1. Nguyễn Du - Truyện Kiều:
Tâm trạng Thúy Kiều trong thời gian ở lầu xanh:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình, xót xa.
2. Trần Tế Xương - Sông Lấp:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…
3. Lưu Trọng Lư:
Giật mình, ta thấy bồ hôi lạnh
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi!
4. Minh Huệ – Đêm nay Bác không ngủ:
Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng, giật mình
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc.
5. Huy Cận – Hai bàn tay em:
Bé gọi con dế
Đang hát đầu hồi
Dế kêu the thé
Giật mình bưởi rơi!
6. Nguyễn Duy – Ánh trăng:
Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.
***
Trong cuộc sống thường nhật, có không ít tình huống khiến con người phải giật mình vì quá bất ngờ, quá đột ngột, vì sợ hãi, choáng, vì không hiểu, xúc động, sung sướng, hạnh phúc dâng tràn hoặc thất vọng cùng cực… muôn hình nghìn vẻ trạng thái tâm lý, tình cảm khác nhau nhưng đều bắt đầu bằng cử chỉ… giật mình. Trong thơ trữ tình của người Việt xưa nay, sự thể hiện tâm lý - cử chỉ đặc biệt này, trong phạm vi đọc còn rất hạn hẹp của tôi, thấy có lẽ ít hơn nhiều. Xin thử phân giải, đối sánh một vài ca giật mình tiêu biểu, phổ biến và đã mang laị cho người đọc ít nhiều thú vị.
1.
… Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình, xót xa!
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Đó là tâm trạng Thúy Kiều ở lầu xanh (của Tú Bà, Bạc Bà) dưới ngòi bút phân tích tâm lý tàn nhẫn (Phan Ngọc) của thiên tài Nguyễn Du. Cái hay và sâu sắc của câu thơ là ở chỗ Tố Như tả cử chỉ giật mình của nhân vật trữ tình từ bên trong thế giới tinh thần của nó chứ không phải tả từ bên ngoài. Lời kể – tả của tác giả trùng khít, chồng lên lời độc thoại nội tâm, tự mình phơi mở, phân tích những uẩn khúc sâu kín nơi đáy lòng nhân vật. Cử chỉ giật mình, ở đây, trong trường hợp cụ thể này, vừa mang tính chủ động lại vừa bị động. Bị động ở chỗ Kiều không tự làm chủ được cuộc sống hiện tại và tương lai của mình. Cuộc sống nhục nhã, thê thảm, khốn nạn ở chốn lầu xanh cũng thật nặng nhọc, vất vả về thể chất, đặc biệt là về tinh thần: Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh, hết ngày dài lại đêm thâu phải làm vợ khắp người ta…nên những lúc vắng khách chơi, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh là rất hiếm hoi. Hầu hết thời gian buộc phải chiều khách ăn chơi thác loạn, như một cái máy, một con thịt bán mình, Kiều hầu như quên hẳn bản thân. Chỉ đến những khoảnh khắc tạm được ngưng công việc, mệt mỏi, ê chề, cô đơn một mình với ngọn đèn khuya, nàng mới chợt nghĩ đến thân phận riêng mình. Và cử chỉ giật mình nửa ý thức nửa vô thức bỗng xuất hiện. Sự chủ động bắt đầu từ đây. Ở nơi hang hùm nọc rắn, chốn ăn chơi trụy lạc này, hỏi có ai thương xót đến nàng như một con người, ngoài chính nàng thương thân?! Xót xa, tủi cực vô hạn. Nhịp thơ thoắt biến đổi lạ lùng: câu trên 3 - 3; câu dưới 2-4-2 như muốn uốn theo dòng tâm tư nổi chìm, vặn lên vặn xuống, giằng xé, trào cuộn từng cơn, từng trận mà trong đó cái giật mình đóng vai trò cử chỉ, dấu hiệu khởi đầu. Cần phân biệt từ mình đầu tiên (dùng như danh từ) với đại từ mình điệp lại 2 lần ở vế sau. Nguyễn Du đã học ca dao trữ tình truyền thống để nói lên từng cơn nức nở cố nén nhưng chốc chốc lại nấc lên, dồn lên không cưỡng nổi với những giọt nước mắt giàn giuạ, ròng ròng trên khuôn mặt hoa khôi tê tái của Thúy Kiều.
