Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN BÁ DŨNG VÀ CHUYỆN “ĐÀN ÔNG LOẠI MỘT”

Phạm Xuân Cần
Thứ năm ngày 27 tháng 10 năm 2011 6:17 AM
 
 Khi mới về thành phố Vinh công tác, tôi đã nghe một giai thoại.  Chuyện kể rằng: cứ mỗi buổi sáng, trên đường phố Ngư Hải thường có một người phụ nữ lớn tuổi vừa chạy thể dục, vừa hô khẩu hiệu: “Đảng CSVN muôn năm!”. Ai cũng thấy lạ. Tò mò tìm hiểu mới biết đó bà Chẩn, vợ ông Bá Dũng, phó bí thư Thành ủy Vinh. Hỏi, thì bà nói rằng: “ông Bá Dũng nhà tôi là nhà văn, đào hoa lắm. May mà làm công tác Đảng, được Đảng giáo dục, quản lý, không thì hư lâu rồi. Vì rứa tôi phải cám ơn Đảng. Đảng CSVN muôn năm!”. Dĩ nhiên là chuyện bịa và điều kỳ lạ là người kể cho tôi nghe giai thoại này đầu tiên lại chính là anh Bá Dũng. Anh cũng biết ai là người đã bịa ra câu chuyện đó, nhưng hình như anh lại thích thú với nó, nên chẳng trách móc gì họ cả.
Sau đó là cả một kho giai thoại thật giả lẫn lộn về anh, toàn là những chuyện bọn hậu sinh như tôi khi ấy nghe mà…phát thèm! Tôi chưa bao giờ nghe hoặc thấy anh tỏ ra cố gắng thanh minh những lời đồn không thuận cho một nhà chính trị như anh, mà, ngược lại đôi khi lại tỏ ra hãnh diện vì những giai thoại này nọ. Mà anh đẹp trai, hào hoa, phong độ như vậy không có ba cái chuyện kia mới là lạ. Từ vài chục năm về trước khi biết anh tôi đã thấy anh như vậy, phong nhã, hào hoa với mái tóc trắng như cước. Có lần tôi nửa đùa nửa thật nói với anh: “Sao anh không nhuộm tóc đi cho nó trẻ?”. Anh cười: “Nhuộm đi thì còn gì là Bá Dũng nữa”. Sau đó anh còn ghé tai tôi nói nhỏ: “Tóc ánh kim, ch…im ánh thép”!
Về hưu, mỗi buổi chiều anh lại quần xooc trắng, áo phông trắng và đương nhiên mái đầu cũng trắng, lững thững dắt cháu đến cơ quan cũ đánh bóng chuyền. Có hôm hứng lên anh còn gọi mấy đứa nhân viên nữ trẻ mới về cơ quan cho xem điện thoại. Bọn trẻ xem tin nhắn trong điện thoại của anh, thỉnh thoảng lại kêu ré lên, hoặc xuýt xoa “eo ôi bác Dũng già rồi mà toàn các em xin chết”. “Đứa mô thích chết tau cho chết!”, anh tuyên bố rồi huýt còi chạy ra. Ở đó anh vừa là cầu thủ, vừa là trọng tài. Khi đánh bóng anh cũng hồn nhiên như bọn trẻ, cũng ăn gian, chửi tục, lại còn cậy thế trọng tài bắt và đếm lung tung. Có lần một vị lãnh đạo cùng chơi thấy vậy nửa đùa nửa thật nói: “Bác Dũng ăn gian, nói tục như rứa tôi nói với Đảng bộ phường xếp bác đảng viên loại hai đấy”. “Khi mô bồ tau hắn xếp tau đàn ông loại hai tau mới sợ”. Toét! Toét! Anh lại thổi còi và chơi tiếp.
Sau lần ấy, tôi có “thơ” trêu anh:
“Về hưu ai tập dưỡng sinh
Riêng bác Bá Dũng một mình dưỡng…thai
Đảng viên thì xếp loại hai
Đàn ông loại một, vừa dài, vừa to!”
Anh khoái lắm. Tiệc rượu nào anh cũng đưa “thơ” của tôi ra đọc. “Đèo mẹ! Cả thành phố ni chỉ có ông Cần là đánh giá đúng năng lực của mình!”.
Hồi anh viết cuốn “Muôn nẻo đường đời” được dư luận quan tâm lắm, vì nó dựa trên những chuyện thâm cung bí sử của lãnh đạo tỉnh. Một hôm ngồi uống rượu tôi hỏi anh: “Nhân vật giám đốc trong truyện là thằng mô mà sướng rứa bác? Buổi sáng thì một em “cánh tay trần rực lửa” chia tay ở Vinh, buổi trưa ngủ ở Nghĩa Đàn cũng một em “rực lửa cánh tay trần”, đêm ra Gia Lâm lại một em “rực” đủ thứ. Nó là thằng mô, bác chỉ cho bọn em biết, để bọn em còn học tập, nhân rộng mô hình?”. Anh thong thả nhấp một ngụm rồi thủng thẳng: “Nó là tau đây, chứ thằng máu mô!”. Quả thật đến bây giờ cũng nỏ biết anh đùa hay thật.
