Chặng cuối của chuyến đi của chúng tôi là Quan Lạn. Đó là một hòn đảo có chiều dài hơn 20 cây số. Nơi đây có 2 xã Quan Lạn và Minh Châu. Biển rất trong và khá nhiều bãi tắm. Quan Lạn là vùng đất lịch sử từ lâu đời nhân dân ta ta định cư ở đây. Có một ngôi đình cổ hàng mấy trăm năm. Nơi đây còn ghi nhiều chiến công của Trần Khánh Dư đánh thuyền lương của tướng Trương Văn Hổ. Quan Lạn gắn iền với quân cảng, thương cảng Vân Đồn.
Đây là lần thứ hai tôi đến Quan Lạn trong năm. 8 giờ sáng xuống tầu cao tốc. Hôm nay cháu Ngoạn về thăm quê và đưa cả lũ trẻ cùng đi. Cô còn có nhiệm vụ đi để tiếp đoàn khách văn. Vượt biển gần 50 cây số, đi tầu cao tốc mất khoảng 45 phút. Ngồi trên khoang tàu gió thổi mát đến cả chân tóc. Ngắm Bái Tử Long đẹp như tranh thú vị vô cùng. Các thiếu nữ từ Canada về để tóc trần cho gió thỏa thuê đùa cợt.
Cùng ra đảo hôm nay có anh Thụ, anh là bà con của anh Nguyễn Tiến Lộc. Anh Thụ cùng tuổi con Rắn với tôi nên chúng tôi quen nhau rất nhanh. Anh Thụ vốn ở ngoài Quan Lạn nay về ở Cái Rồng. Nghe anh Lộc nói ngày xưa bố anh Thụ vào loại oách, cai quản cả đảo Quan Lạn. Anh Thụ ra đảo thăm mẹ vợ 95 tuổi bị ngã gẫy xương. Ngồi trên tàu khi ngang qua mấy nhóm đảo, anh Thụ chỉ một đảo và kể câu chuyện thế này: Anh có một ông anh làm nghề bác sĩ. Khi về hưu ông xin với tỉnh ra đảo này trồng rừng và xây dựng kinh tế, Mấy năm ông bỏ vốn ra, bỏ công sức ra xây dựng đảo. Bây giờ ông đã 80 tuổi, sức yếu hơn. Gia đình khuyên nên bán đi mà tĩnh dưỡng tuổi già. Có một công ty nào đó trên Hà Nội về mua. Thế là ông bán với giá 3 tỷ. Tôi nghe chuyện mà không tin vào tai mình. Tôi hỏi anh Thụ chuyện thật hay anh bịa. Anh Thụ bảo không tin khi về tôi đưa đến thăm anh tôi. Hay quá nhỉ, đảo biển là của đất nước bây giờ mua bán thoải mái như vườn nhà. Tôi không hiểu ra sao nữa. Có trời mới hiểu nổi…
Tầu cặp bến. Từng đoàn xe túc túc đỗ đón khách. Xe túc túc ở đây không giống bên Thái Lan, trông nó thô và đầy chữ Trung Quốc. Tôi hỏi một bác tài xem giá cái xe máy đóng thùng này bao nhiêu. Ông ta bảo mua bên TQ đọ 30 triệu. Chúng tôi ngồi lên xe và phóng vào đảo. Anh Lộc đưa chúng tôi ra luôn bãi tắm Việt Mỹ. Anh Lộc và cháu Ngoạn không tắm, đi dạo bên bờ biển. Tôi, Vũ Quần Phương, Vũ Thành Chung xuống vẫy vùng cho sướng. Biển sạch bong và trong vắt. Rất hiếm khi được tắm biển sạch như vậy. Vào ngày thứ hai nên bãi biển vắng vẻ, có lẽ chỉ có ba anh chàng từ Hà Nội ra. Phó nháy Chung chụp cho mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm.
