Vũ Bình Lục
Nguyễn Trãi có tới hơn chục bài thơ chữ Hán, viết nhân một chuyến đi Trung Quốc. Chắc là còn nhiều hơn thế, bởi chuyến đi ấy kéo dài tới hơn ba năm (quá ba đông). Chỉ còn hơn chục bài, trong hơn ba năm nơi đất khách, với một thi nhân bút lực như Nguyễn Trãi, chắc là chưa sưu tầm được đầy đủ! Đọc kỹ một số bài thơ Nguyễn Trãi làm trong thời điểm này, mới thấy rõ thêm hình ảnh và tâm sự Nguyễn Trãi khi trôi nổi ở nước ngoài, rất nhiều nỗi niềm sâu kín.
Các nhà nghiên cứu xưa nay, theo chỗ tôi biết, phần nhiều chỉ tập trung vào khảo cứu về Nguyễn Trãi trên bình diện rộng lớn, với cảm hứng công dân, như một người anh hùng dân tộc, một nhà yêu nước, nhà quân sự, ngoại giao thiên tài, nhà văn hoá lỗi lạc v.v…Điều ấy dĩ nhiên là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, ở bình diện con người cá nhân trong văn chương, cả với tư cách nhân vật trữ tình chủ thể, còn một Nguyễn Trãi rất đời thường, rất đáng để chúng ta phải bỏ nhiều trí lực để tìm hiểu. Điều này cũng rất cần thiết, dĩ nhiên, để tìm hiểu sâu hơn một Nguyễn Trãi cao vòi vọi, mà gần gũi…
Căn cứ vào nội dung tác phẩm, chúng ta thấy ngay rằng, đây là chùm thơ Nguyễn Trãi viết trong một chuyến công cán sang Trung Quốc, khi ông đã ở cái tuổi trên dưới lục tuần, đã bị thất sủng. Một chuyến đi chưa rõ trọng tâm là để làm gì, hình như chỉ giới hạn ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, khởi sự từ Quảng Ninh nước ta bây giờ, bằng đường thuỷ, vào Khâm Châu Trung Quốc, rồi từ đó mà ngược lên Quảng Đông, Quảng Tây…Bang giao chăng? Lịch sử hình như không thấy nhắc đến chuyến bang giao này. Vậy thì vì lý do gì? Tôi ngờ rằng, sau chiến tranh, nhất là sau khi Lê Lợi mất, bọn gian thần nổi lên như ong, thao túng cả chính sự. Chuyến đi này, có lẽ chỉ có thể diễn ra vào thời Lê Thái Tông trị vì. Nguyễn Trãi lúc bấy giờ cảm thấy cô độc. Có thể gian thần hiểm ác đã bày kế đẩy hổ ra khỏi rừng, để chúng rảnh tay thao túng mọi việc, bởi Nguyễn Trãi ở triều đình, chỉ là cái gai rất khó chịu trong mắt những hoạn quan như Lương Đăng, quyền thần Lê Sát?…Một điều nữa, cho thấy rằng, đây là một chuyến đi bất đắc dĩ. Nguyễn Trãi miễn cưỡng phải thực hiện, bởi không thể khác, nên ông không lấy gì làm vui, đành cam chịu mà thôi. Xin giới thiệu mấy bài thơ chữ Hán viết trong chuyến đi còn nhiều điều chưa rõ, để bạn đọc tham khảo.
QUÁ HẢI
Phiên âm: Bất tận nhàn sầu độc ỷ bồng / Thuỷ quang diểu diểu tứ hà cùng / Tùng lâm địa xích cương Nam Bắc / Long Vĩ sơn hoành hạn yếu xung / Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ / Tráng hoài hô khỉ bán phàm phong / Biển châu tiển ngã triều thiên khách / Trực giá kình nghê khóa hải Đông.
Dịch nghĩa: QUA BIỂN- Gạt hết âu sầu, một mình tựa mui thuyền / Sắc nước mênh mông, tứ nói sao hết được / Rừng tùng ngăn đất làm giới hạn cho Bắc Nam / Núi Long Vĩ nằm ngang làm chỗ ngăn trở hiểm yếu / Nghĩa khí quét phăng nghìn lớp mây mù / Tráng hoài gọi gió nổi, buồm căng nửa cánh / Chiếc thuyền nhỏ mừng ta là khách đi chầu trời / Cưỡi kình nghê mà vượt thẳng biển Đông.
