Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÃ CÓ KIỆT HIỆT XỨ THANH THỜI HIỆN TẠI

Phạm Thành
Thứ bẩy ngày 26 tháng 11 năm 2011 6:55 AM
 
Theo nhà bác học Việt Nam Phan Huy Chú ( sinh 1782, mất 1840) thì xứ Thanh  là nơi luôn luôn sinh ra những bậc kiệt hiệt cho đất nước. Ghi trong Lịch triều hiến chương loại chí ý này, hẳn cụ Phan đã khảo sát, thông kê thấy nó là như vậy, nên mới không “run tay” mà ghi vào. Người kiệt hiệt khác với người anh hùng. Người anh hùng có thể chỉ từ một hành động anh hùng mà nên danh như Tô Vĩnh Diện “lấy thân mình chèn pháo”, như Ngô Thị Tuyển, vóc gầy chưa đến 50 kg, những vác tới hơn 100 kg đạn dược tiếp tế cho bộ đội bắn máy bay thời Mỹ ném bom ra miền Bắc; hoặc như mới đây, trên đấu trường SeaGames 26, cô gái Nguyễn Thị Phượng, dù sức đã kiệt, vẫn cố với tay chạm vạch để có được một chiếc huy chương bạc, đem vinh quang về cho thể thao Việt Nam và rạng rỡ quê nhà xứ Thanh, vân vân. Còn kiệt hiệt là người không những phải có gan anh hùng, mà còn phải là người văn võ toàn tài, có chí lớn, mang sứ mệnh lớn vì dân vì nước. Chẳng hạn như Bà Triệu, vú to như vú tượng, nhưng lại không muốn làm tì thiếp người khác mà, ý chí là phải cưỡi song lớn, chém cá Kình ở biển Động, quyết đánh đuổi bọn xâm lăng, gây dựng nên độc lập cho dân tộc; hoặc như Lê Lợi, mười năm nếm mật, nằm gai, khổ muôn nghìn khổ, kế muôn nghìn kế quyết đánh đuổi kỳ được giặc Minh, tiếp tục củng cố nền độc lập dân tộc có từ thời họ Khúc. Một trong những kế (tuy có man trá) được hậu thế truyền tụng là Lê Lợi đã ngầm sai Nguyên Trãi dùng mỡ làm mực viết trên vạn lá cây câu: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trải vi thần” để tập hợp dân chúng đánh giặc.
Vì là người xứ Thanh lại nằn lòng với quả quyết của cụ Phan như vậy, nên tôi thường để tâm đến sự sinh ra kiệt hiệt của xứ Thanh. Cụ Phan nói là luôn luôn, nghĩa là liên tục có người kiệt hiệt. Vậy, ở cái thời hiện đại này, xứ Thanh, ai là người kiệt hiệt? Cô Ngô Thị Tuyển ư? Không phải. Lê Mã Lương ư? Không phải. Tuy Lương có nói một câu, tuy có chất anh hùng, nhưng lại rất ngớ ngẩn ở tính khái quát “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Ngớ ngẩn ở chỗ, sao lại chỉ trên trận tuyến đánh nhau mới có cuộc đời đẹp nhất? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọ ư? Không Phải. Tổng Bí thư 2,5 năm Lê Khả Phiêu ư? Không phải? Bí thư tỉnh uỷ Hà Trọng Hoà ư? Không phải? Hay là Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh? Cũng không phải? Các vị này, chức sắc thì to rồi, nhưng chẳng thấy có hành động anh hùng gì, mà sự nghiệp để lại cho hậu thế cũng chẳng có gì ấn tượng.
Mỏi mắt để tìm, đáu đáu suy tư xem xét, cuối cùng thì, a đây rồi, kiệt hiệt xứ Thanh thời hiện tại đã xuất hiện. Kiệt hiệt này mang tên Vũ Quốc Trường, cấp bậc Trung tá, chức vụ: Đội phó Đội Cảnh sát giao thông thuộc Sở Công an Thanh Hoá. Vị kiệt hiệt này có sáng kiến áp dụng rất vĩ đại, đem lưới đánh bắt cá bắt người trên cạn. Một sáng kiến áp dụng vĩ đại, độc nhất vô nhị, chỉ nảy nòi từ xứ Thanh, nhằm chặn đứng tai nạn giao thông, mà mỗi năm loại tai nạn này cướp đi khoảng 12.000 người.
Thật là vui nhộn. Tôi cứ tưởng tượng, cảnh sát giao thông tay cầm một chùm lưới, đứng trên bục cảnh sát, hay bên vệ đường, mắt lăm lăm quan sát, thấy có ai đi đứng không đúng luật lệ thì, chân ngến lên, tay xoè ngang vai và vung mạnh, tung chùm lưới lên, bổ chụp xuống người và phương tiện đang lao đi trên đường. Một hàng động y trang hàng động của những người hành nghề chài lưới. Chỉ khác là, nghề chài lưới thì quăng lưới trên sông, suối để bắt cá, còn cảnh sát thì quăng lưới trên cạn để bắt người.
