Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀ NỘI TIẾU LÂM TRUYỀN KỲ (Kì 15)

Vũ Duy Chu
Thứ ba ngày 25 tháng 10 năm 2011 8:51 AM

( Sưu tầm & sáng tác)

ĐỒNG CHÍ

Một chàng sinh viên hớt hải chạy vào Phòng Bảo vệ trường:
- Bác bảo vệ ơi, hai thằng ở phòng 405 sắp đánh nhau to. Bác chạy lên can chúng nó giúp cháu với. Đứa nào mặt cũng hằm hằm, tay vung nắm đấm ăn thua đủ.
Bác bảo vệ vừa chạy vừa thở hồng hộc lên tầng 4, đến phòng 405. Có tiếng loảng xoảng, huỳnh huỵch…
- Mở cửa gấp, bảo vệ đây! Chúng mày đánh nhau nữa đi tao xem nào? Tao sẽ gô cổ cả bọn đem ra đồn công an. Định làm loạn hả?
Trong phòng bỗng im bặt. Cánh cửa hé mở. Một gương mặt đầu bù tóc rối, môi sưng vều, ló ra:
- Cháu chào bác bảo vệ ạ. Có việc chi không bác? Mày ơi, bác bảo vệ nói tao với mày đang làm loạn, đánh nhau đây này.
Gương mặt thứ 2 ló ra cánh cửa, mắt sưng húp:
- Thằng nào mách bác bảo vệ tao với mày đánh nhau hả? Đánh nhau hồi nào? Sao lại có loại sinh viên mách lẻo, điêu toa thế nhỉ?
Bác bảo vệ tức tối chạy ra đầu cầu thang, chỉ vào mặt anh chàng “chỉ điểm”:
- Chúng nó đánh nhau hồi nào? Ai bảo mày thế?
- Chính tai cháu nghe chúng nó gọi nhau là đồng chí ầm ĩ mà lị. Thế nên nên cháu mới hộc tốc chạy xuống báo cáo bác chứ.
- Mày vào mà nghe chúng nó đang mày tao với nhau ngọt xớt kia kìa, đồng chí đồng rận hồi nào? Láo toét! Làm tao chạy 4 tầng lầu vãi cả rắm. Chúng mày là lũ quỷ phá phách. Mẹ kiếp! Bụp!... bụp!... Hai phát đá cháy đít cảnh cáo cho mà nhớ. Rõ chưa hả, đồng chí?