Có nhà phê bình thơ lừng danh từng ca ngợi Nguyễn Du là một trái tim lớn, một nghệ sỹ lớn (Hoài Thanh). Khái quát sâu sắc và độc đáo ấy không chỉ rất đúng với toàn bộ Truyện Kiều và thơ chữ Hán của Tố Như, không chỉ rất đúng với những câu thơ khái quát kinh người, chứa chan nước mắt:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!
Mà theo tôi, còn rất trúng với cả những câu thơ vi tế, kể – tả, phân tích tâm trạng cụ thể trong những trạng huống cụ thể của nhân vật trữ tình. Trong đó cái giật mình được nghệ thuật hóa, chủ quan hóa thật cá tính, độc đáo.
2.
… Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(Sông Lấp - Trần Tế Xương)
Ai đọc Sông Lấp mà chẳng tâm đắc với những lời bình uyên bác, tài hoa, đầy cá tính của cụ vua tùy bút, tác giả Vang bóng một thời (xem Thời và thơ Tú Xương trong Chuyện nghề hoặc Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập 2, NXB Văn học, 1982). Tôi đâu dám cả gan múa rìu qua mắt thợ nhưng cũng thử liều mình lạm bàn thêm một chút về hai chữ giật mình trong câu thơ cuối. Cử chỉ tâm lý của chủ thể trữ tình - nhà thơ lừng danh vùng non Côi - sông Vị - bắt nguồn từ hiện tượng dòng sông quê hương thân yêu bị thời cuộc và con người cố tình lấp bằng để thành cánh đồng, nơi làm nhà cửa, nơi trồng ngô khoai. Trong đêm khuya vắng, trên cánh đồng mới hình thành ấy, tiếng ếch văng vẳng đâu đây, gần lắm, như ngay bên tai bỗng khiến Trần thi sỹ thảng thốt, giật mình bởi một liên tưởng bất ngờ: tiếng gọi đò đã lịm tắt từ bao ngày tháng nay lại mồn một hiện về trong tâm trí, trong nối nhớ tiêc, buồn bã khôn nguôi vì thời thế đổi thay nghiệt ngã, vô tình.
Đó là cái giật mình lưu luyến vẻ đẹp quê hương với dòng sông, đất đai, con người, sinh hoạt và phong tục tập quán từng gắn bó bao đời mà gần đây đã vụt biến mất. Đó là cái giật mình đau đớn, bất lực trước sự đổi thay của xã hội và thời cuộc những năm gió Âu mưa Á xôn xao, nhộn nhạo, nhố nhăng ở đất Nam Định nói riêng, Việt Nam nói chung cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đó là cái giật mình của lương tâm, trách nhiệm một nghệ sỹ chân chính tài hoa, một công dân yêu nước thương nhà, niềm tự hào như một trong 2 đặc sản (Đọc thơ Xương, ăn chuối Ngự) Nam Định. Cái giật mình cuả tâm trạng làm xúc động, đồng cảm đồng thời thức ngộ tư duy trí tuệ của người đọc. Cái giật mình không chỉ hướng vào nội tâm rất sâu của chủ thể trữ tình mà lại có thêm chiều hướng ngoại, động chạm tới một trong những vấn đề văn hóa, xã hội mang tính cập nhật, thời sự của đất nước đương thời và còn có ý nghĩa cho đến hôm nay. Có giật mình chăng, trong quá trình đô thị hoá nông thôn đã và đang diễn ra ào ạt như lốc như bão hiện nay, bao nhiêu đoạn sông, con hồ, ao chuôm đã bị lấp, bị san phẳng để mọc lên những chung cư, biệt thự, cao ốc, sân gôn… hiện đại nhưng cùng với nó là bao nhiêu hệ lụy, tiêu cực mà báo chí, dư luận từng phanh phui, phê phán! Cái giật mình hôm nay không chỉ cần ở phía nhân dân mà còn rất cần có nơi những vị chức sắc, những nhà quản lý, lãnh đạo mỗi khi thông qua dự án xây dựng một khu đô thị mới, một sân gôn mới, trục đường mới… Làm sao đảm bảo vừa hiện đại vừa dân tộc, cho nhân dân và vì nhân dân, hài hòa nhu cầu trước mắt và lâu dài… Cái giật mình vì mất đi một dĩ vãng đẹp không bao giờ trở lại, cũng là cái giật mình buồn vì hiện tại và ngao ngán tới tương lai. Thời Tế Xương, đó là cái giật mình của đất nước và dân tộc mất độc lập, mất chủ quyền. Còn thời nay, đó là cái giật mình văn minh, văn hóa, hội nhập, hòa tan hay tiếp biến, hỗn dung đến tích hợp hài hòa kim cổ, đông tây. Tiếng gọi đò trong tiềm thức làm giật mình nhà thơ yêu nước yêu làng yêu quê đầu thế kỷ 20. Cái giật mình thế kỷ còn rung động và truyền lan bao cái giật mình của mỗi chúng ta trong cuộc sống hôm nay.
