Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VEN SÔNG CÓ MỘT NHÀ THƠ

Vân Long
Thứ tư ngày 26 tháng 10 năm 2011 5:08 PM

      Các nhà văn Hà Nội vừa vĩnh biệt nhà thơ Thanh Hào, một số phận kỳ lạ giữa thiên tai và địch họa chỉ trong vòng một năm, chứng nhân của sự sống không dễ bị khuất phục, đã vượt lên mọi hòan cảnh!            
-- Tên khai sinh: Nguyễn văn Hào, sinh ngày 3 tháng 3 năm 1931. Quê quán thôn Bắc Biên, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên TP Hà Nội. từ trần ngày 21 – 10 – 2011.
-- Hội viên Hội nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam   (1988).

 
    Tác phẩm chính: Thơ: Bóng mây(1978),Vườn nhỏ (1997,viết cho các em), Thơ với tuổi thơ (2002),Thao thức giao thừa ( thơ trữ tình (2002). Tùy bút, tản văn: Thú quê (1997), Duyên quê (1998), Lên chùa (1998), Bánh trái quà quê (tản văn, 2000).
Giải thưởng: Giải C Ủy ban thiếu niên nhi đồng tòan quốc. Giải Ba thơ lục bát, báo Giáo dục & thời đại. Giải tác giả cao tuổi Ủy ban tòan quốc các Hội VHNT VN. Giải Nhì cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi (NXB Kim Đồng).  
@   
  
