Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI GẮN BÓ CẢ ĐỜI VỚI NGOẠI GIAO VĂN HÓA

Chiến Thắng thực hiện
Thứ hai ngày 21 tháng 11 năm 2011 6:34 AM

 

Nói anh Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng biên tập Báo Quốc Tế, nay sắp bước vào tuổi 70 thì thật khó tin. Anh đi chiếc Lead màu nâu to đùng, đẩy xe lên vỉa hè quán cà phê nhẹ tênh, gặp bạn bè là cười nói rộn ràng, anh em thân tình đâu ới một tiếng, dù ở xa anh cũng ào tới không mấy khi chối từ ái ngại. Đánh bạn với những người như thế thật sướng, ít phải giữ kẽ. Anh Vĩnh đi đâu cũng thường mang theo một cái túi, trong đó trước đây là láp-tóp Vaio xịn, giờ anh thay cái máy tính bảng mới tinh, gọn nhẹ hơn. Đều là thứ dụng cụ đồ nghề gắn với cánh nhà báo và những blogger; bởi với họ không cập nhật thông tin thì hình như “không chịu được”. Nguyễn Vĩnh quả thật vẫn là một ông lão trẻ trung và ham thích cái mới.

 Vào một sáng Hà Nội tháng mười, anh và tôi đã ngồi với nhau ở một quán cà phê ven Hồ Tây. Thi vị và đáng nhớ cái buổi ấy khi gió đầu đông chỉ mới chớm lướt trên mặt hồ xanh và chút se lạnh trên da thịt người. Bên hồ câu chuyện của chúng tôi rỉ rả theo từng giọt cà phê, cũng toàn chuyện kỷ niệm nghề nghiệp, chuyện bạn bè một thuở…

 Khi trở về nhà nhớ lại, thấy những điều Nguyễn Vĩnh kể thật là hay, đặc biệt là những nhận xét thật xác đáng mà lý thú, mới xin phép anh chép ra đây, có thế nào chép thế ấy, không văn chương màu mè gì.

 Phần 1 

NHỚ MỘT THỜI LÀM VĂN HÓA ĐỐI NGOẠI  

Ở Bộ Ngoại giao, tôi thấy anh là một trong số không nhiều người đã gắn bó suốt với ngoại giao văn hoá. 

Tôi ra trường năm 1967 và bắt đầu làm việc ở Nhà xuất bản ngoại văn. 

Thì xuất bản ngoại văn là văn hóa đối ngoại chứ còn gì nữa. 

Đúng thế, hồi đó cơ quan này trực thuộc Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, chuyên về việc quan hệ văn hóa với các nước trên thế giới, nên mang tên như trên. Các cơ quan đơn vị trong Ủy ban này nơi thì xuất bản sách báo tiếng nước ngoài; chỗ chuyên đón - đưa các đoàn văn hóa nghệ thuật nước ngoài vào ta và đoàn của ta ra bên ngoài biểu diễn giao lưu; lại có chỗ chuyên trách quản lý văn hóa phẩm (liên quan đến trao đổi quốc tế), có đơn vị như một doanh nghiệp, chuyên nhập và xuất sách báo ngoại văn, v.v…

 Cụ thể anh Vĩnh làm gì hồi đó? 

Sau thời gian thực tập, kiểu điếu đóm như bất cứ anh sinh viên mới ra trường nào, tôi bắt

 đầu được giao trực tiếp làm sách. Công việc là theo dõi phát hiện các sách văn học xuất bản trong nước có thể dịch, hợp với đối tượng độc giả nước ngoài nào rồi biên tập theo những yêu cầu mà dịch giả sau này có thể hỏi đến và tham khảo về tác giả và tác phẩm. Sau hết trình ban biên tập phê duyệt để chuyển các công đoạn sau.

 Thế khi làm có cuốn sách nào anh nhớ lâu nhất, có chuyện gì kể được không? 

Có nhiều cuốn để lại ấn tượng nhưng nhớ nhất vẫn là bộ Hợp tuyển văn học Việt Nam. Thời kỳ này tay nghề cánh biên tập viên trẻ tuổi nhất ở nhà ngoại văn chúng tôi đã khá lên chút thì tôi cùng vài đồng nghiệp trẻ khác được đóng góp vào một công trình lớn, là bộ sách “Anthologie de la litterature Vietnamienne”. Đó là tuyển tập văn học Việt Nam, cả thời cổ đại và thời hiện đại, gồm tới 4 tập dày dặn, khổ sách khá lớn. Tôi nhớ là sau khi in bản tiếng Pháp thì NXB đưa dịch cả tiếng Anh. Bộ sách này vì thế có tiếng vang ở cả hai châu lục Âu – Mỹ.

 Sách nhiều tập nhưng cánh trẻ chỉ được góp vào tập văn học hiện đại. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và ông Hữu Ngọc chủ trì bộ sách. Ít tuổi, lại sai phái được, tôi hay được cử đi gặp cộng tác viên với một biên tập viên dày dặn kinh nghiệm là anh Trương Đình Hưng. Vì thế mà tôi có cơ hội làm quen với nhiều nhà văn nổi tiếng thời ấy. Anh Hưng là người Hà Nội gốc, tú tài tây xịn, đặc biệt tính tình vui vẻ, lại là lứa kháng chiến chống Pháp nên dễ gần gũi với các nhà văn được chọn dịch , điều đó và khiến các buổi trò chuyện luôn luôn hứng thú.

 Việc này cũng muốn kể với anh Chiến Thắng. Do làm tuyển tập văn chương quy mô lớn mà nhà NXB Ngoại văn thành nơi lui tới của nhiều khuôn mặt danh giá, như Tế Hanh, Xuân Diệu, Huy Cận, Quang Dũng, Anh Thơ, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Lê Lựu, Đỗ Chu, Xuân Quỳnh… Dĩ nhiên còn nhiều con người tài danh khác nhưng vì họ đang đi chiến trường miền Nam nên không gặp được và ban biên tập chỉ làm công việc chọn tuyển tác phẩm. Giờ nhớ lại tôi không khỏi trạnh buồn, bao khuôn mặt văn chương vẻ vang một thời có tác phẩm góp vào tuyển tập này nay đã không còn nữa...

 Vừa rồi thấy anh Vĩnh không nhắc đến ông Tố Hữu. Tôi nhớ hồi đó NXB có làm cuốn “Việt Nam, máu và hoa” cơ mà ?

 Nhà thơ Tố Hữu hồi đó là cấp lãnh đạo rất cao rồi nên đâu dễ có thời gian qua lại NXB như các tác giả khác. Nhưng ông ấy có thơ trong tuyển tập. Còn cuốn sách anh nói đến, “Việt Nam, máu và hoa”, là có nhưng tôi không được giao làm. Biên tập viên chính vẫn do anh Trương Đình Hưng đảm nhiệm. Thời gian chuẩn bị và đi giao dịch với tác giả, anh Hưng có kéo theo tôi bồi đồng, học hỏi nghề.

 Anh Thắng chắc nhớ, Tố Hữu hồi đó sáng tác thành công nhiều bài thơ về đề tài miền Nam chiến đấu, trong đó có bài “Việt Nam, máu và hoa”. Chính cái tên đó gợi lên cho bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ý định xây dựng một tập sách thơ đối ngoại.

 Nội dung cuốn sách giới thiệu nhà thơ Tố Hữu, chủ yếu con đường đi tới thi ca của ông. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tố Hữu rất phong phú và chính nó tạo nên chủ đề, đề tài cụ thể và cả đến một phong cách rất riêng mang tên ông trong thơ ca cách mạng.

 Phần chính yếu của sách đương nhiên là chọn dịch những bài thơ tiêu biểu của thi sĩ xứ Huế sang tiếng Pháp. Giám đốc NXB Nguyễn Khắc Viện giỏi Pháp văn là thế mà ông vẫn chưa yên tâm, ông liên hệ sang Pháp mời bà Mireille Gansel là nhà thơ, cũng là đảng viên cộng sản bên ấy vào Việt Nam cộng tác. Bà “chuyên gia” này ở khách sạn nhưng NXB lo bố trí phòng làm việc hằng ngày ở trụ sở cơ quan, 46 phố Trần Hưng Đạo. Cuốn sách ra đời có nhan đề tiếng Pháp là “Sang et Fleurs - Chemin du poète To Huu” (Máu và những cánh hoa - Con đường của nhà thơ Tố Hữu). Sách được phát hành ở Pháp và một số nước trong cộng đồng Pháp ngữ.

