Thường thì khi đi ra nước ngoài thấy nước họ là khen đứt lưỡi và người nhà mình bảo ăn tí bơ sữa vào giọng véo von đến khiếp. Xã hội nào cũng có mặt trái của nó, không một nước nào hoàn toàn tốt đẹp. Canada cũng vậy. Nhưng công bằng mà nói thì họ tốt nhiều hơn xấu. Ngay trên đường phố Vancouver vẫn thấy những người bụi đời. Họ được nhà nước trợ cấp 600 đô một tháng nhưng họ không chịu làm gì, lại nghiện ngập nên lang thang kiếm ăn, chơi bời. Nhà nước hàng ngày vẫn nuôi hai bữa ăn miễn phí và đêm cho ngủ tại nhà dành cho người lang thang.
Chúng tôi mới đến Vancouver, một vùng trên đất nước mênh mông của họ, Vancouver rộng bằng 3 lần nước ta, số dân có 3 triệu người. Ở một góc đất nước bao la này nói gì cũng không tránh khỏi phiến diện. Điều mà mắt thấy tai nghe, tôi cứ kể ra để chúng ta có thể so với nước mình mà nghĩ ngợi.
Một hôm tôi, anh Lộc cùng Vũ Thành Chung định đi vào rừng chơi. Khi đến cửa rừng thấy một tấm biển “cấm rừng” đặt trên một barie thấp ngang ông chân. Anh Nguyễn Tiến Lộc bảo quay về đi chơi phố thôi. Tôi hỏi cứ vào thì sao. Anh Lộc nói không được, mùa này có gấu ra nhiều nên họ cấm vào sợ nguy hiểm cho dân. Chà, chỉ có mấy chữ ấy mà hiệu lực hơn vạn lời tuyên bố hoặc ra lệnh hùng hồn. Nhà ở phố rừng nên có khi gấu về ngay trong vườn đi lại như chỗ không người vì nó biết có người cũng không hề hắn gì, chính nó đã được pháp luật bảo vệ. Anh nào lơ mơ đòm một phát là cảnh sát hỏi thăm ngay. Có khu vực núi cao cho săn bắn. Anh phải đăng ký đi săn và kiểm lâm cho phép một năm anh được bắn bao nhiêu con, loại thú nào. Đừng tưởng giữa rừng mà thấy gì cũng chơi là phạm luật. Khi anh đi săn về đều có kiểm tra số lượng. Anh nào tham làm sai quy định thì họ chờ cho anh làm thịt mới đến tận nhà lập biên bản, có khi bị truy tố.
Ngày ra biển theo anh Đinh Văn Hà đi bắt cua tôi mới thấy sự ý thức chấp hành pháp luật nghiêm như thế nào. Cua vào lông có khi rất nhiều nhưng những con đủ tiêu chuẩn mới được bắt. Quy định cua cái cấm bắt, cua nhỏ cấm bắt. Vì thế khi nghi ngờ kích cỡ cua tôi thấy cháu phụ việc cho anh Hà lấy thước đo chiều dọc mai cua xem có đủ kích thước quy định không. Giữa mịt mùng biển khơi mà vẫn tuân theo phép nước. Tôi hỏi nếu bắt một con cua cái luộc ăn thì sao. Anh Hà bảo cũng được, chỉ tại chỗ này thôi, hễ thấy cảnh sát thì nhanh chóng đổ xuống biển. Đấy là hãn hữu người dân mới làm điều đó. Năm nay nhà nước cấm đánh cá. Dân chài chịu ngồi trên bờ ăn trợ cấp thất nghiệp. Mùa bắt cua chỉ từ 15-6 đến 15-11, thời gian còn lai là ăn trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng 1500 đô / người. Tất nhiên người được hưởng trợ cấp phải đóng thuế nghiêm chỉnh. Những người dân gốc Việt đến đây hoàn toàn bỏ hẳn thói quen quân hồi vô phèng truyền thống của ta, họ chấp hành tự giác chính là môi trường dân chí nơi đây nen không thể lạc lõng, không thể mang thói khôn vặt ra mà hành xử.
Anh Sinh Quang định cư cách Vancouver 1000 cây số xuống đây chơi có kể cho tôi nghe câu chuyện như sau. Trước cửa nhà anh có một con chim non rơi xuống chết, lập tức một xe ô tô đến, họ tìm cách bứng cả tổ chim mang đi vào khu nuôi dưỡng. Người dân nơi đây yêu quý thiên nhiên và loài vật kỳ lạ. Chim rừng, vịt trời, ngỗng trời, chồn gấu thoải mái đi lại trong công viên, trong rừng gần nhà dân như bầu bạn của người. Cạnh nhà anh Nguyễn Tiến Lộc có một khe nước nhỏ chảy từ múi xuống, con suối luồn qua đường. Tại một hố ga có nắp thấy vẽ hình con cá bằng sơn màu vàng. Tôi thắc mắc hỏi anh Lộc sao họ vẽ thế. Anh Lộc giải thích tại khe suối này mùa cá hồi đẻ nó lách ngược lên đây, vì thế nên họ vẽ cho mọi người chú ý. Tôi lại hỏi thế có bắt cá được không, cá hồi thì ngon tuyệt. Anh Lộc nói ở đây không ai bắt cả, nơi nào họ cho phép mới được. Nếu ở nước ta chắc rằng cá hồi ở khe suối giữa rừng này không còn một mống.
