Tản Văn
Mục đích của trình diễn là thu hút. Thu hút lấy âm học, quang học và hoá học làm phương tiện. Trong đại tự nhiên, việc trình diễn và thu hút diễn ra trong các quần lạc sinh địa. Việc này nằm trong ý đồ của Ông trời, không ngoài mục đích duy trì và phát triển những thực thể sống do Ngài sáng tạo ra. Một trong các sáng tạo của Ngài là Loài người; loài này đã tự ý gần như tách khỏi những quần lạc đó, sống tương đối độc lập và đã có nhiều biểu hiện vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Ngài. Tôn giáo là mưu mô, là giải pháp tình thế của ông Trời, nhằm khắc phục lỗi lập trình phần mềm, mong vãn hồi được hiệu năng kiểm soát của mình.
Trình diễn đầu đời của con người là khóc; đó là hình thức trình diễn vô thức đầu tiên.
- Khóc là gì?
- Là tạo ra âm thanh và nước mắt.
- Tạo ra âm thanh làm gì?
- Là để khẳng định và biểu thị sự tồn tại của một thực thể sống bậc cao; rằng thực thể ấy đang đói, đang bị ướt vùng mông, ngứa ngáy khó chịu … và cần được giúp đỡ.
- Còn nước mắt?
- Đây chỉ là một giải pháp thuần tuý kỹ thuật, nhằm làm mát quá trình bốc hoả của thị khiếu khi cơ thể vận hành cơ chế khóc, trình diễn sự tồn tại của mình.
Cái làm cho ông Trời lo lắng không phải là tiếng khóc mà là: Tại sao lại khóc? Điều tôn giáo muốn là làm sao để con người không phải khóc. Con người, bản chất vốn bừa phứa, chỉ muốn làm cho muôn loài, trong đó có chính loài của mình, phải khóc.
*
Đứa cháu ton tón chạy lại bên ông, phô: “Ông ơi, cháu vừa tự đi tè !” hoặc “Ông ơi, cháu ăn nhanh hơn cả bố !” hoặc “Ông ơi, cháu vừa chia bánh cho bạn Cún đấy !” … thì tất nhiên sẽ nhận được cái xoa đầu âu yếm kèm theo một lời khen: “Ồ, cháu ông ngoan lắm !”. Trẻ con, đứa nào cũng có cặp mắt trong trẻo, thường tự phô ra những cái tốt đẹp của chúng.
Trong con mắt của người đời, ai cũng muốn mình là người tốt, bởi được thế thì sẽ vinh dự lắm. Còn làm được người tốt - theo cách nói của hạng lịch duyệt, thích tìm hiểu đời sống - đương nhiên là việc vô cùng khó, khác gì Thị Kính nuôi con trong chùa. Mà phải khó thì mới đúng, nếu không, hương đâu mà thắp cho khắp lớp lớp trùng điệp những Quan Âm cùng La Hán. Vũ trụ tiếng là lớn, nhưng chắc gì đã vô cùng. Không được là người tốt thì làm kẻ khôn khéo vậy. Làm người khôn khéo cũng không phải là tồi. Vứt rác ra nơi công cộng sao cho không ai trông thấy thì mình vẫn là người bình thường. Người khôn khéo âm thầm đốt cháy vèo tờ quyết định khiển trách của chính quyền, lẳng lặng treo giấy khen, bằng khen của công đoàn và chi bộ lên đầy tường nhà. Người khôn khéo không ưa sự tốn kém vô bổ, khéo léo né tránh việc đùm bọc những kẻ cơ nhỡ mông lung, lý lịch không rõ ràng ngoài đường - thậm chí kể cả những người sống kề sát bên mình - nhưng rất hồ hởi, nô nức, hoành tráng ghi tên, đóng góp vào quỹ của công đoàn để ủng hộ những người đồng bào ở xa cách mình hàng hai giờ bay bằng Boing 747. Dĩ nhiên, cũng vẫn là làm việc tốt, nhưng, hình như, ít nhiều, có lấn sang sân của Nhà nước. Lấn sân là tranh dành. Việc tốt thì được báo, đài và truyền hình loan tin, hay vì báo đài truyền hình loan tin mà có việc tốt? Tự cổ, có một gã Trang Sinh nào đấy đã từng bần thần sau một giấc mơ: Ta hoá ra bướm hay bướm hoá ra ta ? Đây là một trong những phạm trù triết học được xếp hạng hóc búa nhất!