 Xong việc trên anh Hưng kể tôi nghe rất nhiều chuyện, anh bảo rất ngạc nhiên thấy vị bí thư trung ương đảng bận việc là thế mà ông sẵn lòng tiếp chuyện ma-đam thi sĩ Tây, trao đổi hỏi han bà đầm này mọi thứ chuyện. Bà lúc đầu còn ngần ngại, sau cũng “tranh thủ” khai thác (là đích gặp của bà) từ nhà thơ Việt Nam những chuyện vừa thơ ca, vừa vượt ra ngoài chuyện văn chương chính trị bình thường. Nên không lạ thấy cuốn sách bà viết có tính hấp dẫn nổi bật với dư luận phương Tây khi đó.

 Sau này một số vị “tiên chỉ” khác ở NXB như Vũ Cận, Hoàng Nguyên đã ở cơ quan lâu năm, lại có người như bác Hoàng Túy bên bộ ngoại giao mới chuyển sang do giỏi tiếng Anh để trợ thủ thêm cho bác Đặng Thế Bính là trưởng ban Anh ngữ đều nói lại với tôi rằng, những câu chuyện với nhà báo nhà văn bên Tây như thế, nếu họ thấy thú vị sẽ biến thành những dòng sách báo “tuyên truyền đối ngoại” thật sự. Nó mang giá trị khác biệt mà dù anh em Việt Nam ta có chịu khó viết đến mấy cũng “không địch” được với họ.

 Khi ấy NXB chỉ in sách tiếng Pháp, không in tiếng Việt?

 Đúng vậy, hồi ấy NXB in 100% sách bằng “ngoại văn”, tức không in tiếng Việt. Cuốn thơ Tố Hữu cũng vậy. Vài thập niên gần đây nhà ngoại văn đổi tên thành Nhà xuất bản Thế giới thì ngoài in sách bằng tiếng nước ngoài còn xuất bản cả sách tiếng Việt.

 Những năm trước kia sách tiếng Pháp ra nhiều nhất, kế đến mới là các thứ tiếng Anh, Hoa, Tây Ban Nha, Nga, và đặc biệt có cả Quốc tế ngữ (hồi đó Hội Quốc tế ngữ của Việt Nam hoạt động mạnh, nay hội này hầu như khuất bóng rồi?). Có nghĩa đây là nhà xuất bản đa ngữ, nhưng chỉ là ngoại ngữ thôi nên mới có tên gọi là Nhà xuất bản Ngoại văn.

 Như vậy rõ ràng là từ lúc bấy giờ ta đã làm Ngoại giao văn hóa. Và anh Vĩnh đã là người tham gia trực tiếp khi ở nhà xuất bản ngoại văn. Theo anh thì Ngoại giao văn hóa có phải là một phần của quyền lực mềm hay không?

 Tôi được đào tạo về văn học và ngôn ngữ (học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), khi ra trường làm nghề trên kể ra cũng là trúng nghề nên chóng bắt nhịp được với công tác. May mắn hơn nữa là được tiếp xúc ngay và sớm với nhiều bậc thầy trong một công việc đòi hỏi rất cao này.

 Nhiều anh em lứa chúng tôi đánh giá rằng, người làm văn hóa đối ngoại - cũng tức là công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại - một cách căn cốt bài bản nhất là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Anh Chiến Thắng nếu có điều kiện thì hỏi chuyện thêm các bậc cựu trào trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại, tôi chắc không ai nói khác đâu. Ngoại giao văn hoá như bây giờ hiểu và triển khai trong thực tiễn phải nói cụ Viện là người mở đầu, và ông đã tận tâm tận lực với sự nghiệp này đến cuối đời.

 Chúng ta cùng nhớ lại xem, rõ ràng từ những năm còn chiến tranh, ngoại giao văn hóa đã phát huy tác dụng vượt trội. Nó đã góp phần vào sự nghiệp lớn làm cho nhân dân các nước trên thế giới hiểu Việt Nam, ủng hộ giúp đỡ Việt Nam kháng chiến thắng lợi.

 Anh có thể nói kỹ hơn về tác dụng những cuốn sách ngoại văn.

 Những năm xưa sách của ta xuất hiện ở nước ngoài thường là một tuyển tập truyện ngắn hoặc bút ký chiến tranh, hoặc là một tập thơ, một tập tuyển tranh mỹ thuật hoặc nhiếp ảnh. Nói chung là các sách giới thiệu đất nước - con người Việt Nam, phản ánh cuộc sống chiến đấu và sản xuất lúc đó, lại gắn cái nhãn là cuốn sách được làm ra dưới bom đạn ở thủ đô Hà Nội-Việt Nam là gây ấn tượng lắm với người phương Tây. Sách như một thông điệp mà trong đó chuyển tải được thiện chí và tình cảm thân thiết của nhân dân Việt Nam đối với thế giới bên ngoài. Nếu gọi đó là Ngoại giao văn hóa để đạt mục tiêu kết thân bạn bè, chinh phục lòng người thì chính đó là một thứ quyền lực mềm như anh Thắng đã nói.

 Hiểu nôm na quyền lực mềm thì đấy là thứ lạt mềm mà buộc chặt nhất. Nói mềm ở nghĩa là nó đi vào lòng người ta, người ta chuyển biến rồi người ta cảm tình với anh, chứ không ai áp đặt ai gì cả. Và như bác sĩ Viện thường dẫn chứng, cái “người ta” kia mà là nhà văn nhà báo bản địa, thì họ sẽ từ các “tài liệu, tư liệu” nguyên liệu gốc sống động ấy, họ sẽ xây dựng thành sách báo phim ảnh về đề tài Việt Nam gây tác động trực tiếp mạnh đến dư luận nước họ.

 Ồ anh lại đề cập tới chuyện “tái sản xuất mở rộng”, đề tài thú vị đấy.

 Anh biết trên thế giới nếu tính thời đó có khoảng 170 - 180 nước, nhưng có phải nước nào cũng biết đến nước Việt Nam mình đâu. Nhưng nếu khéo léo lồng trong thông tin tuyên truyền, gắng nêu được cái căn cốt văn hóa Việt - một nền văn hóa đặc sắc không trộn lẫn với các nền văn hóa Á Đông trong vùng - thì điều ấy rất có tác dụng. Từ đấy các cây bút, các nhà văn hóa và nghiên cứu ở nước ngoài họ sẽ căn cứ từ những menu đặt hàng của độc giả nước họ (mà chỉ họ mới phát hiện ra được), họ sẽ tìm ra cách làm tốt nhất giới thiệu Việt Nam. Đấy mới là đích ngắm cho Ngoại giao văn hóa có cơ thành tựu lớn và rộng hơn. Ta một mình sức mấy làm cho xuể.

 Thế bạn bè thế giới họ đánh giá thực chất “tuyên truyền phẩm” của ta thế nào khi đó?

 Hồi đó các thư viện lớn ở Pháp và một số nước Tây Âu đều có sách báo Việt Nam. Tôi nhớ có vị học giả nổi tiếng gốc Việt từ Mỹ về có nói chuyện ở cơ quan tôi, bảo thư viện Quốc hội Hoa Kỳ là thư viện có quy mô lớn nhất và có giá trị tư liệu lớn nhất ở nước này thường mua các đầu sách báo Việt Nam, trong đó tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (Vietnam Studies) và báo Vietnam Courrier – hai xuất bản phẩm định kỳ bằng tiếng Anh của cơ quan tôi xuất bản và phát hành qua Xunhasaba (Cty xuất nhập khẩu sách báo) – rất thu hút các tầng lớp độc giả ở Bắc Mỹ.

 Khi tổng tập Anthologie Vietnamienne kể trên xuất bản, các tờ báo lớn như Le Monde, Le Monde Diplomatique của Pháp, Washington Post và New York Times của Mỹ đều có những bài viết giới thiệu in ở góc cao trang trọng. Trong nhiều bản báo cáo và các cuộc trưng bày triển lãm thời kỳ đó, những dẫn chứng về thành tựu văn hóa đối ngoại luôn luôn được tô đậm và gây ấn tượng mạnh về một nền văn hóa Việt Nam kháng chiến và kiến quốc “tỏa sáng” ở nước ngoài.

 Lại nữa, dư luận quốc tế còn nêu bật tác động của những bộ sách, những bức tranh tấm ảnh từ Việt Nam gửi sang đã có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng đến phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam.

