Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRAO ĐỔI VỚI BÁC PHẠM LƯU VŨ

Nguyễn Lam
Thứ ba ngày 25 tháng 10 năm 2011 8:30 PM
Một chút trao đổi về bài : MỘT CÁCH DỊCH KHÁC BÀI THƠ “THẦN” NAM QUỐC SƠN HÀ, của bác Phạm Lưu Vũ 
Cháu chào Bác Phạm Lưu Vũ Kính Mến !
Thực ra thì cháu thấy.
Thứ nhất : Cách lập luận của bác về chữ “Đế” và cả nội dung ý nghĩa của câu1 là hoàn toàn không đúng về ngữ pháp. Nếu như bác muốn nói cả chủ thể “Nam quốc sơn hà” là chủ thể chính và nó đóng tại …Cung “Nam Đế” thì cấu trúc câu nó phải thay đổi chút ạ. Cũng giống như câu “Hồng đậu sinh Nam Quốc” ( 红豆生南国 ) có nghĩa là “Đậu đỏ sinh ở nước Nam”. Lúc đó  “Nam quốc sơn hà cư Nam Đế” mới có thể láng máng đúng với cách hiểu của bác. Mặc dù đúng là chỉ có … trời mới hiểu cái cung “Nam Đế” ấy là cung gì.
Còn trong bài thơ này, “Nam đế” là chủ thể chính. Có thể đảo lại vị trí chủ thể mà không ảnh hưởng đến nghĩa của nó. “Nam đế cư Nam quốc sơn hà”
Còn về cái “Thần” của bài này.
Cái “Thần” của bài thơ này nó không nằm ở trong chữ “Đế” ( 帝 )của bác. Cháu cũng không rõ nó nằm cụ thể ở chữ nào. Nhưng cháu thấy chữ “Cư” ( 居 ) có vẻ dịch hiểu chưa chính xác lắm. Chữ này không chỉ có 1 nghĩa là “Ở” (động từ) mà nó còn có thêm vài nghĩa động từ nữa. Trong đó có 1 nghĩa là “Giữ”. Nó mang tính xác quyết sự chiếm hữu và chủ động.
Ở nước Nam, với người Nam thì : Ai ? Cái gì ? Ở đâu ? Ở rồi làm cái gì ? Đều được cả. Nhưng người nắm giữ đất nước thì chỉ có 1 người mà thôi. Ấy là vua Nam.
Xét thêm một thực tế nữa. Rằng lũ giặc loạn kia nó sang nước Nam là chính nhằm để cướp nước. Cướp xong thì nó đặt ách đô hộ.  Vua Nam lúc này vẫn được ở nước Nam, nhưng nước Nam không còn là của vua Nam nắm giữ nữa. Thế nên nếu vua Nam dẫu có đem Thiên Thư ra để khẳng định “chủ quyền ở” thì giá trị của nó cũng chỉ dừng lại ngang tầm quyển Sổ Hộ Khẩu của dân ta ngày nay mà thôi. Và theo đó, cháu thấy vua Nam này chẳng hơn hột đậu đỏ kia là mấy.
Vậy thì, chữ “Cư” ở đây nên phải hiểu theo nghĩa là “Giữ”. Đấy mới thật là khẳng định cái quyền hành của vị vua Nam này.
“Sông núi nước Nam là do vua nước Nam nắm giữ”
Vì đã “Phân chia , định đặt rõ ràng trong cuốn sách của trời rồi”
Thứ 2 : “Nam đế”, “Thiên thư”, “Nghịch lỗ” là để đưa đẩy cho nhau trong mạch lô gíc.  Con Trời, đem Sách Trời ra khẳng định, sửa trị lũ phản nghịch muốn cưỡng lại mệnh Trời. Đấy cũng là cái “Danh chính ngôn thuận” của vua Nam.
Bác giải thích lù mù chữ “Thiên thư” để hợp lý hóa cái cung “Nam Đế”. Cháu nghe mà thấy hỗn độn quá. Nước Tàu xưa và nay muốn nhìn sang Ta đều chẳng phải hướng mặt về hướng Nam hay sao !? Giờ Tàu nó cứ theo cách của bác mà dòm sang Ta .(Bác viết : Không phải vô cớ mà “Lễ” quy định vua chúa ngồi quay mặt phía Nam, bề tôi quay mặt phía Bắc. Trong nhà thì bố, mẹ ngồi quay mặt phía Nam, các con quay mặt phía Bắc. Ở bất cứ đâu, người trên bao giờ cũng quay mặt phía Nam, kẻ dưới bao giờ cũng quay mặt phía Bắc, v.v….) Chắc dòm một hồi rồi thì bỗng chốc ông vua nước Nam kia và bác cháu mình tất thẩy sẽ hóa thành con nó hết.
“Thiên thư” – “Sách trời” chỉ nên hiểu là : Kinh điển của tất thảy các loại kinh điển.
Thứ 3 : Lẽ ra sau khi đưa ra “Một cách dịch khác” thì bác phải có 1 bài dịch thơ hoàn chỉnh của riêng bác, để minh họa cái mà bác nói. Không thì chỉ nên nói là “một cách hiểu khác” thôi. Tiếc quá là bác không có.
Cuối cùng : Không nên vội vàng xác định ai kẻ tiểu khí , ai người đại khí bác ạ.
Về phần cháu, cộng với cách hiểu như đã trình bày ở trên với bác. Cháu sẽ đưa ra thêm một ý nữa về kỹ thuật: Bài thơ dịch trong SGK, “Sông Núi Nước Nam”, là bài thơ thất niêm. Vì nguyên bản của nó là thơ thể tứ tuyệt Đường luật.
Mấy ý của cháu chỉ có thế. Nay tự dịch lại bài thơ này để minh họa.
南國山河 
南 國 山 河 南 帝 居,
截 然 定 分 在 天 書。
如 何 逆 虜 來 侵 犯,
汝 等 行 看 取 敗 虛。
Nam Quốc Sơn Hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Núi Sông Nam Cõi
Núi sông Nam cõi vua Nam giữ,
Trời định trong thư ấy rõ ràng.
Loạn giặc vì đâu sang cướp lấn,
Lũ mày sẽ chuốc thẩy tan hoang.
Kính mến các bác!
Hà Nội
24/10/2011
Nguyễn Lam