Cày bừa sinh ra để làm đất. Búa kìm sinh ra để uốn nắn kim loại. Áo gấm sinh ra không phải để mặc lúc lên giường, tắt đèn đi ngủ. Trong khoa điều tra lập địa , những nhà Nông học và Lâm học rất chú tâm đến hai chữ đắc địa. Người bình thường thích nói: Tôi nghèo lắm. Người nghèo khác nào viên cuội dưới đáy hố, không có cả động năng lẫn thế năng; như lạch nước leo heo chảy bên rìa bãi, chẳng thể làm quay nổi một cái chong chóng con con, nên chẳng ai để ý; không ai để ý thì tất khang ninh bền vững. Đây là một mâu thuẫn nội sinh khủng khiếp của người đời. Xét theo khía cạnh này, quan chức thời nay là một nghề trí dũng song toàn.
Kịch trường, điện ảnh lấy trình diễn để biểu dương cái đẹp, phê phán cái xấu, ít nhiều đồng khí với tôn giáo. Các nhà xã hội học, kinh tế học lấy trình diễn các mô hình để làm cho thiên hạ thấy cái hay, cái tốt, cái lợi mà làm theo. Nhà doanh nghiệp lấy trình diễn để quảng cáo hàng hoá. Kẻ xu phụng lấy trình diễn để làm các bề trên tin rằng mình là hạng tuỳ nhân tận trung bẩm sinh. Cấp trên lại cũng có cấp trên của mình. Cấp trên nào cũng nắm được nguyên lý “phù thịnh”. Nho gia bảo: “Phù suy mới là cao”, nhưng ngoài Ngoạ Long Tiên Sinh phù nhà Hán, Phạm Lãi phù Việt Vương, Phan Đình Phùng phù nhà Nguyễn … còn có ai nông nổi như các ông nữa không ?
Đồng tiền có thể dùng để mua gạo mua sách nhưng cũng có thể dùng để mua thuốc súng. Trình diễn đôi khi cũng bị biến thành phương tiện để khoe khoang, không phải là không hữu hiệu. Bản chất của khoe khoang là yếu đuối và thiếu khôn khéo. Yếu đuối, thiếu tự tin bởi do nội lực thiếu hụt. Thiếu khôn khéo bởi do không nắm được và không biết nương theo đạo lý. Mục đích của khoe khoang là che dấu. Phương pháp của khoe khoang là nguỵ ngôn, là loè bịp trắng trợn. Khoe khoang cũng tựa như kẻ lái xe ôtô ban đêm bật đèn chiếu xa, khiến người đi ngược chiều loá mắt, không thể nhìn thấy gì.
Người Châu Âu bảo: Chớ có khen một phụ nữ đẹp trước mặt một người phụ nữ khác. Ta lại luôn sẵn lòng khen những kẻ thua kém mình về nhiều phương diện trước mặt một đấng nam nhi. Người nghe có thể không mấy dễ chịu nhưng vẫn cứ phải tự giác mỉm cười gật gù đồng tình. Và như vậy, kết cục, cả hai bên đều được xếp vào nhóm có bụng dạ đại nhân. Đại nhân là người lớn, là kẻ cả trong thiên hạ. Làm được mà không nói được thì nên mở công ty tư nhân. Người Trung Quốc ngày nay bảo: “Công chức nhà nước bỏ ra làm ngoài mới là Hảo Hán!”. Không làm được mà nói được thì chớ có dại dột mà bắt trước; mở công ty tư nhân là tự sát, là thành bỉ nhân.