 Ngày xưa…dẫu cũng chưa xưa lắm, có một bãi cát ở giữa sông Hồng   được gọi là Bãi Giữa. Phải bắt đầu bằng Ngày xưa, vì cái Bãi Giữa này đã trở thành… vô tăm tích, vì ngày nay đứng giữa cầu Long Biên, ta không thể thấy nổi một hạt cát, một ngọn cỏ của cái bãi hàng trăm mẫu đất trước đây lau sậy, cỏ bói mọc như rừng… Nó đã dâu biển ngay trước mắt người Hà Nội, nó lở dần, lở dần rồi…biến mất dưới đáy sông bởi một sức mạnh hung hãn bất khả kháng. Nhưng cái sức mạnh nhường ấy không chôn vùi được bao kỷ niệm của chúng tôi.
 Cái Bãi Giữa do sông Hồng bồi đắp lên tự bao giờ? Có lẽ phải tính tuổi hàng thế kỷ. Chỉ biết nhà thơ Thanh Hào vừa vĩnh biệt chúng ta đúng tuổi 80 đã tập đi những bước đầu tiên trên đất ấy! Ông đã thấy những cây bàng tày ôm ở sân trường tiểu học. Cụ thân sinh ra ông, người Bắc Biên, thấy cái Bãi Giữa thiên nhiên ưu đãi cho người nghèo nhiều thứ, nên rời hẳn sang đây. Thân cây sậy già thì không còn sợ mối mọt gì! Cỏ bói, cỏ gianh mặc sức mà cắt đem vào phố bán, lợp nhà, làm củi. Có năm, một gánh cỏ bói bán đi mua gần yến gạo. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, các cán bộ họat động nội thành còn dùng Bãi Giữa làm nơi ẩn náu, tiềm nhập từ ngòai    vào thành phố. Tên chữ của Bãi Giữa là Phúc Xá Trung Hà, ngăn cách với Phúc Xá Bắc Biên bên tả ngạn và Phúc Xá Tây Biên bên hữu ngạn bởi hai dòng chảy  của sông Hồng. Nó thực sự là một ngôi làng nổi trên mặt nước. Đứng giữa cầu Long Biên nhìn ngược lên phía Yên Phụ, nhìn xuôi phía nhà Bác Cổ, thấy xanh um những tre, chuối, đu đủ, ngọn cau vây quanh những ngôi nhà phần lớn còn lợp lá. Những vườn hoa, vườn rau vuông vắn điểm xuyết xóm làng như tấm thảm thêu. Bao quanh phía ngòai, sát mép sông là bãi ngô xanh mướt mát.
         Đó là địa điểm “giang hồ vặt” lý tưởng của chúng tôi. Muốn đổi không khí từ bụi bậm phố phường sang tĩnh lặng xóm mạc, chỉ vài bước chân. Lên cầu Long Biên, đến giữa cầu, đi xuống hơn chục bậc thang, có thể vác theo cả xe đạp, là chúng tôi được đằm chân lên cát mịn như nhung, đi giữa hai       hàng râm bụt vào những ngõ quê mà đáng ra phải đi hàng chục cây số ra ngọai thành chúng tôi mới gặp.
 Thời gian sau Giải phóng thủ đô (1954), chúng tôi thường hay sang nhà ông. Thiên nhiên hoang dã lúc này đã được thay bằng những ô vườn, ô xóm ấm áp tiếng gà nhẩy ổ, tiếng chào mào ngó nghiêng những chùm ớt chín .
     Nhìn nước da màu đất, gương mặt bị thời gian cày sâu từng vết, ai cũng nghĩ Thanh Hào là một lão nông thực sự. Hồi trẻ, học dở dang trung học, ông đi làm thợ sắp chữ cho nhà in. Hết sắp chữ cho báo Quê Hương, rồi  nhà in Xuân Thu, nhà in Ngô Tử Hạ. Rồi không biết có phải vì bực mình phải xếp chữ những thơ ca truyện ngắn ẩm ương cho các báo lá cải hồi ấy (Hà Nội 1952-54), ông cũng bắt đầu viết truyện ngắn, làm thơ.
Sau Giải phóng thủ đô, ông còn làm thợ ở nhà in Tiến Bộ đến 1964 mới về sống bằng vườn tược, nông nghiệp vùng đất bãi. Các bạn thơ yêu ông, yêu     hoa cỏ rất thường sang thăm. Sinh thời nhà thơ Nam Bộ Hòang Tố Nguyên, hai tay hai nạng vẫn đu từng bậc thang cầu Long Biên xuống Bãi Giữa, nhiều hôm ngủ lại nhà ông, chỉ để hưởng cái thú đêm trăng ngồi ở bãi sông uống ly rượu với bạn, đọc thơ, trò chuyện và cười…rung rốn (họ Hòang có cái bụng khá bự). Thời gian sau thì nhà thơ Quang Dũng, ông này chỉ thích ngô non vừa hái và món khoai lang đất bãi. Những bạn thơ thường sang “phá họai kinh tế vườn” của ông là Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Băng Sơn, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Hà…và tất nhiên tôi cũng là một chính phạm!
 Ngòai cái thú vườn tược, bạn bè còn được hưởng cả sự chân chất, hồn hậu của vợ chống chủ nhân. Thanh Hào nói thật chậm, cười thật hiền, có khi  câu chuyện vui đã trôi qua, mới thấy ông từ tốn đáp lại câu đùa ban nãy. Nhìn phong thái ung dung, chậm rãi, không ai ngờ ông đã trải qua những giờ phút kinh khủng không dễ có trong đời một người.