3.
Giật mình ta thấy bồ (mồ) hôi lạnh
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi!
(Lưu Trọng Lư)
Hai câu thơ này là của Lưu Trọng Lư viết từ giữa những năm 30 thế kỷ trước, trong phong trào Thơ Mới, nhưng chính ông lại cứ tưởng đó là thơ Thế Lữ (theo Thi nhân Việt Nam; Hoài Thanh và Hoài Chân; tái bản; NXB Văn học, 2000; tr. 280). Có ý kiến cho rằng cái giật mình ở 2 câu thơ này thuần là biểu hiện của sinh lý – tâm lý, ít có giá trị thẩm mỹ, trữ tình vì gắn liền với sự miêu tả cụ thể: mồ hôi lạnh, mộng, chăn… Tôi nghĩ khác. Tôi cho rằng hai câu thơ này rất tiêu biểu cho lối thơ mơ màng của tác giả Tiếng thu nói riêng, thơ Mới lãng mạn thời kỳ thời kỳ đầu nói chung, khoảng giữa những năm 30 thế kỷ trước. Nghĩa là sự thể hiện cảm giác tinh vi, đột xuất của tâm trạng thi nhân gắn liền thường trực với sầu và mộng.
Câu đầu đơn giản chỉ tả hiện tượng sinh – tâm lý khi con người bất ngờ tỉnh giấc. Tình cờ sững lại khi nhìn rõ lấm tấm những giọt mồ hôi trên da thịt mình mà bỗng giật mình, bỗng thấy lạnh ngắt vì thực tại chán buồn, vì chợt tỉnh mộng. Thế giới mộng vàng ấm áp, tươi sáng vụt biến như ảo ảnh; chỉ để lại chút hơi hướng, dư âm phảng phất bên chăn gối và những giọt mồ hôi lạnh kia.
Cảm giác nhục thể vẫn chưa chịu xóa mà còn vấn vương đầy tiếc nuối mà cái giật mình là tín hiệu đầu tiên.
4.
… Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng, giật mình
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc.
(Đêm nay Bác không ngủ – Minh Huệ)
Đây là cái giật mình của anh đội viên Vệ quốc quân trong lán tranh, giữa một đêm rừng Việt Bắc thu đông năm 1950, khi đợn vị của anh tình cờ được Bác Hồ tới thăm và nghỉ cùng qua đêm, trên đường ra mặt trận. Cái giật mình trong trường hợp này hiện lên chân thành, giản dị trong lời thơ tự sự mộc mạc, ấm áp của nhà thơ trẻ xứ Nghệ. Phản ứng tâm lý tức thời đó ít nhất bao hàm 2 ý nghĩa:
+ Anh bộ đội trẻ giật mình vì không hiểu sao Bác vẫn chưa ngủ.Vô cùng thương Bác, lo sợ cho sức khỏe của Người (anh nằm lo Bác ốm/ lòng anh cứ bề bộn/vì Bác vẫn thức hoài…). Đó là tâm trạng và suy nghĩ của anh từ 2 lần thức giấc trước. Còn lần này, lần thứ ba: tâm trạng vụt thảng thốt, hốt hoảng, sợ hãi… kết thành cái giật mình trước một hiện tượng khác thường mà ở vị trí và lứa tuổi hiện tại, anh không thể nào hiểu nổi. Điều ấy khiến anh giật mình vì bồn chồn, băn khoăn. Niềm thương, nỗi lo, trong lòng chàng lính trẻ, càng lúc càng dồn lên như sóng.