Bắt kẻ vi phạm bằng lưới, một là “trăm bắt trăm trúng, lại an toàn cho cảnh sát, hạn chế thời gian và quãng đường rượt đuổi. Cảnh bắt này này, dân vi phạm có mà chui xuống đất.
Xứ Thanh, tuy không phải là xứ sông nước, nhưng sông suối, biển cả thì trãi rộng ở khắp tỉnh. Chả mấy ai lại không có câu chuyện cá nước để kể chơi.
Bởi vậy mà tôi có liên tưởng rằng, hồi cách mạng năm 1945 mới thành công, dân tộc phải trường kỳ đánh Pháp, đuổi Mỹ, rất cần sự đoàn kết quân dân, nên Bác Hồ mới đưa ra khẩu hiệu “quân với dân như cá với nước”. Tôi mạo muội hiểu rằng, cá ở đây là quân, dân ở đây là nước. Chân lý ở câu nói này là gì? Là: Cá mà không có nước thì cá chết; còn nước mà không có cá thì sao? Tất nhiên, nước sẽ không có mùi tanh. Nhưng với sáng kiến áp dụng của hào kiệt xứ Thanh: Trung tá, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Thanh Hoá  Vũ Quốc Trường thì, khẩu hiệu trên đã hòan toàn đảo nghĩa. Dân ở đây là cá; còn quân ở đấy là nước, là cảnh sát. Bởi vậy mới có chiêu “quăng lưới bắt dân”.
Vĩ đại thật. Kiệt hiệt thật. Dám quăng lưới bắt dân, là một hành động anh hùng rồi, những nghĩ ra nó thì phải là người có văn võ toàn tài. Hơn nữa, nó lại được giao cho dân phòng thực hiện và hơn thế nữa, nó lại “không nằm trong bất cứ biện pháp nghiệp vụ nào của công an –lời của Vũ Quốc Trường”.
Nhưng, cứ nhìn những vụ tai nạn giao thông đã xẩy ra mà kinh hãi. Một phương tiện giao thông đang chạy trên đường, bỗng bị một chùm lưới cá tung lên, nhào xuống, chụp toàn thân người và phương tiện, thì người và phương tiện không thể không đổ nhào. Thế thì làm sao người và phương tiện có thể còn lành lặn? Như thế hẳn nó là một vụ tai nạn rồi còn gì. Ngăn chặn tai nạn bằng một biện pháp gây tai nạn, thì chỉ kiệt hiệt xứ Thanh mới nghĩ ra.
Mà tai nạn giao thông thì, bị thương nặng, nhẹ cho đến chết người là điều chẳng ai có thể lường trước được.
Tôi cầu mong cho những người bị lưới cảnh sát quăng gây nên tai nạn hoặc là chỉ bị thương nhẹ, hai là bị thương thật nặng, không thể cứu chữa được. Vì nếu bị thương nặng mà không chết thì phải đi viện, phải tốn kém cả vật chất, cả tinh thần cho người nhà nạn nhân và nhà nước. Nói chung là tốn kém. Chẳng may mà cứu được, thành tật thì, nạn nhân và người nhà nạn nhân thù kiệt hiệt suốt đời. Cho nên, cách này, tuy là sáng kiến vĩ đại thật đấy, nhưng xem ra chưa chu toàn. Tại sao, không đi tới cùng vấn đề mà tư duy nhỉ? Giả xử, “để làm cho dân sợ”, “giết một người cứu vạn người”, tôi cho rằng, nên đòm hết những người vi phạm luật lệ giao thông thì hơn, nhưng điều kiện là phải đòm trúng vào tim hay cái đầu của họ. Bảo đảm, “một phát đạn, một quân thù” là được. Cách này, dễ thực hiện hơn, hiện đại hơn, hiệu quả hơn, mà lại có thể tránh được pháp luật, vì chỉ cần báo cáo với cấp trên là, súng bị cướp cò, hoặc định bắn chỉ thiên, không may vương phải, là vô can, như vụ ở Tĩnh Gia ấy, súng “cướp cò” chết một người, hai người bị thương mà đến nay đã có cảnh sát nào bị làm sao đâu?
Chưa biết sáng kiến vĩ đại này có được thực thi trên địa bàn cả nước hay không, vì mới gửi “ luận án” lên Bộ, nhưng Thanh Hoá đã làm thử, gây tai nạn tuy nhiều, nhưng chưa có ai bị chết cả-ý từ lời của Vũ Quốc Trường. Kiệt hiệt thay.
P.T
25/11/2011