Hai câu đầu, đã thấy rõ tâm trạng của tác giả. Nguyễn Trãi, trên một chiếc thuyền nhỏ, gạt hết âu sầu, một mình tựa vào mui thuyền mà ngắm nhìn trời nước mênh mông, không sao nói hết được tâm tình (Tứ hà cùng)…Thế thì lâu nay đã ôm nặng sầu muộn, vì là trung thần bị ruồng bỏ. Nguyễn Trãi từng ví mình như con ngựa già còn ham rong ruổi (Biểu trần tình), còn muốn đem tài lương đống của mình để giúp nước trong dựng xây, thế mà rốt cục, ông vẫn chỉ là một thanh quan, có chức tước hẳn hoi mà không có việc gì để làm. Ấy là chưa kể việc Nguyễn Trãi từng bị chính Lê Lợi ra lệnh bắt giam, suýt chết, sau vụ các đại công thần Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Sảo bị hãm hại. Tâm sự này, Nguyễn trãi đã thể hiện qua rất nhiều bài thơ, kể cả Hán và Nôm. Nhưng bây giờ thì tạm gạt hết mối sầu ấy đi mà dựa mui thuyền ngắm thiên nhiên, suy ngẫm nhiều điều…
Câu 3 và 4, tác giả nói đến rừng tùng (Tùng lâm) và quần đảo Bạch Long Vĩ. Rừng tùng là chỗ lấy làm biên giới phân chia Nam Bắc, tức Đại Việt và Trung Quốc. Sách Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn chép rằng: Châu Vĩnh Yên có trang Tùng Kinh, trước thuộc nước ta, sau nhà Mạc(Bị ép) buộc phải cắt cho Trung Quốc. Trang Tùng Kinh, chắc là làng người Kinh (Việt) xưa, có rừng tùng, thời Nguyễn Trãi chính là địa danh để phân chia Nam Bắc chăng? Còn Bạch Long Vĩ nằm ngang, có vị trí chiến lược, làm nơi ngăn trở hiểm yếu khi có ngoại xâm. Vậy là vấn đề địa dư được thể hiện một cách khá rành rọt. Câu 5 và 6 (Luận), tác giả viết: Nghĩa khí quét phăng nghìn lớp mây mù / Tráng hoài gọi gió nổi, buồm căng nửa cánh. Đó là nhớ chuyện xưa, quân dân Đại Việt đại phá quân Minh, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi, để nhật nguyệt tối rồi lại sáng, non sông trở lại thanh bình. Tráng khí ấy, vẫn như còn phảng phất đâu đây (Tráng hoài), như đang gọi gió nổi, căng buồm nửa cánh.
Hai câu cuối Chiếc thuyền nhỏ mừng ta là khách đi chầu trời / Cưỡi kình nghê mà vượt thẳng biển Đông. Không thấy ý gì nói đến một đoàn thuyền, nếu là đi công cán theo kiểu một phái bộ nào đó. Triều thiên khách (khách chầu trời). Vua Trung Quốc xưa thường cho mình là thiên tử (con trời). Có thể Nguyễn Trãi viết câu này với ý mỉa mai, rằng cái ông Con trời kia, Nguyễn Trãi từng gọi là Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng…Hoá ra là tiên sinh Đi chầu trời đấy, nhưng lại Cưỡi kình nghê mà vượt biển Đông, thì cái ý ung dung hào khí của Đại cáo bình Ngô vẫn còn đang ủ kín ở trong lòng!
Quá hải (Qua biển) chính là bài thơ mở đầu một chuyến sang Tàu của Nguyễn Trãi, cho chúng ta thấy nhiều thông tin quan trọng, đồng thời thể hiện tráng khí của dân tộc ta như vẫn còn tràn ngập trong lòng tác giả. Hào sảng, phơi phới tự hào, đó là âm hưởng chủ đạo của bài thơ Quá hải!
