Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÂU CHUYỆN LỠ ĐƯỜNG ĐÊM GIAO THỪA HAY...

Trần Huyền Nhung
Thứ năm ngày 17 tháng 11 năm 2011 8:45 PM

“Chuyện trong đêm giao thừa” là truyện ngắn của Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, đăng trên tạp chí Văn nghệ Phú Yên (Tháng 1/2011, tr.25) mà tôi vô tình đọc được trong một đêm trăn trở, thao thức tại Bình Định. Trang văn của Huỳnh Thạch Thảo cứ làm ám ảnh tôi bởi cuộc đời, số phận của các nhân vật trong truyện. Đọc xong truyện ngắn, tôi cứ suy nghĩ mãi … rồi đây, cuộc đời của anh Tam Mèo, của Gã Hạnh… sẽ đi về đâu giữa cuộc sống trần gian chật hẹp này?
        Câu hỏi mở đầu cho truyện ngắn : “ Bạn đã từng bị lỡ đường trong một đêm cuối năm chưa?”. Chắc hẳn có rất nhiều người đã từng có tâm trạng như Huỳnh Thạch Thảo. Và tôi cũng đã từng ở tâm trạng như thế. Phải chăng đó là lý do “chuyện trong đêm giao thừa” cuốn hút tôi ngay từ tiêu đề cho đến câu hỏi mở đầu ấy. “Lúc ấy hẳn rằng nó sẽ khác xa những đêm bình thường bởi trong đầu của mình xuất hiện vô vàn những ý nghĩ đan xen, trong ấy mấu chốt nhất là được ở bên gia đình với những gì thân thuộc của một đêm cuối năm” (hết đoạn trích). Đúng vậy, cảm giác “nôn nao” và sự mường tượng cảnh đón giao thừa của gia đình tôi ở miền Bắc thật khó tả trong cái đêm giao thừa lỡ đường ấy tôi đang đi đoạn đường thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mong cho thời gian từng giây, từng phút chậm lại để tôi được về sum họp bên gia đình trong đêm giao thừa. Nhìn kim đồng hồ, thời gian cứ trôi đi không chờ đợi một ai, nghe tiếng pháo hoa nổ đì đùng làm sáng rực cả một bầu trời Thành phố Quãng Ngãi, xe thì bị sập ổ gà, xẹp lốp, tôi và người bạn đi chung đành phải dừng lại ở Quãng Ngãi đón giao thừa. Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo đan xen cả những cảm nhận rất giàu cảm xúc. Cốt truyện không có gì mới mẻ, tuy nhiên lối tự truyện ấy gây trường liên cảm mạnh mẽ trong lòng người đọc, bởi cảm xúc chân tình, ngòi bút mang đậm tính nhân văn. Không chỉ những người bị lỡ đường trong đêm giao thừa mới cảm nhận được trên từng minimet trang văn của Huỳnh Thạch Thảo, mà tôi nghĩ rằng bất cứ ai đọc “Chuyện trong đêm giao thừa” đều cảm nhận được cái tình của người viết. Từ cảm xúc ban đầu của tâm trạng, Huỳnh Thạch Thảo cảm nhận được xung quanh mình dường như thiên nhiên, tiếng người, tiếng xe cộ… cũng trở nên vắng vẻ đến “cô tịch” trong đêm giao thừa lỡ đường.