Một buổi chiều vợ chồng tôi cùng bạn bè đi xem đá bóng, gặp anh. Là ngày cuối năm dương lịch, nên tan cuộc cả bọn rủ nhau đi ăn tất niên và mời anh đi cùng. Vào mâm đợi mãi vẫn chưa thấy anh đâu, tôi chạy ra cổng đón, thì thấy anh đang dương ô đứng đó trong mưa bụi. “Bác đợi con em của bác, đưa đến cho các chú thèm!”. Một lúc sau anh đi vào với một phụ nữ tuy không còn trẻ, nhưng cao ráo và đẹp một cách sắc sảo, đài các. “Đây là bồ của bác!”. Anh hồn nhiên giới thiệu, rồi mặc cho chị kia tỏ vẻ e ngại, anh vào cuộc, uống rượu, đọc thơ bậy và nói tục say sưa. Vợ tôi trố mắt, kinh ngạc. Về đến nhà nàng mới nói: “Thật không ai như bác Bá Dũng”. Chả biết là khen hay chê.
Tết năm nào tôi cũng thay mặt cơ quan đến chúc tết nhà anh. Một lần khi tiễn đoàn cơ quan ra cửa, anh cười và đùa tôi: “Cái ông Cần này dở thật, ai lại đưa phong bì cho bà Chẩn. Bà ấy “quốc hữu hóa” ngay, lấy gì cho bác đi con em?”. Tức thì tôi rút ngay ra một phong bì khác: “Phong bì đưa cho chị Chẩn là của cơ quan chúc tết, chỉ có ba trăm ngàn thôi. Còn tiền viết sử của bác ba triệu, em đang giữ đây”. Anh nhận phong bì và cười sảng khoái: “Ông thật xứng đáng kế nhiệm tôi!”. Nói vậy thôi, trên đời này tôi ít thấy ai chỉn chu với vợ con, với các cháu như anh. Hầu như anh là người không nề hà chuyện nội trợ, từ đi chợ đến nấu ăn (và nấu ăm ngon) rồi chăm sóc  con cháu…
Anh kể hồi xưa vì đẹp trai, tài hoa nên nhiều em “xin chết”. Vì anh mà một nữ tu đã rời khỏi dòng tu, hoàn tục. Anh cho biết đó là nguyên mẫu một nhân vật trong tiểu thuyết “Nỗi đau muôn thuở”. Chuyện đó tôi tin, cũng như tin anh là người hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ về tôn giáo và đời sống ép xác của các nữ tu. Có vậy anh mới thành công đến thế trong cuốn tiểu thuyết tư liệu “Chuyện trong khu vườn cấm”, cuốn sánh gối đầu dường của bọn tôi khi học và nghiên cứu về tôn giáo. “Bây giờ thì tếu táo thế này, chứ hồi trẻ mình nghiêm túc như thầy tu, lại làm công tác đảng nữa”. Anh kể có lần một nhà thơ nữ rủ anh về quê, đi tắm sông. Cô này giả bộ bị chuột rút, anh vội vàng bơi đến cứu. Tức thì cô ta ôm chặt lấy anh. Anh kéo cô ta lên bờ, chửi cho một trận và bỏ về. “Bác nói cho thật, em thấy chẳng qua là vì chị này không được đẹp…”. “Cũng có lý do đó, nhưng quả thật hồi ấy mình nghiêm mà lại sợ nữa”. Hồi chiến tranh phá hoại anh làm việc ở Tỉnh ủy, đêm đêm vẫn thường đi bắn chim với một vị lãnh đạo tỉnh, thân tình lắm. Trong cơ quan cũng có một cán bộ nữ trẻ đẹp, ai cũng cố gán ghép cho anh. Một tối đi bắn chim, vị lãnh đạo hỏi anh: “Tau hỏi thật mi, mi đã …ụ con nớ chưa?” Anh sững sờ vì tức giận, vì bất ngờ, không thể tưởng tượng nổi một vị lãnh đạo cao cấp mà lại ăn nói như thế. Anh lắp bắp mãi mới thốt ra được một câu: “Bác là đồ…đồ mất dạy!”, rồi bỏ về. Hôm sau vị lãnh đạo nọ phải gặp anh xin lỗi. “Đúng là hồi đó mình ngu thật”. Anh kể lại chuyện này và luôn giành cho vị lãnh đạo nọ một tình cảm và sự kính trọng đặc biệt. Anh coi đó là hình mẫu một con người không bị chức quyền làm mất đi sự tự nhiên, hồn nhiên, không cố lên gân đạo mạo, đặc biệt không đạo đức giả.
 Anh Bá Dũng ơi, bác ấy mất lâu rồi, anh cũng mất rồi, lãnh đạo như rứa bây giờ là quý hiếm lắm, là “sách đỏ” rồi anh ạ…
Bây giờ xuống dưới đó chắc anh chẳng còn sợ ai xếp loại một, loại hai nữa đâu anh nhỉ. Bọn em trên này thì hãy còn nhiều thứ để mà sợ lắm, nhất là chuyện xếp loại, anh ơi!