Khi các báo đăng tải thông tin liên quan đến mức án dưới tử hình của hung thủ Lê Văn Luyện, tôi có nêu ý kiến trên báo Thanh Niên và Pháp luật & Đời Sống rằng, chúng ta cần xem lại quy định về quyền trẻ em ở Việt Nam, cụ thể là có nên để quy định tuổi thành niên là 18 tuổi hay không, rất nhiều luật sư, luật gia gửi email về tòa soạn phản đối tôi kịch liệt, cho rằng tôi hoạt động trong lĩnh vực pháp luật mà không hiểu thế nào là “thượng tôn pháp luật”. Một nhà báo đàn anh thân thiết của tôi gọi điện thoại trực tiếp cả tiếng đồng hồ, bày tỏ bức xúc tương tự các vị nói trên. Thế nhưng khi tôi đưa ra số liệu sau đây thì ông anh nhà báo thân thiết của tôi mới chịu im lặng. Đó là, trong số 193 quốc gia và lãnh thổ trên toàn thế giới, hiện có tới 191 (quốc gia lãnh thổ) tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, chỉ còn 2 chưa tham gia. Trong số 2 chưa tham gia đó, có nước Mỹ.
Nước Mỹ là một đất nước được coi là có tinh thần “thượng tôn pháp luật” vào hàng số 1 thế giới, vậy thì vì sao mà họ lại từ chối tham gia một công ước mà hầu như toàn thế giới đều tham gia? Câu trả lời đơn giản là: có lẽ họ thấy các quy định pháp luật trong công ước không hoàn toàn tốt đối với sự phát triển của đất nước họ, nên chưa tham gia.
Trở lại với chuyện chơi golf của chúng ta. “Quyền chơi golf” của những vị cán bộ cấp cao trong ngành giao thông của Việt Nam chắc chắn rằng không quan trọng bằng “quyền trẻ em” của toàn thể trẻ em nước Mỹ. Thế nhưng trong khi nước Mỹ vẫn kiên quyết không tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em thì ở Việt Nam, chúng ta vẫn khăng khăng bảo vệ cho “Quyền chơi golf” của một số cán bộ. Vậy phải chăng Việt Nam chúng ta “thượng tôn pháp luật” hơn nước Mỹ?
Quy định pháp luật luôn thay đổi theo yêu cầu cuộc sống. Và quy định pháp luật đặt ra để xã hội tốt hơn chứ không phải để bị lợi dụng hoặc để gây cản trở sự phát triển xã hội. Ông tân bộ trưởng thấy rằng việc chơi golf ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng làm việc của cán bộ dưới quyền nên ông yêu cầu cấm. Việc cấm này là phù hợp trong giai đoạn hiện tại nhưng nó có thể chưa khớp với các quy định pháp luật khác, nên bị thổi còi. Về mặt pháp lý, chúng ta cần có biện pháp tháo gỡ sao cho luật đừng đá nhau. Chứ không phải chúng ta theo một tư duy lối mòn rằng pháp luật dân sự cho phép công dân được nghỉ ngơi giải trí thì phải khăng khăng bảo vệ “quyền chơi golf” của cán bộ. Nếu như vậy thì tôi xin đưa ví dụ sau để so sánh: Hiện tại mọi công dân đều có quyền mặc áo quần theo như sở thích, miễn sao nó đừng vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng thẩm phán khi xử án thì phải mặc theo đúng quy định của ngành. Vậy phải chăng chúng ta tước đi quyền “tự do trang phục” của các vị thẩm phán?
Quy định pháp luật thay đổi theo từng địa phương, từng quốc gia, quy định pháp luật thay đổi theo từng giai đoạn để thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nó không luôn bất di bất dịch.