 Anh nói chiến tranh thì thế, còn xây dựng hòa bình thì sao?

 Trong chiến tranh thì vai trò của quân sự trên chiến trường là hết sức quan trọng. Nhưng bên cạnh đó nếu biết sử dụng cái phần mềm của văn hóa này, sẽ tác dụng nhân lên cho thành công quân sự… Bây giờ do những điều kiện thuận lợi mới, do mở rộng các địa hạt ngoại giao và đối ngoại, ta thấy Ngoại giao văn hóa đã được coi trọng hơn. Chủ trương Ngoại giao văn hóa được coi là một trong ba trụ cột của ngành là một bước đi khôn ngoan và đúng đắn (cùng với Ngoại giao chính trị và Ngoại giao kinh tế). Vì thế đương nhiên phải chăm sóc nó hơn nữa để trở thành một binh chủng mạnh mẽ, đóng góp và hội nhập được với thế giới bên ngoài.

 Rõ ràng giờ đây chúng ta đã có nhiều phương tiện hơn để đưa thông tin và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè nước ngoài. Trong số đó ngoài sách báo còn rất nhiều hình thức trao đổi khác, như nghệ thuật biểu diễn, triển lãm, hội chợ, trao đổi các đoàn (giới trí thức, các nhà văn, nhà báo chẳng hạn) đi giao lưu, hội thảo, giới thiệu, thuyết trình, giảng dạy… ở nước ngoài. Đó chính là những cách làm ngoại giao văn hóa thích hợp và hiệu quả nhất.

 Trong nước gần đây có những giao lưu, dòng văn hóa như đang được khơi thông, tác động cả trong nội địa cả ra bên ngoài...

 Đúng như thế, gần đây người ta nhắc đến khá nhiều danh lam thắng cảnh, cảnh sắc thiên nhiên, nghĩa là những di sản văn hoá quý báu của Việt Nam đã được cấp độ thế giới công nhận. Những cái đó đều tốt, thay cho rất nhiều lời tuyên truyền hô khẩu hiệu. Chính chúng có sức kết nối và làm cho người dân các nước yêu mến thêm Việt Nam. Quyền lực mềm như trên trao đổi là cái quyền lực văn hóa đó. Nó nằm bên trong con người, có sức gắn kết mọi người với nhau, có ý nghĩa sâu xa của những món ăn tinh thần. Và nó không bị chi phối, phụ thuộc vào các giá trị vật chất áp đặt, tác động. Quyền lực mềm vì thế nâng cao giá trị nhân văn của con người.

 Nói về vật chất ở nghĩa thông thường, nhìn chung theo tôi ta còn thua kém nhiều nước. Sau này thì cứ vẫn còn thua vì mình xuất phát chậm, khi tiến bước cũng chậm, hoặc đi lạc nữa. Nếu ta đua xây những cái nhà, dựng lên những công trình kiến trúc to lớn, rồi cố làm ra những hệ thống giao thông thật đồ sộ tốn kém đến mấy chăng nữa…thì mãi chúng ta vẫn đứng thứ hạng sau so với thế giới quá giàu có về tiền của, phương tiện. Dĩ nhiên ta cần làm những công trình thiết thực, đáp ứng nhu cầu sống của người dân, nhưng đừng ham to, đừng ham hố vĩ cuồng.

 Anh Vĩnh vừa so sánh giữa vật chất và tinh thần. Anh nói rõ hơn được không?

 Ý tôi gần gần như thế. Là nói văn hóa đôi khi có những phẩm chất đột biến. Vật chất tiền của mình có thể thua kém người ta, nhưng văn hóa của anh có thể bật lên bằng người ta. Thậm chí có cái anh còn làm được hơn người ta nếu như biết khai thác cái độc đáo riêng mình anh mới có. Tức là anh phải khôn khéo khai thông được dòng chảy văn hóa tinh thần riêng biệt của người Việt để tạo nên giá trị văn hóa Việt Nam. Chính đây là sức mạnh cho những đóng góp hội nhập và phát triển với thế giới. Tôi muốn nhắc câu này của một nhà nghiên cứu văn hóa : không phải người ta cứ giầu có là tức thị người ta có văn hóa cao…

 Anh nói không phải cứ giàu mà đã có văn hóa cao thì tôi thấy thật là thấm thía. Tôi nghĩ một đất nước cần xây dựng làm sao để có nhiều người có văn hóa cao hơn là chỉ có nhiều người giàu. Có văn hoá cao và giàu thì càng tốt. Nhưng nếu chỉ nhiều ngươì giàu mà văn hóa ở tình trạng như bây giờ thì rất không tốt, rất đáng lo ngại.

 Thôi, chuyện Ngoại giao văn hóa ta dừng ở đây anh nhé. Xin hỏi anh là anh làm Tổng biên tập từ năm nào đến năm nào ?

 
PHẦN 2

 KÝ ỨC BUỒN VUI VỀ NHỮNG NGÀY LÀM BÁO

 Thôi, chuyện Ngoại giao văn hóa ta dừng ở đây anh nhé. Xin hỏi là anh làm Tổng biên tập từ năm nào đến năm nào?

 Chắc anh hỏi tôi làm Tổng biên tập Báo Quốc Tế của Bộ Ngoại giao? Xin trả lời có trình tự một chút.Thời gian trước đó tôi làm nhiều năm ở báo Tin Việt Nam sau khi chuyển từ nhà ngoại văn sang. Lúc này tờ báo đã chuyển qua Bộ Ngoại giao quản lý. Báo vẫn ra tiếng Pháp và tiếng Anh (Le Courrier du Vietnam/Vietnam Courier). Đến 1988 tôi được bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập. Cuối 1992 Bộ Ngoại giao và Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) bàn nhau thống nhất chuyển tờ báo này sang TTXVN chủ quản. Lãnh đạo báo lúc này chỉ còn mình tôi (các anh chị lãnh đạo khác đã đi công tác ở các Đại sứ quán của ta), nên Bộ giao tôi thay mặt thực hiện bàn giao mọi công việc chu tất với vị Chánh văn phòng của TTXVN.

 Tiếp đó tôi được Bộ điều động làm Phó tổng biên tập Tạp chí Quan hệ quốc tế mà hồi đó anh Nguyễn Ngọc Trường làm Tổng biên tập. Về sau các anh lãnh đạo tờ báo này cũng lần lượt luân chuyển công tác ra nước ngoài nên Bộ giao tôi làm Tổng biên tập từ 1998 cho đến khi tôi về hưu, 2006.

 Thế các anh đổi tên thành báo Quốc Tế khi nào?

 Đúng là hồi đầu Bộ Ngoại giao cho ra báo, đặt tên là Tạp chí Quan hệ quốc tế. Sau thấy tên khá là dài, lại nhân chuyển đổi định kỳ ra hằng tháng thành hằng tuần nên rút gọn măng-sét là Tuần báo Quốc tế; đến năm 1996 rút nữa, lược bớt hai từ Tuần báo, chỉ còn báo “Quốc Tế”.

 Có thể nói thời kỳ mở đầu (số đầu tiên, tháng 11/1989) Tạp chí có những thành công. Khi ấy báo chí trong nước đề cập không nhiều tới các vấn đề quốc tế nên ấn phẩm của ngành ngoại giao có lợi thế, được vẫy vùng trong một sân chơi rộng và mới. Tới khoảng 1992 trở đi báo chí trong nước dần bung ra các chuyên mục quốc tế; bên cạnh đó thực tiễn hoạt động đối ngoại tăng lên nhiều, và thông tin về lĩnh vực quan hệ quốc tế cũng có điều kiện khai thác dễ dàng hơn từ đài, báo nước ngoài… nên đương nhiên Tạp chí không giữ chân được lượng độc giả đông đảo như hồi mới xuất hiện. Vì thế tờ báo đòi hỏi một bước chuyển không những về nội dung mà cả hình thức xuất bản. Chính là thời còn anh Trường đã có quyết định tăng nhịp ra báo, từ 1 số lên 4 số mỗi tháng.

  Thời kỳ anh làm Tổng biên tập thì báo đã tự hạch toán hay vẫn còn bao cấp?

 Khi tôi nhận trách nhiệm thì báo vẫn là bao cấp. Bộ Ngoại giao đã có những trợ giúp rất cơ bản. Ngoài những chi phí hành chính nói chung như các cơ quan đơn vị khác trong Bộ thì toàn bộ định biên số cán bộ nhân viên của báo đều được Bộ trả lương. Còn báo thì lo các chi phí biên tập, chi phí nhuận bút, công tác cộng tác viên và toàn bộ tiền in ấn.