Khi vào thăm nhà anh Lộc thì thấy có một cây nhãn giữa sân, tán xòe ra như cái ô. Anh Lộc nói cây nhãn này có hàng trăm năm tuổi. Chị Lịch, chị dâu anh Lộc kể mùa vừa qua quả rất sai. Ra ngôi đình anh Lộc kể trước đây trước đình có mấy chữ đại tự Hải bất dương ba, có nghĩa là biển không nổi sóng. Sự khao khát yên hàn của nhân dân luôn cháy bỏng. Còn gì bằng không có sóng to gió lớn. Vậy mà những kẻ tham lam luôn thèm muốn vùng biển của ta. Bây giờ tìm đâu ra Trần Khánh Dư, tìm đâu ra hào khí Đông A. Không hiểu sao những người có trách nhiệm lại hạ mình trước sự lấn át của láng giềng như vậy.
Quan Lạn có đến phân nửa người dân vượt biên vào những năm 80 của thế kỷ trước. Bây giờ khá nhiều gia đình khấm khá do tiền của con cháu từ nước ngoài gửi về.
Chúng tôi cùng anh Lộc đi thăm bà con của anh Lộc. Có một ông em anh Lộc bị bệnh ung thư, đã yếu nhiều. Anh Lộc ôm người em khóc nức nở. Anh bảo nếu em vội ra đi thì anh hủy vé ở lại. Ông em nói, chưa đâu em chưa đi. Anh cứ lên đường cho đúng hẹn. Tôi nhìn sắc diện người em anh Lộc cảm thấy ông chưa đến nỗi nào.
Buổi trưa Ngoạn đặt cơm tại một nhà hàng. Cơm biển rất ngon, đặc biệt là món tôm hấp. Sao con tôm thơm và ngọt đến thế, rất khác với con tôm ăn ở Hà Nội.
Chiều chúng tôi quay về ngay Cái Rồng vì ba chúng tôi có việc phải về ngay Hà Nội. Đến Cái Rồng thì biết nhà thơ Hoàng Cát từ Hà Nội vừa phóng xuống chơi với anh Lộc. Chỉ gặp nhau một lúc rồi tôi, Vũ Quần Phương, Vũ Thành Chung vội về Hà Nội. Chia tay anh Lộc và gia đình cháu Ngoạn-Bắc, anh Long em trai anh Lộc. Anh Lộc hẹn thời gian nữa sẽ gặp nhau tại Vancouver. Hy vọng là như thế.
Xe về đến Uông Bí tôi bấm điện cho Trần Tố Loan. Loan là cô giáo, vợ của Uông Triều vừa là thày vừa viết văn. Loan cộng tác với Trannhuong.com khá đều đặn. Có lần cô lên Hà Nội đã đến nhà thăm gia đình tôi. Loan hướng dẫn tôi khi nào đến đèn xanh đèn đỏ thì chú dừng lại cháu ra đón. Xe qua Mạo Khê rồi đến Đông Triều. Tôi không thấy đèn xanh đèn đỏ nào nên bấm điện cho Loan. Loan nói chúng cháu đang chờ, Uông Triều nhà cháu đã chuẩn bị trà xanh không độ đón khách. Xe qua Đông Triều mà không thấy ai đón. Tôi hỏi Loan mới vỡ lẽ ra cái đèn xanh đèn đỏ ấy ở Mạo Khê. Hóa ra hai bạn ở Mạo Khê chứ không phải Đông Triều như tôi tưởng. Đúng là không cụ thể, quan liêu một chút là hỏng việc. Lần trước tôi qua đây định đến thăm vợ chồng Loan thì hai bạn đang ở vườn vải ngoài Uông Bí. Tôi đành bảo Loan niềm vui để dành vậy, lần sau sẽ qua thăm. Khi biết trên xe có Vũ Quần Phương, Vũ Thành Chung thì Loan tiếc lỡ dịp gặp những người nổi tiếng. Suốt con đường về vị ngọt chè xanh không độ tưởng như ngân nga mãi trong miệng…
Ảnh: TN bên bờ biển Quan Lạn
- Sóng bạc phía sau tầu