Trang chủ » Tản văn

HOA MÃI VÀNG THÁNG TƯ

Nguyễn Tham Thiện Kế
Thứ năm ngày 30 tháng 4 năm 2009 2:51 PM
 
Đã lâu để thành lệ, khi cơn mưa cuối rửa đền rớt phía núi Nghĩa Lình thì tôi cũng nhận được lời mời: Uống rượu và thưởng mai vàng Nam bộ rằm tháng Tư.
Trịnh trọng và nghiêm cẩn, người bạn tuổi hơn tôi bằng thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp, còn nhấn thêm, nhớ chỉ đến một mình.
Vâng, hẳn rồi. Vợ con anh ngày đó còn phải lánh đi, thì làm sao tôi dám kèo thêm ai. Anh- một nhà báo khắc khổ mà dễ gần, mê mai vàng, hút thuốc lá rê, món ăn nêm nhiều vị ngọt, ớt hiểm. Mười mấy năm tuổi trẻ anh vùi mình làm lính
Cuộc rượu thưởng mai có ba nhân vật. Anh và tôi. Và một cây mai vàng bứng trong bình gốm Hương Canh, khẳng khiu nâu thẫm cành nhánh vươn dài như mai hoang.
Ấy thế, nhưng không mấy ai biết cây mai đã được nâng niu kỳ công đến tủn mủn mà người chủ nhân có thể chăm. Đất trong bình gốm, bao bọc rễ mai là thứ đất giao hoà của phù sa sông Lô cát vàng, phù sa sông Hồng cát đen, bùn ao nhiều lá tre rụng phơi khô ba vụ, đất vàng tơi xốp trên núi Nghĩa Lĩnh và phân bầy dơi phong hoá trong hang đá vôi.
Dưỡng sức mai sau mỗi mùa, chủ nhân mua cả thúng ốc đá xanh đập vỡ ngâm nhuyễn trong hũ sành, đợi nước mặt trong veo mới dùng gáo dừa tưới nhỏ giọt vòng quanh.
Những chiếc lá mai sinh trên đất Bắc, mềm, suông lăn phăn răng cưa như lá chè Shan ớm nắng. Bông đậu thưa thưa mười cánh mỏng mảnh sắc vàng dịu pha chút ánh xanh phơn phớt đâu đó khi ta mải ngắm nhìn.
Và mùi hương mộc dịu, nhu mỳ như là chạm khẽ vào cảm giác khiến ta cay cay sống mũi y như gặp hương sữa mẹ phai ra từ miệng con trẻ lúc cuối chiều.
Một cây mai sống xa xứ được chủ nhân chăm bẵm, chiều đãi như con trẻ nhưng sao tôi cứ cảm rằng nó héo mòn, và đang buồn nhớ mặt trời phương nam chói rạng và khát mát ngọt phù sa Cửu long.
Chưa là cây mai phố thị uốn tỉa, khoe vẻ già nua giả tạo nhưng cũng không còn là cây mai rừng nặm mòi, rực rỡ tới thì. Nó là một  trong những hạt mầm bé nhỏ trong đáy ba lô theo chân người lính Bắc hơn ba mươi năm trước về Bắc.
Có tuổi bằng thời gian chống Mỹ mà thân cây mai cũng chỉ nhỉnh hơn nòng khẩu B40, thân thẳng, tán xoè bốn phía, lá chĩa hoang hoang. Nó tự do trong góc vườn như cây dại cho đến một ngày tháng Tư xuân tàn mới rụt rè đơm nụ.
Hương trầm. Rượu Bàu Đá, cốc pha lê. Gỏi cuốn, vị chủ đạo là ngó sen đóng hộp. Nước mắm Cát Bà. Gốc mai chẫu hẫu dưới sân, lả ngọn vào mâm rượu hiên nhà. Trăng suông dãi sáng. Và khúc Dạ cổ hoài lang ẩn ức chập chờn hư thực trong những vòm cây sẫm tối của khu vườn.
Chủ nhân ngồi búng tàn thuốc rê khét đắng.