 Sau này để chủ động phát triển như ra thêm các ấn phẩm, triển khai các hoạt động theo hướng xã hội hóa của tờ báo, chúng tôi đã đề nghị Bộ chủ quản một cơ chế linh hoạt hơn. Là Bộ chỉ bao cấp khoản kinh phí để làm ra các ấn phẩm chính, còn những ấn phẩm phụ, các hoạt động xã hội khác thì tờ báo tự đứng ra tổ chức công việc và chịu chi phí cho bộ máy do báo lập ra. Cái “chốt” mà Bộ định ra với báo là xem xét để phê duyệt một định biên cán bộ nhân viên, cấp một định mức kinh phí hằng năm, còn lại giao cho báo tự hạch toán, tự cân đối về tài chính với tất cả các hoạt động phụ trợ bên ngoài tờ báo chính.

 Nhìn chung những năm tôi làm Tổng biên tập về cơ bản tờ báo đã tự hạch toán theo hướng đó. Hàng năm báo làm báo cáo tài chính với sự kiểm toán và xác nhận của bộ phận chuyên môn về tài chính của Bộ. Báo Quốc Tế hồi đó ra khá nhiều đặc san và phụ san, lại có những hoạt động xã hội như liên kết xuất bản các ấn phẩm phục vụ tuyên truyền đối ngoại, tổ chức giải bóng bàn cây vợt trẻ toàn quốc… nhưng báo vẫn cân đối được mọi chi tiêu hằng năm. Đến khi tôi bàn giao cho người kế nhiệm năm 2006, tài khoản tờ báo vẫn có số dư, và không để lại nợ nần gì mà nhiều tờ báo thường mắc phải.

 Anh nói chính với phụ nghĩa là thế nào?

 Trên kia tôi còn nhắc thêm một loại ấn phẩm là đặc san. Đây là hình thức báo chí không định kỳ, được xuất bản khi có những sự kiện liên quan đến quan hệ với các nước, gọi là Đặc san của báo Quốc Tế.

 Còn điều anh Thắng hỏi là các xuất bản phẩm chính và phụ là nghĩa gì. Cũng rất nhiều tờ báo có cả chính san và phụ san. Với chúng tôi, Quốc Tế là báo chính, còn Thế Giới là một tờ phụ. Phụ nhưng ra riêng biệt, cũng định kỳ hằng tuần như báo chính nên phải tổ chức một bộ phận riêng để làm. Tòa soạn phụ san giao cho Trưởng văn phòng đại diện của báo Quốc Tế tại các tỉnh phía Nam quản lý. Thế Giới là phụ san hoàn toàn tự trang trải các chi phí chỉ lấy từ nguồn tiền thu được qua bán báo. Trong suốt những năm hoạt động phụ san không những “tự túc sống” mà còn đóng góp cho kinh phí báo chính.

 Phụ san phát hành trung bình khoảng từ 80 đến 90 ngàn bản cả phía Nam và Bắc. Cá biệt có những tuần lễ Thế Giới bán được gần 120 nghìn bản, thậm chí một vài số lên tới kỷ lục 150 ngàn bản. Tirage khá cao và đều như vậy nên phụ san có lãi, đương nhiên là đóng thuế doanh nghiệp rất đều hằng tháng như mọi quy định của nhà nước. Có thể nói phụ san Thế Giới có số lượng độc giả đông đảo nhất tính suốt từ ngày có Tạp chí QHQT và suốt cho đến nay. Tiếc là ít tháng sau khi tôi nghỉ hưu, tờ Thế Giới cũng “hoàn thành nhiệm vụ”. Đúng hơn là ban lãnh đạo mới của báo Quốc Tế kế tiếp tôi đã xin dừng xuất bản phụ san, cũng không giữ tên tờ Quốc Tế để cho ra một tờ báo có tên mới: “Thế Giới & Việt Nam”, báo vẫn giữ định kỳ hằng tuần.

 Bỏ đi một tờ báo cũng là mất đi một “thương hiệu”…

 Mất - còn chưa biết nói thế nào cho đúng. Và thương hiệu cũng vậy, đã đáng gọi như thế hay chưa? Hãy để thời gian và độc giả trả lời.

 Chỉ biết rằng 5 năm đã trôi qua kể từ ngày phụ san Thế Giới ngừng ra, nhưng suốt từ đó đến nay vẫn có những nhà phát hành, bạn đọc và cộng tác viên nhắn tin gọi điện cho Thư ký tòa soạn (TKTS) là anh Trương Văn Khôi. Họ đưa ra nhiều gợi ý, đại thể Thế Giới nên xin phép ra trở lại. Mới đây có việc vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi còn được anh Khôi chuyển điện thoại để đọc các dòng tin nhắn, và sau đó nghe cuộc điện thoại ngắn từ một độc giả ngoài Nghệ An gọi vào. Với một tờ báo tuổi thọ có 5 năm, ghi vào lòng bạn đọc vậy thì những người làm ra nó cũng đáng tự hào.

 Bảo “tái bản” Thế Giới, nghe thì biết vậy nhưng đâu có dễ! Ngay nhà báo Trương Văn Khôi bây giờ - yêu và giỏi nghề như thế - cũng đã rời tòa soạn để theo đuổi một công việc khác. Hơn nữa hồi phụ san hoạt động, bạn đọc thì thích và ủng hộ, nhưng mấy cơ quan quản lý cũng chẳng mặn mà gì với Thế Giới. Chưa kể việc cơ quan đơn vị nào sẽ đứng ra xin phép Thế Giới ra trở lại là điều quá khó tìm và rất phức tạp… Thôi thì khất đấy, mong bạn đọc thông cảm cho.

 Thế những năm làm báo, rồi làm Tổng biên tập, anh có chịu áp lực gì không?

 Tôi tin câu hỏi này không ít Tổng biên tập trả lời giống nhau là nghề báo có áp lực lớn, nhất là người ngồi ở ghế Tổng. Trước hết nói về áp lực chung. Tự cái tính định kỳ của báo chí nó đã trói buộc người ta, đã luôn là một sức ép rồi. Bài dở hoặc hay thì đến hạn, đến ngày-giờ quy định là tờ báo phải in, phải phát hành. Nghĩa là ngay trong toà soạn người ta đã phải ép nhau. Ép từ anh tổng biên tập cho đến anh phóng viên, biên tập viên rồi các nhân viên kỹ thuật, người trình bày và các khâu in ấn, phát hành… Tất cả phải tuân theo quy trình có tính định kỳ, kỷ luật thời gian rất chặt chẽ, không thể khác. Tôi nghĩ các công việc nghiên cứu, hoặc lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật, thì sản phẩm hôm nay chưa xong để sang mai mốt hoàn thành cũng không có sao, vẫn là chấp nhận được. Còn báo chí thì không. Đến hạn đến kỳ là phải ra sản phẩm, phải ra mắt bạn đọc.

 Trên tôi vừa nói là cái sức ép do tự mình ép nhau thôi. Anh cấp trên ép anh dưới, anh dưới ép xuống dưới nữa. Cốt làm sao cho tờ báo ra được kịp hạn định. Còn nói tới hay/dở thì nó cũng vô cùng lắm. Nhưng có dở đến mấy cũng không được sai! Báo chí của ta hình như “quy ước miệng”, không thành văn, là như thế. Dở thì có thể cho qua, chứ sai thì không được phép. Bởi sai chính trị, sai đường lối định hướng là điều cấm kỵ, có thể mất chức như chơi với những người có trách nhiệm. Thế mới khó cho những anh/chị ngồi vào ghế lãnh đạo báo ở ta.

 Có khi nào “sai” mà viết hay thì lại đông người xem hơn là đúng mà viết dở không ?

 Chữ “sai” anh Chiến Thắng nêu lên theo ý nào?... Anh em làm báo chúng tôi thì xác định với nhau là không thể có sai về chính trị, về đường lối rồi. Vì sai như vậy đa phần là bị tước chức vụ, còn đâu mà nói với nhau như thế này nữa. Trong nghĩa sai mà viết hay là sai được hiểu như một sự “vượt rào”, một cách nêu vấn đề đúng như sự thật vốn có, hay là nói được ra nhiều sự thật nhất… Báo chí, người “thư ký thời đại” chính là ở điểm này.

