Lần đầu tiên gặp Trần Kim Anh ở lớp học khóa hai của trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (hội nhà văn Việt Nam), tôi không nghĩ chị lại là người của nàng thơ, mà là cây bút văn xuôi đang muốn tự khẳng định mình trong nghề văn. Nhận đồng hương Hà Tĩnh xong, tôi mới biết cô học trò của mình là người mê đắm thơ, vì thơ mà vừa dạy học vừa làm thơ. Rồi vì thơ mà xin nghỉ sớm nghề dạy học, làm một cuộc thiên di!...
Dẫu có người khâm phục quyết định này, dẫu có người tỏ ý lo lắng cho đường văn của chị. Mặc lòng, Trần kim Anh không hối hận về sự lựa chọn của mình. Tôi đứng về phe ủng hộ chị.
Một ngày áp trung thu năm 2011, tôi bất chợt có niềm vui khi được Trần Kim Anh
Tặng tập thơ mới “lọt lòng” của chị, còn thơm mùi mực, nhìn rất bắt mắt: Khi đàn ong bay đi( Nhà xuất bản hội nhà văn năm 2011).
Phải nói thực lòng là mỗi người trong cuộc sống và nghề nghiệp đều có “sở trường sở đoản” của riêng mình. Tôi cũng vậy, nếu đọc một tác phẩm văn xuôi( là tiểu thuyết hay truyện ngắn, hay ký), thấy thích và nếu cần, viết một bài phê bình về nó, tôi thấy tự tin hoàn toàn. Thú thực trong công việc viết phê bình văn chương đương đại, tôi mới chỉ hai lần cầm bút viết về thơ( Một lần về một tập thơ của Nguyễn Sỹ Đại và một lần về tập thơ tình của thi sỹ tài hoa quá cố Bế Kiến Quốc). Nhưng như người ta vẫn nói “ Tam ba bận”. Lần này tôi thấy không thể không viết về Khi đàn ong bay đi của Trần Kim Anh vì nhiều lẽ.
Sở dĩ tôi đặt tên cho bài viết của mình là Những khúc dâng trong thơ Trần Kim Anh
Vì trước hết tôi thực sự xúc động khi đọc những bài thơ như Dâng cha, mẹ ơi…, lặng lẽ chị…Cảm thụ những bài thơ này của Trần Kim Anh, tôi chợt nghĩ: Không hiểu vì sao lớp trẻ bây giờ lại hay đi tìm thần tượng của mình toàn ở những nơi chốn xa xôi, toàn hướng tới những con người xa lạ ngoài ngôi nhà thân yêu của mình. Có thể nói là rất hiếm và rất ít người trẻ tuổi coi ông bà, cha mẹ, anh chị em, là thần tượng của mình!? Từ trước đó, trong tập thơ Giao Mùa (2006) của Trần Kim Anh tôi đã đọc thấy bài Nhớ cha với những câu thơ “ Cha đi bỏ ngỏ câu hò/ Vắng cha. Uống cạn bơ vơ con về” và vì cha đã ”trao cho con cả muôn vàn thiện lương” vì lẽ đó mà “Con về thắp lửa nén hương…/ Thiện lương gom với hương hoa dâng người” Chữ Dâng trong câu thơ này, đã gợi ý cho tôi viết một bài phê bình nhỏ về thơ Trần Kim Anh. Từ Nhớ cha đến Dâng cha là một khoảng thời gian đủ để nhà thơ ngộ ra một chân lý giản dị: Cha chính là người “cho con làm đất nuôi hoa dâng người”. Cùng tâm thế dâng. Nhưng theo tôi tâm thế sau chân phương và chân thành hơn. Cảm thấu lòng người hơn, khi nhà thơ tự nguyện” làm đất nuôi hoa dâng người”. Đọc hai bài thơ này của Trần Kim Anh, tôi chợt nhớ tới ý của Phan Khôi” Thơ cốt chơn” mà Hoài Thanh dẫn lại trong bài Một thời đại trong thi ca in đầu sách Thi nhân Việt Nam( 1941). Dân