Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐIỆP KHÚC – NỖI NIỀM – THÂN PHẬN

Trần Trung
Thứ ba ngày 25 tháng 10 năm 2011 8:23 PM

ĐIỆP KHÚC
Đặng Hiển
    Một ông già đứng bên bờ bể
    Đứng từ trưa cho đến khi nắng xế
    Sóng vô hồi lớp trước lớp sau
    Sóng tung bờ, bọt trắng lẫn tóc râu
    Và cứ thế từ trưa cho đến khi nắng xế
    Ông già đứng lặng nhìn sóng bể.
          Hè 2008

ĐIỆP KHÚC – NỖI NIỀM – THÂN PHẬN

 Đặt tên cho bài thơ của mình là “Điệp khúc”(Trong tập “Đời chúng ta” – Đặng Hiển – NXB Hội nhà văn – 2010) nhưng đi suốt bài thơ ngắn, hai khổ , nhà thơ – nhà giáo Đặng Hiển không cần nhắc đến hai tiếng “Điệp khúc”!
 Vào khổ thơ thứ nhất, tứ thơ tức thì mở ra đầy sức gợi: một không gian mang mang muôn trùng của sóng tung bờ - những con sóng, lớp sóng “vô hồi lớp trước lớp sau”. Và đồng hiện – cũng tức thì là chân dung, diện mạo tinh thần của nhân vật trữ tình: “Một ông già đứng bên bờ bể”.
 Nếu như trong thơ cổ kim – nhất là thơ phương Đông – luôn là sự hội tụ và cộng hưởng của những tố – chất – thơ, đấy là “cảnh – sự – tình” với nhiều chất hội họa và âm nhạc. Thì, bốn câu thơ đầu (cũng là khổ thơ đầu), của Đặng Hiển đã thực sự gây ấn tượng và ám ảnh từ đó:
    “Một ông già đứng bên bờ bể
     Đứng từ trưa cho đến khi nắng xế
     Sóng vô hồi lớp trước lớp sau
     Sóng tung bờ, bọt trắng lẫn tóc râu”
 Hình ảnh “Một ông già đứng bên bờ bể” được nhà thơ triển khai về phía không gian, thời gian ngoại giới. Thế rồi, từ không gian thiên nhiên kì vĩ ấy, nhà thơ như bất chợt tạo nên sự đồng nhất và khác biệt giữa thiên nhiên, tự nhiên với lòng người. Hai câu thơ này, đầy sức gợi:
    “Sóng vô hồi lớp trước lớp sau
     Sóng tung bờ, bọt trắng lẫn tóc râu.”
 Hóa ra, cái động của biển cả, của sóng xô lại đánh thức và đồng hiện với cái “tĩnh” từ hình ảnh “Ông già và biển cả”(tên tuyệt phẩm truyện của Hê – ming – wây). Và, cái tĩnh lặng vẻ ngoài của ông già, dường như hàm chứa cả cái – động – riêng trong nội tâm của nhân vật trữ tình. Tôi thực sự thích những câu thơ mở ra nhiều chiều liên tưởng của Đặng Hiển. Tôi cũng khoái cảm cái chất – nghệ – khuất – lấp như những đợt sóng ngầm trong thơ anh.
Hai câu kết “Điệp khúc” của Đặng Hiển lại là một cách điệp của anh. Rõ hơn điệp lại mà không hề lặp lại. Chính vì thế tứ thơ lại nhất quán và dồn đẩy lên một tầng nghĩa mới:
    “Và cứ thế từ trưa cho đến khi nắng xế
    Ông già đứng lặng nhìn sóng bể.”
 Ắt hẳn chữ “và” mở đầu trong hai câu thơ kết – đứng riêng một khổ của nhà thơ không chỉ là một liên từ (còn gọi là kết từ, từ nối). Vượt qua chức năng ngữ pháp, câu thơ của Đặng Hiển tiếp tục khơi mở ra không gian, thời gian khách quan. Lại vừa bật gợi ra những phẩm chất lặng thầm của con người khi đối mặt – mà cũng là cách đối thoại với thiên nhiên kì vĩ…
 Bài thơ với sáu dòng thơ kiệm lời mà dư ba. Phải chăng là sự kí thác thông điệp cảm nhận về con người của nhà thơ. Phải chăng, “Điệp khúc” là cảm hứng và cũng là thông điệp mà nhà thơ – nhà giáo Đặng Hiển gửi gắm: trước thiên nhiên, con người vô cùng nhỏ bé. Và, cũng rất đỗi kiêu hãnh! “Điệp khúc” hàm chứa đa chiều nỗi – niềm – thân – phận.
Hà Nội, tháng 10/ 2011.