 Cùng một sự việc hay vấn đề nào đó - ngay đó là vấn đề quốc tế - báo chí có những cách tiếp cận và cắt nghĩa riêng. Nó thường nặng về tính thông tin và tác động xã hội nên nó không giống cách nhìn của nhà nghiên cứu hoặc quan chức điều hành bộ máy. Bởi những người sau lại chú ý nhiều hơn tới các khía cạnh chính trị và xã hội. Kinh nghiệm người làm báo giỏi cho thấy, một khi tìm đến để viết những gì liên quan đến lợi ích, đến điều độc giả cần, thì rất tự nhiên là tờ báo đó thu hút độc giả đông đảo. Như vậy là quyền lợi độc giả luôn luôn có chỗ đứng quan trọng nhất, và đó là điều cần hướng tới của bất cứ tờ báo nào muốn có ích cho nhân dân.

 Trở lại ý của anh. Ở đời cái kiểu nói ngược, lập luận phản biện bao giờ cũng có tính thu hút với số đông. Với báo chí nếu biết lựa chọn những sự việc và hiện tượng ít nghe đến, hoặc không quen nghe, gợi lên sự tò mò tìm hiểu… thì bao giờ cũng lôi cuốn công chúng. Có tổng biên tập gọi đó là kiểu dẫn bóng, đá bóng ở sát “vùng cấm địa”. Sát thôi chứ chớ lao đầu vào khu cấm mà bị còi phạt.

 Làm báo để có đông đảo độc giả ủng hộ luôn luôn có thử thách. Vấn đề đặt ra là, trước những thử thách có khi rất quyết liệt, các vị tổng biên tập có dám chịu trách nhiệm đương đầu hay không. Thành công hay thất bại cũng ở chỗ đó cả thôi.

 Anh Vĩnh cũng là ông Tổng hay bị nhắc nhở?

 Nhắc nhở là “công việc” thường xuyên của các cơ quan chức năng quản lý báo chí. Suy cho cùng, đây là phận sự của người ta; và lâu nay quá quen, nó như người cầm chịch, thứ phong vũ biểu đo được hiện tình sinh hoạt của báo chí. Những tổng biên tập biết nghề, có thói quen chăm đọc các báo bạn, cứ mỗi lần giao ban đoán trúng phóc báo nào bài nào sẽ bị nêu bị nhắc. Cái “giác quan thứ 6” này nhạy lắm. Cho nên với báo mình làm, các ông Tổng lại càng biết. Biết nhưng vẫn cứ bị vấp, bị nhắc. Một Tổng báo rất bề thế, nói vui rằng làm báo mà “theo hết” các ông ấy (chỗ nhắc nhở mình) thì báo ra có mà chất đống, bán được cho ai. Chỗ nhắc người ta biết cả, hiểu cả những thông tin ngược đó, nhưng việc nhắc cứ nhắc…

 Trở lại điều anh hỏi, so với các vị Tổng nổi đình đám khác thì tôi có ít bị nhắc hơn. Nhưng riêng với phụ san Thế Giới thì tần xuất nhắc nhở cũng không ít. Ngoài các ban bệ, bộ ngành quản lý người ta theo chức trách nhắc đã đành, ngay bộ chủ quản cũng có việc gọi đến đích danh. Có lần “hỏi thăm” đến cả những chí tiết rất cụ thể, là tin bài đó đăng số này số kia nó ra làm sao... Ở các báo khác thì không thành vấn đề, nhưng tôi hiểu ngành ngoại giao, dù sao cũng “kín cổng cao tường”, một chuyện cụ thể nào đó nhắc tới có khi thành vấn đề đấy.

 Thế Tổng biên tập có thể kể cho nghe một vụ cụ thể nào không?

 Tôi nhớ một lần trên trang Diễn đàn nhân dân của phụ san Thế Giới đăng ý kiến ngắn của một công dân xuất khẩu lao động bên Đông Âu phản ánh về sự tiêu cực của cơ quan lãnh sự ta. Báo in ra nhận được ngay điện thoại Văn phòng thông báo là lãnh đạo Bộ không tán thành cách viết cách nêu như thế. Vì Thế Giới dựa vào cơ sở nào để đăng vậy, đã tìm hiểu điều tra chưa, và không chừng sẽ gây khó xử chuyện đối ngoại, quan hệ với bạn...

 Tôi và Thư ký tòa soạn phụ trách tờ Thế Giới phải rất bình tĩnh phối hợp với nhau xử lý vụ này. Sau khi cùng ban lãnh đạo báo giải trình với Văn phòng là các chuyên mục loại này (Ai biết mach dùm, Diễn đàn nhân dân, Góc nhìn của tôi…) đã có từ rất lâu nay, trên đó đăng cả trăm nghìn ý kiến ngắn của độc giả khắp nơi. Nó được quan niệm như một thứ “đường dây nóng” để lắng nghe mọi luồng ý kiến từ người dân. Rõ ràng nó có ích khi được bộ máy công quyền và công dân tham khảo, vì ở đấy công khai hóa được nhiều vụ việc trên báo chí truyền thông. Sau giải thích hợp lý này thì tạm yên, nhưng đáng buồn chỉ chục ngày sau sự việc lại bùng lên...

 Anh nói bùng lên là sao, ở báo hay ở đâu?

 Trước khi trả lời anh, tôi muốn nói là ngành ta hình như chưa quen lắm với các tiếng nói ngược chiều, chứ tiêu cực thì hỏi bộ nào ngành nào không có! Bên bộ ngành khác, những sự việc thoái hóa biến chất, chấm mút ăn tiền mà dân than phiền thường bị phơi bày lên mặt tờ báo của chính ngành họ đã là những chuyện bình thường. Nhưng hình như bên ngành ta, liên quan trực tiếp đến đối ngoại, đến hoạt động của các cơ quan đại diện của ta ở bên ngoài, việc xử lý theo hướng “đóng cửa bảo nhau” là cách tốt hơn chăng? Thành ra Bộ ta đã có phản ứng rất mạnh về vụ in lên báo Thế Giới mấy dòng “tin nhắn” từ bên Đông Âu kể trên.

 Tính từ lúc xảy ra sự việc đến khi ổn thỏa cũng phải qua mấy lần họp hành lỉnh kỉnh. Gọi là kiểm điểm của tòa soạn, thì vẫn chừng ấy ý nhắc đi nhắc lại, cũng chẳng quy kết được gì hơn cho tờ phụ san. Nhưng tôi thì hiểu rõ từ đây Thế Giới sẽ ở trong tầm ngắm, vừa khó làm vừa khó điều hành hơn đây. Thôi thì chống tiêu cực nó khó vậy, có ở đâu mà dễ dàng.

 Quay lại sức ép từ góc độ trách nhiệm, anh Nguyễn Vĩnh chắc còn muốn nói thêm…

 Sức ép theo tôi mệt nhất là sức ép về trách nhiệm chính trị đối với nội dung tờ báo. Đó là trách nhiệm gắn vào vai Tổng biên tập. Ai trong nghề cũng rõ, việc duyệt cho in hoặc loại bỏ bài vở thì nguyên tắc là Tổng biên tập có toàn quyền, không ai can thiệp việc này cả. Anh Tổng nào mà cái gì khó cũng đùn đẩy, rồi chạy hỏi cửa này cửa kia thì đáng trả lại chức vụ! Luật báo chí chẳng đã quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung của tờ báo đó rồi sao.

 Nhưng ai cũng phải hiểu báo chí Việt Nam là bên trên Tổng biên tập còn có những cơ quan quản lý báo chí chuyên trách đầy quyền hành khác. Ngoài ra các báo đều nằm trong một bộ, ngành hoặc tổ chức xã hội nào đó chủ quản của mình. Quy mô to lớn như báo Nhân Dân, báo QĐND thì vẫn nằm dưới sự chỉ đạo của TW Đảng, của Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân VN.

 Vậy nên người tổng biên tập phải nhận thức rõ về phận sự của mình, tự thấy cái gì cần nói hoặc chưa nên nói; và nếu nói được thì nói thế nào và nói đến đâu. Đúng là không bao giờ xảy ra chuyện có người “nắm tay chỉ việc”, hoặc là hối thúc bắt buộc tổng biên tập phải làm thế này thế khác đâu. Chuyện đó thực sự là không tồn tại trong sinh hoạt báo chí và truyền thông. Tôi nói vậy không phải có ý bốc thơm tự do báo chí của ta đâu, nhưng thực ra là như thế. Vấn đề khó nói nhất về quyền của người tổng biên tập chính cũng ở khía cạnh rất tế nhị này...