Gia đình ông là nạn nhân bom B52 hồi tháng Chạp 1972 ở Hà Nội.
Ông còn nhớ…đêm ấy, ông đang đứng bên cây cau giữa vườn nhìn về phía    Nội Bài, những chớp sáng loa lóa dầy đặc đầy trời, pháo cao xạ , tên lửa xé màn đêm. Cháu Tùng học lớp 9, con trai ông đứng bên kia cây cau cũng không  chịu xuống hầm. Thì bỗng…ục, như một trận động đất lớn, ông cảm thấy mình bị tung bổng lên không, chỉ kịp đưa hai tay ôm đầu theo bản năng khi bị rơi chúi xuống. Rồi đất rơi rào rào lên người ông. Ông hét lên “Tùng ơi! Con đâu rồi!”…Khi hất được lớp đất phủ lên người, ông hỏang lên: không biết bằng cách nào, cây cau bị nhổ bật rễ, văng ra xa hàng chục thước, còn cháu Tùng thì đang lổm ngổm bò dứoi hố lên. Hai bố con chạy về phía trước đó là căn nhà gỗ ba gian. Chỉ thấy một đống rui mè chồng chất bị đất phủ gần kín. Tai lùng nhùng còn nghe tiếng vợ ông từ dưới đống rui mè: “Tùng vào lấy cái xẻng ở bếp!” và tiếng cháu Tùng “Con chả thấy bếp đâu!’
Rồi hai bố con cứ thế bới bằng hai bàn tay tứa máu, vì dưới đống đổ nát kia là vợ ông và 3 đứa nhỏ. Ông bà mất hai đứa con trong trận bom ấy. Bản thân ông điếc một bên tai, bà vợ và hai cháu Tùng, Huyền thì, như một phép lạ, không hề thương tổn gì! Một sự lạ nữa: Mươi ngày sau, ông bới được một cây mai bị đất vùi, nhờ chiếc rui đỡ cho một khỏang trống, những chiếc nụ mai li ti vẫn âm thầm phát triển trong lòng đất không một giọt ánh sáng…Đưa lên mặt đất, hôm sau hoa lại nở như thường. Nhà thơ Cao Bá Quát khi cúi đầu trước hoa mai, chưa biết đến phẩm chất này của hoa!
 Sự việc ghê gớm 12 ngày đêm B52 chưa kịp phai mờ thì một năm sau, một tai họa khác lại ập đến. Lần này, nó không bất ngờ trong khoảnh khắc. Nhưng từng bước, từng bước, nó cho thấy cái sức mạnh bất khả kháng lừ lừ tiến đến: Đó là sự xoay dòng của sông Hồng, đã làm lở dần cái Bãi Giữa xanh um sự sống từ hàng thế kỷ nay. Đêm ngủ, nghe “ục” một tiếng sâu trầm như từ ruột đất, sáng ra đầu bãi, đã thấy vườn nhà ông X, bà Y và mấy căn nhà đã bị thủy thần nuốt gọn. Giữa trưa, lại”ùm”, “ọap” tiếng bước chân  của người khổng lồ tiến dần đến nhà mình. Không sao tả hết sự khiếp hãi lo lắng của người Bãi Giữa, bởi theo quy luật dòng chẩy, nó sẽ nuốt dần bằng hết cái bãi này chứ không bao giờ dừng lại nửa chừng…
 Khi đất lở đến chân rào, cách căn nhà 3 gian của ông khỏang chục mét thì không còn chần chừ được nữa, cả nhà đã phải rời sang Bắc Biên. Thời điểm thật kỳ lạ! Đó là ngày cuối cùng của năm ấy, cũng là năm cùng tháng     tận của mảnh đất chôn nhau, ông từng tập đi hồi bé và từng tái sinh cùng vợ con trong trận bom B52 năm ngoái. Ông đã ở lại đến phút cuối cùng để giành giật lại vụ hoa cuối cùng đem bán vào chiều 30 Tết. Hôm sau, sáng mồng một, cả căn nhà, khu vườn đã chìm dưới đáy sông vì cuộc lấn, nuốt đất dữ dằn của sông Hồng!
Cuộc chiến không cân sức giữa con người với định mệnh khắc nghiệt gồm địch họa thiên tai trong vòng có một năm đã làm ông hầu như suy sụp, “bãi biển nương dâu” theo nghĩa đen chỉ là nhỡn tiền trong khoảnh khắc! 
 Nhiều người tưởng ông ngẩn ngơ do bên tai bị chấn thương và cả cơ    nghiệp sụp xuống lòng sông, nhưng chính sự sụp đổ bên trong mới là ghê gớm! Ông chán nản, không thiết sống nữa, trong khi công việc dùm dúm tạo một cơ ngơi mới cho vợ con còn ngổn ngang…
 Các bạn ông luôn gặp ông, động viên ông nên viết trở lại, hy vọng dùng phương thuốc tinh thần chữa trị cho ông. Thế rồi, song song với việc ươm trồng những luống hoa, ông viết lại mấy bài thơ cho thiếu nhi. Hoa thì bán được, thơ được báo Văn Nghệ,  Nhi đồng, Phụ nữ Việt Nam in và bạn bè khen ngợi. Cho đến khi tập thơ Bóng mây được NXB Kim Đồng xuất bản (1979) thì ông mới trở lại hòan tòan với cuộc sống. Ông biết ơn những người bạn tốt, biết ơn những nụ hoa mai nở trong đất vùi…Ôn lại quãng thời gian không thiết sống, ông thật thà tâm sự: “ Nếu như hồi ấy mình không vượt qua được, thì cuộc sống của mình thật là vô ích, cũng như bao người bất hạnh khác, chỉ để người ta thương và người ta quên, chả ích lợi gì cho ai!”