         Truyện không có tình huống bất ngờ, giọng kể của nhân vật “Tôi” cứ nhẹ nhàng, lan tỏa. Có phải chất văn đằm thắm ấy là điều làm quyến rũ một người đọc “ngoại đạo” như tôi? Câu chuyện xoay quanh tâm trạng của nhân vật “Tôi”, rồi cuộc đời, số phận của anh Tam Mèo, của vợ chồng gã Hạnh, của một thầy thuốc buôn cao mèo. Trong một chuyến lỡ đường để thực hiện bài phỏng vấn đầu năm, nhân vật “Tôi” đã gặp phải sự cố xe bị xẹp lốp giữa đường rừng núi, “điện thoại thì hết pin, mà nếu có trên đèo cũng không có sóng”. Trên đoạn đường rong ruổi ấy, “Tôi” đã gặp được Tam mèo chỉ đường đi đến nhà Gã Hạnh để sửa xe. Khi “Tôi” tìm được nhà gã Hạnh rồi thì cũng là lúc giao thừa đến. “ Giao thừa ở nơi đèo heo hút này quả là lạnh, lạnh từ trong ra ngoài cơ thể. Không gian tĩnh mịch đến cả tán cây cũng không lay động và sương phủ tràn kín. Gã Hạnh thong thả đốt bó hương cắm lên bàn thờ rồi bước ra sân vái tứ phương tám hướng. Nhang đỏ lập lòe trong tiếng chó sủa phía xa, nơi có người cũng mừng năm mới” (hết trích đoạn). “Tôi” đón giao thừa tại nhà Gã Hạnh bằng vài ly rượu của một kẻ lỡ đường gặp được người bạn tốt. “Tôi” lắng nghe chuyện cuộc đời của gã Hạnh một cách say sưa. Số phận đã đưa đẩy vợ chồng Gã từ Thái Bình trôi dạt đến vùng đất mới này được 10 năm. Gã Hạnh làm đủ nghề đốt than, bán củi, vá xe, săn bắt mèo, thú… để kiếm sống. Cuộc gặp gỡ giữa gã Hạnh và Tam Mèo cũng chỉ là tình cờ. Tam Mèo làm nghề cướp đường. Trong một lần gã Hạnh bị Tam Mèo chặn đường cướp, nhưng gã chẳng có gì, chỉ là kẻ khốn cùng như Tam Mèo. Gã đã khuyên Tam Mèo bỏ nghề cướp và Tam Mèo đã nghe. Gã Hạnh cùng Tam Mèo bẫy chồn, cheo, mèo để bán cho những quán nhậu. Sau đó có một thầy thuốc đông y, người bà con của vợ gã Hạnh muốn cùng hợp tác với Gã và Tam Mèo đi bẫy mèo để nấu cao. Lợi nhuận chia ba, nên Gã Hạnh đam mê làm để có đồng tiền sinh nhai. Nhưng ở đời “của rừng thì phải trả rừng” như Gã Hạnh  nói, Gã đã cảm thấy rùng mình trước việc làm giết chóc mèo để nấu cao, cả những con mèo đang mang thai cũng giết. Chuyện không may đã đến, vợ Gã Hạnh mang thai, Gã thôi không muốn săn bẫy mèo để nấu cao nữa. Nhưng vợ Gã đã không qua khỏi trong lần sinh nở ấy. Hai mẹ con đã chết ngay trên bàn phẫu thuật vì vợ Gã mang thai ngược. Gã Hạnh cho rằng đó là “trời đầy” mang quy luật nhân – quả ở đời.
       “ Chuyện trong đêm giao thừa” không chỉ là việc kể lại chuyện “lỡ đường” của Huỳnh Thạo Thảo, mà còn là câu chuyện về cuộc đời của những con người mà Nhà văn tai nghe, mắt thấy. Qua câu chuyện lắng nghe, ta còn gặp được tiếng lòng đồng cảm sâu sắc của Huỳnh Thạch Thảo đối với từng mảnh đời bất hạnh trên đường đời anh gặp.   Khoa học là tiếng nói của lý trí, văn học là tiếng nói của tình cảm. Tình cảm và lý trí phải kết hợp với nhau, gắn bó hữu cơ với nhau. Trái tim có rung động, khối óc mới được thông suốt nhuần nhuyễn. Ta hiểu vì sao mà “chuyện đêm giao thừa” của Huỳnh Thạch Thảo lại làm trái tim mình xúc động đến thế. Ta cũng hiểu vì sao văn học nghệ thuật nói chung lại trở thành một “cuốn sách giáo khoa của cuộc sống”( Secnuseppxki), trở thành nguồn suối tắm mát  tâm hồn người đọc đến thế. Trang văn của Huỳnh Thạch Thảo rất nhẹ nhàng, có phải là một cái gì cao siêu, thần bí đâu, nhưng hiện lên gương mặt của cuộc sống quanh ta rất chân thật, làm ta suy nghĩ nhiều đến những số phận như Gã Hạnh, Tam Mèo… còn vất vưởng trong xã hội.
           Họa sĩ Ruskin nói rằng: “ Nghệ thuật- đó là sự mô phỏng của tự nhiên”. Tuy quan điểm đó không hoàn toàn đúng, nhưng ta thấy trang văn của Huỳnh Thạch Thảo cảm xúc rất tự nhiên mà hiếm có nhà văn nào bình luận xen lẫn cảm nhận trong lối viết truyện ngắn. Điều này ta thấy rõ ở  lối viết “Chuyện trong đêm giao thừa” của Huỳnh Thạch Thảo như đã dẫn và nói ở trên. Chính vì thế ta cảm nhận được dấu ấn riêng trong sự sáng tạo của Huỳnh Thạch Thảo. Đấy chính là phong cách, đặc điểm quan trọng để ta nhận ra Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo qua tác phẩm của Anh.
