Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẢN MẠN QUA BÀI THƠ VIẾT Ở SÂN BAY

Nguyên Hải
Thứ năm ngày 17 tháng 11 năm 2011 8:58 AM
 
 
VIẾT Ở SÂN BAY
Bao nhiêu… cũng bỏ lại rồi
Ta mang thả nốt rối bời vào mây
Một mai quên biệt những ngày…
Lại thương phút trái tim gầy đi hoang.
  
Trần Mai Hường


Lang thang vào không gian ảo, hiển thị trên màn hình già nua, lướt  qua những trang web, được đọc hai cặp câu lục bát  của tác giả Mai Hường với tựa đề “VIẾT Ở SÂN BAY”. Bỗng nhiên đèn hình như sáng hơn, hay mắt mình sáng hơn, mà lòng người đọc thì lặng lặng chùng xuống, trong tâm trạng lãng đãng với một chút ngậm ngùi, một chút thương cảm, một chút ray rứt cho thân phận, tâm tư, tình cảm trong cuộc sống của từng con người.

Hầu hết thơ Mai Hường được gói trọn trong mảng thi-vị-hương-xúc, chia sẻ với tình yêu đôi lứa, tuổi chớm yêu, đang yêu, hay lỡ nhịp, gãy gánh, lệch pha trong đời sống vợ chồng. Mai Hường đã moi móc, đục khoét từng tia chớp, từng ánh nhìn qua hàng mi khép-mở, từng tiêu cự gần xa của cửa sổ tâm hồn để rọi thấu vào những góc khuất tình yêu đời thường vốn dĩ không nhiều lời. Rọi thấu vào ngõ ngách của trái tim bằng những ngôn ngữ trẻ trung bỏng môi, cháy lưỡi mà ngọt ngọt thanh quản. Những tứ thơ êm đềm, da diết ấm-lạnh, nồng nàn của sự yêu thương. Dù đôi khi trong đó có chút gì đăng đắng cay cay.
Cũng sở trường và bút lực này, nhưng văn cảnh, ngữ điệu của bài tứ tuyệt VIẾT Ở SÂN BAY, không biết vô tình hay hữu ý mà Mai Hường đã dẫn dắt người đọc, ngập trong trầm tư, sâu lắng của cuộc nhân sinh.

Bước chân vào cuộc thực hư, ai cũng tìm cho mình một cái gì đó… để đến khi đạt được thì họ hân hoan, phấn chấn trong niềm hạnh phúc, dù thành quả  ấy chỉ nhỏ nhoi, đơn giản bình thường, có khi là một cuộc tình, một kỷ niệm sâu lắng khó phai nhòa, một gia sản vừa đủ ấm thân, lửng bụng, hay một cơ nghiệp tầm tầm…một quan điểm sống, hoặc một mối quan hệ nào đó trong, ngoài huyết thống…. cũng phải trả bằng tâm lực, trí lực và ý chí bền bỉ vun đắp, bồi tô từng giờ từng ngày cho mong ước của họ được đơm hoa kết trái. Cái giá ấy có thể rất rẻ với người này nhưng rất đắt với người khác. Dường như với tác giả còn ray rứt hơn, đắt hơn với giá trị thực của những gì mà tháng ngày lặng lẽ cặm cụi đi qua trong đời. 
Rồi trong một hoàn cảnh hay tình thế nào đó họ phải xa rời những thành quả ấy, hẳn đó là sự đớn đau đến giới hạn phải thốt thành lời: “Bao nhiêu…cũng bỏ lại rồi”.
Tác giả viết cho chính tác giả hay nói hộ cho một mảnh đời nào, một cuộc tình nào, một nghịch lý nào?  Phải chăng “Bao nhiêu… cũng bỏ lại rồi”  đồng nghĩa với một bước ngoặt cuộc đời của chủ ngữ ẩn mình.
 Một ranh giới rất rõ ràng giữa quá khứ đang sắp qua và cái tương lai chưa biết ra sao đang sắp đến. Dù chưa biết ra sao nhưng cũng rất kiên quyết. Những gì còn vướng mắc hãy cố mà quên , mà đoạn tuyệt với rối rắm của hoàn cảnh, của tình thế hay của duyên và nghiệp, thời thế đẩy đưa. Không tiếc nuối gì, còn gì nữa mà thương tiếc, hay thương tiếc cũng không được gì nên thôi: “ Ta mang thả nốt rối bời vào mây”
“Đương sự” vô hình trong bài VIẾT Ở SÂN BAY không tháo chạy, không trốn tránh quá khứ, mà chủ động, dũng cảm đối diện với sự thật, hòa nhập vào thực thể chung quanh để tìm ra cái tốt đẹp hơn, dù có phũ phàng nhưng âu đó cũng là thực tế lãng mạn của cuộc sống vốn bao giờ cũng xuôi chiều để õng ẹo, phung phí, hay vật lộn, chạy đua với thời gian vươn tới ngày mai trong hy vọng tươi tắn hơn để rồi: “Một mai quên biệt những ngày…”
Hẳn là cái tương lai “một mai” của tác giả có gì vui thú hơn , hạnh phúc hơn thì mới quên biệt được tháng ngày… Lẽ thường trong cuộc sống trần thường vốn hay bảo quản, khâm liệm thời gian đã qua trong bảo tàng tâm thức, để còn phải bôn ba trong ba chiều không gian không có số đo, và chiều thời gian không điểm đầu, không điểm cuối.
Trong cuộc hành trình, có lúc ở một điểm dừng tạm nào đó, một dịp kỷ niệm nào đó, hay thanh thản trong một sớm mai hồng, thơ thẩn trong một chiều hoàng hôn khói sương bàng bạc, hay giam mình trong một ngày mưa, một cơn giá rét, một thoáng hiển hiện trong tâm hồn… người ta lại sực nhớ cái đã qua: “Lại thương phút trái tim gầy đi hoang”.
Trong vũ trụ bao la mà ta đang tạm tồn tại ở dạng thái con người, thì có trái tim nào không gầy, và ai là không đi hoang. Có ai không có một chút gì yêu thương… trong trái tim gầy. Yêu thương cái gì thì vun trồng cái ấy, càng vun trồng thì càng ham muốn, càng ham muốn thì trái tim càng gầy, và  càng gầy thì càng phải đi hoang để tìm và thỏa mãn thuộc tính ích kỷ vốn có trên cõi đời nầy.
Đâu dễ dàng gì để chọn nơi cho bước mở đầu, biết thời và điểm tối ưu cho nơi kết thúc.
Hai cặp lục bát trọn một tứ thơ, cô đọng như “ba chén còn tám phân”, vậy mà nó miên man đưa đẩy người đọc vào tận hang cùng ngỏ hẻm của thế thái nhân tình, của cuộc hiện sinh mà biên độ chu kỳ đúng - sai, nhặt khoan không còn được tự do tuân theo luật tự điều tiết của tự nhiên.
Đặc biệt trong tứ tuyệt lục bát VIẾT Ở SÂN BAY, không biết có phải tác giả sử dụng đại từ TA mang tính “vĩ mô” ?
Ước gì trong bài nầy, chữ TA được thay bằng một động từ, hay một danh động từ nào đó…để người đọc tha hồ vui sướng, bơi lội, lặn hụp, đắm chìm hay chết ngộp trong biển khát có và không.
         Nguyên Hải