Tuyên Quang, ngày 26 tháng 10 năm 2011
Anh Dân kính mến!
Sáng nay, em vào trang web của Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, thấy có bài của bác Phương Lựu, bàn về bài viết của anh, với chuyện Hiện đại, Hậu hiện đại, đăng trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong đó, anh có nhắc đến bài viết Lại chuyện bên lề Hội nghị viết văn trẻ. Bài này, em được đăng trên web trannhuong.com, có đoạn :
“Trường phái Hiện đại, Hậu hiện đại?
Tôi nghe nhà lý luận phê bình, nói về các trường phái Hiện đại, Hậu hiện đại, trong buổi tổng kết hội nghị, đại ý thế này: Trường phái HĐ thì có tuyên ngôn, nhưng HHĐ là kế tiếp của HĐ, nên không có tuyên ngôn gì nhiều. Đại loại thế, không biết có phải tôi nghe tai nọ sang tai kia hay không? Nhưng mớ kiến thức tạp pí lù về lý luận trường phái này nọ, mà tôi ghi nhận được rằng, HĐ và HHĐ là trường phái (to) khác nhau, vì trong lòng nó, còn chứa nhiều loại (con) nữa, như: Đa Đa, Siêu thực, Tân hình thức… HĐ thì ra đời từ những năm 50 của thế kỷ XX, bản chất nhất nguyên, một trung tâm, nên mấy ông cộng sản khoái. Còn HHĐ, ra đời những năm 70 của thế kỷ trước, nó vốn đa nguyên, nhiều trung tâm, nên các ông nhà ta hay mè nheo, chê bôi.
Nếu đánh đồng HĐ và HHĐ với nhau, thì có liên quan gì đến vấn đề ý thức hệ không? Vấn đề này, tôi cần được sự chỉ giáo, xin trân trọng lắng nghe. Bởi đọc lý luận về trường phái này nọ, nhiều quá, đầu óc cứ mụ mị cả đi. Có lẽ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh dạy phải, cứ viết, không nệ trường phái.”
*
Thưa anh Dân, sở dĩ em phải dẫn lại xuất xứ và các tư liệu như trên, vì đã từ lâu, em không vào được trang web vanvn.net, của HNV VN nữa. Việc này, em đã phàn nàn với bác Văn Chinh và cô Phong Lan, là những người phụ trách. Cô Phong Lan thì có vẻ ngạc niên, bởi trang web của HNV, thì có vấn đề gì nhạy cảm đâu, mà phải chặn hội viên? Bác Văn Chinh còn nhiệt tình, gọi chuyên viên hướng dẫn cách vào lại. Nhưng vẫn không đọc được. Có lẽ, bây giờ, các bạn hác-cơ không chỉ chặn các trang mạng “nhạy cảm”, mà còn “Hậu hiện đại” hơn, là chặn nguồn tiếp tế của nhà văn nữa? Bởi thế, em đành bó tay trước kho kiến thức của HNV. Và cũng bởi thế, bữa nay vào trang web của Khoa Ngữ văn, mới biết chuyện này. Kể ra, anh đăng ngay ý kiến lên cùng trang mạng của bác Trần Nhương, thì em đã được lĩnh hội từ lâu rồi. Từ nay, có ý kiến gì liên quan, ngoài việc đăng lên vanvn.net, thì phiền anh gửi cho em một bản, theo email
tuutuyenquang@gmail.com, hoặc gửi thư bưu điện, thì địa chỉ là: số nhà 537, đường Quang Trung, tổ 25, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Em xin cám ơn trước.
*
Thưa anh Dân, những vấn đề về HĐ và HHĐ, có đăng rất nhiều trên các trang web. Năm ngoái, em in cả loạt, đọc mấy tháng liền, phân loại trường phái, rồi mở chuyên mục để lưu trữ, thỉnh thoảng xem lại. Quả thực, đó là những vấn đề rất phức tạp, không thể nghiên cứu một sớm một chiều. Em nhất trí ý kiến bác Phương Lựu, đại ý rằng, người cầm bút, phải đọc để biết, còn vận dụng được hay không là chuyện khác. Em đọc, với ý thức cầu thị, không định kiến và thấy, bản thân chúng toát lên tinh thần như thế, như thế. (Chứ không phải em định nhảy sàng lĩnh vực phê bình lý luận của anh đâu). Nếu ai muốn bắt thực tế phải theo ý kiến chủ quan của mình, để phục vụ cho cái gì đó, thì khiên cướng, không phải tinh thần và phương pháp khoa học, người đời gọi đó là sự duy ý chí. Khoa học, trước hết đòi hỏi sự khách quan. Anh Dân ạ, đọc bài của anh, thấy kiến thức sâu rộng, phân tích khúc triết, mà thấm thía về vấn đề HĐ và HHĐ; mặc dù anh khăng khăng bảo, không có HHĐ?
Nhân đây, em xin kể một câu chuyện, đã dựng thành phim, để anh nghe chơi. Một bà cụ, có con hy sinh ngoài chiến trường, nhưng ai nói đến chuyện đó là bà mắng cho, bảo là đồn nhảm. Đến khi bà cụ mất, con cháu mở hòm đồ ra, mới thấy trong đó có ảnh liệt sỹ và bát hương, mà bà cụ đã âm thầm ném nỗi đau thương bấy lâu nay.
Ngày trước, các cụ nhà ta bảo, kinh tế thị trường là của tư bản, phải đấu tranh; nay lại bảo, đó là của chung nhân loại. (Cười nhỉ?). Như vậy, vấn đề thị trường là có thật, sản xuất hàng hóa là có thật. Thế là, xuất hiện mệnh đề mới: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Nhiều chuyện, cứ ngỡ làm thế là tiến lên, nhưng thực tế, đang lùi dần, lùi dần để tiếp cận sự thật, chân lý. Trong quá trình đó, xuất hiện hàng mớ lý thuyết giáo điều, ngụy biện. Và khi làm chuyện đó, tất nhiên là phải bài xích người khác, để thấy mình mới là đỉnh cao trí tuệ. Liên Xô, phải mất 70 năm, mới có điều kiện, để trả sự thật về cho sự thật.
Em thường viết ngắn, mỗi bài vài ba trăm chữ, thư này phải viết cả ngàn chữ rồi, mong anh thông cảm. Thôi, giấy ngắn chuyện dài, em xin dừng bút tại đây. Cuối thư, em xin cám ơn trang web của Khoa Ngữ văn ĐHSP HN, đã cho đọc chuyện này; cám ơn bác Phương Lựu, với những ý kiến rất rõ ràng, khoa học, tôn trọng thực tế khách quan, nên có nhiều điều bổ ích; trân trọng cám ơn anh Dân, đã có lời chỉ giáo; và cám ơn bác Trần Nhương cho đăng thư này.
Em chúc anh mạnh khỏe.
Nay kính
Em
Vũ Xuân Tửu