gian có câu” Công cha như núi Thái Sơn/ Nghìa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, Hẳn thế mà nhà thơ có thơ Dâng cha thì cũng có thơ dâng mẹ: Mẹ ơi…Trước đó trong tập Nhện Đỏ( 2006), nhà thơ đã viết bài Mẹ, đây là bài thơ đọc rất xúc động vì sự giãi bày của nhà thơ về người đã mang nặng đẻ đau ra mình. Ngoài ơn sinh thành, nhà thơ càng thấm thía” Có mẹ đời con có sớm hôm”. Cũng theo một mạch cảm xúc dâng trào như thế như thế, Trần Kim Anh đã viết về người chị vô cùng thương yêu đã thoáng có mặt trên cõi đời này rồi mãi mãi ra đi: Từ Chị trong tập thơ Nhện Đỏ đến Lặng lẽ chị trong tập thơ khi đàn ong bay đi là những xúc cảm rất chín. Vừa mãnh liệt vừa đau đớn về số phận mỏng manh của người chị sống trên cõi trần chỉ có ba tháng tuổi. Tôi cứ nghĩ người nào biết “dâng tặng” người thân hết mình, người đó cũng sẽ biết dâng tặng con người và cuộc đời một cách vô tư. Cái tâm thế dâng trong thơ Trần Kim Anh cứ được nâng lên cao dần, mở rộng phạm vi dần: Từ dâng tình yêu cho những người thân yêu nhất trong gia đình là cha, là mẹ, là chị đến những người xung quanh, đến cuộc đời rộng lớn, đến quê hương đất nước. Là người con của quê hương Hà Tĩnh” Địa linh nhân kiệt”, nhà thơ mở rộng lòng mình để yêu Hà Nội của tôi( Mà tôi nghĩ là một trong những bài thơ hay trong tập thơ Khi đàn ong bay đi) với một tình yêu sâu thẳm để viết được câu thơ. “ Hà Nội nghiêng lòng nghe tiếng lá rơi”. Yêu cốm Làng Vòng như một người Hà Nội chính cống để cảm nhận được “ Lần trong xanh cốm heo may về đồng”( Cốm Làng Vòng). Tôi cũng là người Hà Tĩnh sống ở Hà Nội 42 năm, nhiều hơn Trần Kim Anh. Nhưng khi đọc những câu thơ của chị về Hà Nội, tôi mới chợt nhận ra một cách thấm thía rằng Hà Nội không là của riêng ai!
Đọc Khi đàn ong bay đi biết Trần Kim Anh là người đi nhiều theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Người ta hay nói đến trí tưởng tượng như một độc quyền của nhà thơ. Và không ít người cho rằng trí tưởng tượng thuần túy là trời cho, nên nhà thơ có thể đóng cửa, thậm chí “trùm chăm” mà vẫn có thể viết được những câu thơ hay. Tôi không phản đối lý lẽ đó. Nhưng có thể nhìn rộng ra để thấy sáng tạo văn chương nói chung và thơ ca nói riêng có những tiền đề giống nhau hết sức quan trọng- Đó là chất đời của từng con chữ được thể hiện trên trang giấy. Muốn thế nhà thơ phải trải lòng mình với người với đời. Một lần tôi chứng kiến Trần Kim Anh đi vào đời sống với tinh thần dấn thân nhập cuộc hết sức đáng trân trọng. Năm 2009, tôi được khoa sáng tác- lý luận và phê bình văn học( Trường đại học văn hóa Hà Nội mời tham gia một chuyến thực tập- Thực tế của sinh viên năm thứ hai trên một địa bàn khá rộng và khó khăn nhưng cũng đầy những khám phá thú vị: Dải đất Cao Bằng và Bắc kạn. Chuyến đi ấy Trần Kim Anh tham gia, với tư cách không phải khách mời, mà với tư cách một người