Sang đến giai đọan bùng nổ của báo chí, viết báo trở thành một công việc hỗ trợ cho nồi cơm gia đình chứ không chỉ để giải tỏa, ông lại khơi được mạch văn mới: viết bút ký, tùy bút, tản văn ghi lại cuộc sống, con người vùng đất bãi quanh ông. Một hôm, tôi sang thăm, ông đi tìm mua hạt giống một lòai hoa mới chưa về. Tôi giở tập lưu trữ những bài văn đã in báo, rồi những bài   mới đánh máy chưa gửi đi, mới thấy hết thế mạnh của ông: Vốn sống, sự hiểu biết một vùng quê thật riêng, thật phong phú, được diễn tả bằng giọng văn chân chất trong sáng, pha chút hóm hỉnh, giầu hình tượng của người quen viết cho các em. Tôi “ a”  lên  thành tiếng trong gian buồng tịch mịch: Những hạt giống quý đây rồi! Ông còn đi tìm đâu nữa!
 Thế rồi, bên cạnh hai tập thơ viết cho thiếu nhi Bóng mây (1978),
Vườn nhỏ (1997, NXB Kim Đồng) là Thú quê (tùy bút, 1997), Duyên quê (tùy bút, 1998), Lên chùa (tùy bút, tản văn, 1999) của các nhà xuất bản có      con mắt xanh chọn in một thể lọai kén người đọc mà không kèm theo điều kiện gì.          
 Ở Bãi Giữa, trước năm 1968, mùa lũ về thường chỉ ngập các bãi non,   các lối ngõ. Sau 1969, mức nước ngập cứ lên dần. Năm 1971 là năm nước dâng mênh mông. Thanh Hào đã dựng lại quang cảnh ấy trong Làng nổi làng chìm: “…con cá vào ở quanh với con người, cá cứ len lỏi từng mảnh vườn, từng gian nhà, cá kiếm mồi tận chân cột, gậm giường”. Còn con người thì: “ …cắt đòn tay, rui mè, một khỏang nhỏ trên mái nhà thành cái cửa tò vò, chui ra chui vào như người lính xe tăng chui qua tháp xe. Khói cơm chiều của những căn bếp đắp bùn trên mảng chuối và tiếng bà ru cháu cũng bay ra từ đấy…” 
    Đó là sự kết hợp hài hòa của nhà thơ quen dựng những hình ảnh sinh động cho thiếu nhi với những trải nghiệm trong cuộc sống chật vật của người đất   bãi. Có cuộc sống riêng, Thanh Hào mới có được chữ dùng riêng do đời sống ban tặng: “Nước còn lên không anh?” “Nước bắt đầu nhích cạn.” “Mai anh có về với em không?” “Có, anh sẽ bơi bộ về! (bơi bộ là không cần thuyền mảng gì) …”Chúng tôi ngồi chờ trên bờ ngòi xem cá mọc ngòai vở sông “ (Đó là những con cá chép vật đẻ, trước khi vào bãi thường quật đuôi lao mình lên mặt nước (mọc) ngoài bãi lở (vở sông). Còn sinh họat của làng chìm thì vừa độc đáo vừa ấm áp giữa cái lạnh hun hút của gió sông: Thuyền cứ luồn lách theo những con đường, cắt khỏang trống bờ rào đã ngập. Thuyền nối tình người nhà nọ đến nhà kia, không cần lối đi mùa cạn. Mọi ranh giới bờ cõi đều bị xóa chìm, đưa người vượt qua mà đến với nhau. “Họ chia sẻ cho nhau từ bơ gạo, quả đu đủ xanh ngày lụt.”
 Trong tùy bút Cánh buồm, ông có  nhận xét thú vị: “Cánh buồm nào   là cánh buồm nhà, cánh buồm nào là của vạn chài, hàng xóm, mỗi người đều nhớ những nét riêng như nhớ mặt người”
 Hồi ký, khi cậu bé Hào 7, 8 tuổi đã bắt được con cá nặng tới 5,6 cân. Sự vất vả chen với vui sướng thật sinh động, đầy ứ cảm giác về cuộc sống thiên nhiên nơi bờ bãi: “…Tôi nhảy lên bờ, mệt quá, tôi nằm úp đè lên con cá. Con cá cũng mệt, cựa quậy dưới bụng tôi. Trứng nó chảy ra dính đầy quần  áo. Trên đầu, trên cổ, trên má tôi đầy trứng cá dính lép nhép…”        
 Có những nhà văn cỡ thế giới chuyên viết về thiên nhiên như Mikhail Prisvin (đã dịch ở ta: Lịch thiên nhiên, Giọt rừng), có nhà văn Nam Bộ thành danh về những trang Đất rừng phương Nam như Đòan Giỏi. Thanh Hào đã    khai đúng mạch tài năng, tâm hồn, và vốn sống của ông qua mấy tập tùy bút,
tản văn trên…đã thấy rõ một nhà văn chuyên sâu về thiên nhiên của bờ bãi sông Hồng, con sông mẹ của đồng bằng Bắc Bộ. Mảnh đất quê ông lúc chìm lúc nổi, nhưng văn tài, tên tuổi ông sẽ không chìm dưới ba thước đất, như chúng ta vừa vĩnh biệt ông, khi ông đã tạo chỗ đứng riêng trong lòng bạn đọc!       
               Nhở ông và Bãi Giữa, tôi cũng lưu lại được mấy dòng thơ: 
                                                                 PHÙ SA 
   
