Chuyến đi của tôi và Vũ Thành Chung sang Vancouver Canada sau các nhà văn, nhà thơ Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Trọng Tạo, Trung Trung Đỉnh, Vi Thùy Linh. Chuyến đi là gặp gỡ những người bạn văn chương người Việt mình đang làm việc, sáng tác bên đó. Thiên truyện, bài thơ và tấm lòng yêu nước Việt nên cho cơ hội để chúng tôi bay gần nửa vòng trái đất đến với nhau. Đất nước quê hương ta như người mẹ nghèo, lam làm lại thiên tai địch họa nên đâu đã được bằng người. Có thể còn lạc hậu, có thể còn diết dóng, có thể còn quê mùa nhưng đó là người mẹ Viêt, mẹ ta. Ta không thể chọn cha mẹ bởi vì Người sinh hạ ra ta. Vì tất cả điều ấy nên cuộc hội ngộ diễn ra như những người bạn, như những người anh em lâu ngày gặp nhau.
Những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ chúng tôi đã gặp đều tâm đầu ý hợp chỉ muốn văn chương, nghệ thuật tham gia vào cuộc sống, vì số phận con người, số phận của đất nước. Có thể có những chính kiến khác nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng vì sự nhân nghĩa của văn chương, vì sự tồn vong và phát triển của nước Việt thì giống nhau. Có thể nói chuyến đi của chúng tôi là một cuộc thâm nhập đặc biệt, hiểu được cái hay của đất nước lá phong đỏ. Trông người mà ngẫm đến ta cũng là một cách tiếp cận để mình vươn lên. Các cụ dạy: Ở nhà nhất mẹ nhì con…ra ngoài lắm kẻ còn giòn hơn ta.
Sự chân thành của các anh em chủ nhà đã cho chúng tôi những ngày tuyệt đẹp tại Vancouver. Có điều mà chúng tôi không thể ngờ, hay nói một cách khác là chúng tôi còn dốt, không chịu tìm hiểu để hiểu biết về đất nước Canada. Khi ở nhà cứ tưởng sang đây sẽ có thể đi được nhiều nơi, không ngờ đất nước rộng cỡ nhất thế giới này mỗi tỉnh cách nhau hàng ngàn cây số. Muốn đi nào tiền vé máy bay lại còn chỗ ăn chỗ ở nên đấu có dễ dàng. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, hội chủ hội Những người yêu kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ giao nhiệm vụ cho tôi cố đến Quy Béc để dâng cuốn sách tuyển thơ Nguyễn Trãi lên tượng của Ngài tại đây. Tôi không thể thực hiện được điều đó. Rất hay là có một cuộc đấu giá lấy tiền ủng hộ đồng bào bị bão lụt miền Trung, tôi mang cuốn sách đó tặng BTC và đã bán được 200 đô la. Số tiền ấy góp vào để ủng hộ đồng bào ta vừa bị thiên tai. Cùng với bức tranh Nhịp điệu Sapa của tôi cũng đấy giá được 500 đô, gọi là một chút ủng hộ đồng bào miền Trung trong cơn hoạn nạn…
Cuộc gặp gỡ với Lê Thanh Chung cũng là một kỉ niệm khó quên. Lê Thanh Chung vượt 6000 cây số từ New York sang thăm chúng tôi tại Vancouver. Lang bang với nhau 4 ngày di chơi, chuyện trò văn chương, tặng sách cho nhau rồi Chung lại bay về New York với công việc ở Quỹ Nhi đồng...