đang học việc sáng tác. Tôi không thể kể lại tỷ mỉ chuyến đi ấy. Nhưng riêng với Trần Kim Anh, tôi thấy chị cầu thị và có ý thức trau dồi để chuẩn bị cho một nghề viết có tính chất chuyên nghiệp. Bằng chứng là cho đến năm 2011, Trần Kim Anh đã sở hữu ba tập thơ chững chạc: Giao mùa(2006), Nhện Đỏ(2006), Khi đàn ong bay đi( 2011), chưa kể nhiều truyện ngắn và bút ký khác in trên các báo và tạp chí trung ương. Trong chuyến đi ấy, tôi quan sát thấy Trần Kim Anh chăm chú không phải là ghi chép mà là lắng nghe cuộc sống ở những vùng đất mới đầy những sự tích có sức mê hoặc lòng người. Sau đợt đi ấy tôi có ý ”theo dõi” nhưng thấy Trần Kim Anh không in bài thơ nào liên quan trực tiếp đến cảm xúc và vốn sống thu hoạch sau chuyến đi. Dường như chị có ý thức để dành, tích lũy. Để rồi một lúc bất chợt nào đó phát lộ bằng thơ những run bật cảm xúc, những suy ngẫm chín muồi về cuộc đời và con người thời đại. Tôi gọi đó là sự “chắt chiu” cái đẹp đời sống mà một nhà thơ chân chính cần thiết phải biết cách thực hiện.
Đọc khi đàn ong bay đi, ta thấy rõ ràng hơn cái” tạng” thơ Trần Kim Anh đã được chị tự “giễu” mình bằng thơ “Em người của thế kỷ xưa/ Không biết tân trang bằng mỹ viện/ Không biết mô đen, rốc rap, đèn mờ khuôn viên/ không biết chat vào ham muốn trái mùa”( Em cũ càng.). Tự nhận mình là cũ càng. Nhưng cần hiểu đó là một cách nói của thi nhân từ xưa tới nay. Tôi đồng tình với nhận xét của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha “ Ngoái về ký ức, Trần Kim Anh: Đã đi tới tận mình. Đã ngộ ra thiền định. Và trong cũ xưa ấy, tự thấy mình lột xác”. Trong tập thơ thứ ba này. Tôi và nhiều người vẫn thích cái chất “cũ xưa” của Trần Kim Anh. Vì nếu khác đi, thì chị dễ bị lẫn vào số đông người viết thơ đang tăng trường tự do thời bây giờ… Tôi thích những bài đúng chất Trần Kim Anh như: Sang thu, Một mình, Ăn xin hương khói, Lặng lẽ chị, Dâng cha, Mẹ ơi, Về quê Nguyễn Bính, Cốm làng vòng, Hà Nội của tôi…
Có người viết văn theo lối “Cứ thế bước ào vào văn chương”. Trần Kim Anh thuộc kiểu khác. Viết là “chầm chậm tới mình”. Nhưng nhanh hay chậm, vang dội và lóe sáng ngay từ đầu như sao băng trong nghệ thuật không quan trọng. Có người quen biết Trần Kim Anh nhận xét rằng, con người này sống chậm thì làm sao theo kịp thời đại, làm sao viết văn viết thơ cho hợp con người thời bây giờ được. Riêng tôi và những người hiểu chị lại nghĩ khác. Sống chậm là lắng đọng, sống chậm là chiêm nghiệm. Tất cả những phẩm tính đó tối cần thiết cho một bản lĩnh sống và bản lĩnh viết trong một thời buổi mà tất cả thay đổi đến chóng mặt.Có lẽ vì con người nhà thơ sống chậm nên thơ Trần Kim Anh có cái phẩm chất “ hồn nhiên vui, hồn nhiên buồn và hồn nhiên trắc ẩn” (Nguyễn Trọng Tạo). Sự hồn nhiên trong thơ, theo tôi là một “bảo hiểm” quan trọng cho sức trường tồn của tác phẩm
Hà Nội thu 2011
B. V. T