Có một văn hào của Pháp cho rằng xã hội loài người vốn chỉ là một tấn trò đời. Chưa thấy ai phản đối điều này, nhưng nghĩ cho công bằng, nhận xét này cũng có phần cực đoan. Theo cái logic đó, sống trong xã hội, tức là trong tấn trò, thì phải ra trò. Ra trò thì phải nắm được những trình thức cơ bản, có trang phục và cách ứng xử phù hợp với hoàn cảnh tấn trò. Diễn trò giỏi là người hiểu sâu sắc các trình thức sân khấu và thả sức sáng tạo theo những sườn mẫu đó. Sân khấu lấy cuộc đời làm cơ sở hạ tầng. Cuộc đời lại bảo cơ sở hạ tầng của nó là sân khấu. Trong đời sống, chẳng thấy ai vác gậy đi hỏi vợ. Mùa Xuân là mùa giao duyên và sinh nở khắp đại tự nhiên. Trong mùa này, không biết gậy gộc biến ráo đi đằng nào, cấm có thấy hẳn. Tuy chỉ là tạm thời, nhưng có lẽ vì thế, Xuân là mùa đẹp nhất trong năm.
Trong bể khổ, ta bao giờ cũng là người viết kịch bản trình diễn cho chính mình. Nếu ta bị móm, kịch bản sẽ chỉ định: Nét mặt luôn nghiêm nghị lạnh lùng. Nếu ta có bộ răng đẹp, kịch bản lại ghi: Không ngừng tươi cười thân ái. Về việc này, tuy chẳng thể nói ra, nhưng ai cũng tự cho rằng mình đã thành công, đôi khi còn xuất sắc; còn những bạn trò khác vẫn có vô khối chỗ vụng đến nực cười.
Cứ suy từ ta cũng thấy: Ngày cha mẹ còn sống, chỉ mải mê những việc cống hiến cho xã hội, sao nhãng việc chăm lo, phụng dưỡng các cụ. Sao lại thế ? Bởi thực ra, ta khá láu cá, biết được cái sao nhãng ấy chỉ xảy ra ở trong nhà; nhà lại có tường, tường có đặc tính vật lý cách âm và cách quang khiến người ngoài không thể nghe thấy, không thể nhìn thấu nên chẳng thể biết, và vì vậy: ta vẫn là một người bình thường. Khi chẳng may các cụ lâm bệnh, tất có anh em ruột thịt đến ân cần lo lắng, tất có người quen đến thăm hỏi, quan tâm. Phải kịp thời có những dấu hiệu tình cảm cần thiết. Vậy là ta thể hiện, ta kể lể, ta than thở, ta xót xa, ta cảm động, ta phiền não một cách hiếu thuận; các anh em ta cũng như ta, và thế là một cuộc cạnh tranh lành mạnh diễn ra, hơi ồn ào nhưng thực tiễn khách quan. Thực tiễn khách quan là để các khách quan thực tiễn. Người đắc lợi vật chất và luôn thở dài ở đây là cha mẹ ta. Bạn bè, những người quen biết của gia đình là công chúng. Công chúng không đắc lợi nhưng vẫn cảm động mà xã luận và cổ võ anh em ta, trừ thiểu số vài ba người mặt mũi lạnh tanh, trông thực đáng ghét, chỉ mở miệng khi cần đưa ra những góp ý không cãi được. Thực ra, không chỉ khi các cụ khoẻ mạnh, lúc các cụ đau ốm ta vẫn mải mê cống hiến cho xã hội.
Ta là người tự biết mình. Ta cũng biết, muốn được bền vững, chẳng có gì bằng nghệ tinh. Không xay được lúa thì phải khẳng định mình ở công việc khác: Ẵm em chẳng hạn. Ẵm em cốt lấy chữ nhẫn làm trọng. Ẵm em lâu ngày thì khéo chiều trẻ, thì giọng à ơi trở nên du dương mượt mà và được vét bột trong xoong nhỏ, mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu, thỉnh thoảng lại được đi xích lô che bạt.