+ Giật mình tự cảm thấy ân hận. Vì trong khi vị cha già ngoài 60, cứ ngồi im phăng phắc, đinh ninh như thế suốt mấy canh trường rồi?! Còn anh, các anh, những đứa con, cháu trẻ khỏe của Người, thì cứ vô tâm, vô tính yên say giấc nồng?! Cái giật mình tự trách, tự vấn của con cháu hiếu nghĩa đối với cha ông - lãnh tụ kính yêu.
Nhưng lần này, sau khi lắng nghe Bác Hồ điềm đạm, ân cần giải thích những lý do khiến Người không sao ngủ được, anh đội viên bỗng vui sướng vô biên như bừng ngộ chân lý vĩ đại mà giản dị. Bỗng thấy lòng sung sướng mênh mông. Ngay lúc đó, anh quyết định: thức luôn cùng Bác.
Tôi hình dung đó là cái giật mình thứ hai (rất có thể xuất hiện), sâu thẳm bên trong nhận thức và tâm hồn người chiến sỹ trẻ, dù cái giật mình ấy không được nhà thơ tái hiện lại một lần nữa trong bài thơ (cũng có thể vì lý do đơn thuần về nghệ thuật biểu hiện của thơ tự sự, giống như ông đã lược đi một sự việc đã từng xảy ra trong đêm Bác không ngủ:
Lần thứ hai thức dậy…)
5.
Bé gọi con dế
Đang hát đầu hồi
Dế kêu the thé
Giật mình bưởi rơi!
(Huy Cận, trong tập Hai bàn tay em)
Cái giật mình này, trước hết hoàn toàn trẻ con, ngộ nghĩnh, ngây thơ, vô cùng thú vị. Huy Cận, khi viết bài thơ này (tập thơ thiếu nhi Hai bàn tay em (1969) đã 50 tuổi; nhưng vẫn sáng tạo được giọng thơ, hồn thơ tươi non, trẻ, khỏe lạ lùng. Nhà thơ hình như đã hoàn toàn nhập vào Bé mà cảm, nghĩ, nói…hồn nhiên, trong sáng… như nắng mai, như nụ, như hoa mùa xuân.
Tuy nhiên, theo tôi, hai câu đầu khổ thơ cũng bình thường: tả hành động bình thường hay gặp cuả nhân vật trữ tình nhỏ xíu: Bé. Cao hứng gọi bạn dế (hoặc bạn mèo, chó, chim, lợn, bò… những vật nuôi trong gia đình ở nông thôn).
Câu 3 bắt đầu nhấp nháy tín hiệu có vấn đề, mặc dù về cơ bản, vẫn là câu miêu tả hiện thực sát đúng. Chính tiếng kêu chói lói, the thé, cao, mảnh liên tiếp của chú bạn Dế Mèn đang đứng chơi ở đầu hồi kia, đã khiến cho quả bưởi – tròn lông lốc, thốt giật mình, không giữ được thăng bằng, rời cuống khỏi cành, rụng bịch xuống vườn (câu 4). Quả bưởi, cây bưởi giật mình hay chính Bé giật mình vì lời đáp quá hăng hái, quá nhiệt tình của bạn Dế? Hay người đọc cũng bỗng giật mình thích thú vì hiệu quả bất ngờ nhờ quan sát tinh tường, chuyển hóa, cảm giác, nhân hóa đối tượng rất trẻ, rất ngộ, rất vui… của tác giả Lửa thiêng và Bài thơ cuộc đời?
6.
Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.
(Ánh trăng - Nguyễn Duy)
Giật mình khi ngắm trăng. Tứ thơ kể cũng lạ. Vì xưa nay thi nhân thường ngắm trăng để chiêm ngưỡng cái vú mộng muôn đời mơn man (Nam Cao), hoặc để đồng cảm, để tức cảnh sinh tình. Từ ca dao – dân ca qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, đến Hồ Chí Minh… đều vậy. Bởi thế, với khổ kết bài thơ Ánh trăng, Nguyễn Duy làm ta thêm một lần giật mình ngạc nhiên vì sự bất ngờ kỳ lạ của nó. Nhưng đọc kỹ cả bài thơ, lại thấy đó là một tất yếu.
