Phải nói là trong chiến tranh, dù phải đối mặt với bao nhiêu hiểm nguy, bom đạn chết chóc nhưng lòng dân bao giờ cũng thấy yên ổn. Cái đói hàng ngày hiện hữu, cái ác liệt hàng ngày hiện hữu nhưng tại sao người dân lại thấy bình yên, một tinh thần bình yên. Sự thanh thản bình yên ấy có được là nhờ cuộc chiến có mục đích, có ý nghĩa mang tính dân tộc, sự sống cái chết có mang ý nghĩa yêu nước. Có nền tảng là lòng yêu nước, tinh thần ví đất nước, nên có phải đối mặt với hàng ngàn hiểm nguy, ác liệt, bom đạn, nghèo đói, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, sự hi sinh mất mát ngày càng nhiều, càng khốc liệt nhưng lòng người vẫn cảm thấy yên ổn. Tình người vẫn được đề cao. Tinh thần tương thân tương ái vẫn đủ đầy. Gặp người lâm vào cảnh hoạn nạn, đói khổ vẫn sẵn sàng ra tay giúp đỡ. Bạn bè anh em túng thiếu vẫn nhường cơn sẻ áo không so đo. Gặp người già người trẻ nhường bước. Lỡ va chạm nhau tự mình nhận lỗi trước. Có khúc măc lấy hòa giải làm chính. Cuộc sống có cam go đến đâu cũng lấy nhân văn, nhân bản làm trọng, thiếu thốn cũng lấy đạo đức, tình làng nghĩa xóm làm trọng. Đạo đức và lương tri vẫn được xếp bậc trên cùng của mọi bậc thang giá trị xã hội. Kẻ ác và sự bất nhân vẫn bị xét xử trước pháp luật. Đát nước ta đã có một thời như thế.
Sau ba mươi lăm năm sống trong hòa bình, đất nước được gọi là tăng trưởng kinh tế nhanh, đường xá mở mang, hàng trăm thành phố ra đời, hàng ngàn khu công nghiệp, khu chế xuất thành lập, điện và hệ thống thông tin về tận bản làng xa xôi. Đền chùa miếu mạo khắp nơi được trùng tu hoặc xây lại ngày càng hoành tráng hơn cha ông xưa làm. Thỉnh thoảng có những cuộc ca nhạc để quyên góp tiền làm từ thiện. Những căn nhà tình nghĩa tặng cho người có con hi sinh, dù rất nhỏ bé và rẻ tiền.
Nhưng dường như văn hóa tinh thần lại không đi cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội. Tính an sinh xã hội và sự bình yên trong lòng người dân dường như lại càng mong manh, thấp thỏm từng giờ. Đường sá mở mang thẳng băng khắp nơi thì rừng càng bị phá nhiều, việc bảo vệ rừng càng khó khăn hơn. Công nghiệp hóa sẽ đi cùng với ô nhiễm hóa nền kinh tế. Sân gôn nhiều, khu công nghiệp nhiều thì cũng sẽ có nhiều dòng sông chết. Một thành phố hay một đô thị mở mang thì chúng ta phải đánh đổi hoặc làm biến mất hàng chục, hàng trăm làng xã cổ truyền với những văn hóa truyền thống, đạo đức gia phong truyền thống. Vẻ đẹp của sự bình yên và sự trong lành ngàn đời sẽ mất đi vĩnh viễn. Hóa ra không có cái gì là không phải trả giá. Cái mưu lược mà người cầm quyền phải lựa chon là làm sao để nhân dân đừng phải trả một cái giá quá đắt
Tuy nhiên cái đáng lo ngại hơn với mọi người dân lại là sự bất ổn trong lòng người, là tính an sinh xã hội còn quá bấp bênh. Người dân luôn luôn cảm thấy lo lắng, hàng ngày sống cứ thấy bất an. Đất ngày càng thu hẹp mà người cứ ngày một thừa ra. Người nông dân đổ ra thành thị không phải để vào các nhà máy mà là làm nghề lau nhà, nhặt rác, bốc vác, trông người ốm... những công việc đơn giản, rẻ mạt mà nay có mai không. Đồng tiền mất giá hàng ngày. Ra đường bị kẻ cắp móc túi không ai dám tố cáo. Hoa quả toàn sử dụng thuốc mau chín. Lợn dịch được mua về làm giò chả. Chắt bóp nuôi con bao nhiêu năm tốt nghiệp đại học không thể xin được việc làm. Trẻ em bị xâm hại tình dục, bị đánh đập như nô lệ, ốm thì ba cháu nằm một giường, mặc dù nước ta ký công ước quyền trẻ em đầu tiên. Sống hôm nay mà không biết ngày mai thế nào. Cứ phấp phỏng lo sợ. Nhà cửa vườn tược cha ông để lại mấy đời nhưng không biết xã, huyện, tỉnh lấy lúc nào, khi ấy sẽ ở đâu, vì đất đai thuộc công hữu và những dự án lấy đất bán cho nước ngoài, làm reort, làm sân gôn thì được khuyến khách. Còn mất là chuyện may rủi. Luôn luôn như thấy đất dưới chân mình đang cựa quậy, nhà mình đanh chao đảo vì ám ảnh một dự án nào đó sắp ập xuống đầu mình.
Chỉ mới nghĩ đến những sự trước mắt, khi ra đường, khi đi chợ hay khi vào bệnh viện mà đã thấy thấp thỏm. Về đến nhà tim gan lại thon thót. Chưa dám nghĩ đến chuyện xa xôi như trên biên cương hay ngoài hải đảo. Sự bình yên trong lòng người, khó lắm thay!