Trang chủ » Tản văn

THẤP THOÁNG TRƯỜNG SƠN

Trần Nhương
Thứ tư ngày 22 tháng 4 năm 2009 5:49 AM

Nhật ký chuyến đi

 

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm đường Trường Sơn, Hội Nhà văn Việt Nam được sự giúp đỡ của Khu quản lí đường bộ IV, Bộ Giao thông Vận tải đã cử một đoàn nhà văn thâm nhập thực tế tại tuyến đường Tường Sơn khu vực miền Trung. Có lẽ lâu lắm mới có một đoàn nhà văn không còn trẻ nhưng  không chịu già ra quân rầm rộ như lần này. Đoàn gồm có Nhà văn, nhà thơ Đào Thắng, Trương Đình Minh, Vũ Quần Phương, Trần Ninh Hồ, Y Phương, Hoàng Minh Tường, Trần Nhương, Hà Nguyên Huyến, Trần Vũ Long. Trong một chuyến đi ngắn ngày có lẽ chỉ gợi lên những cảm hứng, thức tỉnh một vùng kí ức về Trường Sơn. Vì thế nên tôi chỉ dám goi đây là một chuyến đi thấp thoáng Trường Sơn…

  Sáng 15-4-2009 chúng tôi lên đường. Đã lâu mấy anh nhà văn già mới được gặp nhau nên trên xe không ngớt tiếng cười. Đến Phủ Lý chúng tôi dừng lại nghỉ để ăn sáng. Thị xã Phủ Lý sau khi tách tỉnh đã hoành tráng và ra dáng một thành phố đang xuân đồng bằng sông Hồng. Bánh cuốn Phủ Lý nổi tiếng, ai qua đây có lẽ cũng dừng lại thưởng thức. Chỉ có điều dân Phủ Lý biết kiếm tiền rất hay. Nhà hàng bánh cuốn rất đông khách nhưng không có chỗ đi vệ sinh, hoặc có chỗ nhưng không cho khách dùng. Nhà bên cạnh là cửa hàng cà phê lại rộng rãi vắng khách. Thế là hai bên tựa lưng vào nhau cùng sống. Bên nhà hàng cà phê có tấm biển ghi “Dịch vụ vệ sinh”. Khách vào thưởng thức bánh cuốn, uống nước thì cái nhu cầu đầu ra rất cần thiết. Nhà hàng bánh cuốn chỉ lối cho khách sang nhà bên. Nhà văn Đào Thắng, Y Phương dắt nhau vào. Khi ra, bà chủ quán cà phê vui vẻ bảo bác đi nhanh 2 ngàn còn bác đi lâu chắc đi đại tiện nên cho em 3 ngàn. Ồ hoá ra đi vệ sinh mất tiền như ở bờ hồ Hà Nội. Đào Thắng vào lâu lâu chắc là đi đại tiện nên khi ra bà chủ xin 3 ngàn. Đào Thắng cãi lại: Không tôi đi tiểu chứ không đi đại. Bà chủ cười như nhận lỗi thì em biết đâu, thấy bác lâu gấp đôi người ta. Chuyện chỉ có thế nhưng để lại một ấn tượng làm chúng tôi nhớ mãi Phủ Lý. Lúc lên xe mọi người bình luận về việc này không nhịn được cười. Trần Ninh Hồ kết luận: Được cái khoản ăn nhưng hỏng cái khoản ỉa. Nơi đây là quê hương của Đào Thắng và Nguyễn Hoa hai ông nhà văn khá nổi tiếng vẫn hay tự hào về quê mình :” Hà Nam danh giá nhất ông Cò”. Không biết từ lúc nào chúng tôi bỗng thành người lịch thiệp, ăn nói văn hoá gọi những từ về cái việc “đầu ra” ấy bằng số tiền mà chúng tôi vừa phải trả dịch vụ. Đi tiểu thì gọi là hai nghìn, đi đại tiện thì gọi là ba ngàn. Dọc đường cần dừng lại đi tiểu thì nói “cho hai ngàn tí”, cho ba ngàn tí.

Thế có đúng là chúng tôi ăn nói văn hoá đẳng cấp cao chứ có xoàng đâu.

