Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÔI NÉT SẮC THÁI VĂN HỌC HẢI PHÒNG

Nguyễn Thanh Tuyên
Thứ bẩy ngày 26 tháng 11 năm 2011 8:16 PM
       
Cửa biển Hải Phòng, thành phố Hoa Phượng Đỏ, nơi đầu sóng ngọn gió từ bao đời luôn phải gồng mình đối chọi với thiên tai, địch họa, hứng chịu bao vất vả gian lao. Ngay từ những năm 40 sau Công nguyên, vào thời Hai Bà Trưng, nữ tướng Lê Chân được giao trấn ải đất Hải Tần phòng thủ giữ vị trí tiền tiêu khu vực Đông Bắc. Trong lịch sử lâu dài đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc, đã hình thành nên một miền quê văn hiến vừa đậm đà văn hóa Việt vừa có sắc thái riêng độc đáo - Hải Phòng. Các thời đại đã để lại những kiến trúc đền miếu, đình chùa, đài tháp; những làng nghề, với nghệ thuật tạc tượng, múa rối nước, ca trù, hát Đúm, lễ hội chọi trâu... là những dấu ấn văn hóa đặc sắc giầu chất nhân văn, đã minh chứng điều đó.
        Trong quá trình phát triển của thương cảng và phố thị, Hải Phòng thành chốn hợp lưu, quần cư. Người tứ xứ tha hương tới đây trú ngụ góp phần hình thành nét văn hóa đa dạng, đan xen, tạo ra nét đặc thù phong phú, sinh động cho văn chương  xứ sở. Chính mảnh đất này đã nhen nhóm cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ tác giả, đã làm nên tên tuổi nhiều Văn nghệ sĩ. Hơi thở của vùng miền ăn sóng nói gió, đậm phong vị mặn mòi, giầu chất biển đã ùa vào trong tác phẩm của họ.
        Người Hải Phòng tự hào có nhiều Nhà văn Nhà thơ xuất sắc từng ở đây đã làm sáng danh cho Văn học đất nước. Ngay từ những năm 30 của thế kỉ XX , Thế Lữ mở đầu cho phong trào thơ mới. Trần Tiêu,  Khái Hưng khởi tạo một xu hướng sáng tác của Tự lực Văn đoàn. Rồi Văn Cao đa tài, Nguyễn Huy Tưởng sâu sắc ý nhị, Nguyễn Đình Thi lịch lãm, sang trọng...đều xuất phát điểm từ cửa biển này.
       Đặc biệt, Hải Phòng có một nhà văn gắn bó với những phận người cùng khổ lam lũ trong những ở ngõ hẻm, đường tàu, bến sông, bãi chợ, xóm thợ nghèo... và nhức nhối đau với từng nỗi đau của những thân phận khốn cùng - Đó là Nguyên Hồng. Hiện thực chua chát được phơi bày trong thiên tiểu thuyết Bỉ vỏ sắc sảo, tài hoa của ông ngay từ tuổi vị thành niên. Những địa danh, những khuôn mặt bần hàn của bao kiếp người xô giạt vào trong ông , giúp ông viết hàng loạt truyện ngắn và những bộ tiểu thuyết đồ sộ như Cửa biển, Sóng gầm, Cơn bão đã đến, Thời kì đen tối, Khi đứa con ra đời "... tới hàng chục ngàn trang in. Mồ hôi, nước mắt của Nguyên Hồng đã hóa thành tài sản Quốc gia .
        Đất Cảng còn là nơi góp phần nuôi dưỡng nhiều Văn tài khác. Thành phố Hải Phòng mãi mãi lưu giữ những kỉ niệm khó quên một thời từng sống, từng góp phần rèn giũa những cây bút như Nguyễn Quang Thân, Thanh Tùng, Nguyễn Khắc Phục, Chu Mười, Nguyễn Thụy Kha, Vân Long, Trung Trung Đỉnh, Lê Điệp, Tùng Linh...
