Tản văn
Ai đã từng lên Tây Bắc đều không khỏi trầm trồ thán
phục, rung động trước vẻ đẹp trẻ trung, thanh tân, duyên dáng của các cô gái
Thái. Chiếc váy đen lấp lánh vòng xà tích bạc, thắt lưng xanh, áo cỏm dịu dàng
đôi hàng cúc bạc như cánh bướm và khăn piêu vời vợi trên đầu. Sự đồng nhất hài
hòa kỳ diệu ấy tạo cho người ta một cảm giác thanh thản trước bộn bề dòng chảy
của cuộc sống.
Trang phục của con gái Thái vừa đơn giản, vừa cầu kỳ;
vừa kín đáo, vừa phô trương đường nét; vừa rực rỡ trang nhã và không kém phần
trang trọng.
Váy Thái bao giờ cũng là mầu đen, thường bằng vải mộc
tự dệt nhuộm chàm, lanh hoặc nhung the, mặt trong gấu váy bao giờ cũng táp bằng
vải đỏ hoặc vải hoa sặc sỡ, mỗi bước đi chân váy uốn lượn thấp thoáng sắc mầu,
kiểu làm dáng này kín đáo mà duyên. Điểm xuyết bên hông là bộ xà tích bằng bạc
buông lơi tạo một điểm nhấn rất bắt mắt. Tiếp nối giữa váy và áo là chiếc thắt
lưng xanh. Từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được các bà, các mẹ dậy cách thắt “Xài
yêu” - thắt lưng bằng vải, để lớn lên có thân hình theo tiêu chí: “Eo kíu manh
po” - thắt đáy lưng như con tò vò. Tiêu chí về vẻ đẹp của người con gái Thái
cũng giống như các thiếu nữ Kinh là phải “thắt đáy lưng ong” thì mới có thể
được như mong ước tự bao đời: “Khuôn ẹt tẹt dú lai non lai/ Khuôn liệng ngúa
bấu tai, liệng quái bấu sẩu/ Khuôn cót nảu phua mình non song…” - có nghĩa là:
Vía đi vía không chờ/ Vía nuôi bò không chết, nuôi trâu không gầy còm/ Vía ôm
chồng nằm kề/ Lứa đôi dây tình bện chặt...”, giống như câu ca của miền xuôi: “Vừa
khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con”.
Áo của con gái Thái gọi là “xửa cỏm”, một kiểu áo dài
tay may bó sát người, vừa tạo dáng, vừ vun đầy bộ ngực thanh xuân, thường có
hai kiểu cổ: Cổ chữ V của người Thái
trắng và cổ đứng của người Thái đen. Trước ngực là hai hàng cúc bạc hình ve
sầu, nhưng thường là hình bướm, một bên là hàng bướm đực với đầu hình tam giác
cùng đôi râu vểnh lên kiêu hãnh; một bên là hàng bướm cái đầu tròn, có lỗ hình
thoi. Khi gài cúc (luồn đầu bướm đực vào lỗ trên đầu bướm cái) hai vạt áo khép
lại kín đáo, hai hàng bướm chụm đầu vào nhau như trong vũ điệu giao duyên. Con
gái chưa chồng, cổ áo cao kín đáo, hàng cúc mang số lẻ như còn chờ đợi cặp đôi.
Con gái có chồng cổ áo thấp hơn, hàng cúc áo mang số chẵn như ước mong hạnh
phúc vẹn tròn.