Ngay trong thực phẩm ăn uống tất cả đều được kiểm nghiệm cho phép. Nhà hàng bán đò ăn sáng đến chiều dù có còn thừa cũng phải đổ đi. Các nhà hàng nếu thấy có ruồi là lập tực bị đóng cửa. Các loại hoa quả cơ man nào loại, nhập khẩu có, trong nước có nhưng không hề có thuốc sâu, thuốc bảo quản. Tôi khoái ăn nhưng trái đào to ngọt lịm, giòn nảy mà không e ngại điều gì. Chả bù bên nhà ăn trái nho cũng phải bóc vỏ.
Có một câu chuyện nghe khó tin nhưng lại là sự thật. Một khách sạn loại sang, có bà khách ở bị chuột cắn thủng cái váy. Khách sạn đó tìm mọi cách diệt lũ chuột. Họ tìm và phải đập phá nhiều chỗ để truy tìm con chuột. Tổng cộng số tiền lên tới 2 triệu đô.
Luật pháp Canada bênh vực người nghèo. Anh nghèo thì có xã hội trợ cấp theo quy định chuẩn nghèo của họ. Mỗi người nghèo được hưởng 600 đô la/tháng ngoài ra còn có bảo hiểm y tế, được cấp thẻ đi xe bus miễn phí. Những người có thu nhập thấp thì khi 65 tuổi trở lên được nhà nước trợ cấp 1000 đô/tháng. Nhiều người còn khỏe vẫn đi làm thêm và lấy tiền mặt bỏ túi.
Khi có việc kiện tụng người nào giàu thường thuê luật sư, người nghèo không có tiền thuê luật sư. Để đảm bảo sự công bằng, nhà nước cho người nghèo đi thuê luật sư và số tiền ấy nhà nước chi hết.
Khi có việc vi phạm pháp luật, cảnh sát bắt người thì cảnh sát phải chứng minh được người bị bắt có tội. Nếu anh không chứng minh được có khi bị kỷ luật thôi việc. Vì vậy cảnh sát rất sợ bắt nhầm. Khi cảnh sát bắt họ tạm giữ thì hoàn toàn vô tội, chỉ khi nào có án mới bị coi là người có tội. Ở ta khi bị bắt đã là tội phạm, có khi vô tội mà bị trấn áp để có tội.
Ở Canada luật pháp được tôn trọng và không phân biệt dân thường với quan chức.Hệ thống pháp luật độc lập không bị ai lãnh đạo chi phối. Ông tỉnh trưởng nếu không nộp thuế đầy đủ cũng bị tù như chơi. Anh Đinh Văn Hà kể với tôi ông Thủ hiến tỉnh bang uống rượu lái xe bị cảnh sát giữ. Lúc này cảnh sát không coi ông là tỉnh trưởng. chỉ biết đó là một người phạm luật. Sau đó ông thủ hiến lên TV xin lỗi nhân dân vì hành động vi phạm luật của mình…
Người dân Canada tự giác tuân theo pháp luật. Mạng lưới giao thông từ thành thị tới nông thôn cực kì khoa học, biển báo, đèn tín hiệu nơi nào cũng có. Giữa phố vẫn có biển báo đề phòng có hươu qua đường. Họa sĩ Đỗ Ngọc giải thích chính anh nhiều khi gặp đàn hươu rừng qua đường, anh và mọi người tự nguyện dừng xe lại cho hươu đi hết mới cho xe đi. Nếu ở quê ta chắc mấy chú hươu kia đã vào nhà hàng thú rừng rồi. Tôi có cảm giác lái xe ở đây cực dễ vì đường nào ra đường ấy, không ai chen ai, người ta nhường nhịn nhau trong mọi trường hợp. Người Canada ưa hòa thuận, nhường nhịn. Ở những cừa hàng siêu thị trái cây bày la liệt ngoài hiên, người mua tự giác nhặt rồi mang vào cửa hàng tính tiền. Nếu lấy thì rất dễ dàng nhưng không một ai làm việc ăn cắp đó.
Thấy người mà ngẫm đến ta…
Đỗ Ngọc chụp
Người mùa thu nhặt lá mùa thu
Burnaby chiều chín đỏ
Vũ Thành Chung và chàng thanh niên Bảy chuyên gia vi tính
Vũ Thành Chung với mùa thu Canada
Ảnh: 1- cùng họa sĩ Đỗ Ngọc và hs Kelly Anne Minton trong phòng bày tranh
2- 3 TN ký họa
4- Nơi báo hiệu có cá hội lên đẻ