Trong cơ quan, hiện thời ta là người chưa ai có thể thay thế được khi cần chế ra những báo cáo định kỳ. Xếp của ta, tuy không nói gì, nhưng nhìn nét mặt nghiêm nghị chí công của người, ta biết ngài đã rất hài lòng. Trong các văn bản báo cáo đó, ta sáng kiến ra cách ghép trạng từ quyết liệt sau chữ chỉ đạo để thể hiện cường độ và thái độ xử lý công việc của xếp; ta dùng cụm chữ đồng loạt ra quân để thể hiện không khí triển khai công việc và ý chí như một của mấy chục con người; ta cũng chẳng ngại ngùng gì nếu dùng cụm phương thức tối ưu nhất để thể hiện trí lự siêu phàm của người quản lý. Để khẳng định mức tăng trưởng của công ty, ta nhất định phải chọn cụm từ nâng lên một tầm cao mới thay vì những con số định lượng rầy rà, đầy bất trắc mà vẫn phù hợp quy luật biện chứng vòng xoắn ốc. Có người góp ý ta sao lại dùng những chữ như quyết liệt, ra quân … nghe nó “đánh nhau” và “tiêu diệt” thế nào ấy. Ta chỉ cười, tìm bản có chữ ký của sếp đã đóng dấu đỏ, đem photocoppy, trang trọng tặng người ấy một bản. Việc này hình như có vi phạm nguyên tắc bảo mật và khiến xếp kém vui.
Khi có thượng cấp long trọng xuống thăm cơ quan, ai là người được giao đứng ra chuẩn bị kính tiếp ? Thì vẫn là ta. Ta vẫn luôn là người từng trải, biết việc và “EQ” đầy người. Chỉ bất mãn một nỗi, khi đọc Vàng lửa, đoạn vua đi săn, thấy cha Nguyễn Huy Thiệp nạp vào miệng đức chí tôn một câu chửi tục: “Khanh biết không, cái lũ chó ấy, chúng nó chuẩn bị cả rồi, chỗ nào trẫm đi qua thì chúng thả thú ra”. Cha Thiệp là đồ cú vọ bắt chuột, là đồ mồm miệng độc như thuốc kháng sinh trong nhà thương làm phúc ! Hắn bảo kẻ bị nhục mạ là vua. Đấy chẳng qua là tự hắn nghĩ ra thế. Kẻ biết nhục thì chỉ có thể đánh bạn với thảo dân, chỉ có thể - cùng lắm - là đồng chí của thảo dân. Cũng còn phúc cho ta: Đội ngũ những người đọc sách trong thiên hạ ngày nay hình như có thưa đi nhiều.
Cứ bảo Phương Tây là khôn là giỏi, nhưng chắc gì ? Họ thừa biết chi phí cho một phút phát hình là phải trả bao nhiêu. Vậy mà, không hiểu sao, lại lôi cả chính vụ tổng thống của mình lên tivi để điều trần về những chuyện vô cùng tầm phào phất phơ như dùng nhầm tàu bay của nhà nước hoặc chuyện cờ bạc giai gái gì đó … Tốn kém đã đành, lại làm mất thể diện quốc gia, tổn thương quốc sỉ, mà vẫn mang tiếng là ngu dại, vạch áo cho người xem lưng. Lưng phơi ra cho người ta xem là lực sỹ Sumô phơi bụng trên sàn đấu trước mặt bàn dân thiên hạ. Đâu phải bạ cái gì cũng đem ra trình diễn được. Có thể tục ngữ bên ấy không có câu: “Xấu chàng hổ ai”; có thì họ đã chẳng “khôn nhà dại chợ” đến mức như vậy.
*
Có một người nhờ thày làm lễ lên đồng để nói chuyện với người cha đã khuất. Khi vong nhập, người ấy hỏi vong:
- Cha ơi, tại sao con bị khổ nhục; bạn hữu với láng giềng coi thường, xa lánh ?
