Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ CỤ TÚ Ở THÀNH NAM

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ sáu ngày 28 tháng 10 năm 2011 10:08 PM

              Nhân Nam Định đang tiến hành tu sửa nâng cấp khu văn hóa hồ Vị Xuyên thành phố Nam Định và đính chính thơ Trần Tế Xương trên phần mộ cụ, tôi muốn Nam Định để ý đến ngôi nhà cụ Tú ở phố Hàng Nâu (cũ) ngay bên hồ đang xuống cấp nghiêm trọng, cần đầu tư tu sửa để giữ lại di tích lịch sử văn hóa này.
 
          Báo Văn hóa số ra ngày 5 tháng 7 năm 2000 ngay trang đầu đã rành rẽ một dòng tin “Nếp nhà xưa của cụ Tú sẽ trở thành khu di tích”. Ai xem được cũng khấp khởi mừng thầm: Sở VHNT đang có ý định mua lại căn nhà năm xưa của cụ Tú để tôn tạo thành một khu di tích nhân 130 năm ngày sinh của cụ. Thoáng mà đã 5 năm, biết đến bao giờ ý định ấy mới thành sự thật. Do lãng quên, do lực bất tòng tâm hay vì lẽ gì mà đến nỗi vậy!
          Để hiểu thêm về lai lịch ngôi nhà, qua tư liệu và thơ cụ, vấn đề đặt ra làm ta day dứt. Nhà cụ phải “giao canh”, tịch ký, hay đã bán cho ai? Trong cái cảnh nửa làng, nửa phố của thành Nam thời ấy, vợ chồng Tú Xương còn ăn ở chung với ông bà Tự Nhuận – thân sinh nhà thơ. Gia cảnh làm ăn buôn bán bất thường, khi phát đạt cụ đã tậu được ba ngôi nhà, riêng phố Hàng Nâu hai ngôi 247 và 280. Đùng một cái, chỉ tháng nữa Tú Xương bước sang tuổi 31 thì tai nạn dồn dập đổ xuống đầu: Bố ở một nơi con ở một nơi / Bấm tay tháng nữa hết năm rồi / Văn chương ngoại hạn quan không chấm / Nhà cửa giao tranh nợ phải bồi. (Than việc nhà). Lúc ấy chủ phải dọn đi, nhà niêm phong lại, giao cho lính canh giữ. Bấy giờ vào năm Canh Tý (1900) ngôi nhà số 247 phố Hàng Nâu bị tịch ký, ông bà Tự Nhuận phải rời lên Đệ Tứ ở nhờ nhà ông Trùm Chu, anh họ còn ông Tú bà Tú chuyển sang nhà sô 280 ở. Ngôi nhà này mua lại của ông Kép Tiêu. Sau vì tin bạn đứng ra bầu chủ vay tiền, lãi mẹ đẻ lãi con đến hạn không trả được, ông C.N (anh vợ) tịch biên nhà cửa, để đến nỗi: Khách hỏi nhà ông đến / Nhà ông đã bán rồi (Than cùng)*. Theo cụ Trần Lê Văn, người cùng làng Vị Xuyên, sự thật không phải “Nhà ông đã bán” mà “Nhà ông đã mất”! Vậy là từ đó nhà Tú Xương lần lượt qua tay các chủ: Ông anh vợ, Kép Bền, Phán San. Mãi đến năm 1952, cụ Trần Ngọc Thêm mới mua lại rồi chuyển giao cho con là ông Trần Ngọc Thành đang sở hữu bây giờ.
          Lại nói đến con đường làng, kể từ “Mom sông” theo dọc xuống phải qua các phố Phù Long, Hàng Cót, Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song, Hàng Sắt và cuối cùng là phố Bến Ngự. Nay phố Minh Khai đặt vào bốn phố cũ Hàng Nâu đến Hàng Song. Đường ấy xưa gọi là đê, chạy phía sau làng, trước là dòng sông Vị. Nhà cửa đều hướng ra sông hứng gió nồm nam. Xưa kia chỉ có làng Vị Hoàng, sau mới cắt ra một làng Phù Long bây giờ là phố Phù Long. Qua bức tranh “Sông Vị”, cố họa sĩ Nguyệt Hồ vẽ năm 1928 còn mờ ảo nhà cửa lô xô bên phố, bên làng, ven bờ uốn lượn chen mấy cụm tre, mép nước vật vờ lau cỏ. Tưởng như hình bóng ông Tú vẫn lận đận, bà Tú thì tất tưởi đâu đây với nghiệp, với đời...
          Nhà cụ làm theo kiểu hình ống, lòng nhà rộng không đầy 4 mét, thoải xuống chừng ba bốn chục mét là dấu tích sông lấp ngày xưa. Từ từ đường vào, ta gặp một vuông sân nhỏ tiếp đến nhà trên, sân trước, mảnh vườn, xuống công trình phụ bếp núc, cuối cùng cổng lở ra cạnh bờ sông.
          Nhà có hai tầng, mái trên và mái ô văng, hiên dưới đều lợp bằng ngói mũi, sát dân cấy một hàng ngói tây cho vững. Gọi là hai tầng chứ thực ra là gác trên và nhà dưới để tiện cho bố con ông Tú leo lên có chỗ cao ráo, yên tĩnh học hành đọc sách, làm thơ mà thôi. Đòn tay gác kèo kỷ, qua giang kê tường, tầng trên hai phía ốp bức bàn, vánh cửa ván trơn xẻ mỏng. Dưới nhà có hai chùm cửa quay, mỗi chùm hai cánh đặt trên bạo gỗ, có then cài, kẻ bẩy. Tất cả bằng gỗ xoan già... Tường nhà xây noi bổ trụ, đại bờ đề đốc cơi cao dật vuông thước thợ. Bếp và các công trình phụ cũng lợp ngói, đòn tay thả xuống.
          Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1965, máy bay Mỹ đánh vào Sở Dầu, rồi quay lại đánh trận địa pháo bờ hồ bom lạc vào nhà cụ, khu công trình phụ tan nát cả. Nay chỉ còn nhà chính, nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh, thời tiết và thời gian, nhà đang hư hại dần... Toàn bộ các đầu đòn tay, xà gồ, quá giang đều đã mục nát, phải gá lên kèo kỷ giả, dựng cột đội đầu, gác sàn lát gỗ đã sập. Đứng từ dưới nhìn lên thông thống suốt mái, hai chuồng cửa quay dưới nhà thay bằng cửa đại hội và cửa sổ nẹp ván. Mấy nhà hàng xóm sát cạnh, tường xây đè hết lên tai đốc đại bờ, nhìn kỹ chỉ còn dấu vết. Các cụ ta ngày xưa ăn ở với nhau chín bỏ làm mười, thật tốt bụng!
          Sân con đều lát gạch thất, trong nhà lát gạch bát. Do quá trình bồi lấp, tôn tạo nền đã chìm sâu chừng hơn một mét, ra vào hiên thấp gần chạm đầu người.
          Bước chân vào nhà, bao nhiêu kỷ niệm hiện về. Chỗ cột nào cụ treo câu đối Tết, thỏa chí giang hồ, nhân gian, phẩm giá... Chiếc đinh đã han gỉ còn đây chắc mỗi khuya về cụ vẫn treo ô, hong bụi mưa xuân bám vào vạt áo. Tôi không dám đụng sợ long lở rơi rụng mất... Hốc kẻ bẩy kia chắc chỗ bà Tú vẫn dắt tiền dặn riêng ông. Mảnh sân con đêm đêm bà thành kính dâng lễ vật, khấn trời cầu mong ông  đỗ đạt, nạn khỏi tai qua; và... ngoài kia đầu cổng nơi sát bờ sông Vị đêm đêm mang hương thơm, trăng gió lọt vào! Nghĩ vậy tưởng mình lạc trong cõi mộng. Rồi lại lo, không biết ngôi nhà – bái vật này đây có còn đủ sức chống chọi được bao lâu!
          Cách đây hơn hai mươi năm, tôi dẫn đứa con gái đang theo học lớp chuyên văn vào thăm nhà cụ, thấy có bảng đề di tích, bảng tóm tắt lai lịch ngôi nhà, có người trông dắng. Giờ thì không. Mà cũng phải thôi; ngay như việc đặt tên cho bài viết này lẽ ra đề là: Ngôi nhà cụ Tú thành Nam xưa mới phải. Việc này cũng xin ông Thành thông cảm, cho phép mới được; may mà ông là một nhà giáo, có tâm đức với cụ, ông luôn khuyên bảo con cháu phải có ý thức giữ gìn. Nhà mình được như bây giờ là có phần nhờ phúc lộc cụ. Các con ông đều là những người có học.
          Ngay khi suy nghĩ viết bài này anh em trong Hội có người can ngăn: Làm vậy phỏng có ích gì, trong khi Nhà nước còn bao công việc. Tôi lại nghĩ khác, về lĩnh vực di sản văn hóa, trách nhiệm với lịch sử cần chăm lo là tùy vị thế của từng người. Với Tú Xương bậc “Thần thơ thánh chữ” phải đối xử thế nào cho xứng. Thử hỏi thành phố mình nếu lãng quên đi, để mai một những di tích tầm cỡ ấy, hỏi còn gì...
          Qua Sea-Games 22, chúng ta đã ra sức kiến thiết đường xá, bể bơi, sân quần, nhà nghỉ, tiền tiêu như rác còn được nữa là... Nhìn thành phố đẹp lên, vui thì vui vậy. Nhưng thú thật mỗi khi qua phố Hàng Nâu, tôi lại thấy có điều chưa phải với cụ!
          Xin có đôi điều ước nguyện: Để ý định Sở VHTT cách đây gần 5 năm trở thành hiện thực, mong Nhà nước, các vị hãy quá bộ đến chứng kiến cảnh tình nhà cụ, để có kế hoạch cắt đặt người, xắn tay vào lo lắng, dành kinh phí đầu tư, kể cả nếu cần kêu gọi lòng hảo tâm công đức của dân hùn vào tu tạo lại ngôi nhà cụ Tú. Và luôn thể vận động mua đổi một số gia đình lân cận, mở mang cổng ngõ ra tận bờ hồ, tới phần mộ cụ. Được vậy những ngày giỗ Tết, lễ hội, du khách con cháu đi về ngưỡng vọng một quần thể di tích Tú Xương mà chỉ thành Nam mới có, thì vui biết mấy! Lại sắp đến rằm tháng Chạp giỗ cụ nữa rồi, liệu có kịp không?... Tôi nhớ trước đây có người đề xuất dựng tượng Tú Xương tay cầm ô, bước xuống mạn đò. Thôi thì chuyện ấy tính sau, trước mắt hãy để tâm tu giữ ngay lấy ngôi nhà – Kỷ vật thấm đẫm tình sâu nghĩa nặng về một con người – Cụ Tú thành Nam của chúng ta! Kẻo lỡ ra ngàn vàng khôn chuộc, miệng thế để đời, mang tiếng chúng ta là những kẻ chỉ biết chém to kho mặn, ăn xối ở thì; khi ấy dù có hối cũng không còn kịp nữa:
          “Sông kia” trời lấp đi rồi / Nhà đây còn lại “van người” giữ cho!
          Âu cũng là tấc lòng chúng ta với Cụ.
  PNK