  Đến cầu Phà Ghép chúng tôi dừng lại ăn trưa. Cửa hàng ăn ngay bên bờ bắc dòng sông Ghép. Tôi bỗng nhớ đến những năm chiến tranh, nơi đây là phà Ghép. Có một thời người ta làm cầu phao. Tôi đã qua đây trên những chuyến xe vận tải trên cái cầu phao ấy. Mỗi lần xe qua cái cầu phao bềnh bồng như đánh võng. Những thanh gỗ đặt ngang trông giống như cây đàn Tơrưng. Khi bánh xe lăn lên nó kêu lên những âm thanh khô gọn giốn như ai gõ lên ống nứa. Tôi đã viết bài thơ Qua cầu phao từ những năm ấy in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Bây giờ một cây cầu lớn đã vươn qua sông.

   Ôn lại những chuyến đi. Bỗng Hoàng Minh Tường nhìn Vũ Quần Phương, Trần Ninh Hồ và nhắc lại chuyến đi cách đây 20 năm. Rồi Tường đọc câu thơ vui trong chuyến đi đó: Nhìn Hồ những tưởng là ao / Nhìn quần không biết quần nào Quần Phương. Quả là hai câu thơ vui và chơi chữ rất đắt. Bao nhiêu chuyến đi từ nhưng năm chiến tranh và bây giờ chúng tôi đều là những cụ U70. Trong chuyến đi này có Trần Ninh Hồ nhiều lúc làm chúng tôi rất khó gọi. Gọi Cụ Hồ không được, gọi Bác Hồ lại càng không được. Cuối cùng thì chúng tôi gọi bằng ông Hồ hoặc chỉ gọi cộc lôc Hồ ơi.

  Cuối chiều chúng tôi đến Đô Lương Nghệ An đến nghĩa trang Truông Bồn viếng mộ các cô gái hy sinh tại đây. Tấm bia màu đen ghi rõ danh sách 14 thanh niên hy sinh ngày 31-10- 1968. Trong 14 người có 2 nam giới còn lại là 12 cô gái tuổi 20,21. Xem năm sinh của họ thì nếu còn sống họ cỡ tuổi chúng tôi. Tôi nhìn danh sách thấy hầu như họ đều quê ở Nghệ An. Các em hy sinh cho đất nước để hôm nay đất nước hòa bình. Con đường Trường Sơn bây giờ to rộng rải nhựa nhẵn thín. Các em ơi nhưng đất nước vẫn còn bao nỗi lo toan, chỉ dọc theo triền núi này vào Tây Nguyên dự án khai thác bauxite đang gây nên dư luận bức xúc cả nước. Thắp nén nhang cho các em và cầu mong hương hồn cá em thanh thản. Tôi đi sang tấm bia đối diện bên kia. Đó là tấm bia ghi công liệt sĩ của xã Mỹ Sơn huyện Đô Lương. Tôi nhìn danh sách và dừng lại một dòng chữ lớn: Chống Mỹ và Bành Trướng. Mấy chục dòng tên những người con của xã Mỹ Sơn đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh vừa qua. Những người thực hiện xây dựng ở đây đã nói tránh đi để không nói thẳng thừng như gọi với Mỹ. Lòng tôi nặng trĩu tự hỏi sao lại thế nhỉ. Sự thật vì sao lại né tránh một sự thật hy sinh của bao nhiêu người con đất Việt. Nhưng tôi suy nghĩ thấy dù sao thì ở nghĩa trang này còn nêu được một sự thật, ghi công thật sự những người đã ngã xuống. Dịp kỉ niệm 30 năm ngày chiến tranh biên giới các báo chí của ta không một dòng nào viết về cuộc chiến tranh đau buồn ấy. Nếu so với nơi đây thì tôi thấy bà con chúng ta thộc xã Mý Sơn này không hề quên con em mình vì nước hy sinh.

  Buổi tối Tổng giám đốc khu quản lý đường bộ IV Cao Xuân Giao và cán bộ chủ chốt tiếp chúng tôi với một bữa cơm rất xứ Nghệ. Sau bữa cơm chúng tôi gặp gỡ anh chị em cán bộ với những bài thơ của Trần Ninh Hồ, Vũ Quần Phương, Trần Nhương, Y Phương, Trần Vũ Long …