Gần đây, trên các trang báo mạng và báo viết, nhiều tác giả đã đặt vấn đề: Có nên cho học sinh con em của chúng ta học truyện Tấm Cám? Và nếu đưa vào sách giáo khoa thì nên sửa đoạn kết như thế nào để cho có hậu hơn, nhân bản hơn?
Truyện Rấm Cám là một câu chuyện cổ tích được phổ bến trong dân gian và được đưa vào giảng dạy trong các cấp học phổ thông. Thông qua sách giáo khoa của các cấp, câu chuyện càng được phổ biến hơn, đến mức, đã là người Việt Nam hầu như ai cũng biết truyện này. Người ta coi cô Tấm như là biểu tượng của sự thảo hiền, chăm chỉ, vị tha, nhân hậu và nhiều đức tính tốt của người phụ nữ Việt Nam, đến mức người phụ nữ nào xinh đẹp, nết na đều được gọi là cô Tấm. Sự thật cô Tấm có đúng như thế không. Cô Tấm có là tấm gương để cho người phụ nữ Việt Nam phấn đấu hoàn thiện mình hay không?
Cách đây trên nửa thế kỷ, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, thế hệ chúng tôi đã được học Truyện Tấm Cám. Ngay từ lúc ấy, tôi chẳng tháy cô Tấm có nét gì thảo hiền, vị tha cả. Ký ức đọng lại trong tôi cho đến bây giờ là những câu nói nanh nọc của Tấm:
Kẽo cà kẽo kẹt, lấy trang chồng chị, chị khoét mắt ra !
Phơi áo chồng tao thì phơi bằng sào, chớ phơi bờ rào tao cào mặt ra !
Những câu này may mắn là văn vần nên dễ nhớ, dễ thuộc. Hơn 50 năm rồi mà tôi vẫn nhớ nhập tâm. Một số người soạn truyện cổ tích sau này có chú ý sửa đi một số từ cho đỡ phản cảm; nhưng hồi chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, những câu như thế gây ấn tượng rất mạnh. Ấn tượng về sự chua ngoa, nanh nọc. Đặc biệt là việc trả thù của Tấm. Khi Cám hỏi làm sao chị trở nên đẹp như vậy, Tấm đã bày cho Cám đào một cái hố sâu cho Cám nhảy xuống, rồi sai người dội nước sôi vào. Ở dưới hố, Cám bị bỏng lột da, chết nhăn răng. Chưa dừng lại ở đó, Tấm còn đem xác Cám bỏ vào vại muối làm mắm rồi gửi về cho mụ dì ghẻ ăn. Khi mụ dì ghẻ ăn mắm và khen ngon, có con quạ về đậu trên nóc nhà kêu lên rằng: Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng ! Mụ dì ghẻ không hiểu gì, liền đánh đuổi quạ. Khi hũ mắm sắp hết, mụ mới thấy đầu lâu con gái ở dưới đáy vại, sợ quá liền lăn đùng ra chết. Tình tiết đưa ra ghê rợn quá. Sự trả thù đến như thế là cùng. Sau sự trả thù này, người ta mới thấy Tấm quả là ghê gớm. So với sự trả thù của Tấm thì sự độc ác của mẹ con Cám gây ra cho Tấm chỉ như chuyện trẻ con ! Một cô Tấm như thế sao lại gọi là thảo hiền được ?
Mặt khác, hình tượng cô Tấm cũng không có gì đáng cho thế hệ trẻ học tập. Đó là một cô gái thật thà. Thật thà quá hóa ra ngu độn. Bình thường người ta chỉ bị lừa một lần. Sang lần thứ hai thì phải rút ra bài học cho bản thân, để tránh bị lừa lần nữa. Đằng này, cô Tấm bị lừa nhiều lần liên tiếp, sau đó mới hiểu ra được vấn đề. Những người như thế người ta gọi là ngu lâu. Những lần bị lừa khi còn ở chung với mẹ con Cám còn có thể chấp nhận được, vì lúc đó còn lệ thuộc vào họ, có thể không thích làm mà vẫn phải làm. Nhưng khi đã thành vợ vua rồi, về nhà còn bị mẹ con Cám lừa cho trèo cau để đến nỗi ngã chết. Ngớ ngẩn nhất là bản thân trèo lên cây cau rồi, dì ghẻ ở dưới chặt gốc cho cây đổ mà không biết. Người ta lừa cho, nói rằng cây rung là do đuổi kiến mà cũng tin. Sao mà cả tin và ngu ngốc đến vậy ?
Nhân vật cô Tấm trong chuyện cổ tích không hề thảo hiền, chỉ có thật thà đến ngu muội, vậy thì trẻ em chúng ta học tập được gì ở cô Tấm ?
Một con người trước khó khăn trắc trở của cuộc đời không biết khắc phục để vượt qua, chỉ biết ngồi khóc, chờ ông Bụt hiện lên ban cho phép màu. Một người chỉ há miệng chờ sung như vậy thì con em chúng ta học tập được gì ở đây ?
Tóm lại, Truyện Tấm Cám không có gì đáng để cho con em chúng ta học tập. Chúng ta cũng không nên và không có quyền sửa đổi đoạn kết của câu chuyện. Cách ứng xử tốt nhất đối với truyện Tấm Cám là coi nó như bao câu chuyện cổ tích bình thường khác. Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam không thiếu truyện hay, có ý nghĩa giáo dục cao xứng đáng để đưa vào sách giáo khoa cho con em chúng ta học tập, chứ không nên bắt con em chúng ta phải học Truyện Tấm Cám, cần gạt bỏ nó vĩnh viễn ra khỏi các loại sách giáo khoa phổ thông. / .
PDK