Thành phố Hoa phượng đỏ luôn có sự kế thừa và phát triển. Tính đến nay Hội Nhà văn Hải Phòng có 123 hội viên gồm 81 tác giả thơ và 42 tác giả viết văn xuôi ( trong đó có 26 người đã là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam ).
        Một số nhà văn miệt mài lao động văn chương từ thời chống Pháp như Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Dậu, Mai Vui, Bùi Ngọc Tấn... Kế theo là lớp nhà văn thời chống Mỹ như Thi Hoàng, Trinh Hoài Giang, Đoàn Lê, Lưu Văn Khuê, Phạm Ngà, Nguyễn Thanh Toàn, Trần Lưu, Vũ Hiển, Vũ Châu Phối,Trần Quốc Minh, Trần tự, Nguyễn Thị Hoài Thanh...
        Sau 1975, Hải Phòng xuất hiện nhiều tên tuổi mới như Bão Vũ, Vũ Thị Huyền, Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn, Đồng Đức Bốn, Tô Ngọc Thạch, Phạm Xuân Trường, Hoài Khánh , Thúy Ngoan... Họ đã đóng góp đáng kể cho văn học thời kì đổi mới. Chỉ tính trong vòng 10 năm gần đây, các nhà văn Hải Phòng đã cho ra mắt trên 100 đầu sách. Bao gồm hơn 20 tiểu thuyết, hàng chục tập truyện ngắn và hơn 60 tập thơ. Nhiều truyện đã được dàn dựng phim nhựa, phim truyền hình. Qua thập kỉ đầu thế kỉ XXI Hội NV Hải Phòng  dành được trên 50 giải thưởng văn học các loại. Hầu như bất cứ cuộc thi nào các tác giả Hải Phòng cũng nhận được những giải thưởng. Nhà thơ Thi Hoàng được tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT. Nhà văn Bão Vũ được đề cử giải thưởng VH quốc tế ASEAN. Nhà văn Đình Kính được đề cử giải thưởng Nhà nước về VHNT.
 Do định mức thời lượng dành cho một tham luận, khuôn khổ bài viết này  không  tham vọng trình bày toàn cảnh Văn học Hải Phòng. Cũng thật khó điểm qua được những tác phẩm chính của các nhà văn, nhà thơ Hải Phòng góp phần làm lên diện mạo Văn học trong giai đoạn đổi mới. Chúng tôi chỉ xin nêu một số gương mặt tiêu biểu. Đó là các nhà văn, nhà thơ sau :
         - Bùi Ngọc Tấn : Văn ông có sức nặng và chiều sâu chắt ra từ hiện thực đất Cảng, từ những oan trái của số phận người. Ngòi bút của ông tinh anh, thâm hậu, trầm tĩnh . Truyện của ông hấp dẫn người đọc bởi sự dung dị mà hài hước hóm hỉnh . Ông mổ xẻ bóc trần cái xấu, cái ác, khao khát vươn tới cái thiện, cái đẹp ở cõi người. Nhiều tập như Viết về bè bạn, Người chăn kiến , Biển và chim bói cá... Mấy ai hay, ông vừa là tác giả vừa là nhân vật trong truyện. Sách của ông được dịch tiếng Anh tiếng Pháp và còn được tái bản nhiều lần.
         - Bão Vũ: Một kiến trúc sư lịch lãm, uyên bác. Hàng loạt tác phẩm phong phú về đề tài, văn phong sang trọng, trí tuệ và bay bổng như Thung lũng ngàn sương, Vết thương trong không gian, Hỗn hương, Ván bài tỷ điểm tử, ...với các tập truyện ngắn, tiểu thuyết: Mây núi Thái Hàng, Cánh đồng mơ mộng, Biển nổi giận, Hoang đường, Vĩnh biệt vườn địa đàng,…đã khiến Bão Vũ đã liên tiếp đoạt nhiều giải cao về văn học của báo Người Hà Nội, báo Văn nghệ, Hội Nhà văn VN. Tác phẩm của ông có mặt trong nhiều tuyển tập truyện hay của các nhà xuất bản uy tín. Một số tác phẩm của Bão Vũ được dịch ra tiếng Anh công bố ra nước ngoài, và nhiều truyện được đưa lên màn ảnh.
