Trang chủ » Tản văn

VỀ QUÊ HƯƠNG TRẦN THỦ ĐỘ (2)

Trần Nhương
Thứ tư ngày 6 tháng 5 năm 2009 8:06 AM

Làng Lưu Xá xã Canh Tân huyện Hưng Hà, Thái Bình nằm sâu trong châu thổ Sông Hồng nhưng lại là nơi cho ta nhiều di tích lịch sử văn hoá rất giá trị.
  Tại đất này cậu con trai mới lớn  Trần Thủ Độ đã gặp cô gái vừa độ xuân thì Trần Thị Dung. Hai người đã yêu nhau say đắm. Khi Thái tử Sảm nhà Lý chạy loạn Quách Bốc về đây, Trần Thủ Độ đã vì tương lai nhà Trần mà khuyên người yêu mình lấy Thái tử Sảm. Hai người hẹn nhau  chờ đợi để đến ngày tái ngộ. Bà Trần Thị Dung lấy Thái tử Sảm, từ ngôi phi rồi lên hoàng hậu. Thái Sảm lên ngôi vua hiệu là Lý Huệ Tông. Hai người không có con trai, chỉ sinh hai công chúa Lý Chiêu Hoàng và Lý Chiêu Thánh. Lý Chiêu Hoàng nối ngôi vua. Trần Thủ Độ đã cho cháu mình là Trần Cảnh gần gũi Lý Chiêu Hoàng và sau lấy làm vợ. Lúc ấy nhà Lý suy thoái trầm trọng, xã tắc sơn hà trong cơn lầm than, đói khổ, giặc cỏ nổi lên và giặc phương Bắc đang lăm le xâm lược. Trước sự an huy của xã tắc Trần Thủ Độ thấy cần phải cứu dân tộc, ông bàn với Hoàng hậu Trần Thị Dung để Lý Chiêu Hoàng bàn giao quyền lực cho chồng Sự chuyển giao quyền lực từ vợ sang chồng thực chất là chuyển giao nhà Lý sang nhà Trần. Sau nhiều năm là Hoàng hậu nhà Lý, Trần Thị Dung lại về với Trần Thủ Độ như lời hẹn khi xưa.
  Chúng tôi ra bên bờ sông Luộc nơi có bến đò ngày xưa Trần Thủ Độ vẫn trở về quê Lưu Xá và nàng Trần Thị Dung đón chàng sau nhưng xông pha trận mạc. Đòng sông Luộc chia đôi bên kia là Hưng Yên, bên này là Thái Bình. Nước xanh ngắt và dâu xanh ngắt làm cho con sông nõn nà như thanh nữ. Bát ngát cánh đồng ngô. Hoa ngô đang trổ cờ và những bắp đang vào mẩy. Bên trong con đê bối, giữa cánh đồng ngô nổi lên hai lăng mộ của Lưu Khánh Đàm và Lưu Ba (Đàm Công và Điều Công). Tại hai ngôi mộ đó đều có cây lộc vừng xoè tán như cái ô che. Hai vị tướng này là thuộc hạ của Lý Công Uẩn. Chính hai ông đã có công dâng sớ với Lý Công Uẩn nên dời đô về Thăng Long. Và chính hai ông được vua Lý cử đi tiền trạm việc dời đô. Không biết các vị có trách nhiệm trong Ban kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội có biết chi tiết này không. Nếu biết thì ta không thể không có một nghĩa cử với quê hương Lưu Xá. Các anh trong uỷ ban và đảng uỷ xã dẫn chúng tôi đi ghi hình dòng sông Luộc và bến đò khi xưa. Các anh chỉ cho chúng tôi biết nơi bãi ngô gần lăng mộ hai vị tướng quân là nền đình chùa cũ của làng. Dưới lòng đất kia còn nhiều dấu tích thời Trần mà ta chưa khai quật được.
  Cũng ở Lưu xá có ngôi chùa mà hai tướng công sau khi giúp nhà Lý đã về tu tại đây. Ngôi chùa sau này được vua phong Báo quốc tự.
  Cuộc hành trình làm phim tài liệu về Trần Thủ Độ cho tôi nhiều điều bất ngờ. đất Hưng Hà mới là nơi nhà Trần khởi nghiệp. Mộ tổ họ Trần được Trần Hấp chuyển từ Tức Mạc về đây. Bây giờ vẫn còn lăng mộ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, và một phần xá lị của Trần Nhân Tông. Khu đền thờ họ Trần tại xã Tiến Đức uy nghi và linh thiêng. Ở đây trong hậu cung thờ ba vị: Giữa là Trần Thừa, bên phải là Trần Thủ Độ, bên Trái là Trần Thị Dung. Có thể nói đây là ba nhân vật kiệt xuất làm nên sự vẻ vang của nhà Trần. Trần Thừa là cha Trần Cảnh. Trần Cảnh là người tiếp thu triều đình từ tay nhà Lý. Có lẽ ít nơi người phụ nữ được đặt ngang hàng trong đền miếu linh thiêng như ở đây. Bà Trần Thị Dung đặt ngang với Trần Thừa, Trần Thủ Độ. Nhà Trần hồi đó có một luật lệ là con cháu không lấy dòng họ khác nên Trần Thủ Độ đã yêu chị họ của mình là Trần Thị Dung. Ngoài việc có vẻ không lề luật thì việc táo bạo trong hôn nhân gia đình cũng là một nét riêng của nhà Trần. Chính trên mảnh đất này quan quân nhà Trần đã dẫn bại tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi về đây tế sống tổ đường họ Trần...
Chúng tôi đang đứng bên con sông Thái Sư, con sông do Trần Thủ Độ chỉ huy đào trong một đêm để đón vua về Tiến Đức bát yết tổ đường ở Hoành cung Long Hưng và là nguồn nước tưới ruộng . Con sông đã 700 năm mà nước gương vẫn vẫn lóng lánh như một thanh gươm trên thảm lua, trên màu xanh thôn ổ. Trần Thủ Độ đã xin nhà Trần lập ra chức Quan hà đê sứ chuyên coi sóc việc trị thuỷ, nông giang.
  Đạo diễn Minh Chuyên sau cơn ốm nặng đã hồi phục, ông hăng hái đi lại chỉ huy quay phim ghi những cảnh thật đẹp, thật tiêu biểu về quê hương nhà Trần để bộ phim về Thái sư Trần Thủ Độ góp một tiếng nói ca ngợi công lao của Thái sư với dân tộc Việt.
  Tôi đang viết ghi chép về chuyến đi thì nhận điện thoại của Nguyễn Khắc Phục. Ông đã đọc ghi chép của tôi hôm qua, ông trách tôi không đọc Thăng Long kí do ông viết. Ông nói tôi (TN) là con em họ Trần mà lòng yêu thì mãnh liệt nhưng rất láng cháng không biết gì tông giống của mình. Đúng quá, ông bạn phê bình tôi làm tôi phải nghĩ về cái sự hời hợt của mình.
  Rồi chỉ lát nữa chúng tôi đến với khu đền thờ Thánh mẫu Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Tôi xin kể sau vào ngày mai.
 
 
 Ảnh: Quay phim sông Thái Sư
         Trần Nhương bên Nhà thờ họ Trần tại xã Tiến Đức,
         Bàn thờ Thái sư Trần Thủ Độ