      Truyện ngắn là một trong lĩnh vực rộng lớn của văn học. Mỗi Nhà văn để có một phong cách nổi bật thì họ đều phải có một chất giọng riêng biệt. Không có một người nào đã từng theo dõi văn học nước nhà mà không biết đến dáng đi “ngật ngưỡng” trong cơn say và gương mặt lằn dọc của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Với Huỳnh Thạch Thảo “Bên dòng sông Ba hạ”, người theo dõi tình hình văn học sẽ hoài niệm về tình cảm với quê hương, nơi “chôn rau cắt rốn” của mình. Vẫn là những trang văn giàu cảm xúc trữ tình mà tôi nhận ra, như Nhà Văn Nguyễn Hoàng Sơn nhận xét: “ Bên dòng sông Ba hạ , tác giả làm cho người đọc có cảm giác ra khỏi căn phòng nhỏ bé , đến với cuộc đời mênh mông”
          Con người không chỉ vĩ đại với tầm vóc của mình trước vũ trụ. Riêng tấm lòng của Huỳnh Thạch Thảo ở “ chuyện  trong đêm giao thừa” đã mang tầm vóc của tình người bao la, mà chỉ có những người đã từng lắng nghe câu chuyện trong đêm giao thừa đó mới cảm thông được sâu sắc từng mảnh đời bất hạnh được như thế ! Từ những suy nghĩ của Nhà văn trong đêm giao thừa ấy, mà tiếng vọng khao khát một sự cảm thông, một tấm lòng nhân văn đã vọng từ trang sách ra ngoài đời, để đến với người đọc, đến với tôi hôm nay và mai sau…
        Gía trị nhân văn trong ngòi bút của Huỳnh Thạch Thảo còn hướng tâm hồn con người vươn tới nét đẹp “Chân- thiện- mĩ”. “Chuyện trong đêm giao thừa” thuộc truyện không cốt truyện, lối tự truyện của nhân vật “Tôi” cứ trôi theo cả những dòng cảm xúc từ bản thân tới cuộc đời của người khác. Cái chết của người thầy thuốc nấu cao mèo, sự ra đi vĩnh viễn của hai mẹ con - vợ Gã Hạnh là điều làm nhức nhối tâm can Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo. Bài học về sự trả giá cho quy luật nhân quả ở đời cũng là điều Nhà văn quan tâm ở thiên truyện này. Âu cũng là số phận của một đời người ! Tôi tự động viên những nhân vật trong truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo như thế. Nỗi đau của Gã Hạnh mất vợ, mất con chính là nỗi lòng của Huỳnh Thạch Thảo về thời đại, về kiếp người. Nhà văn mong muốn cho lối sống của con người được hoàn thiện hơn, để vươn tới sự sống tốt đẹp. “Những điều trông thấy” của Huỳnh Thạch Thảo , dẫu “đau đớn lòng” nhưng vẫn là đòn bẩy nhận thức, nghĩ suy của con người khi đối diện với lương tri.
        “ Chuyện trong đêm giao thừa” của Huỳnh Thạch thảo dẫu buồn, nhưng giúp người đọc không thể hờ hững trước nỗi bất hạnh của nhân loại. Tình cảm đối với Gã Hạnh, với Tam Mèo, với thầy thuốc… đã được Huỳnh Thảo gửi gắm ở “Chuyện trong đêm giao thừa” một cách thầm lặng đến xúc động. Số phận, cuộc đời những con người ấy cần được sẻ chia,  cần được cảm thông, cần lắm một tiếng lòng đồng vọng… Và trang văn của Huỳnh Thạch Thảo đã cất lên tiếng nói nhân văn để đến với hàng vạn con tim đang sống. Xin chân thành chia sẻ với “chuyện trong đêm giao thừa” của Huỳnh Thạch Thảo và tấm lòng của người viết bài này đến với những cuộc đời “bèo dạt mây trôi” qua tiếng lòng đồng cảm của Nhà văn.

Quy Nhơn, đêm 11/11/2011

 T.H.N