Tôi chia sẻ bằng im lặng. Muỗi bay.
Hơn một lần đêm rằm, tôi đã tự giả tưởng về số phận người con gái Nam bộ ẩn hiện trong dáng hình cây mai tứ quý nhưng lại cho bông vào dịp tháng Tư xứ Bắc. Người đàn bà Nam bộ hạnh phúc đến bất hạnh kia là thế nào mà để người đàn ông cứng rắn bâng khuâng từng ấy năm.
Ngạc nhiên rồi lại không, phương nam mưa nắng hai mùa, mai  khoe bông khi Tết về áo lụa cộc tay, thì cữ ấy trung du phương bắc xù xù khăn len áo dạ. Phải chờ tới tháng Tư, khi xong lễ hội Đền Hùng nắng mới ùa trời thì mai vàng xa xứ bỗng thức giấc ngủ đông trong mỗi tế bào gien  mà  bật chồi thao thiết một sắc vàng quê mẹ.
Lần hồi rồi tôi cũng hay….
Kết thúc chiến trận, anh không có không khung xe đạp, không  búp bê nhựa mà mang về biếu người cha già dạy học trường huyện chút hạt giống mai vàng tứ quý. Giống mai mười cánh mỏng và năm cánh dày đuợc đích thân nghệ nhân hoa kiểng, cha của người con gái anh thương gói trong túi bột tro trấu trao gửi. Hình dung người tôn quý hoa mai trắng như thầy anh sẽ rưng rưng đón đỡ hoa mai vàng trong vòng tay gầy khô lật bật.
Nhưng, ông giáo mắc cảm hàn, mất trước ba ngày con trai về. Bàng hoàng, rũ bụi chiếc ba lô bên tường hoa trước sân, anh quên  những hạt giống mai vàng.
Bốc vác thuê, anh bòn từng xu và lậu vé từng chặng tàu chợ vào Nam. Thì cũng thời điểm ấy, người con gái Nam bộ cũng ngược tàu ra Bắc.
Miệt vườn cây kiểng hoa thơm trái lành bỗng thành đất nông trường, san ủi ngổn ngang, nghệ nhân hoa kiểng phiêu dạt làm thuê. Anh ngơ ngác lần hồi.
Vùng trung du miền Bắc cũng vừa xong cơn sát nhập, bao nhiêu tên làng, tên xóm đã không còn nguyên gốc, cô gái Nam bộ biết hỏi ai để đến được một xóm quê miền đất gốc.
Thưa vâng, bất kỳ người Bắc đã đọc sách, thì mà nhắc đến bông mai bừng náo sắc vàng hay màu tím khôn cùng hoa lục bình lênh đênh cũng đã chạnh lòng viễn xứ một phương nam.
Sự thương nhớ vô hình mà hữu hình trong mỗi ký ức từng gốc cây ngọn cỏ đến số phận con người đan xen trong chiến cuộc. Huống là anh, một cựu sinh viên Văn, mười mấy năm làm lính bưng biền.
Vết thương chiến trận, vết thương ngoài chiến trận, chẳng biết vết thương nào vò xé hơn.
Ngôi nhà vườn trong phố trầm im bóng cây.
Tôi đã chứng câu chuyện.
Nhưng câu chuyện thì hình như chưa bao giờ kết thúc với người trong cuộc mà còn làm đau vướng những người dưng.
Lại sắp một tháng Tư, phương nam mai chắc còn dăm bông trái vụ, nhưng ngược bắc ở trung du vẫn có một cây mai vàng suốt tháng. Từ bây giờ, thì có lẽ chẳng riêng mình tôi biết, những ngày tháng Tư nắng tươi xứ Bắc, vết thương lòng của người lính cũ mãi vẫn còn nở hoa.