 Còn chung chung nguyên tắc quá, anh có thể kể một câu chuyện cụ thể nào không?

 Chuyện cụ thể không thiếu, nhưng đáng nhớ nhất là chuyện đăng bài của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 2005. Nhớ vì nó hội nhiều yếu tố về nghề nghiệp để người làm nghề phải ghi nhớ mãi. Đây cũng là một trong những bài báo in trên Quốc Tế được xây dựng công phu nhất. Nó cũng là bài báo có số phận trải đủ cung bậc thăng trầm nhất. Và đương nhiên gắn với chuyện đó là một trách nhiệm cá nhân người đứng đầu tờ báo tưởng có lúc bế tắc và nguy nan… Nhưng bù lại, đây lại là một “ca” điển hình cho tổng biên tập một dịp tiếp thu nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp nhất.

 Nói ngay anh Chiến Thắng biết, đây không phải bài Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt chuyển đến mà là bài có quá trình xây dựng rất cẩn trọng và công phu. Nhân chuyến ra Bắc công tác vào cuối năm 2004 của ông Kiệt, anh em bên Ngoại giao và báo Quốc Tế được gặp ông trao đổi một số vấn đề đối ngoại. Lúc đó Quốc Tế nghĩ ngay tới một bài báo mang tên ông vì hiểu rằng cơ hội đăng bài của ông Kiệt không dễ với cả báo lớn, chứ báo cỡ “thường thường bậc trung” như tờ Quốc Tế thì càng hiếm dịp. Sau buổi gặp, anh Nguyễn Hồng Thạch, Phó tổng biên tập được phân công chấp bút, đã lựa lấy nội dung cốt yếu, tức là những điều ông Kiệt trăn trở và tâm đắc nhất để soạn lại thành một bài phỏng vấn, rồi xin ý kiến ông phê duyệt cho báo Quốc Tế đăng.

 Câu chuyện xoay quanh mốc thời gian 30 năm ngày giải phóng miền Nam, nhìn lại sự kiện lớn lao này theo một cách mới mẻ để thực sự có hòa hợp dân tộc; và từ đó nhận thức được nhiệm vụ và những thách thức của đất nước phải vượt qua trong tình hình mới. Chính từ nội dung này mà khi bài báo được in ra đã được đặt một cái tít có sức gợi và gây ấn tượng: “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”, tiếp ngay đó là những dòng chữ đậm “Vào Tết Ất Dậu, cựu Thủ tướng – ‘lão tướng’ Võ Văn Kiệt đã trao đổi đầu Xuân với phóng viên báo Quốc Tế về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc của điều mà ông cho là chúng ta phải nhanh chân, đừng tự ru ngủ mình…”.

 Ngay mở đầu bài viết, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định rằng, chiến thắng 30/4 là vĩ đại, nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”. Từ thực tế lịch sử và chính qua trường hợp gia đình mình, ông Kiệt khái quát người dân miền Nam “rơi vào hoàn  cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia”. Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”. Ở một lãnh đạo cấp cao, ý trên thật mới và rất quan trọng cho hòa hợp dân tộc.

 Ý tứ trong bài tập trung vào đó hay còn ý khác nữa không?

 Ý lớn là vậy, đương nhiên còn những ý khác cũng rất mới và quan trọng. Như cách đánh giá về tướng Dương Văn Minh. Ông Kiệt nhận xét rằng tướng Minh nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 28/4/1975 là thời điểm mà “một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn”, rồi Sài Gòn không “tử thủ’ như các tướng tá khác muốn, trái lại thành phố giữ được nguyên vẹn do ông Minh chấp nhận đầu hàng. Sự việc được ông Kiệt kể lại: “Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4 khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng, đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”.

 Ông Kiệt còn phân tích, cái thế thắng của chúng ta trong năm 1975 là không thể cưỡng lại được, tuy nhiên quyết định của tướng Dương Văn Minh không chỉ dựa trên tình hình chiến sự mà còn phản ánh những hành động chính trị trước đó của ông, bởi chính ông đã đảo chính lật chế độ Ngô Đình Diệm và cũng là người sau đó “đã không chịu làm vừa lòng Mỹ, khiến người Mỹ phải bật đèn xanh cho Nguyễn Khánh lật đổ ông”.

 Với cách nhìn nhận như vậy, ông Kiệt muốn nêu lên một thực tế, ông nói: “Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước, thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung, và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc VN chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc”.

 Với hai ý lớn như thế, lại xuất hiện từ thời điểm 6 – 7 năm về trước khi mà trong nội bộ chúng ta còn có nhận thức và đánh giá chênh nhau, thậm chí khác nhau về thực chất của hòa hợp dân tộc và lực lượng thứ 3 có liên quan đến tướng Dương Văn Minh, thì việc bài báo của ông Võ Văn Kiệt bị dừng lại là điều có thể hiểu được.

 Anh nói cụ thể hơn được không?

 Tôi đang kể đây. Bài báo của ông Kiệt in rồi, nhà in đã đóng quyển, thành một số báo Tết hẳn hoi rồi, thế là có “lệnh” phải gỡ bỏ thay bài khác. Lệnh là từ một cú điện thoại từ cơ quan quản lý cấp trên, một người có cương vị chính thức và cao cấp, gọi xuống cho tổng biên tập. Trong nghề báo ai cũng biết việc gỡ bỏ bài cũng là sự thường, không phải chuyện húy kỵ gì. Nhưng vụ gỡ bài của ông Kiệt thì khác. Bởi nó có những điều bất thường, người trong cuộc biết vậy mà khó nói ra, vì kẹt cái “cơ chế” nó đã quen vận hành như thế bao năm qua...

 

Nếu nhìn bề ngoài, cái chuyện gỡ bỏ tưởng như nhẹ nhàng trơn tru, là tổng biên tập tự thấy và quyết định, nhưng nếu chịu nhìn nhận sâu xa hơn thì không phải hoàn toàn như vậy. Còn phức tạp hơn nữa, bởi sau Tết lại xảy ra một chuyện “ngược lại”. Tức là báo Quốc Tế phải đăng lại bài đã gỡ bỏ với ý là thời điểm trước in ra chưa thích hợp, nay sắp tới ngày lễ Giải phóng miền Nam 30/4 là phù hợp. Đó vẫn là lệnh từ cấp trên như thế, và cũng là lệnh miệng chứ không văn bản gì.

 Nhưng sự việc đâu dễ dàng. Bởi vì lần này, cản trở lại chính từ tác giả, ông Võ Văn Kiệt. Ông không chịu, yêu cầu báo Quốc Tế không được phép đăng bài ông nữa. Tờ báo đã từng bị mắc kẹt, nay còn bị một cú kẹt lớn hơn!

 Rất may là tất cả mọi việc tôi đã báo cáo hết và tường tận với Bộ ngay từ đầu. Từ lúc báo Quốc Tế đặt vấn đề bài vở với Nguyên Thủ tướng tới nội dung cuộc phỏng vấn được ông thông qua, ký tên Sáu Dân vào một góc bản thảo cuối cùng; kế đến là lệnh dừng bài rồi lúc này là lệnh in lại bài, và nhất là việc ông Kiệt thông báo cho Quốc Tế biết “không được phép in bài của ông nữa”... Tất cả các thông tin đều trực tiếp tới Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách công tác đảng và nội bộ. Vô hình trung đến lúc này, câu chuyện rắc rối khó xử đã vượt ngoài tầm với của một tờ báo. Một chi tiết đáng kể lại ở đây, là trong khoảng thời gian vừa kể đến, ông Võ Văn Kiệt đã viết tới 2 lá thư gửi ông Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (thư đề 1/3/2005 và 31/3/2005), tỏ ý không tán thành cách làm của Ban đối với bài viết của ông. Các thư này ông có gửi cho tờ báo và tôi còn lưu giữ như những kỷ niệm về đời công tác và công việc cụ thể của mình.