Nổi bật trong bộ trang phục của người con gái Thái là
chiếc khăn piêu, piêu là một trong những thước đo sự khéo tay của cô gái. Người
con gái khi dệt vải, thêu piêu đã gửi cả tâm tình vào đường kim mũi chỉ:
Em làm chiếc khăn piêu
Trao anh cả tấm tình
(Tình ca Thái)
Khăn piêu dài độ một sải rưỡi bằng vải bông nhuộm chàm,
hai đầu khăn được thêu cầu kỳ những hoa văn, họa tiết hình mặt trời, hoa lá,
dây leo, búp cây guột… với các mầu chủ đạo là đỏ, hồng, vàng, xanh. Các góc và
rìa khăn viền vải đỏ và trang trí những “cút piêu” - nút thắt bằng vải, hoặc
hạt cườm bọc vải và “xài peng” - tua vải mầu. Truyện cổ dân tộc Thái kể rằng:
“Xưa có một mường toàn đàn bà con gái, những người khác giới không được vào,
nếu cố tình vào sẽ bị sát hại. Một hôm có chàng trai đi săn “vô tình” “lạc” vào
mường mẹ, được một cô gái xinh đẹp che chở và đem lòng yêu. Hai người quyết chí
cùng chung bếp lửa. Chàng trai trốn về thưa chuyện với mường bố. Mường bố cho
đó là duyên trời định và đem người sang “thưa chuyện” với mường mẹ. Mường mẹ
yếu thế lại đuối lý phải gả cô gái cho chàng trai và bỏ lệ cũ, trai gái từ đó
được tự do yêu nhau. Mường bố yêu cầu mường mẹ làm chiếc khăn rồi điểm chỉ vào
đó “cút piêu” và làm những tua vải hẹn ước “sài peng”.
Câu chuyện về
tình yêu bất tử vượt lên những định kiến và hủ tục lạc hậu ấy sống mãi trong
lòng các thế hệ người Thái Tây Bắc, để rồi hôm nay, mỗi khi chàng trai đón nhận
chiếc khăn piêu hẹn ước là lồng ngực trẻ trung lại rộn ràng khúc nhạc về tình
yêu, trân trọng nâng niu ước mơ cao đẹp về một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Váy áo tôn khăn piêu, khăn piêu tôn váy áo. Khăn piêu
không chỉ để đội đầu, mà còn gắn liền với nhiều sinh hoạt cộng đồng: Trong hội
xòe piêu là đạo cụ không thể thiếu, piêu lóng lánh như núi rừng Tây Bắc đang độ
xuân thì; piêu bay lên như áng cầu vồng trong điệu xòe tung khăn tuyệt đẹp; hội
tung còn, piêu là phần thưởng quí giá cho bên trai khi thắng cuộc; trong tình
yêu piêu là tín vật; khi đông về giá lạnh piêu giữ ấm cổ, ngực ai…
Khi piêu phối hợp với chiếc áo cỏm trắng tinh, với
chiếc thắt lưng xanh như lá rừng, với chiếc váy đen như màn đêm huyền hoặc đã
tạo nên một vẻ đẹp thật khó mà đặt tên, cứ dư ba thổn thức trong lòng người mỗi
khi nhớ về Tây Bắc. Đặc biệt ở đây còn có sự phối hợp tinh tế giữa văn hóa vải
vóc: Bông, lanh, nhung, lụa mềm ấm như làn nước suối xuân với văn hóa kim loại
quí: Bạc trắng tinh khôi ẩn chứa đầy bất ngờ như núi rừng mùa đông. Trang phục
ấy đâu chỉ che thân, trang phục ấy còn là cốt cách, là văn hóa của người Thái Tây
Bắc nói chung và của các cô gái Thái nói riêng.
Trong ký ức của tôi bỗng hiện lên một đêm xòe nồng say
ở Mường Thanh mừng ngày chiến thắng Điện Biên, hay vòng đại xòe náo nức trong
tuần văn hóa du lịch ở Yên Bái. Các “xao nọong” - em gái trong trang phục
truyền thống lướt đi trong điệu dân vũ. Tiếng trống, tiếng khèn, pí pặp, pí
thiu… rộn ràng tha thiết, rừng núi âm vang rộn rã. Tôi như được đắm mình trong
tiếng vọng của ngàn xưa huyền thoại về đôi vợ chồng “Ải Lạc Cậc” - Bố khổng lồ,
thần thoại dân tộc Thái đã khai thiên lập địa nên xứ Tây Bắc thuở nào.
Bộ trang phục này sinh ra cho các “xao nọong” thêm
xinh đẹp và chính các em đã làm cho trang phục tuyệt vời kia sống động cái hơi
cái hồn của dân tộc mình giữa Tây Bắc ngàn năm vẫn trẻ!