Do sự hẹp hòi của vương triều và các nhà sử học thời đó nên Trần Thủ Độ không được ghi chép bao nhiêu. Chúng tôi về làng Phương La, tên tục là làng Mẹo để ghi hình quê hương Đại vương Trần Hoằng Nghị. Trần Hoằng Nghị là thân sinh Trần Thủ Độ. Theo sách Hoằng Nghị đại vương thì Họ Trần đầu tiên cư trú tại Đông Triều sau chuyển sang Tức mạc Nam Định ( Đời cụ Trần Kinh). Con cụ Trần Kinh là Trần Hấp làm nghề chài lưới, do cứu được ông thày địa lý nên ông trả ơn tìm đất tốt đặt mộ. Trần Hấp chuyển mộ bố từ Tức Mạc sang để tại Tam Đường , Hưng Hà Thái bình. Cụ Trần Hấp sinh ra hai cụ Trần Lý và Trần Hoằng Nghị. Cụ Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung…Trần Thừa sinh ra Trần Cảnh và chính ông lên ngôi vua khi mới 8 tuổi, bất đầu triều đại nhà Trần lừng lẫy. Có chú họ là Trần Thủ Độ chỉ bảo và tham mưu nên nhà vua thiếu nhi đã làm tốt công việc trị vì đất nước.
Cụ Trần Hoằng Nghị sinh ra Trần An Quốc, Trần Thủ Độ. Tại làng Mẹo mộ Đại vương Trần Hoằng Nghị vẫn còn giữ được. Làng Phương La có nghề dệt từ xa xưa. Đi trong làng tiếng máy dệt âm vang như gõ nhịp. Làng Phương La đã từng dệt gấm, dệt lụa cho triều đình. Làng Phương La là làng tỷ phú của tỉnh Thái Bình. Hiện nay hàng dệt của Phương La xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới. Bây giờ ai cũng nhớ câu ca xưa: Lụa là lụa ở Phương La / Kinh kì xưa vẫn thường qua nơi này.
Tại ngôi mộ của Trần Hoằng Nghị đại vương bây giờ là một ngôi đền nguy nga cao ngất bốn năm tầng tháp. Phía hậu cung ngôi đền là mộ Trần Hoằng Nghị đại vương. Có lẽ lăng này vào loại to nhất nước ta. Công trình chưa xong, đang vào giai đoạn cuối. Hôm chúng tôi đến đại diện họ Trần từ nhiều huyện tỉnh Thái Bình về dâng hương. Bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện Hưng Hà cũng về dâng hương.
Toàn bộ công trình này chắc nhiều tỷ đồng. Ông Trần Văn Sen là tộc trưởng họ Trần Phương La, một doanh nghiệp làm ăn phát đạt đã tài trợ chính cho công trình này.
Trong khi chúng tôi đang lo ghi hình thì có tiếng gọi: Trần Nhương. Tôi ngơ ngác không biết ai gọi mình. Rồi Ngô Xuân Thông hiện ra. Trời ơi tôi không ngờ gặp ông bạn từ hồi ở phòng Tuyên huấn Tổng cục Hậu cần. Chúng tôi cùng là cán bộ của phòng, tôi và Thông đều là dân viết lách. Ngô Xuân Thông hay viết kịch và nhiều vở đã được dàn dựng. Anh về hưu không ở Hà Nội, tút luôn về quê. Hiện anh thường tham gia giúp đỡ phong trào văn hóa văn nghệ và viết lịch sử địa phương. Hiện anh đang giúp họ Trần Phương La viết tóm tắt lịch sử để cho bà con đễ đọc, dễ nắm bắt. Tôi biết quê Thông ở Thái Bình nhưng không nghĩ chính làng La này.
Cũng tại đây tôi gặp lại một bác là fan hâm mộ. Bác tên là Vũ Khắc Cù. Bác rất yêu thơ và cũng sáng tác nhiều thơ. Năm nào vào ngày Thơ Việt Nam bác cũng vượt gần 100 cây số lên Hà Nôi dự ngày Thơ Việt Nam. Bác mang bức kí họa mà tôi đã vẽ bác năm 2006 và tập thơ Gió đang xoan tôi tặng bác năm ấy. Bác còn khoe tôi tấm ảnh bác chụp cùng Phạm Tiến Duật năm 2007. Đây là ngày thơ cuối cùng Phạm Tiến Duật có mặt. Tôi cảm động vì có những người yêu quý mình mà mình đâu hay biết.
Rời làng La tôi vui vì họ Trần nhà mình vào loại có công với nước. Con cháu hậu duệ họ Trần vẫn phát huy hào khí Đông A. Họ Trần ở Thái Bình làm được nhiều việc hữu ích, họ Trần Phú Thọ quê tôi chưa làm được gì nhiều.
Đạo diễn Minh Chuyên và kíp quay phim mải mê ghi không biết bao nhiêu hình ảnh về họ Trần tại huyện Hưng Hà. Tôi tin rằng bộ phim 2 tập về Trần Thủ Độ sẽ là bộ phim tài liệu quý, tôn vinh ông như một lời xin lỗi muộn mằn của con dân nước Việt.
Cuối chiều chúng tôi về qua huyện. Chánh văn phòng UBND huyện đã chờ tiễn chân chúng tôi .
Ảnh: 1- Đền thờ Trần Hoằng Nghị đại vương đang xây dựng
2- Ngôi cụ Trần Hoằng Nghị
3- Chụp ảnh với bác Vũ Khắc Cù fan của Trần Nhương