 Như thế câu chuyện lái sang một hướng khác, sẽ được giải quyết ở một cấp độ cao hơn…

 Ông Kiệt phản ứng mạnh, như là “căng” lên thì Ban xem ra có ý làm nhẹ bớt đi, kiểu như cho chùng xuống. Cụ thể lãnh đạo cao nhất của Ban gửi thư trả lời ông Kiệt (thư này hơi chậm nên mới có thư thứ hai của ông Kiệt). Mặt khác những khi Ban, Vụ Báo chí Ban làm việc với Bộ, với báo, thấy một tác phong và sắc thái xây dựng và cầu thị. Bản thân tôi được đích danh mời để có cuộc làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban, có mặt thêm ông Vụ trưởng Báo chí của Ban (tôi nói thế vì Trưởng ban không yêu cầu cán bộ cấp dưới của ông có mặt, nhưng tôi đề nghị và được chấp thuận). Buổi làm việc này là cần thiết vì tôi phát hiện được một điều là ông Trưởng ban qua buổi gặp hiểu rõ hơn đầu đuôi của câu chuyện, và quả nhiên từ đó về sau, hướng giải quyết cũng dần dần mở ra tốt hơn…

 Còn về phía Bộ, các vị cấp lãnh đạo một mặt đã sớm có thư chính thức báo cáo Trưởng Ban TT-VH Trung ương, đồng thời tìm mọi cách và cơ hội để gặp được ông Kiệt, nhân đó xin ý kiến và thuyết phục Nguyên Thủ tướng theo hướng cho đăng lại bài phỏng vấn.

 Sau không biết bao nhiêu hệ lụy, những trao đi đổi lại miên man - nếu có thể nói được như vậy về vụ việc này - giữa các cơ quan liên quan với nhau, lúc căng lúc chùng, có phen gần như thất bại (ông Kiệt có lúc “kiên trì” giữ ý kiến không đăng bài nữa); rồi câu chuyện cũng đến hồi kết thúc… Bài phỏng vấn thay vì in vào số Tết Ất Dậu 2005 lại chuyển in vào vào Quốc Tế số định kỳ, ra ngày 31/3/2005, đúng một tháng trước sự kiện 30/4.

 Khi bài báo được đăng lại thì anh có thở phào không?

 Không những thở phào mà còn thấy mình như trút được một gánh nặng của các sức ép. Tôi và các đồng nghiệp ở báo nhận được nhiều lời chúc mừng. Có bạn bè nói quá là “tai qua nạn khỏi”. Quả đúng là như vậy. Bởi nếu mình sơ xuất, xử trí không kín nhẽ, khéo léo thì khó mà không “dính đòn” nặng nề trong những tình huống rất khó xử này.

 Tôi còn nhớ khi bài báo chưa in ra, và ngay cả sau khi bài đó đã ra mắt bạn đọc, tôi thường nhận được những cuộc điện thoại từ thư ký riêng của Nguyên Thủ tướng. Anh ấy ngoài thông tin cho tôi về các sự việc và khía cạnh mà bên báo chúng tôi có thể chưa biết còn có ý động viên, lấy thêm tinh thần cho tôi, thậm chí có lần anh còn nói “chú Sáu bảo tôi hỏi bên Bộ chủ quản có xử lý Tổng biên tập không…; hoặc anh Vĩnh có bị mất chức vì vụ việc này không”. Tôi thưa lại qua anh là Bộ Ngoại giao bênh vực chứ đâu xử gì tôi, bởi trong trường hợp này tôi không mắc một lỗi nào. Tôi chỉ đạo tờ báo phỏng vấn và xây dựng một bài báo của một người nguyên là lãnh đạo cấp cao, đề cập đến những vấn đề hệ trọng của đất nước. Bài viết đã duyệt lên duyệt xuống, văn bản sau cùng được lưu giữ có chữ ký của chính tác giả. Và mọi việc liên quan đến bài báo, các diễn biến của sự việc tôi đều báo cáo và trình lên lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

 Hóa ra sự nhạy bén trực cảm về cái thực quyền của Tổng biên tập - dù nó được ghi giấy trắng mực đen – cũng như cách xử trí “biết điều”, khiêm nhường biết mình biết người như tôi đã thực hiện, đã đem lại những điều may mắn và tích cực không những cho mình mà cả cho tờ báo, cũng là cho cơ quan chủ quản của nó nữa .

 Thoát nạn nhưng cũng bõ công. Các tờ báo đầy uy tín xã hội, có số phát hành rất lớn như Tuổi Trẻ, Lao Động, Thanh Niên, báo điện tử VnExpress cũng như nhiều báo khác, các mạng nước ngoài và của Việt kiều… đều nhất loạt in lại, post lên bài phỏng vấn nổi tiếng và rất có giá trị này của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

 Chuyện sức ép vậy khá đầy đủ rồi, giờ anh cho chuyển sang một chủ đề khác. Là kinh nghiệm đi đoàn cấp cao để làm báo, anh Nguyễn Vĩnh thấy các chuyến tháp tùng của báo chí như thế nào?

 Tôi quan niệm việc cử phóng viên đi phục vụ đoàn cấp cao trước hết xuất phát từ yêu cầu tuyên truyền đối ngoại. Mỗi tờ báo có những tính chất và đặc điểm riêng khi viết bài và đưa tin phục vụ cho độc giả của mình. Với các chuyến đi cấp cao, đây là một chủ đề và đề tài quan trọng đối với nhiều báo, và mỗi báo cần có cách khai thác khác nhau nhưng cần sự hợp lý. Bởi dù cách nào cũng phải chuyển tải cái ý cốt tủy là các “thông điệp đối ngoại” của Việt Nam. Là nêu bật được các mối quan hệ quốc tế và vị thế của đất nước ta qua mỗi chuyến đi. Giờ đây ngoài quan hệ chính trị ngoại giao là sự hợp tác, làm ăn kinh tế của Việt Nam với các nước trên thế giới đều là các ý nên, và hơn nữa phải nhấn mạnh lúc này.

 Thế báo Quốc Tế cử người đi theo như thế nào?

 Người đại diện cho báo Quốc Tế đi theo đoàn nên khai thác và viết về điều gì là chính? Theo tôi những vấn đề thời sự thì mình đừng chạy theo, vì báo chúng ta là báo hằng tuần, lại đã chuyên về đưa tin quốc tế rồi. Chẳng hạn rất khác báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân (hoặc các báo ra hàng ngày khác), họ phải nắm chắc thời sự, hoạt động của đoàn để đưa tin hằng ngày. Còn báo Quốc Tế thì lại khác, mỗi chuyến đi chỉ có thể viết để in khoảng 1, 2 bài. Khi ấy bài vở của mình đừng có câu nệ và tiếc nuối không đưa đủ các diễn biến thời sự nữa. Báo Quốc Tế cần nắm thật chắc mục đích của chuyến đi cấp cao, trọng tâm trọng điểm là gì để phản ánh cho bạn đọc của báo mình. Điều này phụ thuộc vào công tác nghiên cứu của anh phóng viên đi theo. Tức phải mất thì giờ cần thiết để tìm hiểu kỹ về nước mà lãnh đạo ta tới thăm. Tốt nhất là tiếp xúc với cán bộ chuyên sâu ở các Vụ khu vực, Vụ chuyên môn trong Bộ Ngoại giao như Tổng hợp đối ngoại, Kinh tế, Văn hóa, Lãnh sự… để có được thông tin và nhận định của họ. Có những vấn đề không thể là tìm hiểu chung chung mà phải biết rõ bản chất, kiếm tìm các số liệu cụ thể, như đến nước này thì giải quyết vấn đề nợ nần ra sao, đến nước kia thì vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục nó như thế nào, hoặc đang vướng mắc gì phải giải quyết với nhau không…

 Nghĩa là không nắm rõ thì dễ viết sai, viết chệch?

 Đúng vậy. Tôi đã thấy không ít tờ báo do người đi không nắm được chắc các vấn đề tôi vừa nêu ở trên nên xuất hiện khá nhiều bài viết, khi đọc lên thì thấy “hấp dẫn” vì có chuyện này chuyện kia. Nhưng thật ra suy nghĩ kỹ một chút thì phần lớn là những chuyện thứ yếu, tầm phào. Vụ Thông tin Báo chí của Bộ ta biết rõ chuyện này và cũng đã đôi lần nhắc khéo báo này báo khác... Tuy nhiên do lợi ích bán chạy báo, câu chuyện trên cứ tái diễn, vì không dễ gì uốn nắn để mọi báo hướng về các lợi ích đối ngoại được.