ĐỒ TRUNG KÝ SỰ
Phiên âm: Thượng quốc quan quang vạn lý đồ / Thiên nhai khuất chỉ tuế vân tồ / Mộng trung thuỷ viễn sơn hoàn viễn / Biệt hậu thư vô nhạn diệc vô / Khách dạ bất miên thiên cảm tập / Thanh thì thuỳ liệu thốn trung cô / Nam châu cựu thức như tương vấn / Báo đạo kim ngô diệc cố ngô.
Dịch nghĩa: Thượng quốc đi thăm, đường xa vạn dặm / Bên trời đếm đốt ngón tay, đã đến năm rồi / Trong mộng thấy nước xa, non cũng xa / Sau khi biệt, thư không có, nhạn cũng không có / Đêm đất khách không ngủ, nghìn mối cảm dồn dập / Trời thanh bình, ai ngờ tấc lòng trung phải mồ côi / Ở Nam châu người quen cũ có hỏi thăm / Bảo cho rằng cái tôi nay vẫn là cái tôi cũ.
Bài thơ này cho thấy Nguyễn Trãi ở nước ngoài đã đến năm rồi. Ông bấm đốt ngón tay, tính rằng đã một năm xa nhà, lòng nhớ thương quê hương đất nước dào lên bao mối cảm dồn dập. Đã nhiều đêm không ngủ, nhớ trời biển sông núi quê nhà, nghiền ngẫm bao điều trớ trêu thế sự. Thư từ, tin tức qua lại hầu như không có. Nguyễn Trãi đã dường như thấm thía bài học thế thái nhân tình. Tác giả viết: Trời thanh bình, ai ngờ tấc lòng trung phải mồ côi! Ông cay đắng nhận ra sự thật, rằng thiên hạ đục cả rồi, chỉ còn ông trong, ví như Khuất Nguyên bên Tàu phải ôm mối cô trung, uất ức nhảy xuống sông Mịch La mà chết. Nguyễn Trãi không chết như thế, bởi ông Còn có một niềm trung liễn hiếu / Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông! Ông xót xa đau đớn nói với những người quen cũ ở trong nước (Nam châu), rằng cái tôi nay vẫn là cái tôi cũ! Nghĩa là tấm lòng ông trước sau vẫn vậy, Còn có một lòng âu việc nước / Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung (Thuật hứng-Bài 23)…
Trong khoảng một năm ấy, không rõ Nguyễn Trãi đã đi đến đâu, làm việc gì. Một số bài thơ sáng tác ở thời điểm này, cho ta biết Nguyễn Trãi từng đi qua Tầm Châu, một phủ ở tỉnh Quảng Tây, phủ lỵ ở huyện Quế Bình. Ông viết: Dưới thành Tầm Châu tiếng trống vang / Đường khách còn phải dừng lại mấy tháng / Khe động nhiều dân, núi tám vạn ngọn / Lầu thú thổi tù và, trăng sáng ba canh…Nhìn cảnh sinh tình, ông than thở: Ta đã già trên đường đời, nỗi gian hiểm thuộc cả / Giữa đêm không ngủ, một mình xót thương…Nguyễn Trãi cũng có Đêm đậu thuyền ở Bình Nam, một huyện của phủ Tầm Châu, ở trên sông Tầm Giang. Cũng lại ngắm cảnh mà sinh tình, ông thở vắn than dài, tự trách mình đã hẹn với non xanh, với sông hồ mà không thực hiện được: Tiếng cây xua mộng cùng với tiếng thác / Có hẹn với hồ và núi, mà trái với chí xưa / Năm tháng như trôi qua, cuộc sống này đành uổng / Nửa đêm trên lầu thú thổi tù và / Trong cảnh khách lạnh lùng, tình khôn xiết!...Nguyễn Trãi cũng vào Ngô Châu, thưởng ngoạn cảnh đẹp ở đây, có đèo Cửu Nghi chứa biếc, núi mượt như ngọc / Miền Lưỡng Quảng chia dòng, nước như chẻ đôi…Nguyễn Trãi cũng từng Chơi chùa Nam Hoa (Du Nam Hoa tự). Đây là ngôi chùa ở phía nam huyện Khúc Giang, do nhà sư Ấn Độ dựng vào năm đầu Thiên Giám nhà Lương (502), đến đời Tống mới gọi là Nam Hoa tự. Nguyễn Trãi cũng từng qua thăm Miếu Văn hiến ở Thiều Châu, nơi có đền thờ Trương Cửu Linh, một vị tể tướng, kiêm thi sĩ nổi tiếng đời Đường, ở huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông. Ông chùi tay để xem bia cổ, tiếc thương và ca ngợi con người trung nghĩa và sáng suốt, mà tấm gương tráng liệt của Trương Cửu Linh còn soi sáng đến muôn sau.