Chúng tôi gặp gỡ rất nhiều người Việt đồng hương. Một anh Thành chuyên gia phần mềm, nghe nói chính phủ Canada đã mua phần mềm của anh cả triệu đo la. Một anh Mạnh, một Lưu Thuận Đức, Một cháu Ngoạn làm kinh doanh. Một cô Lài làm công ty chăm sóc sân vườn quê Phan Thiết, một chú người Giarai thợ cát cỏ. Công ty của cô mỗi tháng cũng kiếm tiền ngàn. Một Đinh Văn Hà quê Thủy Nguyên Hải Phòng, anh sắm được tầu đánh cua cỡ 700.000 đô. Tôi và Chung đã theo tàu ra biển đánh cua một ngày để hiểu thêm sự lao động của họ. Một Đinh Trọng Đắc quê cũng ở Thủy Nguyên hiện ở Ísland Vancouver, đi hái lá nhưng vẫn có tầu đánh tôm kha khá tiền. Lại nói thêm về hòn đảo khổng lồ này, chiều dài của đảo tới 800 cây số, diện tích cũng cỡ bằng miền Bắc nước ta. Tại đây có cơ quan hành chính của tỉnh bang British Culumbia, có nhiều bảo tàng hoàng gia và bảo tàng biển. Chúng tôi gặp những người làm nghề hàng ăn, làm nghề cắt tóc, làm nail. Chúng tôi gặp chị Minh Khương quê Ứng Hòa, cùng học đại học sư phạm với Hoàng Minh Tường, chị sang đây vẫn tham gia dạy tiếng Việt cho mấy trường phổ thông. Điều rất hay là trong tỉnh bang Briticsh Culumbia có 4 trưởng chính quyền bang cho phép dạy tiếng Việt cho học sinh gốc Việt. Các bản hiệu tiếng Việt xuất hiện khá nhiều ở thành phố Vancouver. Người đi xa gặp thấy chữ mình như thấy hồn Việt đang hiện diện ở đây. Hầu hết những người lao động gốc Việt đều có công việc ổn định và làm ăn lương thiện. Có điều là người Việt với những cố tật vô kỷ luật ở trong nước thì khi họ sống ở đây lại kỷ cương, nghiêm ngán cùng với dân sở tại. Vậy thì cái môi trường dân trí, văn hóa đã làm thay đổi thói quen xấu…
Chúng tôi có những cuộc gặp gỡ rất ngẫu nhiên như cuộc gặp ông Đại sứ nước ta tại Canada tại Vancouver. Ông Hùng nhân có chuyến đi công tác xuống Vancouver, biết có nhà văn bên nước sang thăm, ông đã chủ động đến gặp xã giao như những người đồng bào gặp nhau. Vậy mà có một số người cố tình không hiểu họ bảo chúng tôi nhận chỉ thị của Việt cộng sang đây tụ họp truyền đạt phương hướng hoạt động. Họ vu cáo trên mạng, thậm chí rải tờ rơi, in các tấm ảnh chúng tôi gặp nhau giao lưu phát tán để lừa bịp bà con cộng đồng. Họ cắt cúp trích dẫn một vài đoạn không dẫn nguồn từ đâu vu cáo sự trong sáng của chúng tôi. Thật tức cười. Chúng tôi chưa được là người có thể mang trọng trách Việt cộng sang đây truyền đạt. Họ vẫn mang nặng nếp nghĩ nhỏ hẹp, thiển cận. Hãy vì một dân tộc Việt mà bỏ qua những bất đồng trước đây mới là thức thời…Cũng chẳng sao, bây giờ họ chưa hiểu rồi họ sẽ hiểu. Đến với nhau vì văn chương, vì đất nước Việt Nam yêu dấu, thế thôi. Nước mình thì mình yêu lấy dù còn bao nhiêu điều chưa như ý. “Quê hương mỗi người chỉ một…” đó là chân lý…
Sự cổ hủ, thủ cựu, cố chấp ngay trong những người giữ trách nhiệm, ngay cả những cơ quan chữ nghĩa nhất trong nước. Có cơ quan cho rằng những người có website, blog là người có vấn đề, người ngoài luồng, người phía bên kia. Ô hay, thời đại của thông tin mà họ lại nghĩ như thời đèn hoa kỳ vậy ư?. Đảng ta có trang web, chính phủ có trang web, cơ quan, báo chí nhiều nơi có trang web. Ngành Giáo dục đã tin học hóa, tất cả thư từ báo cáo đều qua mạng từ cơ sở đến trung ương. Cả nước ta có tới hơn 2 triệu blogge, webmaster chả lẽ họ là những người có vấn đề cả ư ? Nhiều quan chức, nhiều đại biểu quốc hội cũng là blogge. Tôi có quen một người bạn văn chương có trang blog, chị bị gạt khỏi danh sách phát triển đảng chỉ vì có trang blog. Thật là khó hiểu đến kì cục. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vừa nói cần phải thông tin hai chiều đến tận cơ sở. Mà ngay trong Hiến pháp, điều 69 cũng ghi rõ về tự do ngôn luận. Ai có ý kiến khác mình là y như cho là bên kia. Ngay trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Các Mác cũng nói rõ về quyền tự do ngôn luận của con người. Thế mà họ vẫn nhân danh nọ kia để phê phán, áp đặt người khác...Hóa ra họ vẫn chưa thoát nạn mù chữ theo định nghĩa của Liên hợp quốc...
Ảnh trên:
1- TN bên dinh thủ hiến tỉnh bang
2- Các tập sách do Tạp chí Người Việt hải ngoại xuất bản
3- Ngài Đổng lý Hoàng gia tiếp TN
4- Công nương Diana vừa hồi sinh
5- Ca sĩ Madona bẽn lẽn (tất cả nhân vật trong Bảo tàng là hình sáp to như người)
6- Tên TN ghi vào nhật ký người đến Bảo tàng (Khách tự ghi tên mình)
TN thử làm người chăn ngựa Đứng từ Victory nhìn núi Everet bên Huê Kỳ