Con đường Trường Sơn bây giờ chằng chịt thành một mạng lưới nối với nhau không thể tưởng tượng được. Người như chúng tôi chỉ có thể nhìn bản đồ mới hình dung nổi. Chuyến đi của đoàn nhà văn lần này chỉ trong pham vi của Khu quản lý đường bộ 4. Khu quản lý 4 quản lý tất các tuyến đường suốt từ Dốc Xây (Tam Điệp) đến Đèo Hải Vân. Sự chăm sóc của những người công nhân trên khắp các tuyến đường đã đảm bảo luôn thông suốt. Không biết bao nhiêu lần sạt núi, bao nhiêu lần nước lũ đã được họ giải quyết nhanh chóng để thông đường.
Dẫn chúng tôi đi lần này, Khu quản lý đường bộ 4 đã cử anh Nguyễn Ngọc Khương nguyên Tổng giám đốc (nghỉ hưu), anh Nguyễn Ngọc Hùng phó phòng quản lý đường bộ và cũng là nhà thơ của đơn vị, anh Nguyễn Đăng Chế nguyên cán bộ lánh đạo của công ty nay nghỉ hưu. Anh Chế là thông gia với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Anh Chế hồi đánh Mỹ là trưởng phà Bến Thuỷ. Anh đã gan dạ phá bom trên bến phà này. Có lần anh đã được đơn vị truy điệu trước khi anh lao ca nô phá bom. May mà lần ấy anh không hy sinh nhưng bị thương rất nặng. Hồi anh là trưởng phà Bến Thuỷ thì tôi cũng đóng quân tại trường đại học Vinh. Ngôi trường bị bom đánh chỗ còn chỗ đổ, binh trạm 18 của tôi về đây đóng quân. Nhiều lần tôi đã qua bến phà anh Chế phụ trách nhưng bây giờ mới gặp được anh.
Chúng tôi lên đường 22, con đường được mở trong kháng chiến chống Mỹ. Tại nghĩa trang xã Kỳ Lâm có dựng một tấm bia ghi công hơn 1000 thanh niên xung phong Hà Nội đã tham gia mở đường này. Nhiều người đã ngã xuông nơi đây. Con đường 22 bây giờ rất tốt nhưng những người giữ đường vẫn con nhiều vất vả. Chúng tôi ghé vào hạt giao thông Kỳ Sơn thăm một trạm quản lý đường bộ. Mười lăm người trong một ngôi nhà tranh, giường nằm sạp nứa, đồ dùng sinh hoạt còn thiếu thốn. Theo anh em cho biết nay mai sẽ xây trụ sở khang trang hơn.
Nơi phà Xuân Sơn ngày trước bây giờ là một cây cầu to đẹp. Bến phà này là một trọng điểm ác liệt. Các chuyến xe qua đây nhiều khi không thoát được bom đạn. Trên bến phà này đã có một chiến sĩ lái xe (tôi không nhớ tên) đã bật đèn pha lên hút bom đạn về phía mình để cứu đồng đội phía sau. Tôi nhớ lần ấy tôi qua đây, nhờ trời lúc ấy không có máy bay. Một cô gái dẫn đường cho xe qua, cô nhìn chúng tôi tặng cho một nụ cười rất đẹp. Ánh đèn rùa hắt ra một vùng sáng đủ để phản chiếu để chúng tôi nhìn được miệng cười duyên dáng ấy. Tôi liên tưởng miệng cười ấy như một vành trăng.
Dòng sông Son đã hiện ra trước mặt. Dòng sông này hồi chiến tranh là tuyến vận tải đường thuỷ quan trọng. Một lần tôi theo các chiến sĩ đoàn canô của Binh trạm 16 đi trên sông này vào ăn hàng trong động Phong Nha. Tên là sông Son mà nước trong văn vắt. Các cô TNXP ngày ấy buông giọng hò ngọt lịm làm mát lòng những người ra trận…
.
Ảnh: 1-Cơ ngơi của Hạt giao thông Kỳ Sơn
2- Gặp anh em công nhân
3- Trước Phong Nha Kẻ Bàng
4- Trên Sông Son