Ghi chép.
Hôm qua, ngày 6-12-2009. Là một ngày có nhiều cảm xúc hơn mọi ngày. Đầu tiên là Buổi họp mặt để kỷ niệm một ngày rất trang trọng của Nhà thơ Hà thị Sơn Thuý. Ngày Mừng Thọ Thất Thập.
Ngôi nhà nhỏ giữa một khuôn viên vườn cây ao cá, êm đềm hoa cỏ, cách trung tâm thành phố độ 8km, sau cánh đồng rộng bát ngát là nơi diễn ra cuộc họp mặt. Giản tiện mà trang trọng. Đơn sơ mà ấm áp. Đó cũng là ý muốn của chủ nhà. Gần như đủ những gương mặt của Câu lạc bộ thơ Đam San, và đại diện của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đến chung vui. Phần lớn là các bậc cao niên, đã có gần hai mươi năm sinh hoạt, chia sẻ cùng nhau những vần thơ nhân lý, và cũng là cựu Nhà giáo với chủ nhà. Trong buổi họp mặt này, gần như mỗi nhà thơ đều có đôi câu gửi đến nhà thơ Sơn Thuý với tất cả niềm yêu mến chân thành. Và rồi, đột ngột một cậu bé chạy vào kêu tướng :
- Bà ơi ! Ông Bỉnh đến.
- Ông Bỉnh ? Bác Bỉnh ở Sài Gòn ấy hả ?
- Đúng rồi, đúng là bác Bỉnh rồi.
Mọi người ùa cả ra đón. Chiếc taxi lùi sát vào thềm nhà. Bác Nguyễn văn Bỉnh nay đã vừa tám mươi, bệnh nặng đã vài năm, thời gian gần đây phải điều trị thường trực ở bệnh viện Sài Gòn. Bác gái, nhà thơ Diệu Thuỷ, là người hết lòng chăm sóc. Khi nghe tin nhà thơ Sơn Thuý kỷ niệm ngày mừng thọ, hai bác đã cố gắng từ Sài Gòn về và đi thẳng đến nhà. Cả chủ lẫn khách đều rưng rưng trước cuộc hội ngộ không hẹn trước. Những lúc như thế này mới cảm thấu được cái Tình mà con người ta dành cho nhau, nhất là cái Tình của người già. Bác Bỉnh hẳn nhiên có thể an dưỡng tại một căn phòng đủ tiện nghi y tế để bảo đảm sức khoẻ, nhưng không, có lẽ cuộc gặp mặt này lại là liều thuốc tốt hơn hết. Cuộc vui như đậm đà tình thân hơn sau sự kiện ấy. Rất tiếc là đã không thể vui trọn, khi phải vội vã từ biệt mọi người dể phóng ngược về phố cho kịp dự một đám cưới.
Không gian của một đám cưới luôn là sự sôi nổi náo động, hỉ hả những gương mặt cười, người ta luôn đem đến cho đôi tân hôn cảm giác mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Cho dù hôn nhân nhiều khi là sự kết thúc một tình yêu và khởi đầu cho một cuộc sống hoàn toàn khác. Nhưng dẫu sao, cái đích của những người yêu nhau luôn là một mái nhà chung. Và nói gì thì nói, hãy cứ chúc và chúc, cho những trái tim được vui sống trong trọn vẹn yêu thương.
Rời tiệc cưới là nghĩ đến việc của nhà. Những sự chuẩn bị cho một ngày cũng mang tính sự kiện của một con người. Thôi nôi cho bé My. Là đứa cháu thứ tư gọi bằng bác. Nghe oai hỉ. Ý nghĩa của việc làm đầy tháng, đầy năm cho một cháu bé, là mừng cho cháu đã cứng cáp dần lên, đã vượt qua từng giai đoạn trứng nước, đã bắt đầu từng bước chập chững vào đời, đã góp vào miền nhân gian đầy mưa nắng này thêm một tiếng khóc, một tiếng cười, đã nối thêm một đoạn dây cho một phả tộc. Cho dù nhân gian vẫn cửa miệng “đời là bể khổ”, nhưng vẫn luôn hồ hởi đón chào sự xuất hiện của một người, và luôn buồn bã đau đớn khi lại mất đi một người.
Giữa lúc đang loay hoay chuyện bếp núc, chợt nghe “Trời ơi ! Ngoài kia có một cái tai nạn giao thông khủng khiếp luôn. Người bị nạn chết chẹt dưới bánh xe tải, ruột phèo tung toé cả ra”. Phải đi xem thôi. Kia rồi. Một nửa thân người anh ta bị đè bẹp dưới bánh xe sau, mặt thì cấn cằm xuống đất, một cánh tay oặt ra bên, phần bụng xổ ra một đoạn ruột. Người yếu tim nhìn thấy chắc ngất luôn mất. Lại ngay cột đèn xanh đỏ, có khả năng trong khi đèn chuyển màu, anh ta lách vượt lên, bị quạc tay lái vào hông xe tải, xe máy bị quăng sang bên không hư hỏng gì nhiều, nhưng người thì lại bị quật xuống ngay bánh xe, tài xế xe tải không biết cứ thế đi, nên bị kéo thêm cả mấy chục mét nữa. Ôi chao. Cũng là cái chết, nhưng là cái chết dữ sẽ là nỗi ám ảnh rất lâu rất lâu cho mọi người, nhất là những người thân.
Buổi tối, vòng quanh gương mặt trẻ thơ và chiếc bánh đã đốt nên ngọn nến, là những bè bạn của cha mẹ bé. Và rồi, những chung rượu Vodka Hà Nội nồng nàn cho những gò má hồng lên trong tiếng cười chung chia niềm hạnh phúc. Bữa tiệc về cuối, không gian như quây quần hơn bởi thanh âm từ chiếc guitar và organ và những giọng hát ngẫu hứng những đoạn nhạc “ráp”. Bỗng nhớ đến vụ tai nạn lúc chiều, giờ này đâu đó đang có những người chết lên chết xuống bởi người xấu số.
Cái quán tinh hay lan man ngẫm ngợi nó cứ dắt díu chuyện nọ đan vào chuyện kia, nỗi này quẩn vào lẽ khác. Nhưng có thể nào không ngẫm ngợi được chứ, khi chỉ trong vòng mười mấy tiếng đồng hồ dưới ánh mặt trời, đã trải qua những diễn cảnh vui buồn, cười khóc của người đời. Trẻ và già, sông và chết, mất và còn. Những thời đoạn khúc nôi tâm cảm. Thì cứ ghi lại thôi, có lẽ chẳng có nhiều những ngày lắm cảm trạng thế đâu nhỉ ?
ĐÀM LAN