        - Đình Kính : Từng là lính hải quân, nên ông rất thành công trong khai thác đề tài chiến tranh. Ông truy tìm và nhận diện thương tổn chiến tranh, phát hiện những éo le thân phận cũng như những bi kịch nghiệt ngã sau cuộc chiến. Ông xúc động trước sự hy sinh thầm lặng của bao đồng đội mình. Ngòi bút sắc bén của ĐKcòn nghiêm khắc lên án sự tha hóa biến chất nhân phẩm của nhiều tầng lớp người trong giai đoạn kinh tế thị trường. Sức viết của NV ĐK rất nể phục. Biển Đông đã cuộn sóng trong 14 tập sách sách bao gồm tiểu thuyết, truyện, kí của ông như Sóng cửa sông, Đảo mùa gió, Biển trổ hoa vàng , Đi tìm dấu tích con đường ... NV ĐK nhiều lần được giải thưởng Văn học của Trung ương và Địa phương và hàng chục tập phim ông viết kịch bản được trình chiếu trên màn ảnh nhỏ. Có bộ phim được khán giả hồ hởi đón xem .
           - Thi Hoàng : là nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ. Ông thành danh ngay khi còn trẻ, nhưng chưa hề thỏa mãn với kết quả đã có mà luôn đổi mới thơ mình . Sự cách tân bền bỉ đã đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao đóng góp cho nền thi ca đất nước. Thi Hoàng kì công xây dựng hình tượng trong thơ và làm sang làm đẹp thơ bằng trau chuốt sáng tạo ngôn từ. Đọc trường ca Gọi nhau qua vách núi , Bóng ai gió tạt, Đom đóm và sao hay Ba phần tư trái đất ... ta thấy ông quan sát tinh tế, giàu suy tưởng và luôn bột phát những suy nghĩ xuất thần. Thơ TH mang tầm tư tưởng thời đại và chứa đựng những triết lí bền vững. Ông thật xứng đáng với giải thưởng Văn học cao quí mà nhà nước trao tặng.
        - Đồng Đức Bốn : ( đã mất ) được gọi là Thi sĩ đồng quê bởi lục bát là bản năng của ông . Đồng đức Bốn mang chất quê, ngông ngạnh nhưng biết kế thùa xuất sắc đỉnh cao của thể thơ mang hồn cốt Việt lại hiện đại hóa nó bằng vốn từ vựng không quá giàu có của mình.Tài hoa của một người được công nhận bởi làm ra những câu lục bát lấp lánh từ ngôn ngữ dân dã,quê kiểng. Phải nói DĐB là người bẩm sinh lục bát nên nhiều câu nhiều cặp thơ độc đáo biến ảo,ma mị, mà triết lí ....bật ra bâng quơ như mơ. Những câu thơ ngắn ấy DĐB đã in vào tri nhớ, phải lòng biết bao công chúng . Một cuộc đời thơ không dài nhưng TG để lại tới 600 bài thơ thì thật đáng khâm phục.Ông là niềm tự hào cho văn học quê hương.