                                                                       
                                                  Tôi đã ăn đu đủ ở vườn anh
                                          Quả chín vô tư những ngày trẻ dại
                                           Vị ngọt phù sa đất bãi
                                           Ngọt cả khi đằm chân lên !
                                           Với anh, vị ngọt chẳng tự nhiên
                                           Cái Bãi Giữa ở giữa trời giữa nước
                                            Mùa lũ về mưa vùi sóng quật
                                            Miếng cơm trên bè miếng cực, miếng lo
                                            Bom rơi xuống bom đào thành giếng
                                            Đáy hố bom vẫn đỏ phù sa
                                             Đứa con anh lẫn đất chẳng tìm ra
                                             Phù sa cặm mắt và sạn miệng…
                                            Sau chiến tranh, sóng lại đánh lở bờ
                                            Cuốn trọn vườn cây với vạt ngô non
                                             Cuốn con đường anh đi mòn chân từ tấm bé
                                             Chiếc nền nhà nước xé, sâu hơn hố bom…
                                            Anh dời nhà sang bên kia đất bãi
                                            Chuối đã nặng buồng, tiếp những vụ hoa
                                             Con anh lại tập đi trên đất phù sa…
                                            Tôi chằm chặp nụ cười anh, kinh ngạc
                                             Nụ cười trầm sau bao điều mất mát:
                       
                                                  “ Lở một bờ, tôi còn cả dòng sông! “ 
                                                                                                    V.L.  1985
                                                                              
                                          Chiều Bắc Biên
                                                    
                                                   Phố xá chẳng bao xa                                        
                                   Sao nhà bạn lạnh buồn?                                                                     
                                                 Cây đu đủ đeo cả chiều tịch mịch
                                                 Vạt chân chim tím cô đơn
                                                  Nắng trải bãi sông - thuyền úp bến
                                                  Bạn một mình ba gian nhà trống
                                                         Già như chiều.
                                                    Mấy luống cẩm chướng thơm ngoài vườn
                                                    Mách thầm điều chủ nhân chẳng nói.
                                                    Giật mình, chợt biết mình nông nổi:
                                                    Chiều cứ chiều
                                                           Hoa lặng lẽ hương…
                                                   
                                                                                                   V.L.  1989