Vong phán:
- Bởi con lười suy nghĩ, ưa bắt trước, mải a dua xu vọng và say mê cái tù túng.
- Cũng chả sao – Người ấy tự ái, bướng bỉnh cãi lại.
Vong nói tiếp, giọng buồn bã:
- Con còn áp chế con dâu và các cháu của cha cũng phải sống theo ý con. Như thế đâu phải là kẻ mạnh, người đàng hoàng. Khoai lúa không mọc lên từ quả thụi. Tiếng hát không cất lên từ gậy gộc. Khoai lúa chỉ mọc lên từ đất, mồ hôi và tiếng hát. Quả thụi, gậy gộc chỉ làm mọc ra những băng đảng xã hội đen quanh năm lấm lét thì thụt và những nấm mồ lạnh lẽo. Bầu trời rộng lắm và chẳng của riêng ai. Đừng tự tiếp tục biến mình thành kẻ khôn nhà dại chợ, hàng xóm người ta cười cho. Thôi, con về đi.
Nghe cha nói, người ấy thấy tâm động đến lạ lùng. Về nhà nhớ lại, ngẫm nghĩ, đau đớn vật vã suốt mấy tháng trời. Sau nhiều đêm không ngủ, anh ta quyết định tự vật lộn với chính mình để làm theo lời cha dặn. Cuối năm ấy, anh ta lại đến nhờ thầy làm lễ.
- Cha ơi, cuộc sống của chúng con bây giờ khá hơn nhiều rồi.
- Phải ! Cha rất vui khi con đã biết nói hai tiếng chúng con !
- Cha có thiếu thốn gì không ?
- Có.
- Thưa, thứ gì ?
- Sách.
Người ấy về mua sách đặt lên bàn thờ, thắp hương cúng cha. Người đời thấy thế, cười chê anh ta là trình diễn, là thể hiện, là rởm đời, và, tóm lại, là cám hấp rách chuyện. Anh ta ngượng, nhưng vì thương kính người cha nên không thể không làm. Mỗi lần thắp hương dâng sách cho cha xong, anh lại xếp sách sang một bên. Thời gian sau, chồng sách đã cao quá khung ảnh thờ. Lúc đầu là một chồng, sau thành hai, rồi ba bốn … Nhận thấy làm như thế thì tốn kém quá, đâm tiếc của, bèn lấy từng quyển ra đọc. Từ chỗ “Cái-ta mất tiền thì cái-ta phải ăn thôi !”, dần dà anh ta thấy những điều viết trong sách cũng không phải là tồi, sau lại thấy hay hay, rồi đâm thích thú; rồi từ thích thú chuyển sang say mê lúc nào không biết. Và cuối cùng cái sự say mê ấy, lâu ngày, bén sang cả vợ và các con; kiểu bén lửa của than lim. Người vợ liền đi mua một cái tủ bằng gỗ gụ để đựng sách. Anh thấy hài lòng, nhưng vẫn lập nghiêm trêu vợ:
- Sao mình lại xa xỉ, tốn kém thế ? Cái tủ đựng quần áo, nhà mình đã sắm được đâu !
Người vợ thủng thẳng:
- Sách quý lắm, phải giữ gìn để cho các cháu nội ngoại sau này chúng nó còn đọc.
- Có mấy tờ giấy bọ ! Đem bán cho bà hàng xôi liệu được mấy ngàn một cân, quý ở chỗ nào ?
- Là nói ở chỗ những cái người ta viết trong ý ấy chứ …
- Nó thế nào ?
- Đã hay, lại sáng !
- Hay, sáng thế nào ?
- Làm theo được những cái nói trong sách thì chả thành người tử tế sao ?
- Điều gì ? Mình thử lấy một ví dụ tôi xem !
- Gớm, bố em dạo này lại tái nóng tính, bắt bẻ quá đấy ! Để em nhớ lại đã … không được đúng như in đâu, ví dụ … như là … Nếu bàn tay phải làm được việc tốt thì đừng để cho bàn tay trái biết.
NLT