         - Mai Văn Phấn ; nơi chôn rau cắt rốn của ông tận Kim Sơn Ninh Bình,nhưng thơ có hồn biển trong gió lộng và cánh sóng Hải Phòng. Sau thời kì đầu làm thơ ghi lại cảm xúc bằng những thể thơ truyền thống , ông mạnh dạn rẽ ngang đi tìm hướng mới cho riêng mình. Ông dồn nhiệt huyết thể nghiệm thơ , quyết liệt phấn đấu trọn vẹn ý tưởng đổi mới thi pháp.Và MVP đã thành công .thơ ông thường không vần điệu, ít nhịp phách.hiệu quả ngôn ngữ phát huy cao  nhờ vào tài bố cục và sắp xếp từ vào nhưng dạng thức khác nhau. trong không gian nhiều chiều.Nhưng điều trên nói được quá ít ỏi về MVP, tuy vậy Hải Phòng 5/2011 có một cuộc hội thảo lớn về ông, đã đách giá  thấu đáo đóng góp tác giả với Văn chương hiện đại của đất nước. Đọc thơ ông vẫn không dễ, đòi hỏi ngiền ngẫm và dành nhiều thời gian. Mọi người hãy tìm đến 467 trang trong tập Thơ tuyển MVP đẻ tiệm cận và suy gẫm, đúc rút chắc chắn sẽ tìm ra nhiều điều bổ ích lí thú. MVP vào DĐB đã tạo ra hiện tượng Văn học cho đất Cảng Hải Phòng.
          Còn có thể kể ra nhiều tên tuổi góp phần làm nên diện mạo đặc sắc của văn chương Hải Phòng như Hồ Anh Tuấn, Phạm Ngà, Lưu Văn Khuê, Kim Chuông, Vũ Thị Huyền, ...lại có nữ sĩ đa tài như Đoàn Lê đã thành công trên nhiều lĩnh vực như văn học, điện ảnh và hội họa. Nhà  văn, dịch giả Ngọc Châu đã có hơn chục đầu sách dịch, thơ, truyện viết thiếu nhi, truyện ngắn đặc sắc. Đặc biệt nhà thơ Trần Quốc Minh yếu đau nhưng đã viết về Hải Phòng với 1700 câu trong trường ca Gió thổi từ biển. Hay nhà văn Nguyễn Dậu có 30 đầu sách, nhưng những ngày lâm bệnh cuối đời vẫn run rẩy viết để lại 100 trang bản thảo cho cuốn tiểu thuyết dang dở về Hải Phòng nơi ông đã sống. Sự lao động nghệ thuật của họ thật đáng cảm phục.
Nếu chỉ nói kĩ về những nhà thơ nhà văn đã thành danh sẽ là rất thiếu sót, mất cân xứng so với sự lao động âm thầm của hơn 100 hội viên HNV  TP. Song, tôi chỉ xin điểm danh tên tuổi họ dựa theo cuốn Văn học Hải Phòng qua các giải thưởng. Ta gặp Phùng Văn Ong, Vũ Hoàng Lâm, Vũ Quốc Văn, Nguyễn Thị Tuyết, Đoàn Thị Tảo, Nguyễn Đình Di, Lưu Đình Hùng, Nguyễn Phước Giang, Trinh Thi Giang, Hoàng Thiềng Nguyễn Đình Kiên, Minh Trí, Tất Hanh, Dương Thị Nhụn, Vũ Anh Xuân, Công Nam, Anh Thơ,Nguyễn  Hồng Văn, Nguyễn Thanh Tuyên...
 và những tên tuổi khác đã có thành quả, đang tiếp tục say sưa với nghiệp viết, mong cống hiến tài năng cho Văn học thành phố cảng nói riêng và Đất nước nói chung trong giai đoạn mới.
         Hải Phòng có bề dày lịch sử đẹp đẽ sẽ sang trọng hơn lên nhờ những người cầm bút và LĐ Nghệ thuật. Những văn nghệ sĩ chân chính thật sự tự hào khi góp phần điểm tô màu sắc rực rỡ cho mỗi cánh phượng đỏ của một Hải Phòng đang mở cửa hội nhập với cả nước và thế giới.

 Ghi chú :  Bài viết tham gia cuộc Hôi thảo ' Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong VHNT " của 8 tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Giang tổ chức tại Thành Phố Ninh Bình ngày 24/ 11/ 2011.