau làm nhức nhối tâm can toàn thể xã hội loài người. Đau nhất là “Cơn bão rớt” cứ “âm thầm” quặn thắt trong lòng mọi người. Nhà thơ Hồ Phong Tư đã lên tiếng đấu tranh đòi lại công bằng cho con người. Mượn chuyện tình yêu để nói chuyện đời, chuyện xã hội. Đây chính là vấn đề sâu sa, đáng nói nhất trong “ Bão rớt” mà người đọc quan tâm. Nếu không có một tấm lòng nhân văn, nếu không thấu hiểu cuộc đời một cách sâu sắc, thì Hồ Phong Tư không thể viết lên được những vần thơ đồng cảm với “nỗi đau” của con người một cách thầm lặng như thế! Ta vô cùng cảm phục, trân trọng tấm lòng của Nhà thơ.
          Càng đọc những vần thơ của Hồ Phong Tư, ta càng nhận ra mình qua từng ngóc ngách, nội tâm của tâm trạng nhân vật trữ tình. Ta càng hiểu đúng hơn và hiểu nhiều hơn về thế giới tinh thần phong phú bí ẩn vốn bị cái bề ngoài bao phủ. Sống giữa nơi Thành phố, nhiều đêm ta thèm nghe tiếng gà gáy để cảm nhận chút “hương đồng cỏ nội” gắn với hình bóng quê nhà. “Tiếng gà” của Hồ Phong Tư như dẫn dẵn tâm hồn ta ngược dòng trở về với hình ảnh làng quê Miền Bắc thân yêu.
Tiếng gà
Đêm.
Chợt mơ tiếng gà
Nhắm mắt mà thức vậy
Nghĩ chuyện mình, chuyện đời
Giận đấy rồi thương đấy…
Thèm.
 Ran tiếng gà gáy
 Cho thêm ngày
         Bớt đêm…
      6/11/2011
        Hồ Phong Tư quả thực rất yêu tiếng gà gáy. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Anh “chợt mơ tiếng gà”. Phải chăng tiếng gà  đã làm thức tỉnh một tâm hồn vốn đã “ngủ “ nhiều ngày? Bởi thế mới có chuyện “ Nhắm mắt mà thức vậy” để “Nghĩ chuyện mình, chuyện đời”. Trong cảm xúc Nhà thơ đan xen tình cảm vừa giận, vừa thương “ giận đấy rồi thương đấy…” . Không biết Hồ Phong Tư giận điều gì ? Thương điều gì đây? Có khi nào anh giận chính bản thân mình và cũng có khi nào anh thương chính bản thân mình? Có lẽ điều này không phải. Bởi một con người có tấm lòng như Hồ Phong Tư, Anh sẽ giận cái điều gây lên “bão rớt” làm ảnh hưởng cuộc sống con người. Và Anh thương cho con người bị cơn bão càn quét đến tai hại. Hồ Phong Tư thèm lắm tiếng gà gáy để “ cho thêm ngày, bớt đêm”. Anh hy vọng tương lai của cuộc đời sẽ thêm tươi sáng, đừng ở mãi trong đêm đen. Anh đau lắm khi đêm phải “ngẫm chuyện mình, chuyện đời”.
         Trong cuộc sống có biết bao điều ta nâng niu, quý trọng và muốn vin vào những điều ấy để sống. Vin vào hoa, vin vào núi, vin vào trăng… Có lẽ riêng với tôi, cái mà tôi muốn vin vào lại là những vần thơ rất thực tế của Hồ Phong Tư. Có thể đó là một sự cảm tính. Nhưng dần dần cái cảm tính ấy mất đi, và nhường chỗ cho một cái gì đó cao quý lắm… mà tôi không thể vin nổi.
   Vin
   
Vin vào hoa để lấy thơm
Vin vào núi để cao hơn bóng mình
Thói đời nho mãi còn xanh
Không dưng sao lại đi rình của chua !
Kìa ai vin gió  đong mùa
Vin vầng trăng để bán mua cuộc cờ
Lá cành rồi cũng hư vô
Mong chi xanh với hững hờ thế gian
Câu thơ mọc ở vệ đàng
Lấm lem cát buị , ngổn ngang nỗi niềm
Vin vào cái chẳng hề tin
Cho bàn chân lạc  giữa miền đắng cay
 Biết mai ? Ừ nhỉ mai này
Vin vào đâu trả cơn say đời mình…?
 
    Đêm 14/11/2011
   Cái tình cảm cao quý nhất ở bài thơ “Vin” đó là : “Câu thơ mọc ở vệ đàng / lấm lem cát bịu ngổn ngang nỗi niềm”. Xem ra Hồ Phong Tư rất cần một nơi nào đó để “vin” vào để tìm sự đồng cảm, chia sẻ… Nhà thơ muốn “vin” vào những điều hết sức bình thường mà cũng gặp lắm kẻ đua, người tranh. “Thơ là tiếng lòng” ( Diệp Tiến) đã rung lên đến với trái tim khát vọng. Tiếng lòng của Hồ Phong Tư vẫn là sự trải nghiệm và ngẫm suy chuyện đời, chuyện thế gian. Để rồi cuối cùng, Nhà thơ buộc phải “Vin vào cái chẳng hề tin”, cho “bàn chân lạc giữa miền đắng cay”. Ở đời, một khi điều gì đó khiến ta không tin thì thường điều ấy không được trọng. Có phải vì Hồ Phong Tư chán ngán tất cả những chuyện rối ren, được , mất, còn, bán mua, đổi chác…. Mà Anh muốn “vin vào cái chẳng hề tin” không ? Phải là người đã từng chứng kiến cảnh đời một cách ngang trái thì Hồ Phong Tư mới diễn tả được tiếng lòng một cách chân thực như thế! Tôi lại nghĩ rằng bàn chân của Hồ Phong Tư chẳng thể đi “lạc giữa miền đắng cay” được. Vì Anh biết phân định rạch ròi, trắng – đen, phải – trái rõ ràng cơ mà. Dẫu sao đó cũng là tiếng lòng được thốt lên của một con người mang đầy tâm sự “ngổn ngang” về thời cuộc, ta nên đồng cảm với Anh. Lời thơ “Vin” có vẻ như bất lực trước cuộc đời : “Biết mai ? Ừ nhỉ mai này/ Vin vào đâu để trả cơn say đời mình?”, nhưng lại là tâm sự chung của bao tâm hồn đẹp như Hồ Phong Tư. Kết thúc của “Vin” như lặng đi trong lòng bạn, trong lòng tôi điều hết sức nhức nhối của cuộc đời. Câu hỏi lớn “không lời đáp” đặt ra khiến người đọc nghĩ suy…
             Cái điều tưởng như dễ hiểu ấy cứ sống mãi trong mỗi người như sự trường tồn của cuộc đời đã làm nên một Hồ Phong Tư giàu tình cảm trong lòng bạn đọc yêu thơ. Mỗi trang thơ là mỗi trang đời. Và mỗi trang đời ấy, được viết ra trong chính quá trình trải nghiệm, chính những việc làm của Hồ Phong Tư. “Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà Đời rơi vãi” ( Chế Lan Viên) cũng như mãi mãi không có thứ văn chương nào nằm ngoài quy luật của sự sáng tạo : Nghệ thuật vị nhân sinh. Hướng về đời, hướng về con người, về những điều tốt đẹp nhất…là điều Hồ Phong Tư làm người đọc trăn trở, nghiệm suy…
                                            Sài Gòn , ngày 23/11/2011
                                                           T.H.N