Một chi tiết rất thú vị, qua bài thơ Quá Lĩnh (qua đèo) của Nguyễn Trãi, ta biết thêm vẻ đẹp của đèo Mai Lĩnh, xưa vốn là cửa ải nhìn sang Nam Việt. Tể tướng nhà Đường là Trương Cửu Linh, cho mở đèo, đã cho trồng nhiều cây mai ở đây, nên gọi là đèo Mai Lĩnh. Đi hết Mai Quan mà không thấy cây mai nào cả / Sát đường hàng ngàn cây tùng đứng chọc thấu ngân hà / Theo mây một đường xẻ núi ra mà mở / Gần mặt trời Trường An, buông mắt nhìn tới / Xa bầu trời tổ quốc, nặng tình cảm hoài…
Nguyễn Trãi từng đi qua Giang Tây, qua thành Nam Xương (Hồng Đô), lại qua Thái Thạch, nhớ Lý Bạch thi tiên chết đuối ở nơi này mà cảm tác. Ông làm thơ gửi bạn, thực ra là gửi tâm sự thôi. Bài Ký hữu, không rõ là gửi ai, tác giả viết: Sau loạn, bà con bạn bè lơ thơ như lá rụng / Bên trời thư tín vắng, không có chim hồng mùa thu / Mộng trở về vườn cũ, mưa suốt ba canh / Ngâm thơ ở quán khách, bốn vách dế rộn / …Bạn cũ ở Việt trung (trong đất Việt) như có ai hỏi thăm / Xin vì ta nói rằng sinh nhai vẫn đổi chỗ như cỏ bồng xoay chuyển.
Đặc biệt bài Chu trung ngẫu thành (Ngẫu nhiên làm trong thuyền), tập trung hơn cả tâm tình Nguyễn Trãi, sau hơn ba năm ở đất khách quê người. Tác giả viết: Đeo gươm mang sách, đởm khí thô / Muôn dặm qua biển núi như tấm buồm cô / Trên đường đi ngày tháng đã quá ba đông rồi / Trong cảnh nơi đất khách, thân bằng không nhận được một chữ / Ở cảnh lạ, năm tháng đi qua mới là sợ / Ngồi thuyền còn nhớ lại cảnh giang hồ xưa / Chí mạnh ra bốn phương bình sinh vốn có / Chuyến đi này há có thể chối từ: “Đầy tớ ta mệt rồi”!
Như vậy là đã rõ. Nguyễn Trãi càng lúc càng bị đẩy xa khỏi kinh thành Thăng Long, như một sự vô hiệu hoá thật đáng sợ. Ông cảm nhận rõ điều đó, buồn cho thế sự, rồi cảm thương cho thân phận của mình. Người anh hùng thất thế, chỉ còn biết giận mình, trách mình sao không sớm về mà còn đeo đẳng chi cho mệt. Ông mượn một câu trong Kinh Thi, để tỏ sự chán ghét của mình: “Đầy tớ ta mệt rồi”!
Hơn chục bài thơ, chung quy một niềm tâm sự xót xa thầm kín, của người anh hùng di hận kỷ thiên niên. Vận hội gặp phong ba, trí mưu sao được nữa? Tiên sinh Nguyễn Trãi từng than thở như vậy! Hoàng kim nhiên quế tận / Tráng chí trục niên suy (Gạo châu củi quế hết rồi / Mỏi mòn tráng chí theo đời sụp suy-Vũ Bình Lục dịch thơ)…Mạnh Hạo Nhiên, một thi sĩ nổi tiếng đời Đường viết như vậy. Có thể mượn câu thơ này mà khái quát tâm sự của Ức Trai tiên sinh ở quãng đời hơn ba năm trôi nổi như cỏ bồng cánh bèo này chăng?
Hà Nội-Thu 2011
V.B.L