Mở đầu như vậy, dẫn dắt, phát triển như thế, thắt nhút bằng tình tiết đột xuất mất điện (nguồn ánh sáng nhân tạo đang chói lòa bỗng phụt tắt) giữa phòng buyn đinh tối om, giữa thành phố Sài Gòn vừa được giải phóng, thì hành động của con người – anh lính chiến năm xưa - nhất định sẽ phải vội bật tung cửa sổ. Và hình ảnh vầng trăng tròn – người bạn tri kỷ, tri âm từng đồng hành sẻ ngọt chia bùi cùng con người suốt từ tuổi ấu thơ qua những năm dài trận mạc, đã bị hắn bỏ quên, phản bội từ năm hoà bình (1975) đến nay, bỗng đột ngột hiện ra, như một cứu tinh hết sức đúng lúc, đúng chỗ, rất rất kịp thời. Hắn tràn ngập niềm vui, sung sướng ngửa mặt đón luồng ánh sáng trong lành, dịu mát, mơn man từng milimet tế bào da thịt. Trong đầu hắn, cứ lần lượt hiện ra những cảnh trong quá khứ như cuốn phim quay chậm: này sông, này bể, này núi, này rừng… đâu đâu và khi nào cũng đều gắn bó với vầng trăng - ánh trăng thuỷ chung, tình nghĩa. Rồi cảnh cũ vụt biến mất. Chỉ còn trước mặt hắn, trước mắt hắn, đối diện đàm tâm, không thể trốn tránh: hình ảnh vầng trăng tròn vành vạnh nhận hậu, cao cả, bao dung, độ lượng cho qua: trách chi người vô tình. Hắn không dám thở nữa, không dám cúi mặt, lẩn tránh bởi ánh trăng im phăng phắc như cái nhìn hết sức nghiêm khắc của vị quan tòa công minh đang chiếu thẳng vào khuôn mặt đã bắt đầu mập ra, ánh mắt đã bắt đầu mờ đục vì cuộc sống sau mấy năm hậu chiến giữa hòn ngọc Viễn Đông này. Hắn giật mình ghê sợ cho chính hắn. Cái giật mình tự vấn lương tâm của người lính cựu vừa ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc và kéo dài. Cái giật mình sám hối chưa hẳn là đã muộn. Cái giật mình bắt đầu cho sự trở lại những tình cảm sáng trong đẹp đẽ: sự thủy chung, lòng nhân hậu, biết ơn đất nước, nhân dân, thiên nhiên và quá khứ một thời, và nửa đời không thể nào quên.
Bài thơ trữ tình có dáng dấp tự sự Ánh trăng mượn một tình huống ngẫu nhiên mà tất yếu trong thiên nhiên và cuộc sống thường nhật cuối những năm 80 thế kỷ trước ở miền Nam để khái quát một quy luật tâm lý con người, xã hội từ thời chiến chuyển qua thời bình. Nhà thơ muốn nhắn nhủ đạo lý Uống nước nhớ nguồn! Lãng quên, vô tình với quá khứ là phản bội, là tội lỗi, cũng tồi tệ, đáng coi thường chẳng khác gì ăn mày dĩ vãng. Bằng thông điệp nghệ thuật, bằng cái giật mình ăn năn, bừng ngộ của nhận thức và tình cảm, Ánh trăng trở thành biểu tượng nghệ thuật cho sự dịu dàng, công tâm và nhân ái của đất nước cùng nhân dân trước lỗi lầm của không ít cá nhân con người. Đọc Ánh trăng, tôi chỉ muốn xin có những cái giật mình trước những lầm lạc, sai quấy của tôi, của bạn, để chúng ta sớm được tẩy rửa, tốt đẹp hơn trong ánh trăng hiền minh, trong vắt ngàn đời. Giật mình để nhận ra chính mình, để biết xấu hổ, để lớn lên, đẹp hơn, trong mắt người yêu, người thân và trong mắt mọi người.
Dưới Ánh trăng của Nguyễn Duy, cái giật mình nghệ thuật khởi sinh từ cái giật mình sinh - tâm lý, cuối cùng đã có thể nâng tới tầm cái giật mình triết lý nhân sinh.
***
Cảm nhận và bình luận tản mạn về 6 cái giật mình… trong thơ Việt của tôi mong được sự phủ chính, phản bịện hay bàn sâu hơn từ phiá các bạn đọc gần xa. /.
Hà Nội, Trèm - Thụy Phương, Từ Liêm, trung tuần tháng 8 – 2011
Đường Văn