BU QUÊ THỊ MÙA

Steven đến Việt Nam mở một khu Du lịch Văn hóa ẩm thực tại tỉnh X. Nhà hàng của ông có rất nhiều món ăn Âu-Á hấp dẫn, giá cả phải chăng, nhưng thực khách lại rất chuộng món cơm Việt Nam. Món cơm này do một thợ nấu cơm không hề qua một trường lớp đào tạo nào của ngành ẩm thực đảm nhiệm.
Đó là phụ nữ sồn sồn, cục mịch. Nghe nói, bà đã nấu cơm cho bếp ăn hàng ngàn sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội 10 năm liền. Sinh viên trường này có thể không biết rõ thầy hiệu trưởng, không nhớ tên các thày cô bộ môn, chứ bà Quê Thị Mùa nấu cơm thì ai cũng quen thuộc, trầm trồ. Cơm bà nấu ngon đến độ không có một hạt nào rơi xuống bàn ăn mà sinh viên không nhặt lên cho vào miệng nhóp nhép. Nghe thế, có kẻ bảo:
- Ối xời, phét lác! Hồi ấy sinh viên làm đếch gì có cơm mà ăn, toàn nhá bo bo thấy mẹ, gặp nửa hạt cơm cũng lượm, nói chi nguyên hạt, khớ…khớ…khớ…
Steven biết cả những chuyện này, nhưng kệ. Trong mắt ông, bà Mùa nhất định là thợ nấu cơm số 1 Việt Nam. Thực khách Tây, Tàu, Việt đến đây bao giờ cũng thưởng thức cơm bà Mùa. Cơm bà nấu ăn với thức ăn gì cũng ngon, thật lạ lùng. Nhiều nhà hàng khách sạn 4, 5 sao đánh tiếng hoặc lén lút tiếp xúc mời bà về nấu cơm chỗ họ, với mức lương cao. Steven biết và ông làm mọi cách đễ giữ chân bà, vì bà là một thứ tài sản vô giá…
Nhưng có một điều duy nhất bà làm Steven không hài lòng. Ấy là khi xẻng cơm cuối cùng vừa xúc ra khỏi chảo, bà Mùa vội vàng hắt phắt xô nước đầy vào chảo. Nước nóng bắn tung tóe, có bận làm ướt cả vạt áo ông, ướt cả quần áo những nhân viên ngang qua chảo cơm. Ông nhẹ nhàng khuyên bảo, bà chỉ lặng im. Ông bức xúc trừng mắt lên, đòi hạ lương, bà lặng im. Ông giải thích rằng những miếng cơm cháy vàng ươm, giòn tan, thơm ngậy kia hãy để cho những đồng nghiệp của bà chấm muối vừng hoặc kẹp dăm bông ăn. Họ thèm lắm, cả ông cũng thèm luôn. Bà lặng im. Thế mà hôm sau, khi vừa xúc xong xẻng cơm cuối cùng, bà lại vội vàng hắt toẹt xô nước đầy vào chảo.
Steven không hiểu hành vi này của bà biểu hiện điều gì? Bà có vấn đề về thần kinh?  Không, thần kinh bà rất thép! Một hành động phản đối? Không, bà luôn luôn nói rằng hài lòng về sự cư xử của ông, hài lòng về công việc mà? Một thói quen có từ sự bị ám ảnh dai dẳng nào chăng?... Steven chịu cứng, cuối cùng ông đành phải chế ra một tấm kính cường lực trong suốt, để chắn nước chảo bắn ra…
***
Bẵng đi mấy năm…
Một hôm, Steven đang đứng đón bạn, ông bỗng nghe một toán du khách Việt Nam vừa chạy vừa reo hò ầm ĩ:
- Bà Quê thị Mùa bọn bay ơi!
- Bà Mùa ngày trước nấu cơm ở trường mình đây này bay ơi!
- Bà Mùa hay tạt nước vào chảo cơm nóng giãy đành đạch, phải không?
- Ối giời ơi! Bu Mùa còn nhớ con không? Con là Phạch này! Con Ngô Đình Phạch hay cướp cơm cháy của bu đây !
Steven láng máng đoán ra điều gì. Ông hỏi vị khách tên Phạch:
- Sao ngày xưa anh Phạch lại phải cướp cơm cháy của bu Mùa thế?
- Trời đất ơi, không nhanh tay lấy cơm cháy thì có mà bu tạt ào nước vào chảo ấy chứ. Cả tháng mới có vài bữa cơm…..
- Sao bu Mùa lại không cho anh Phạch lấy cơm cháy?
- Khổ lắm, tham ô lắm! Bà ấy đổ nước cho cơm cháy vữa ra rồi mang về cho lợn nhà bà ấy mà lị!
- Bu Mùa ơi, cho con Phạch gửi lời chúc sức khỏe các lợn của bu nhá!
Hí…hí…hí…

KHIẾP, BẨN THẾ!

Chàng sinh viên cũ bảo sinh viên mới vào trường:
- Này, chú xài sang thế lấy nước đâu mà dùng. Có một xô nước là phải ưu tiên vo gạo trước. Lấy nước vo gạo rửa rau, lấy nước rửa rau rửa tay chân, rõ chưa?
- Khiếp, sao bẩn thế anh?
- Bẩn là bẩn thế nào? Năm đầu tiên vào trường anh cũng hỏi mấy lão lớp trên câu hỏi giống của chú đấy. Không phải ở bẩn đâu, mà là ở thiếu vệ sinh. Thiếu nghĩa là mình có vệ sinh rồi, nhưng chưa có đủ.
Tuần sau, hai người lại gặp nhau ở bế nước. Chàng sinh viên mới khoe:
- Ối anh ơi, trường mình vẫn còn sang trọng chán. Bọn bạn em ở trường X gần khu Cầu Giấy ở bẩn gấp ti tỉ lần mình.
- Ti tỉ thế nào?
- Em thấy một thằng cột dây vào cái khăn mặt thả vào bể nước cạn rồi kéo lên. Nó vắt nước từ cái khăn của nó xuống cái khăn của thằng bạn hứng phía dưới. Khiếp, bẩn thế chứ lị.
- Chú phải học trường Y mới đúng, nhìn đâu cũng thấy vi trùng, thấy ai thiếu vệ sinh chút xíu cũng khiếp, bẩn, khiếp, bẩn. Ơ kìa, chú đứng tránh xa ra không làm đổ cái quần của anh bây giờ.
- Đâu?
- Sau lưng chú đó.
- Ối trời đất ơi, cái quần mà anh dựng đứng được hai ống tựa vào tường bể nước thế này thì cả năm nay anh không giặt nó à? 
- Ô! Có, có giặt chứ, giặt khô, giặt bằng… gậy…đập…đập…đập…
Híc…híc…híc…

Sài Gòn, 24.10.2011
VDC
( Còn tiếp)