 Đã nói ra điều này tôi thấy cần chi tiết, cụ thể thêm một chút, kẻo có người cho mình có ý dèm pha đồng nghiệp. Trên thực tế đã có báo này báo kia chú trọng quá nhiều đến các khía cạnh không mấy liên quan đến quan hệ quốc tế, đến hợp tác song phương, như khai thác cảnh sinh hoạt ông hoàng bà chúa, như biểu tình, ném dép… khi đọc thì có vẻ hấp dẫn, giật gân đấy. Nhưng đâu có trúng nội dung chuyến đi. Điều cần chuyển tải đến công chúng có ý nghĩa lớn và quan trọng thiết thân hơn cho đất nước thì cần ưu tiên chứ đâu phải ba cái chuyện vui vui lặt vặt kia.

 Bởi vậy tôi nghĩ rằng người phóng viên đi theo đoàn làm tuyên truyền đối ngoại thì phải cố gắng nắm được vấn đề, nắm được lịch sử nước đoàn đến, quan hệ hai nước rồi từ đấy phản ánh được trong những bài viết cái mạch chính mà một chuyến đi cấp nhà nước người ta hướng tới và mong muốn ở báo chí chính luận. Nói thì dễ vậy, nhưng làm cho đúng yêu cầu không hề đơn giản. Báo Quốc Tế của Bộ Ngoại giao dù đã nhiều cố gắng nhưng cũng chưa làm tốt được điều này.

 Về ý nghĩa đối ngoại cho mỗi chuyến đi chắc Bộ Ngoại giao phải đứng ra lo việc này chứ thảy cho ai được.

 Đúng rồi, và Bộ ta lâu nay đã làm như vậy. Còn việc tiếp thu, nhận thức và thực thi là ở nơi mỗi báo…

 Nói về chuyện này, tôi rất phục ông Vũ Khoan. Ông là người thật tài tình, thường thay mặt lãnh đạo đoàn thông tin rất gọn, đúng nguyên tắc với đội ngũ phóng viên đi theo đoàn cấp cao. Các đoàn có anh Khoan đi, khi là thứ trưởng ngoại giao cũng như lúc đã là phó thủ tướng, cánh nhà báo khoái lắm vì các vấn đề rắc rối nhất cũng được ông Khoan “một, hai, ba…thế này nhá”. Rất tổng hợp, gọn gàng và dễ nhớ. Và đó thường là những gợi ý rất tốt, rất cơ bản cho các bài mà phóng viên tháp tùng muốn viết về một chuyến đi cấp cao.

 Sang chuyện anh có một cái blog. “Hầu chuyện blog” của anh tôi và bạn bè có vào xem đều. Chung quanh câu chuỵện này thì có nhiều người động viên nhưng cũng có người nói rằng chúng mình già rồi mà con chơi… blog! Vậy ý anh thế nào ?

 Cũng đã nhiều người nêu câu hỏi hoặc trao đổi về đề tài này với tôi. Có người vun vào nhưng cũng không ít nói cho mình tỉnh ra, đừng nên đeo đuổi vì tuổi đã cao, là về vườn rồi thì làm cho đúng chức “phó thường dân” là được. Họ còn bảo, đội đá vá trời không phải là việc của anh hưu trí. Vì lời lẽ mình nói ra bây giờ sao lại những người đang tại vị, đương chức còn chẳng ăn ai nữa là...

 Tôi thì lại nghĩ khác. Mỗi người công dân nên làm những gì mình còn ý thức được việc mình làm là có ích. Làm blog chẳng qua chỉ là cách dùng cái công nghệ thông tin cao siêu nhất hiện nay để giao lưu, tìm kiếm bạn bè mà san sẻ ý tưởng, niềm vui buồn... Nếu ta hiển thị cho “tất cả”, tức mở (open) thì nhiều người biết đến, còn nếu đem đóng kín lại, ở chế độ “riêng tư” (private) như blog Ngô Bảo Châu từng làm, thì đâu có ai biết mà tham bàn hoặc gây sự!

 Còn người về hưu làm blog là bởi dù nghỉ, đầu óc con người đâu dừng lại. Vậy thì sự suy nghĩ, những tâm tư tình cảm trong con người nên được nói ra và chia sẻ với mọi người thì ít nhất cũng tốt hơn về mặt tâm lý, thăng bằng sinh học... Với đại đa số những địa chỉ blog đứng đắn là đi theo hướng này. Phải coi blog chỉ là cuốn sổ nhật ký cá nhân, là chỗ ghi chép tự mình chia sẻ vui buồn, hoặc giả với nhóm bạn bè hạn hẹp, hoặc rộng hơn chút là những bạn bè cùng dòng suy nghĩ và những tâm tư giống mình.

 Ở đây tôi không bàn đến những blog, trang Web có công chúng rộng lớn. Bởi chủ nhân của những trang này có thể là họ nhắm tới những mục đích thông tin thật nhanh chóng, nóng hổi tức thời của thế sự. Họ cũng có thể muốn một tầm ảnh hưởng lan rộng ra độc giả của trang họ làm, có thể tới toàn xã hội… Người làm không nói ra, nhưng đấy thực sự là những tờ báo điện tử, báo qua internet do những cá nhân hoặc một nhóm nhỏ tổ chức và chịu trách nhiệm… Nhưng đây là câu chuyện khác mà tôi không muốn đi sâu, dù trong ý thức rất ủng hộ hướng này, bởi nó góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa xã hội, điều chỉ có lợi cho đất nước và nhân dân.

 Trở lại những trang blog như của anh Chiến Thắng (Lều văn Thăng Sắc) và của tôi, cũng như của bạn bè dạng tương tự, chúng ta làm ra blog chắc chưa/không nhắm tới mục đích lớn rộng kia. Vậy ta cũng không nên ngại sự va vấp eo xèo gì ở đây cả. Cứ cố mà duy trì khi sức khỏe, sức nghĩ của mình còn, óc sáng tạo của mình vẫn còn muốn được dịp “cất lời”.

 Cả đời anh Nguyễn Vĩnh gắn với một nghề như thế, bây giờ vẫn say sưa suy nghĩ học hỏi và giao lưu trên mạng với bạn bè, cho tôi hỏi anh một việc riêng tư. Thế anh dành thời gian thế nào cho cuộc sống gia đình?

 Cũng có thể là nhiều người làm được nhiều việc tốt hơn tôi trên khía cạnh sự nghiệp và cuộc sống. Còn với riêng tôi, tôi tự thấy mình đạt được ít nhiều thành tựu trên công việc chính là mình may mắn có một gia đình yên ấm thuận hòa. Bà xã nhà tôi thuộc típ người vun vén cho cuộc sống gia đình. Bà ấy không có tham vọng gì ngoài việc làm chỉn chu của một viên chức chuyên môn lúc còn tuổi đi làm. Hầu như tất cả thời gian còn lại, bà ấy dành hết cho gia đình nhỏ của mình. Bà ấy thực sự là người thực hiện xuất sắc phận sự làm mẹ với hai đứa con, và sau này với gia đình riêng của các cháu bà ấy vẫn chịu thương chịu khó như thế. Hơn thế nữa bà ấy còn truyền cảm hứng trách nhiệm mà tôi nghĩ là cao cả đó đến cho tôi.

 Nhiệm vụ và công việc lúc tại chức nặng nề bận rộn, và nay cũng còn thích hoạt động và mất thì giờ vào nó, nhưng bao giờ tôi cũng dành thời gian thích đáng cho cuộc sống gia đình, chăm lo cho con cháu của mình và làm tròn nghĩa vụ một người con trưởng nơi gia tộc quê hương. Nói anh Chiến Thắng biết, tuy quê không xa nhưng cũng cách bức vài chục cây số. Từ ngày cha, rồi mẹ tôi mất đi, tôi tự thấy mình nên cố gắng năng đi về chốn quê mỗi khi có việc vui buồn của gia đình và dòng họ. Tôi cho làm được những việc như vậy một cách tự nguyện chân tình, tự nhiên nó mang thêm niềm vui và động viên chúng ta trong cuộc sống. Tuy nhiên để theo được những công việc đó, cũng có lúc đã thấy mệt mỏi...

 Sau hết tôi muốn chia sẻ và tâm sự với anh, ở độ tuổi sắp “xưa nay hiếm” nhìn lại, tôi càng thấy rõ hơn “thành quả” của một gia đình giữ được mối thuận hòa, trên kính dưới nhường nó có giá trị và quý hóa đến mức nào đối với con người đời thường của mỗi chúng ta. Thật ra nó là vô giá, không cân đo được đâu anh Chiến Thắng à…

 Vâng, quả có thế ạ. Chân thành cám ơn anh Nguyễn Vĩnh về buổi chuyện trò thú vị này.

Ảnh Nguyễn Vĩnh (áo trắng) cùng bầu bạn